Đôi lời với nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

Đôi lời với nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội


Nhà thơ Bằng Việt. Ảnh: internet
Thưa nhà thơ Bằng Việt

Tình cờ tôi được nghe mấy lời anh nói tại Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội (HNVHN) ngày 30 tháng 10 năm 2016 vừa qua về Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam (BVĐVĐĐL) khi trả lời chất vấn về trường hợp nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (qua clip ghi hình trên trang mạng Trần Nhương và Nguyễn Xuân Diện). Thấy phải có ngay “đôi lời” với anh, vừa theo chỗ thân tình – bạn học từ thời “áo trắng đơn sơ mộng trắng trong” dưới mái trường Phổ thông Ba Việt Đức 1958-1960, bạn thơ “bút mới” Hà Nội thời chiến tranh, bạn sinh hoạt với HNVHN những năm 2002-2008; vừa theo lương tâm của một trong các thành viên sáng lập BVĐVĐĐL buộc phải phản ứng với những phát biểu công khai gây ngộ nhận cho tổ chức của mình.

A. Trước hết, xin ghi nhận anh có một số ý kiến thẳng thắn, tương đối khách quan về BVĐVĐĐL.

Anh đã nói đúng bản chất của BVĐVĐĐL: “Tuyên ngôn chấn hưng nền văn học dân tộc đang xuống cấp nghiêm trọng”, “hoàn toàn độc lập, không chịu, không muốn liên quan bất cứ tổ chức chính thống nào…”, “tách biệt khỏi hệ thống các tổ chức xã hội của chúng ta [ ý là của “Đảng ta” – HH] trong đó có Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội”.

Xin đối chiếu với “Tuyên bố thành lập BVĐVĐĐL ngày 3/3/2016”:

“Sau năm 1975, kết thúc một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản, mà nền tảng là phục hưng văn hóa. Tiếc thay công cuộc cần thiết và nghiêm trang ấy đã không diễn ra như mong đợi. Trái lại văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc…

Trước tình cảnh kéo dài và nay đã trở nên cấp bách đó, chúng tôi, những người cầm bút ký tên dưới đây, quyết định vận động thành lập một tổ chức độc lập của các nhà văn viết bằng tiếng Việt ở trong nước và ngoài nước, lấy tên là Văn đoàn độc lập Việt Nam, với mong muốn góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới, có thể đóng vai trò tiền phong đúng như nó phải có trong sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi…

Văn đoàn độc lập Việt Nam là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước”.

Nếu so với bài nói chuyện của ông Chủ tịch Hội LHVHNT toàn quốc ở Thanh Hoá vài năm trước mà một cây bút mạng đã đưa lên, trong đó sự xuyên tạc, vu cáo BVĐVĐĐL khá thô bỉ, thì thấy anh hơn hẳn một cái đầu về nhận thức và ứng xử văn hoá!

Tuy nhiên, không hiểu do nhầm lẫn hay “buộc phải tỏ ra nhầm lẫn” vì sức ép nào đó, anh đã vô tình hay cố tình bóp méo hai chi tiết rất quan trọng trong Tuyên bố của BVĐVĐĐL:

1/ Anh nói: BVĐVĐĐL phủ nhận nền văn học cách mạng từ 1945 đến nay (mà anh cho là chính nhà văn Nguyên Ngọc, người đứng đầu BVĐVĐĐL đã từ đó sinh ra), và nói tuyên bố như thế là “ngộ nhận, vội vã”.

Xin thưa: Chỉ cần liếc qua mấy dòng trích phía trên trong Tuyên bố thành lập BVĐVĐĐL, ta thấy ngay không hề có sự “phủ nhận” nào như anh nói!

Vả lại, việc đánh đồng “nền văn học của chúng ta” như anh nói đến nhiều lần trong lời phát biểu, với “nền văn học cách mạng”, là một sự lẫn lộn hoặc đánh tráo khái niệm quá ấu trĩ hoặc khiên cưỡng mà ngày hôm nay có lẽ chỉ những cây bút “con đẻ của tuyên huấn” mới sử dụng.

Trong nền văn học được Đảng Lao động trước đây, Cộng sản sau này tài trợ hoặc công nhận, chí ít là không bác bỏ, ta tạm gọi là “văn học chính thống”, ngoài các tác phẩm “cách mạng” do đa số nhà văn bị dẫn dắt một cách cưỡng bức hoặc lừa mị, vẫn có không ít tác phẩm của các nhà văn tài năng, bản lĩnh, cố thoát ra khỏi gông cùm “ý thức hệ” để vươn tới cái phổ quát, cái nhân bản, cái đẹp. Điều đó khỏi cần chứng minh. Không thể “vơ” những tác phẩm như thế vào “nền văn học cách mạng”. Đó là tài sản của văn hoá dân tộc.

Đến nay, các nhà lý luận nghiên cứu phê bình nghiêm túc chỉ nói đến “văn học kháng chiến 1945-1954”, “văn học miền Bắc 1954-1975”, “văn học sau đổi mới”… Có nói đến “văn học cách mạng” là thường để trong “…”.

2/ Anh nói: BVĐVĐĐL tuyên bố là “một tổ chức đối lập”.

Không hiểu anh “trượt miệng” hay cố tình? Anh không phân biệt được “độc lập”/ “đối lập”? .

Nếu đối lập, thì xin hỏi BVĐVĐĐL đối lập với ai? Khi rất nhiều thành viên BVĐVĐĐL vẫn là Hội viên Hội Nhà văn VN và Hà Nội, điển hình là hai anh Thái Kế Toại (đương chức Phó Chủ tịch thường trực Hội điên ảnh HN sau bầu cử khoá mới), Phạm Xuân Nguyên đương chức Chủ tịch HNVHN (chỉ sau khi bị Hội Nhà văn ngang nhiên tước bỏ quyền dự Đại hội, 20 thành viên BVĐVĐĐL mới rút tên khỏi HNVVN)?

Không, chúng tôi không “đối lập” một cách chung chung vơ đũa cả nắm, chúng tôi chỉ muốn “độc lập”, không muốn bị ai “lãnh đạo, nuôi nấng và sai bảo, dạy dỗ”. Không, chúng tôi chỉ “đối lập” với những ai, với những chính sách, những việc làm vi phạm quyền tự do sáng tạo và công bố tác phẩm của tác giả, đi ngược lại tính nhân bản của văn học.

Nói như thế không phải chúng tôi sợ hãi vì bị coi là “đối lập” hay đánh giá không tốt những tổ chức “đối lập” đang có và chắc chắn sẽ có, đơn giản là chúng tôi yêu cầu “gọi sự vật đúng tên”.

B. Một điểm nữa đáng ghi nhận trong phát biểu của anh về thái độ nên có của anh và “các đồng chí” đối với BVĐVĐĐL: coi anh em trong BVĐVĐĐL là những người từng đóng góp rất nhiều cho văn học nước nhà, coi họ như bạn bè, đồng nghiệp, không đẩy họ sang hàng ngũ thù địch, “vì bất mãn hay vì cách đối xử nào đấy” (mà chuyển sang hàng ngũ thù địch).

Đó là, không kể anh còn ẩn ý “khen” BVĐVĐĐL khi dùng hình ảnh “cô bồ trẻ trung, xinh đẹp” của anh Phạm Xuân Nguyên, so với bà vợ (già, xấu xí?) là HNVHN, hihi…

Nhưng ngay trong phát biểu này, anh cũng phạm sai lầm: quá coi thường các thành viên BVĐVĐĐL, đa số là những cây bút lão thành đầy bản lĩnh. Họ lập BVĐVĐĐL đâu phải vì “bất mãn cá nhân”, vì “một cách đối xử” nào đó, mà vì họ có quan điểm rõ ràng về thế giới và nhân sinh, về nghệ thuật, không đồng nhất với quan điểm mà anh nói là “quan điểm của Đảng”. Không ít người đã từ chối giải thưởng và/hay tài trợ của chính quyền, vì muốn giữ đúng chỗ đứng “độc lập” của mình.

Tức họ là những người “bất đồng chính kiến” nói theo ngôn ngữ thời thượng, và họ công khai sự “bất đồng” ấy. Tôi tin rằng không sự ve vuốt, phủ dụ nào của các thế lực quyền-tiền có thể “đẩy” họ ra hay “lôi” họ về đâu anh ạ!

Để kết thúc, tôi chúc anh luôn phát huy nhiều nữa những nét đẹp mà lương tri, lương tâm của một trí thức, một nhà thơ đích thực tạo nên, cố hạn chế những nét xấu mà con người tuyên huấn, con người cán bộ văn nghệ ăn lộc Đảng nó tiêm nhiễm vào anh. Để chúng ta vẫn luôn là bạn. Để ngày mai bạn đọc chỉ nhớ “nhà thơ Bằng Việt”, quên đi một “ông Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hữu danh vô thực ”, một “ông Chủ tịch cái hội gì đó trong tay áo tuyên huấn thành ủy”!

Chúng ta đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, là bậc đàn anh, bậc thầy của tất cả các vua và quan đầu triều, còn gì phải “lăn tăn” nữa anh!

Hoàng Hưng
FB Phạm Xuân Nguyên

THƯ NGỎ GỬI ÔNG BẰNG VIỆT, CHỦ TỊCH HỘI VHNT HÀ NỘI

Hà Nội ngày 31 tháng 10 năm 2016

Ông Bằng Việt thân mến!

Xin cùng nhau nhớ lại hơn 40 năm trước: Đại hội thành lập Hội VHNT Vĩnh Phú (lần I) diễn ra vào tháng 3 – 1975 sau hơn 3 năm Ban Vận động do nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi làm Thường trực Ban có những hoạt động nổi tiếng lẫy lừng nửa nước – đúng hơn là cả nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Các vị Trưởng, Phó ban Vận động như Trần Quốc Phi, Nguyễn Chí Vượng mát mặt vì nhờ có ông Vợi, nên các văn nghệ sỹ TW và các tỉnh biết đến mình, đến Vĩnh Phú. Nhưng do thói GATO, các văn nghệ sỹ bất tài ghét ông Vợi, xúm nhau vạch lá tìm sâu, xắc mắc um lên ngay bên thềm đại hội ông Vợi là Nhân văn Giai phẩm, rồi việc bóp vú cô nọ cô kia.

Bằng cách ấy, ông Vợi bị gạt ra rìa.

Bằng cách ấy, người ta gạt hoạt động văn nghệ thứ thiệt ra rìa.

Hồi ấy tôi còn ngây thơ cay đắng lắm: Tại sao văn nghệ sỹ mà cư xử với nhau trắng trợn và thấp hèn đến thế.

Lại nhân vì gần suốt đêm ấy anh em từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội…ngồi với nhau than vãn về việc trên hội trường ban ngày. Ông Huyền Kiêu xin kiếu đi nằm sớm, rồi lần lượt các ông Trịnh Hoài Giang, Vương Trí Nhàn, Vũ Quần Phương đi nằm. Ông và tôi là 2 người đi ngủ sau cùng. Trước khi đi ngủ, còn rủ nhau ra nhà vệ sinh công cộng (khá xa) ông vừa đái vừa nói với tôi:

– Thế đấy Văn Chinh ạ, Đảng không bao giờ tin anh em văn nghệ sỹ.

Sớm hôm sau, tôi làm bài tứ tuyệt, ngồi hý hoáy chép lại tặng ông:

“Anh nói đúng, chả bao giờ họ tin văn nghệ sỹ

Là nhà văn, ta chỉ nên sống chết với nghề

Tin yêu thế thì càng đau đớn thế

Bão mưa chiều ập đến. Bão mưa đi”

Ôi cái dấu chấm (giữa câu) tưởng dứt khoát đoạn tuyệt mà rồi ra, 41 năm qua, phải đến mấy mươi lần tôi ngậm ngùi với câu Kiều: “Tiếc thay nước lã đánh phèn/ Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần.” Là bởi vì cái phẩm tố nghệ sỹ là tin yêu!

Về sau, ông dùng câu thơ của tôi (có chú thích) trong bài “Bè bạn một vùng đồi” rất hay của mình. Ông làm chứng nhân của lịch sử bằng thơ, ghi lại cái quá khứ huy hoàng của Ban Vận động Thành lập Hội VHNT Vĩnh Phú.

Ông không thể có được bài thứ hai về Hội VHNT Hà Nội, nơi đã hơn 30 năm ông gắn bó rồi lãnh đạo nó. Không, không thể. Vì hội của ông không thể có cái tinh thần của ban Vận động thành lập Hội VHNT Vĩnh Phú, nơi có ông Vợi làm Ủy viên Thường trực Ban. Cổ nhân nói: “Văn dĩ hội hữu, hữu dĩ hựu nhân” – Văn khả dĩ dùng để kết bạn, bạn khả dĩ giúp nhau Người hơn – đó là cái TINH THẦN HỘI mà tôi muốn nói, là tứ bài thơ “Bè bạn một vùng đồi” của ông.

Cho đến nay, Hội VHNT có Tô Hoài, Vũ Quần Phương rồi có ông; cả ba ông với các cấp độ khác nhau, nhưng đều tài hơn ông Vợi. Chỉ có điều, ba ông đều không có một chút xíu cái mà ông Vợi có: Khát vọng vì một nền văn nghệ thứ thiệt. Chính vì vậy, VHNT Hà Nội không bằng TP HCM, Huế; chỉ là một thứ hội loàng xoàng văn nghệ quần chúng suốt từ ngày thành lập đến 2010.

Từ năm Phạm Xuân Nguyên làm chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, tôi thấy ông ta làm được nhiều việc hay: Trao Giải thưởng cho các cuốn sách quan trọng bậc nhất của nền văn hóa văn nghệ, đó là cuốn “Văn học cổ cận đại Việt Nam, từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật” (Nguyễn Huệ Chi) và tiểu thuyết “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương.

Trao Giải cho ông Chi là Hà Nội thay mặt cả nước ghi nhận cả đời một con người khảo cứu văn học, chính trị, xã hội thời Lý Trần – là thời huy hoàng đệ nhất trong lịch sử nước Việt; trục vớt cái tinh thần sỹ khí quan trọng nhất của Hồn Việt đã bị chìm khuất sau cái thời khác làm náo hoạt quá mức và sau rất nhiều nhảm nhí của nền khoa học nhân văn mang tên “cut – paste.” Thời đại Hồ Chí Minh cũng đệ nhất huy hoàng, nhưng khác thời Lý Trần ở chỗ: Ta đánh thắng hai đế quốc to cùng với cả thế giới giúp vật chất và cổ vũ tinh thần; còn thời Lý Trần, nó đánh bại cả thế giới nhưng thua nhục nhã ở Đại Việt chỉ với dăm bảy triệu dân và lại chỉ tự lực cánh sinh.

Trao Giải cho ông Phương là một cách Hội Nhà văn Hà Nội làm sáng danh tinh thần cởi mở của Đảng, tinh thần ĐỔI MỚI của Đảng về mọi phương án tìm tòi sáng tạo văn chương của nhà văn trước quốc dân và bè bạn thế giới.

Tôi biết, có cách khác phụng sự Đảng. Nhưng kiểu những Nguyễn Văn Lưu chỉ là làm cho thế giới nhìn Đảng ta KHÔNG đổi mới mà thôi.

Anh em có các ý kiến khác nhau là bình thường. Đây là thời không thể nhất nhất “cả nước cùng đọc thơ Phạm Tiến Duật, cả nước cùng đọc “Hòn đất” của Anh Đức”. Nếu khư khư như thế, tức là duy ý chí trì trệ đấy.

Xin hỏi ông, lúc ông đứng đái cùng tôi, ông nói thật hay nói dối? Nếu thật, vậy tức là ông coi Đảng khác ông và anh em ta. Thế rồi, gần 40 năm qua, ông làm lãnh đạo Hội VHNT Hà Nội, ông có làm KHÁC NHỮNG GÌ ĐẢNG CHỈ ĐẠO LÃNH ĐẠO KHÔNG?

Phạm Xuân Nguyên khác một số người, cả cấp trên lẫn đồng cấp; nhưng 5 năm qua, Nguyên có làm KHÁC NHỮNG GÌ ĐẢNG CHỈ ĐẠO LÃNH ĐẠO KHÔNG? Còn ông nói dối tôi cái lúc đi đái đêm tháng 3 năm 1975 ấy, thì hóa ra ông hai nhân cách à? Nếu ông cũng hai nhân cách thì khác đếch gì ông Nguyên?

Là người khác, tôi kệ.

Là ông, Hà Nội (tức là Đảng) coi ông là Nhân sỹ. Tức như sỹ phu xưa. Là sỹ phu thì phải coi trọng lẽ phải và sự công bằng. Là sỹ phu, y phải có bổn phận nói với vua cái lẽ phải và sự công bằng.

Vả lại, ông là bạn tôi, nên tôi phải thưa cùng ông vài điều.

Chúc mọi sự tốt đẹp.

FB Đinh Văn Chinh

FB Phạm Xuân Nguyên

31-10-2016

Ông Bằng Việt nói về Ban vận động Văn Đoàn Độc lập ra tuyên bố phủ nhận nền văn học dân tộc tại Đại hội chuyên ngành thơ Hội Nhà văn Hà Nội (29/10/2016). Nhà văn Trần Nhương quay clip đưa lên trang mạng của mình. Nhà văn Nguyên Ngọc xem được, gọi điện cho Bằng Việt chất vấn sao lại ăn không nói có như vậy, VĐĐL không hề có một tuyên bố nào như thế cả. Bằng Việt chối là không nói, cho Trần Nhương tường thuật sai. NN nói đây không phải tường thuật lại, mà là quay clip hẳn hoi, nếu cần tôi gửi cho anh xem. Mà các đại biểu hôm ấy cũng đều nghe, đều nhớ. Mới hai ngày trước thôi. Khổ, đã 75 tuổi rồi, vừa nói xong miệng đã chối ngay được!

ĐẠI HỘI HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI (ngành thơ)


TNc: Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội kì này hóa ra sướng, có tới 3 cuộc họp để gặp nhau tay bắt mặt mừng (Thơ, Văn xuôi và Đại hội toàn thể) . Không tiệc tùng, chỉ có cái phong bì 100k cho đại biểu đi taxi.

Sáng nay (29-10) tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, đại hội ngành Thơ đã nhóm họp. Số hội viên hơn 300 thì chỉ có gần 200 người dự. Thông lệ đại hội ở xứ ta đều có báo cáo kiểm điểm nhiệm kì, báo cáo kiểm tra, báo cáo tài chính. Công bằng mà nói nhiệm kì này BCH hoạt động tốt, tổ chức nghe chuyên đề hàng 100 cuộc, đi thực tế các vùng nhiều cuộc…Chủ tịch Phạm Xuân Nguyên năng nổ sáng kiến nên hoạt động của Hội khá phong phú. Giải thưởng hàng năm có tiếng vang.

Cũng còn khuyết điểm nhất là giải thưởng năm qua và chưa làm được website của Hội nhà văn Thủ đô.

Hội trường nóng rừng rực khi nhà thơ Hương Mộc chất vấn Bằng Việt về việc Phạm Xuân Nguyên tham gia Văn đoàn độc lập. Ý kiến có vẻ gay gắt như quả điểm huyệt với Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Hương Mộc cho rằng Chủ tịch Hội Phạm Xuân Nguyên tham gia Văn đoàn là không chấp nhận được. Vậy Bằng Việt xử lí ra sao xin được trả lời.

Phạm Xuân Nguyên trả lời đại ý: Tôi tham gia Ban vận động VĐĐL chứ chưa là một hội, chỉ là Ban vận động. Tôi là đảng viên, trưởng phòng của Viện Văn học. Tôi chưa nhận một lời nào yêu cầu tôi rời văn đoàn, nhà nước và các cơ quan hữu quan chưa có chỉ thị hay thông báo về Ban vận động này. Vừa rồi nhà thơ Thái Kế Toại người có chân trong Ban vận động VDĐL vẫn được bầu vào BCH Hội Điện ảnh thành phố. Sao với tôi thì có ý kiến nọ kia. Nhà thơ Hương Mộc yêu cầu nhà thơ Bằng Việt trả lời. Bằng Việt nói đại ý: Ban vận đông VDĐL có nhiều người tài danh, nhiều người là bạn tôi. Trong chỉ đạo của thành phố cũng nhắc rằng không được đẩy họ sang phía thù địch, đều là anh em mình cả. Nhưng nhiều lần tôi nói với Phạm Xuân Nguyên rằng ông có vợ lại có một cô bồ xinh đẹp, thế là bắt cá hai tay. BVĐ Văn đoàn tuyên bố độc lập nghĩa là không nằm trong hệ thống của Nhà nước, cho nên một chủ tịch Hội Nhà văn thì không nên tham gia…Tóm lại vấn đề này vẫn là cái cấn cái của Hà Nội.

Trần Nhương xin được phát biểu để ĐH không sa đà vào Văn đoàn. Tôi nói đừng phong thánh cho Văn đoàn, mới chỉ là Ban vận động thì biết hình hài sẽ ra sao. Nước ta đã có Tự lực văn đoàn làm rạng danh văn học Việt, biết đâu trong mươi năm nữa đúng sai thế nào. Ta rất hay chỉ mình đúng còn người khác sai. Trong tình hình cởi mở và Luật về Hội sắp ban hành thì tôi cho rằng không nên quá lo lắng cho những hội đoàn khác. Ta đang thực hiện Hiến pháp tự do lập hội, tự do tư tưởng, tự do bày tỏ ý kiến. Hội trường vỗ tay rào rào…

Thế là Đại hội bỏ lại chuyện Văn đoàn mà bàn về công việc của nhà văn. Cuối cùng là giới thiệu nhân sự BCH khóa mới. BCH cũ giới thiệu 11 nhân sự gồm 5 chấp hành cũ và thêm 6 người như Hữu Việt, Lưu Khánh Thơ, Đỗ Bích Thúy…Cuối cùng để cử lên tới 32 vị. lại rút, bất ngờ Nguyễn Sỹ Đại phó CT khóa cũ xin rút…

Hơn 12 giờ chưa xong, tôi đói quá và phóng xe về nhà làm bát cơm sau khi đã làm xong nghĩa vụ hội viên…

Trần Nhương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad