Lấy đâu ra $480 tỷ cứu nền kinh tế và chân đứng chế độ? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Lấy đâu ra $480 tỷ cứu nền kinh tế và chân đứng chế độ?


Trong bối cảnh quá thê thảm mà có thể khiến Việt Nam trở thành một Venezuela ngập đầu trong nợ và thiếu cả giấy vệ sinh, giới lãnh đạo Việt Nam sẽ tìm đâu ra tiền để trả nợ trong nước và quốc tế?

Lấy đâu ra $480 tỷ cứu nền kinh tế và chân đứng chế độ? (Ảnh minh họa: Nguồn tư liệu)

Lần đầu tiên các cơ quan quản lý kinh tế Việt Nam dự toán con số $480 tỷ mà về hình thức là “tái cơ cấu kinh tế,” nhưng về thực chất có thể hiểu đó là nhu cầu vốn để cứu nền kinh tế Việt Nam khỏi cơn khủng hoảng đang đến và nhiều khả năng sẽ xảy ra.

“Tái cơ cấu kinh tế” hay để đầu tư?

Tại kỳ họp Quốc Hội cuối năm nay, và đứng trước vực thẳm hộc rỗng ngân sách quốc gia, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư lần đầu tiên nêu ra một con số cực kỳ ấn tượng: Việt Nam cần $480 tỷ để tái cơ cấu kinh tế cho thời kỳ 2016-2020.

Con số khủng khiếp trên – gấp 2.5 lần GDP năm 2015 của Việt Nam – nằm trong đề án tái cơ cấu kinh tế mà Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư là cơ quan chủ trì “vẽ.”

Trên tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, một chuyên gia phản biện độc lập là Tiến Sĩ Vũ Quang Việt đặt ra hàng loạt dấu hỏi: Số tiền này là cần cho thời kỳ 2016-2020, tức là mỗi năm cần đến $90 tỷ. Trong khi GDP năm 2015 là $199 tỷ và tổng tích lũy là $50 tỷ. Như thế, chi phí tái cơ cấu hàng năm vượt cả tổng tích lũy của nền kinh tế! Số tiền lớn đó, đến $480 tỷ dùng làm gì? Để tái cơ cấu? Các quan chức và báo chí nói rất nhiều đến “tái cơ cấu,” nhưng người đọc như tôi thì vẫn không hiểu tái cơ cấu là gì? Nội dung cụ thể của nó gồm những gì? Vậy thì cần hỏi lại: tái cấu trúc có nội dung gì? Mục đích của tái cơ cấu là mang lại lợi ích hay là để chi tiền ra?

Chi tiết đáng chú ý là sau khi bị dư luận nghi ngờ về tính chất mập mờ của con số $480 tỷ, dường như phía cơ quan quản lý nhà nước đã cố ý đưa một chuyên gia “phản biện trung thành” là ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương (CIEM), để “giải thích cụ thể về con số 10 triệu tỷ đồng.” Tuy nhiên, ông Cung lại khẳng định số tiền này là nguồn lực để đầu tư chứ không phải là nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế: “Trong kế hoạch 2016-2020, dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 32-33% GDP, nếu tính thêm các yếu tố lạm phát, tăng trưởng, tổng GDP dự kiến là khoảng 30 triệu tỷ đồng. Nghĩa là có khoảng 10 triệu tỷ đồng được đưa vào trong nền kinh tế. Đây là con số dự tính sẽ huy động để đầu tư chứ không phải là nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế. Đó là nguồn lực bình thường để huy động đầu tư.”

$480 tỷ để cứu kinh tế và chế độ?

Hiện thời, nền kinh tế Việt Nam lại nằm trong vòng xoáy hỗn độn của đủ thứ vấn nạn vô cùng khó xử lý như nợ công, nợ xấu, nguy cơ đổ bể ngân hàng, tình trạng bết bát của khối doanh nghiệp quốc doanh, ngân sách gần như cạn kiệt. Một cách nào đó, có thể so sánh hiện trạng nền kinh tế Việt Nam với tình trạng mà nền kinh tế Thái Lan đã rơi vào trước cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997.

Trước cuộc khủng hoảng trên, số liệu báo cáo về nợ xấu của kinh tế Thái Lan chỉ có 5%, nhưng khi cuộc khủng hoảng đã lên đến đỉnh điểm, con số thật mới hiện ra: 50%!

Từ nhiều năm qua, Ngân Hàng Nhà Nước và các cơ quan bộ của chính phủ Việt Nam vẫn cố gắng “khuôn” tỷ lệ nợ xấu dưới 3% GDP. Tuy nhiên, cho tới nay, con số nợ xấu thật đang lên đến khoảng 550 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng $22 tỷ và chiếm ít nhất 11% GDP.

Trong khi đó, quốc nạn nợ công bi đát không kém: ngược chiều với tỷ lệ nợ công quốc gia chưa chạm ngưỡng nguy hiểm là 65% GDP, nhiều chuyên gia phản biện độc lập đã chứng minh tỷ lệ nợ công thực tế của Việt Nam đã vọt lên đến hàng trăm % GDP. Ngay từ năm 2014, một quan chức nhà nước là chuyên gia Vũ Đình Ánh đã phải tán thán rằng “làm được 100 đồng thì phải lấy đến 98 đồng để trả nợ,” tức có thể hiểu nợ công đạt đến 98% GDP. Còn theo một tính toán của Tiến Sĩ Vũ Quang Việt từ năm 2013 thì nợ công quốc gia Việt Nam phải lên đến 106% GDP. Nhưng cho tới giờ, một số tính toán độc lập khác còn cho thấy thực tại đau đớn hơn nhiều: nợ công Việt Nam có thể vọt đến 150% GDP, tương đương khoảng $300 tỷ, tuy vẫn còn thua nhiều mức nợ công 250% GDP của “người anh em” Trung Quốc.

Trong bối cảnh quá thê thảm mà có thể khiến Việt Nam trở thành một Venezuela ngập đầu trong nợ và thiếu cả giấy vệ sinh, giới lãnh đạo Việt Nam sẽ tìm đâu ra tiền để trả nợ trong nước và quốc tế?

Một cách nào đó, có thể hiểu con số $480 tỷ mà Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư cần để tái cơ cấu kinh tế cũng là nhu cầu vốn để cứu nền kinh tế Việt Nam khỏi cơn khủng hoảng đang đến và nhiều khả năng sẽ xảy ra.

Trước đây, một số chuyên gia đã ước tính để vực dậy nền kinh tế Việt Nam sẽ cần đến từ $100 tỷ đến $200 tỷ. Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng số tiền này chỉ có thể giải quyết được hậu quả sơ bộ của khủng hoảng và suy thoái, còn muốn phục hồi thực sự nền kinh tế thì cần phải có số tiền nhiều hơn hẳn thế.

Con số $480 tỷ mà Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư nêu ra dù chỉ mang tính tham khảo, tuy nhiên, số tiền khủng khiếp này sẽ được vận động từ đâu lại là một chủ đề khủng khiếp hơn nhiều.

Hiện nay chính phủ đang phải chỉ đạo Bộ Tài Chính bán vốn tại hàng loạt doanh nghiệp lớn mà nhà nước nắm cổ phần. Tuy nhiên, có bán hết phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn hiện nay, chính phủ cũng chỉ có thể thu về từ $7 tỷ đến $15 tỷ, chỉ đủ cho nhu cầu chi xài của ngân sách trung ương từ một tháng rưỡi đến ba tháng.

Trong khi đó, con số khoảng 500 tấn vàng mà nhiều quan chức đang chăm bẳm ngấp nghé “vàng trong dân còn nhiều lắm” chỉ có giá trị khoảng $10 tỷ.

Hệ thống ngân hàng, địa chỉ vẫn thường bị chính phủ ép phải mua “trái phiếu đặc biệt” để cung ứng tiền đồng và ngoại tệ cho ngân sách, lại đang đứng trước bờ vực thẳm. Mới đây, giới lãnh đạo chính phủ đã phải nói thẳng đến yêu cầu cần cho phá sản ngân hàng. Nếu chủ trương này được thực hiện, mà khả năng lớn là sẽ được thực thi vì đã đến lúc ngân sách quốc gia không còn “ôm” được những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu đến 50%, “quả đấm thép tài chính,” như cách cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng từng vinh danh khối ngân hàng, sẽ bục vỡ ít nhất một phần ba và sẽ chẳng còn có thể làm giá đỡ vững chắc cho nền kinh tế lẫn chân đứng chế độ.

Do vậy, quá khó để “huy động nội lực” theo cách của Tiến Sĩ Nguyễn Đình Cung nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng kinh tế, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn trong nước.

Hầu như toàn bộ số vốn cần để “tái cơ cấu kinh tế” sẽ phải dựa vào nguồn vay quốc tế. Thế nhưng, cứ xem cái cách cho vay ngày càng nhỏ giọt của Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu trong khi thu nợ tăng mạnh, lấy gì bảo đảm là chính phủ Việt Nam sẽ có $480 tỷ để cứu vãn kinh tế mà do đó cứu vãn cả chân đứng chế độ?

Lối thoát từ… Trung Quốc?

Có nhiều lo ngại về khả năng này, đặc biệt có đồn đoán về việc Trung Quốc cho chính thể Hà Nội vay mượn hàng trăm tỷ đô la trong nhiều năm qua.

Tất cả chưa thể có được câu trả lời rõ ràng, nhưng một dấu hiệu mang tính tham khảo đang diễn ra ở phía bên kia bán cầu. Ở nơi đó, đồng minh thân cận của Trung Quốc là “Venezuela xã hội chủ nghĩa tươi đẹp” đã chìm nghỉm dưới cơn sóng thần lạm phát 700%, nhanh đến mức có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có vẻ như đang tính toán lại mối quan hệ liên minh với Venezuela, quốc gia mà nước này đã cho vay khoảng $60 tỷ.

“Các cuộc họp đi đến nhất trí là (Trung Quốc) sẽ không đầu tư thêm vào Venezuela,” một nguồn tin quốc tế cho biết. “Có một thông điệp rõ ràng từ trên xuống: cứ để mặc họ gục ngã.”

Mời xem Video: Tin động Trời: Đổi tiền chỉ là cớ để khởi đầu cho chiến dịch tịch thu vàng trong dân


Theo nguồn tin này, các công ty Trung Quốc ở Venezuela đang chuyển nhân viên sang Colombia và Panama vì lý do an ninh, và cũng vì nhiều dự án của Trung Quốc ở nước này bị đình trệ.

Việt Nam cũng đang là một túi nợ của quốc tế và khả năng vỡ nợ đang lớn hơn bao giờ hết. Nếu cứ đâm đầu vào ngõ cụt ý thức hệ và tham nhũng tàn mạt, giới chính trị Việt Nam cũng rất có thể sẽ biến chế độ này thành một “thành trì xã hội chủ nghĩa Venezuela” mà đến Trung Quốc cũng không còn muốn cứu các đồng chí đang tới hồi chạy loạn.

Và khi bản thân Trung Quốc cũng đang phải đối phó với những quả bom nợ xấu và nợ công – gần y hệt tình trạng Việt Nam bắt đầu như thế từ năm 2011 – nguồn lực tài chính dùng để “đối ngoại chính trị” của Bắc Kinh có thể sẽ bị eo hẹp rất đáng kể.

Cho tới nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ sẵn lòng cấp cho Việt Nam một khoản tín dụng lớn vài ba chục tỷ đô la. Thậm chí, với một Cambodia chịu nghe lời Bắc Kinh đến thế mà mỗi năm cũng chỉ được rót $600 triệu, như trong năm tài chính 2016.

Phạm Chí Dũng
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad