Mỹ 2016: Năm của Trump, bi kịch và tin đồn thất thiệt - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Mỹ 2016: Năm của Trump, bi kịch và tin đồn thất thiệt


Mùa bầu cử vừa qua cũng có những chuyện đi quá ranh giới trong một số khía cạnh và lĩnh vực do sự xuất hiện của ông Donald Trump, một ứng cử viên “rất khác lạ” trong lịch sử.

Hình ảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump trên bìa tạp chí Time khi ông được bầu chọn là nhân vật của năm 2016.

2016 là năm bầu cử của Mỹ và các phương tiện thông tin truyền thông tràn ngập tin tức về cuộc đối đầu giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đứng đầu trong số những tin tức đáng chú ý trong năm 2016 của trang tin WUSA9. Trang báo này viết: “Cuộc chiến giữa ông Trump với ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, theo hầu hết các đánh giá, là ‘tệ hại nhất’ nhất trong lịch sử nước Mỹ.”

Bà Clinton giành được 2.5 triệu phiếu phổ thông nhưng lại để rơi chiến thắng vào tay ông trùm bất động sản không có kinh nghiệm chính trị bởi bà không ‘kiếm’ đủ số phiếu của đại cử tri đoàn, một điều kiện thiết yếu để trở thành Tổng thống.

‘Cuộc chiến’ bầu cử chưa dừng lại sau khi ông Trump được tuyên bố trở thành Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ. Hàng loạt các cuộc biểu tình chống Trump nổ ra trên khắp nước Mỹ. Thậm chí, nhiều vụ đốt cờ Mỹ đã xảy ra để phản đối kết quả bầu cử. Và mới đây, FBI ủng hộ kết luận của CIA rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ với mục tiêu hậu thuẫn cho ứng viên đảng Cộng hòa, Donald Trump.

Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một học giả nghiên cứu quan hệ châu Á-Mỹ, hiện vẫn còn quá sớm để nhận xét xem liệu ông Trump có thể làm được những gì trên cương vị Tổng thống. Vẫn theo học giả này, Tổng thống tân cử Trump vẫn còn bối rối và ê-kíp của ông chưa được kiện toàn.

Sau cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri ngày 19/12, với trên 270 phiếu đại cử tri, ông Trump sẽ chính thức trở thành tổng thống Hoa Kỳ sau lễ nhậm chức ngày 20/1 tới đây.

Một phụ nữ bày tỏ sự thương tiếc khi cô tham gia buổi lễ cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ xả súng hộp đêm Pulse.

Bi kịch súng ống

Trong năm 2016, vụ xả súng tại hộp đêm Pulse dành cho giới đồng tính ở Orlando khiến 49 người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương cũng nằm trong số tin tức đáng chú ý bởi đây là vụ thảm sát bằng súng gây nhiều thương vong nhất năm nay.

Luật sư Cường Phan ở tiểu bang Texas, một người ủng hộ quyền được trang bị súng của người dân, chia sẻ: “Những người giết hoặc thực hiện tội ác là những người có ác tâm, có mục đích phạm tội hình sự hoặc mục đích khủng bố mang tính chính trị, thành ra cho dù chính phủ cấm người dân được quyền mang súng, những người đó kiếm được súng rất dễ vì số lượng súng hiện có trên nước Mỹ và nhập lậu từ nước ngoài vào Mỹ là con số rất khổng lồ”.

Theo tin mới nhất, gia đình của các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng ở hộp đêm Pulse đang kiện ba mạng xã hội lớn vì cáo buộc cung cấp “hỗ trợ vật chất” cho tay súng. Các gia đình của nạn nhân Tevin Crosby, Javier Jorge-Reyes, và Juan Ramon Guerrero, đệ đơn kiện cáo buộc rằng Facebook, Google và Twitter đã khiến những phần tử thánh chiến Hồi giáo dễ dàng tạo các tài khoản mạng xã hội để phát tán thông điệp và gây quỹ.

Theo đơn kiện, hỗ trợ vật chất được cung cấp bởi các công ty truyền thông xã hội “là công cụ để ISIS gia tăng sức mạnh và đã tạo điều kiện để tổ chức này thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố.”

Theo luật sư Cường, những kẻ khủng bố có thể chọn các địa điểm mà họ cho rằng mang tính chiến lược và gây tác hại tâm lý, đe dọa tinh thần của người dân mạnh nhất. Ông cho biết, Texas là một trong những tiểu bang cho phép người dân được trang bị vũ khí, giữ súng ở nhà và mang ra ngoài công cộng, do vậy những kẻ khủng bố sẽ gặp khó khăn hơn trong việc ra tay sát hại thường dân vô tội.

Trong một thông cáo báo chí hôm thứ Ba, Facebook đã bác bỏ rằng họ cung cấp không gian cho những nội dung liên quan tới khủng bố, và cho biết họ loại bỏ những nội dung này nhanh nhất có thể ngay khi phát hiện.

Nội dung thông cáo viết: “Chúng tôi đảm bảo cung cấp một dịch vụ mà mọi người cảm thấy an toàn khi sử dụng Facebook. Chúng tôi bày tỏ lòng cảm thông tới các nạn nhân và gia đình của họ.”

Theo trang web chuyên thu thập dữ liệu các vụ vi phạm bạo lực súng ống trên toàn nước Mỹ Gun Violence Archive, từ ngày 1/1 đến 22/12/2016 trên toàn nước Mỹ đã xảy ra 56.086 vụ nổ súng khiến 14.487 người thiệt mạng, trong đó có 655 trẻ em tuổi từ 0-11 và 3.014 thiếu niên tuổi từ 12-17.

Vụ nổ súng gần đây nhất xảy ra ngày 17/12 tại Illinois, Chicago khiến 5 người thiệt mạng. Chỉ trong vòng 24 giờ, Chicago đã ghi nhận 3 vụ nổ súng khiến 7 người thiệt mạng và 6 người bị thương.

Mùa bầu cử vừa qua cũng có những chuyện đi quá ranh giới trong một số khía cạnh và lĩnh vực do sự xuất hiện của ông Donald Trump, một ứng cử viên “rất khác lạ” trong lịch sử.

Tin đồn thất thiệt

2016 cũng là năm của những tin đồn thất thiệt. Sự bùng nổ của các trang web và mạng xã hội đã khiến mọi người dễ dàng đăng tải thứ gì đó và gọi nó là “tin tức”.

Trang web chuyên kiểm chứng sự thật Politifact viết: “Các tin tức giả mạo đã được ‘xào nấu’ một cách điêu luyện để giống như những bài báo đáng tin cậy, dễ dàng phát tán trên mạng đến nhiều độc giả sẵn sàng tin vào sự hư cấu và ‘buôn chuyện’”.

Những câu chuyện kiểu như có ai đó phàn nàn rằng Clinton và người quản lý chiến dịch bầu cử Tổng thống của bà đã điều hành một đường dây tình dục trẻ em tại một cửa hàng pizza ở thủ đô Washington đã lan truyền trên những trang mạng xã hội như Facebook.

Luật sư Cường Phan giải thích thêm về ranh giới giữa tin đồn thất thiệt và vu khống: “Tin đồn thất thiệt thường chỉ nói chung đến những tin vô căn cứ, không rõ nguồn gốc, không hiểu rõ tính chính xác và cốt chỉ để tạo sự chú ý nên không có ý nghĩa vi phạm hình sự và gây tổn thương dân sự đối với những người bị ảnh hưởng. Nhưng khi biến thành vu khống hay nhằm bôi nhọ một công ty, một cá nhân, thì nó có ác ý, chủ ý làm hại người ta, có tính thiếu trách nhiệm và mang tính hình sự.”

Luật sư Cường cho biết, mùa bầu cử vừa qua cũng có những chuyện đi quá ranh giới trong một số khía cạnh và lĩnh vực do sự xuất hiện của ông Donald Trump, một ứng cử viên “rất khác lạ” trong lịch sử và chưa có thành tích cũng như lịch sử hoạt động chính trị.

Ông nói: “Cũng do tính cách cá nhân rất độc đáo của ông ấy thành ra chúng ta thấy có nhiều sự tấn công bôi nhọ hay tìm cách triệt hạ uy tín đối phương mà chúng ta nghĩ là không nên có. Chuyện này cũng thường xảy ra trong những cuộc bầu cử. Nó là chuyện không nên và rất đáng tiếc là trong mùa bầu cử vừa qua thì nó là một trong những đặc điểm chính của một cuộc tranh cử Tổng thống của đất nước Hoa Kỳ.”

Vị luật sư cũng nêu vấn đề sự bùng nổ của mạng xã hội sẽ là một thử thách đối với các cơ quan truyền thông truyền thống, những người công dân và giới chức chính phủ làm sao để vừa tôn trọng quyền tự do truyền thông vừa giữ được tiêu chuẩn ứng xử căn bản để bảo vệ xã hội văn minh của Hoa Kỳ.

Lam Thủy
VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad