Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới quốc gia Việt Nam, nói với VOA:
“Một vấn đề hết sức trọng đại, đó là giải quyết vấn đề biên giới, tức là quá trình phân định cắm mốc đang đến giai đoạn cuối cùng, mà hai bên cũng đã có những cuộc đàm phán rất có ý nghĩa. Có lẽ lần này thủ tướng hai bên sẽ có những quyết định chính trị cần thiết để nhanh chóng giải quyết công việc có ý nghĩa lịch sử này. Đấy là một trong những nội dung mà tôi cho chuyến thăm này là rất có ý nghĩa”.
Theo tường thuật của Zing news, thủ tướng hai nước đã đồng ý giao cho Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc phối hợp giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới bằng các giải pháp “công bằng, hợp lý”.
Vấn đề tranh chấp biên giới giữa Việt Nam và Campuchia đã kéo dài nhiều năm và đặc biệt căng thẳng trong những năm gần đây, dẫn đến những cuộc xung đột giữa người dân sống dọc theo hai bên bên giới.
Đảng cầm quyền Campuchia của Thủ tướng Hun Sen đã bị đảng đối lập chỉ trích vì đã có những nhân nhượng với Việt Nam trong vấn đề phân định cắm mốc biên giới. Nhưng quyết định gần đây của chính quyền Campuchia về việc nhờ người Pháp giúp đỡ về bản đồ dùng để phân định biên giới đã được phía đối lập ủng hộ.
Campuchia đang trong giai đoạn vận động cho các cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm tới. Mặc dù chính quyền của ông Hun Sen thường bị cho là “thân Việt Nam”, nhưng trong một cuộc phỏng vấn với VOA, lãnh đạo đảng đối lập CNRP của Campuchia, ông Sam Rainsy, nói ông nghĩ rằng Việt Nam cũng sẽ ủng hộ cho chính quyền của đảng CNRP nếu đảng này thắng cử.
Về vấn đề này, TS. Trần Công Trục nói việc bầu chọn lãnh đạo là quyền tự quyết của người dân Campuchia. Việt Nam sẽ không có bất kỳ can thiệp nào, nhưng ông hy vọng đảng được chọn lựa sẽ có “thiện chí”, có tinh thần hợp tác, đảm bảo cho tinh thần hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia, cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực. Ông nói:
“Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm đối với đồng bào mình sống bên Campuchia, nhưng đồng thời cũng phải nói rõ cho người [Việt Nam ở] Campuchia là phải tôn trọng luật pháp của Campuchia, không làm điều gì có thể gây ra ảnh hưởng đối với phía Campuchia, với quy định của Campuchia. Nhưng đồng thời, Việt Nam cũng sẵn sàng đấu tranh với những đảng phái chính trị lợi dụng chuyện đó để bài xích, gây chia rẽ, mâu thuẫn trong quan hệ giữa hai nước”.
Tháp tùng Thủ tướng Hun Sen đến Việt Nam lần này có Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh, Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao và Hợp tác Quốc tế Prak Sokhon, Bộ trưởng cao cấp và Chủ tịch Ủy ban Biên giới Quốc gia Var Kim Hong và nhiều quan chức cấp cao khác.
Ngoài vấn đề biên giới, TS. Trần Công Trục nói những vấn đề khác như Việt kiều ở Campuchia và hợp tác kinh tế, thương mại… cũng sẽ được đem ra thảo luận.
Khánh An
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét