|
Tuy nhiên, khi đến đó ông ta đã không mặc áo dài đỏ với sao vàng, như ở nhiều nơi khác trên đất Mỹ mà ông đã đi qua, mà ông chỉ mặc áo dài mầu vàng, bên ngoài khoác chiếc áo dạ mầu đen. Nhưng khi bị phát hiện trước khu thương xá Phước Lộc Thọ ở thành phổ Westminster, thủ phủ của người Việt tị nạn, Hùng Cửu Long cũng đã bị sỉ vả và bị một số người đuổi đi, cho đến khi cảnh sát đến để bảo đảm an ninh và đưa ông ra khỏi khu vực.
Trước vụ việc đó, có ý kiến cho rằng Hùng Cửu Long chỉ muốn làm nổi, tạo tiếng vang cho ông và công ty vàng bạc đá quí của ông.
Sự kiện Hùng Cửu Long đi nhiều nơi trên đất Mỹ mặc áo dài đỏ có sao vàng trước ngực rồi chụp hình quay phim đưa lên Facebook là sáng kiến của riêng ông, muốn tạo tiếng vang cho mình, cho công ty, hay ông làm thế là theo chỉ thị của nhà nước cộng sản Việt Nam thì chỉ ông biết. Ông được lợi gì và mất gì qua những hành động đó cũng chỉ có ông biết.
Ở Hoa Kỳ, mang cờ đỏ đến nơi có đông người Việt sinh sống là thách thức với cộng đồng người Việt ở đó.
Còn ai đến với cộng đồng người Việt ở Mỹ mà không muốn thấy cờ vàng ba sọc đỏ thì cũng sẽ bị phản đối. Điều này đã xảy ra với Đại sứ Ted Osius và vừa mới đây với cô ca sĩ Mai Khôi.
Hai năm trước, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Ted Osius có đến San Jose gặp gỡ cộng đồng người Việt. Trong buổi tiếp xúc, một phụ nữ lên tiếng phản đối ban tổ chức về việc bà bị buộc phải cởi bỏ dây đeo trên cổ có hình cờ Việt Nam Cộng hòa và cờ Hoa Kỳ thì mới được cho vào dự. Khi biết có sự việc này, Đại sứ Osius phát biểu rằng ông tôn trọng lá cờ vàng và quyền tự do biểu đạt của vị khách. Còn việc ông đã nói trước với ban tổ chức là ông không muốn thấy cờ vàng trong phòng hội vì ông phải trở lại Việt Nam làm việc và không muốn làm phiền lòng nhà nước Việt Nam.
Điều này cho thấy Hà Nội rất bực mình và sợ hãi trước sự tồn tại của lá cờ vàng ba sọc đỏ, dù đã sau hơn 40 năm, từ ngày lá cờ này là đại diện cho một quốc gia là Việt Nam Cộng hòa bị sụp đổ vào ngày 30/4/1975, khi xe tăng với lính bộ đội cộng sản miền Bắc tiến vào Dinh Độc Lập và Tổng thống Dương Văn Minh đã phải đầu hàng.
Lá cờ vàng không còn là biểu tượng của một quốc gia, nhưng ngày nay nó là biểu tượng của cộng đồng người Việt tự do ở Hoa Kỳ và đã chính thức được nhiều tiểu bang, quận hạt và thành phố công nhận.
Cờ vàng như chiếc gai chọc vào mắt quan chức Hà Nội nên nhà nước đã ra sức tuyên truyền rằng đó là biểu tượng của những thành phần cực đoan, chuyên chống phá nhà nước, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, muốn khôi phục lại Việt Nam Cộng hòa. Những ai tìm cách giương cờ vàng lên là bị bắt giam, bị sách nhiễu.
Vì bị tuyên truyền như thế nên nhiều người Việt khi ra nước ngoài du học, du lịch hay tham gia sinh hoạt văn hoá, văn nghệ thường e ngại, không muốn chụp hình bên cạnh cờ vàng.
Tuần trước có cô ca sĩ Mai Khôi (FB Do Nguyen Mai Khoi) từ trong nước qua Mỹ hát. Cô không phải là ca sĩ nổi tiếng, mà tự cho mình là nghệ sĩ, là người làm ra những sản phẩm nghệ thuật vì cô có viết một số bài hát phản đối chính quyền tham nhũng, kiểm duyệt, ngăn cản tự do sáng tạo nghệ thuật.
Cô được biết đến nhiều hơn sau khi ra tranh cử vào Quốc hội với tư cách ứng viên độc lập, nhưng bị loại từ những vòng hiệp thương đầu tiên. Sau đó, như là một người đại diện cho xã hội dân sự, ca sĩ Mai Khôi cùng dăm người nữa được gặp riêng Tổng thống Barack Obama nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của ông vào năm ngoái.
Mai Khôi không thích cờ vàng và cô đã nói điều này với nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình, người đứng ra tổ chức buổi văn nghệ. Cô cũng yêu cầu không có quay video hay phỏng vấn trong buổi trình diễn. Trên FB của mình, Mai Khôi cho biết cô đã nói với ban tổ chức là: “Tôi có 3 điều tôi không muốn dính vào đó là: cờ vàng, Việt Tân, tham gia tổ chức nào đó…”.
Đến Mỹ, muốn gặp gỡ người Việt như cô mời gọi trên FB, mà cô ca sĩ đặt những điều kiện xem ra khó quá cho cộng đồng người Việt ở đây. Vì nếu ở nơi công cộng thì sao tránh khỏi cờ vàng. Còn nếu trong riêng tư thân hữu, ai là người của Việt Tân hay tham gia tổ chức nào thì sao biết được. Mà những người tham gia các hội đoàn, tổ chức ở Mỹ có gì không tốt mà cô không muốn dính vào?
Những gì đã diễn ra trong buổi hát chiều 8/1/2017 ở vùng Thủ đô Washington của Mai Khôi cho thấy giữa cô và ban tổ chức đã không hiểu rõ ý của nhau, hay cố tình làm khó cho nhau.
Ca sĩ Mai Khôi chỉ muốn hát trong vòng thân mật, riêng tư, nhưng ban tổ chức đã biến nó thành buổi hát cho công chúng, với chủ để “Trói vào tự do” qua tờ quảng cáo mời mọi người đến tham dự mà cô cũng đã đồng lòng phổ biến qua FB.
Theo như một phóng sự do nhà báo Bùi Dương Liêm thực hiện trên Truyền hình Việt Nam Hoa Thịnh Đốn (THVN-HTĐ), trước giờ trình diễn của Mai Khôi, cờ vàng và cờ Hoa Kỳ đã bị di chuyển tới lui trong phòng, từ phía trước xuống bên hông, rồi xuống cuối phòng mà ca sĩ vẫn chưa chịu hát. Sau một hồi chờ đợi, Mai Khôi bước vào và chuyển hướng ngồi hát qua bên hông, khán giả phải quay mình lại, chỉ vì cô ca sĩ muốn tránh thấy hình ảnh cờ vàng có thể lọt vào bên cạnh hay phiá sau của cô.
Còn chuyện không được quay video hay phỏng vấn, chẳng hiểu vì sao lại vẫn có, cô vẫn trả lời các câu hỏi như ghi nhận trong phóng sự dẫn trên đã được phát đi trên mạng.
Tôi đã gặp những tu sĩ, du học sinh, thương gia và người hoạt động chính trị đã định cư ở nước ngoài không muốn chụp ảnh họ với cờ vàng, nhưng không ai yêu cầu ban tổ chức phải dẹp bỏ cờ đi nếu đã có treo. Có một tu sĩ đến sinh hoạt, không tránh khỏi chụp hình mà không có cờ vàng nên đã yêu cầu nếu đưa hình lên báo thì tránh đừng cho có cờ vàng vì sợ phiền toái khi về lại Việt Nam.
Hy vọng các sự kiện trên đã cho những ai quan tâm đến chuyện cờ vàng một bài học. Đó là, nếu không muốn chụp hình có cờ vàng thì không nên xuất hiện trong những sinh hoạt mang tính đại chúng mà chỉ nên gặp gỡ thân mật ở một nơi chốn riêng tư mà thôi.
Một khi đã tham gia sinh hoạt cộng đồng, dù có yêu cầu không treo cờ vàng, như trong cuộc gặp gỡ với Đại sứ Mỹ Ted Osius, nếu ban tổ chức làm theo là không treo thì có thể vẫn có người tham dự đem cờ vàng vào phòng sinh hoạt, vào trong thính đường mà không ai có thể ngăn cản được, vì đó là quyền tự do của công dân.
Tuy nhiên tôi không đồng ý với việc choàng cờ vàng vào cổ, hay trao cờ vàng cho những ai mới từ Việt Nam qua Mỹ, dù là để định cư hay chỉ tham gia sinh hoạt rồi trở về quê hương, vì làm như thế là gây bối rối và có thể khó khăn cho họ vì họ, sau bao nhiêu năm sống dưới sự tuyên truyền của cộng sản, chưa hiểu rõ được ý nghĩa của cờ vàng trong cộng đồng người Việt tự do tại hải ngoại.
Chúng ta có thể tặng cờ cho những dân cử Hoa Kỳ, những nhà hoạt động cộng đồng vì họ hiểu được ý nghĩa của biểu tượng cờ vàng.
Ca sĩ Mai Khôi trong chuyến đi Mỹ đã đến nơi trưng bày những sự kiện về Tu chính án Số 1 của Hiến Pháp Hoa Kỳ, trong đó có quyền tự do biểu đạt. Hy vọng cô đã có nhiều hiểu biết hơn về nếp sống tự do ở Mỹ.
© Bùi Văn Phú
Vì sao lại sợ cờ vàng? * Ca sĩ Mai Khôi trong chuyến đi Mỹ đã đến nơi trưng bày những sự kiện về Tu chính án Số 1 của Hiến Pháp Hoa Kỳ, trong đó có quyền tự do biểu đạt. Hy vọng cô đã có nhiều hiểu biết hơn về nếp sống tự do ở Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét