Không bao lâu sau tin thất cử của bà Hillary Clinton và tuyên bố chắc nịch của Tổng Thống Tân Cử Donald Trump rằng sẽ kết liễu TPP ngay ngày đầu tiên ông vào Tòa Bạch Ốc, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trở thành nhân vật tiên phong giương cao ngọn cờ thắng không kiêu bại không nản trong hoàn cảnh hẫng hụt với một nhận định xen dự báo: “Triển vọng phát triển vẫn còn tốt lắm.”
Chỉ sau đó, một số quan chức bộ ngành chức năng của Việt Nam mới lục tục đả động đến việc “dù không có TPP, Việt Nam vẫn còn đến 17 hiệp định thương mại song phương với quốc tế,” “Việt Nam sẽ tự đi bằng đôi chân của mình,” hay gần đây nhất là lý lẽ “không mợ chợ vẫn đông” – hàm ý “Việt Nam không quá phụ thuộc vào Mỹ.”
Thế nhưng những nhà lãnh đạo Việt Nam, chẳng hạn như Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc với thành tích cập nhật mới nhất là lối đánh vần “cờ lờ mờ vờ” hết sức đặc thù dành cho cụm từ viết tắt CLMV, sẽ phải chịu trách nhiệm về việc “đưa hơi thở của nghị quyết vào cuộc sống” chứ không phải chỉ đơn giản hô khẩu hiệu như một thói quen chỉ có một đảng và đảng quyết định tất cả.
Trách nhiệm đó – ngay trước mắt là tìm đâu ra nguồn lực để cứu vớt nền kinh tế sắp sa chân vào khủng hoảng, sau đó mới nói đến chuyện phát triển.
Một trong những câu chuyện tương phản chua chát giữa chủ nghĩa duy ý chí và những mệnh lệnh không đếm xỉa đến thực tế đã xảy ra vào cuối năm 2015: trong một hội thảo quốc tế liên quan đến “tầm nhìn Việt Nam đến năm 2030,” khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng còn say sưa thuyết trình về những khả năng phát triển, gần như cách nói “triển vọng phát triển còn tốt lắm” của Tổng Bí Thư Trọng, thì người đại diện của Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam, cũng là một trong những chủ nợ lớn nhất của chính phủ Việt Nam – bà Victoria Kwa Kwa – đã hỏi xoáy ông Dũng: “Việt Nam sẽ lấy đâu ra nguồn lực để phát triển?”
Ông Dũng không thể trả lời câu hỏi đó, hoặc ông vờ như không nghe thấy.
Nhưng đó lại là câu chuyện bi thiết kéo dài đến tận giờ đây, sau khi ông Dũng được thay bằng ông Phúc.
Tìm đâu nguồn lực để phát triển?
Tất nhiên, theo một thói quen ăn xổi ở thì, giới lãnh đạo Việt Nam rất mau miệng tung ra những tuyên bố rằng nếu không có Mỹ thì Việt Nam sẽ tìm nguồn lực phát triển ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, chẳng ai phủ nhận được một thực tế như một bằng chứng hiển nhiên về tính lợi thế so sánh: 15 năm qua, trong lúc Việt Nam nâng mức nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 250 lần từ mức $200 triệu năm 2001 lên $50 tỷ vào năm 2015 (nếu tính cả $20 tỷ hàng hóa nhập lập từ Trung Quốc), thì Hoa Kỳ đã phát cho nền kinh tế Việt Nam một món quà lớn khi hàng năm nước này phải nhập siêu từ Việt Nam khoảng $25 tỷ. Đặc biệt, từ khi TPP được đưa vào lộ trình bàn thảo vào năm 2010, nước Mỹ ngày càng ưu ái hàng hóa xuất cảng của Việt Nam.
Hệ quả nào xảy ra nếu không có Hoa Kỳ và không có lộ trình đàm phán về TPP? Dù thật đáng xấu hổ, nhưng cần phải nhắc lại cho những nhân vật lãnh đạo đang sinh hoạt như thể “hiện sinh” ở Việt Nam rằng, nếu không có Hiệp Định Thương Mại Song Phương Việt Mỹ từ năm 2001 và TPP dù mới trong quá trình chuẩn bị, Việt Nam khó có cửa xuất siêu lớn vào Hoa Kỳ, đầu tư nước ngoài từ Mỹ và phương Tây vào Việt Nam chắc chắn đã giảm mạnh, và quan trọng không kém, hơn $80 tỷ tín dụng ODA từ Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu , Nhật, Bắc Âu, Tây Âu… cho Việt Nam chắc hẳn đã chỉ còn phân nửa trong 20 năm qua.
Hiện tại và tương lai lại được quá khứ tích. Khó có thể hình dung khác hơn, tương lai nền kinh tế Việt Nam trong ít nhất một chu kỳ vận động trung hạn cho 4 -5 năm tới vẫn rất cần thiết vai trò của nước Mỹ – một nước Mỹ không còn Obama, nhân vật mà giới lãnh đạo Việt Nam đã tích lũy được lề thói “ăn vạ,” mà sẽ là một tổng thống Trump cực kỳ thực dụng và chẳng có liên quan gì với mảnh đất hình chữ S trong dĩ vãng.
Hẳn là ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và ngay vào lúc này, giới lãnh đạo Việt Nam đã và đang đau đầu với “bài toán Trump.”
Còn Trump sẽ nghĩ gì và làm gì với Châu Á và Việt Nam?
Bài toán nước Mỹ – bài toán Việt Nam
Ngay cả chuyên gia Murray Hiebert, phó giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế tại Washington, DC, cũng phải thừa nhận: “Chúng tôi không biết nhiều lắm về những gì ông ấy nghĩ liên quan đến vấn đề này,” khi trả lời câu hỏi của đài RFA: “Theo ông chiến lược chuyển trục về Châu Á của Tổng Thống Obama sẽ ra sao dưới thời của Tổng Thống Trump?”
Chỉ vài tháng trở về trước, ông Murray Hiebert còn là một tiếng nói tự tin khi nhận định về xu thế chiến lược xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương của Tổng Thống Obama và về một số điểm trong quan hệ Việt Mỹ, đặc biệt là kích thích tố mang tên TPP.
Chẳng khác mấy với ông Murray Hiebert, nhiều chuyên gia phân tích quốc tế khác cũng chỉ có thể nhận định và nêu ra vài dự báo chung nhất. Không ai biết rõ về ông Trump và đặc biệt chẳng ai có thể đoan chắc là một người mang tâm tính bất thường như Trump thì những quyết định của ông ta sẽ diễn biến ra sao.
Cho tới nay, đòn bẩy TPP của ông Obama hầu như đã gãy đổ và kéo theo sự thất vọng lớn của phía Việt Nam. Không còn TPP, xem ra mối quan tâm chung lớn nhất giữa Việt Nam và Mỹ chỉ còn là vấn đề Biển Đông.
Mới đây vừa xuất hiện thêm một dấu hiệu nữa về tăng cường phòng thủ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa: Việt Nam đang kéo dài phi đạo ở đảo Trường Sa lớn. Cùng với việc Việt Nam bí mật đưa tên lửa ra Trường Sa vào giữa năm 2016 mà chỉ được Reuters tiết lộ, điểm khích lệ nhỏ nhoi có thể kể ra là giới lãnh đạo Việt Nam dường như vẫn chưa quyết định ngả mạnh về Trung Quốc như cách Tổng Thống Rodrigo Duterte của Philippines thể hiện hay động thái gần nhất của Malaysia.
Và nếu xem đó là điểm đáng khích lệ thì một vấn đề có thể tương đối chắc chắn là dù không mấy quan tâm đến chiến lược xoay trục của ông Obama, ông Trump cũng không thể bỏ hẳn chiến lược này. Lý do: là một nhà đầu tư, ít nhất ông Trump phải quan tâm đến lợi ích kinh tế của Mỹ ở khu vực Biển Đông. Mà lợi ích kinh tế ở khu vực này lại liên quan rất mật thiết, có thể nói là có mức độ liên quan cao nhất, với yếu tố an ninh hàng hải. Sẽ ra sao nếu các tàu chở hàng của Mỹ và đồng minh của Mỹ đi qua vùng Biển Đông nhưng bị tàu chiến Trung Quốc truy bức?
An ninh Biển Đông cũng bởi thế có thể sẽ là điểm chung đầu tiên và lớn nhất trong quan hệ Mỹ – Việt sau khi ông Trump chính thức thành tổng thống. Trong chuyến đi đột ngột Washington vài tuần trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra, nhân vật số hai trong đảng CSVN là ông Đinh Thế Huynh cũng đã đề cập đến Biển Đông, mà có thể khiến giới phân tích hiểu rằng giới lãnh đạo Việt Nam đang rất cần đến lực lượng hải quân Mỹ, trong bối cảnh mà “người anh em” Trung Quốc có thể ra tay thôn tính Trường Sa bất kỳ lúc nào.
Gần đây, lại xuất hiện thông tin Trung Quốc “có thể đưa hàng trăm tên lửa ra Biển Đông.”
Sau khi ông Trump chấp nhiệm tổng thống, Cam Ranh có thể là một tiêu điểm lớn nằm trong chương trình nghị sự về quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ. Vào cuối Tháng Mười, 2016, lần đầu tiên kể từ năm 1975, có ba tàu chiến Mỹ cập cảng Cam Ranh, sau đó còn thêm một tàu Mỹ nữa. Còn trong năm 2017, có lẽ sự hiện diện của Mỹ ở Cam Ranh sẽ gia tăng phần nào, tuy chưa biết là hải quân hay vừa hải quân vừa không quân, cũng như tính chất hiện diện sẽ ra sao.
Người ta đã nhận ra vài chỉ dấu của xu thế trên, bằng vào nhân vật Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Dù trước đây luôn bị không ít dư luận xem là “thân Trung,” trong nửa cuối năm 2016, Tướng Vịnh đột nhiên phát ra vài cử chỉ can đảm hơn, hoặc hơn hẳn, đối với Bắc Kinh.
Phạm Chí Dũng
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét