|
Tôi chỉ nói ngắn gọn và theo những chuỗi logic của vấn đề này để mọi người có thể thấy nó chẳng có gì là khó hiểu cả.
Một quốc gia thì cần lập ra chính phủ để giải quyết các công việc của người dân về quản lý xã hội, bảo đảm an toàn từ tài sản đến tính mạng người dân, bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ, biển và hải đảo và chủ quyền quốc gia. Mà bộ máy chính phủ đó được nuôi dưỡng bằng tiền thuế mà người dân ngày ngày làm lụng vất vả và đóng góp thông qua các loại thuế như thuế tiêu dùng, thuế xuất nhập khẩu, thuế tài sản, thuế thu nhập, phí cầu đường, học hành, bệnh viện,… và những số tiền đó được chính phủ giữ và quản lý bằng một ngân khố chung. Vậy thì chính phủ tồn tại được hay không hoàn toàn là nhờ chủ yếu vào tiền thuế, phí mà người dân đóng góp cho. Đó chính là tài sản công, không ai được phép sử dụng ngoại trừ mục đích để chi tiêu cho việc trả lương nhân sự chính quyền, đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển quốc gia và thực hiện phúc lợi, an sinh xã hội.
Và hơn nữa, chính phủ là một tổ chức có quyền lực, nắm giữ và quản lý ngân khố. Nên có thể thấy ngay là người dân không thể nào xà xẻo chút gì được vào số tiền nằm trong kho bạc nhà nước mà được họ quản lý nghiêm ngặt bằng nhà băng, công an và nhà tù. Thế thì có nghĩa là nếu có tham nhũng, cũng chỉ có thể là người của chính phủ mới có thể làm được việc này mà thôi.
Như vậy, hệ lụy là gì nếu chính phủ đó lại không tôn trọng luật pháp, không giữ kỷ cương phép nước, có nghĩa từ đó sẽ tạo ra cơ hội cho những kẻ tham lam thừa cơ đục khoét và tham ô tài sản công quỹ về làm của riêng và hưởng vinh hoa phú quý.
Nếu không có luật pháp nghiêm minh và trừng trị thì chính quyền chính là cái nôi tham nhũng. Mà khi đã tham nhũng thì ngân khố thâm thụt, không còn đủ tiền chi trả cho hoạt động hàng ngày, cho đầu tư công, cho an sinh xã hội. Vậy sẽ phát sinh việc đi vay nước ngoài để chi trả và bù vào số tiền bị tham ô. Vậy là chất lượng đời sống của dân không được chăm lo, những khoản đầu tư dành cho phát triển kinh tế, giao thông, giáo dục, y tế,…thì bị cắt giảm, làm suy thoái đi chất lượng sống của dân. Trong khi đó thì nợ của chính phủ đối với nước ngoài cũng sẽ do người dân đóng góp thông qua nộp thuế, phí, lệ phí cho nhà nước để mà có tiền cho chính phủ chi trả. Mà việc bỗng dưng ngân sách bị thâm thụt do tham nhũng và được bù vào bằng một khoản nợ đi vay thì nghĩa là ngân khố cần thêm gấp đôi số tiền bị thâm thụt thì mới có thể đủ trả cho các khoản chi tiêu phát sinh. Và thế thì chính phủ lại phải đánh thuế tăng lên, năng giá các mặt hàng tiêu dùng, hàng hóa và dịch vụ cao lên để có tiền đủ chi tiêu sau khi những viên chức của họ ăp cắp của công.
Như vậy, cuối cùng thì người dân một lúc gánh chịu hai hậu quả: một là chất lượng cuộc sống không được chăm lo mà lại còn bị giảm đi; hai là, phải lai lưng ra làm để chi trả các khoản tăng giá, thuế, phí do chính phủ áp dụng thêm lên sau khi người của chính quyền tham nhũng.
Đến đây tôi xin giải thích bằng một ví dụ cụ thể thế này. Đáng ra bình thường bạn có thể mua được bộ quần áo mới với giá 500 nghìn đồng, nhưng sau khi bị quan chức tham nhũng thì bạn vừa phải đổ xăng tăng thêm một lít (vì chính phủ đánh giá cao lên) để đi đến đúng cửa hàng đó mua đồ, mà lại vừa phải mua chính bộ quần áo đó với giá 1 triệu đồng.
Nhìn vào đó để thấy là tham nhũng có sức phá hoại và làm kiệt quệ kinh tế, sức người, tài sản của quốc gia ghê gớm như thế nào.
Bởi nó gây ra sự tàn phá cho quốc gia và xã hội, dân sinh kinh khủng như thế nên trong mọi thể chế chính quyền và mọi thời điểm, phải ngăn cấm và nghiêm trị mọi hành vi tham nhũng, dù là nhỏ nhất. Vì tham nhũng nhỏ mà không xử thì dẫn tới tình trạng vô chính phủ mà tạo cơ hội cho tham nhũng lớn diễn ra, hơn hết là lôi kéo người nhà, người thân vào cùng làm quan, kết bè kết phái để mà phá hoại và làm mất đi cơ hội cống hiến của những người có tài, có nhân cách khác.
Mà rồi khi đục khoét, tham nhũng hết tiền của công (tức là của dân đóng góp) sẽ dẫn đến làm liều là bọn quan tham với lòng tham vô đáy kia có thể bán cả đất nước mà trả nợ hoặc làm nô dịch cho nước khác. Tham nhũng dẫn đến nguy cơ không những vỡ nợ, hủy hoại quốc gia, mà còn làm cho hiểm họa mất nước cận kề.
Mời xem thêm video: Tại sao những đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ lãnh đạo VN ngày càng lan rộng?
Tham nhũng vừa là sự phản bội vừa là hành vi bóc lột nhân dân, là tội đồ của dân tộc.
Cho nên bất kỳ lúc nào, nhân dân và chính quyền phải coi tham nhũng là kẻ thù của quốc gia mà phải diệt trừ tận gốc để tránh hậu họa của nó.
Trích: MỘT NGƯỜI QUỐC DÂN
LS. Lê Luân
FB Luân Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét