Cuộc tranh luận kéo dài và lan tỏa từ bắc chí nam, trên các trang báo lẫn các kênh thông tin mạng xã hội. Hầu hết ý kiến “lên án” chiếc loa phường vì trong khi thế giới tiến vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, khi giới báo chí đang hoảng hốt vì sự sống còn của báo giấy, sự lên ngôi của báo điện tử và mạng xã hội, và mới nhất là sự ra đời của hệ thống robot viết báo... thì người ta vẫn đòi giữ chiếc loa phường vốn dĩ đã không còn hiệu quả nếu không muốn nói là gây khó chịu.
Một cuộc thăm dò ý kiến đã được Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội mở ra để nhận thông tin góp ý của người dân về hệ thống loa phường thông qua Cổng thông tin điện tử TP. Hà Nội (https://hanoi.gov.vn). Tính đến 18 giờ ngày 25/01/2017 thì đã có 69 người tham gia góp ý về loa phường, trong đó có 83% ý kiến đồng ý việc bỏ loa phường, 4% đồng ý duy trì, 10% đồng ý duy trì nhưng phải cải tiến, 3% ý kiến khác. Bên cạnh đó có 79% ý kiến cho rằng nội dung thông tin của loa phường là không cần thiết, 21% ý kiến đồng ý thông tin do loa phường cung cấp thiết thực. Con số người trả lời rất ít, nhưng có hai nội dung cần được lưu ý từ những con số này.
Thứ nhất, chuyện cái loa phường không cần phải làm lớn như vậy. Bởi lẽ người ta chả quan tâm. Thời đại của điện thoại thông minh và Facebook lên ngôi thì ngay cả truyền hình còn phải lép vế, mấy ai còn quan tâm đến cái loa phường. Có nghe, có “chém gió” trên Facebook cho vui, cho thỏa mãn thị hiếu đám đông, chứ chả ai màn đến sự sống còn của cái loa phường, bởi nó không còn mấy ý nghĩa. Thế nên chỉ có vài chục người vào cuộc, trong số đó không biết bao nhiêu người trong ngành (tức không phải người dân hứng thú tìm đến để đóng góp ý kiến).
Thứ hai, tỷ lệ phần trăm phần nào cho thấy sự yếu kém của loa phường. Tôi thấy có anh bạn nhớ lại chiếc loa phường ở vùng quê Bắc Bộ, giúp người vợ tìm chồng, người trẻ tìm người già, người lớn tìm người nhỏ, con người tìm vật nuôi,... Xin thưa, vậy thì hãy giữ chiếc loa phường ở miền quê ấy, trong khi ở Hà Nội có cần phải dùng loa phường để tìm... trâu bò hay trẻ lạc hay không? Thế nên, việc có đến 79% ý kiến cho rằng nội dung thông tin của loa phường là không cần thiết, so với 21% ý kiến đồng ý thông tin do loa phường cung cấp thiết thực là điều hoàn toàn không khó giải thích.
Từ cách chính quyền Hà Nội cho thăm dò ý kiến người dân về chuyện cái loa phường, tôi bật cười vì các vị lãnh đạo dường như suy nghĩ không thông cho lắm. Hôm trước Tết Nguyên Đán, ở Hải Phòng nổi lên hiện tượng “con rồng” mà dân cư mạng bảo là giống “con Pokemon hoạt hình lai con chó”. Cuộc tranh luận nổ ra, chưa ngả ngũ thì chính quyền Hải Phòng dọn luôn con rồng hoa này trong sự luyến tiếc của rất nhiều người. Lẽ ra, hình ảnh về con rồng và sự sáng tạo về rồng là một cuộc tranh luận thú vị không chỉ về mặt khoa học mà còn về khía cạnh văn hóa. Giờ đây, con rồng Hải Phòng bị tháo gỡ nhưng hình ảnh con rồng được biếm họa hóa và trở thành một trong những hình ảnh hot nhất mùa Tết này, không chỉ trên mạng xã hội mà còn cả những doanh nghiệp bán áo quần, tư trang, túi xách... Đó không phải là đáng tiếc hay sao?
Chuyện cái loa phường và chuyện con rồng tuy nhỏ nhưng cho thấy khả năng định vị giá trị văn hóa của nhiều người Việt, trong đó có cả người quản lý, còn yếu kém. Một “con rồng” (vốn không có thật) được tạo dựng theo phong cách ngộ nghĩnh, dù gây tranh cãi nhưng không đến mức phải bỏ, và giá trị của nó đã được phát triển khi hình ảnh của nó được phổ biến đến công chúng rất nhanh chóng và hiệu quả, thì lại bị giết chết mà không cần hỏi ý kiến của dân, dù con rồng ấy cũng từ tiền thuế của dân mà có. Nó đặt ra câu hỏi về giá trị và sự tồn tại của những sáng tạo của chúng ta quá dễ bị trấn áp dưới áp lực của dư luận.
Mời xem thêm video: Tại sao những đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ lãnh đạo VN ngày càng lan rộng?
Trong khi cái loa phường, cân nhắc về giá trị kinh tế và giá trị văn hóa đều không đáng kể, thì chính quyền không tự quyết mà còn để cuộc tranh luận vốn đã biết trước phần thắng vào cuộc. Giá trị văn hóa không nằm ở chỗ thời gian, mà nó còn ở sự thức thời. Nếu thức thời thì giữ, không thức thời xin gửi vào viện bảo tàng nếu nó là một cột mốc quan trọng trong lịch sử của quốc gia mình. Cứ cho là loa phường từng gắn bó với người dân nhiều chục năm, thì giá trị văn hóa của nó cũng chỉ dừng lại là một phương tiện tuyên truyền (từng hữu ích). Nên đưa nó vào bảo tàng trưng bày kèm theo giai thoại, thay vì đưa nó lên mặt truyền thông để gây ra một cuộc tranh luận vô bổ vốn không mang lại một giá trị mới nào. Xin đừng ngần ngại bỏ loa phường đi, và hãy khích lệ những “con rồng Hải Phòng” hơn nữa.
Cao Huy Huân
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét