Vì sự tiến bộ xã hội! - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

Vì sự tiến bộ xã hội!


Người dân miền Trung đi kiện Formosa. Ảnh: internet

Ngày 14/02/2017, ngày lễ ngọt ngào với nhiều người nhưng không phải với những người Việt ở miền Trung. Một cuộc tuần hành đòi công lý với lá đơn kiện nhà máy Formosa đến toà án Nhân dân huyện Kỳ Anh. Họ bị giải tán giữa đường trong một nỗ lực ngày càng vụng về của chính quyền, lá đơn không bao giờ đến đích và công lý còn rất xa vời.

Tuy nhiên câu chuyện Formosa chưa kết thúc. Nó sẽ vẫn còn đó cùng với những tổn hại lâu dài ở vùng biển miền Trung cùng với những tác động khó lường tới sức khỏe con người. Bi kịch của những người dân ở đây không phải câu chuyện của riêng ai. Hầu như toàn bộ người dân trên khắp đất nước Việt Nam đều gánh chịu những bất công và bất cập xã hội ở những mức độ khác nhau do các tệ nạn mà chính thể độc tài hiện nay đang là căn nguyên chính. Và không phải chỉ có số phận người dân, vận mệnh của đất nước cũng đang chịu sự đe dọa sinh tồn khi tiềm lực quốc gia ngày một bị đánh cắp, ngày một bị thui chột, đất nước ngày một yếu hèn giữa lúc chủ quyền ngày một bị đe dọa.

Tôi suy nghĩ khá nhiều về câu chuyện Formosa. Nó cũng chỉ là một trong số hàng loạt vấn đề đang tàn phá đất nước này: Hàng nhập lậu Trung Quốc nhan nhản khắp mọi vùng miền đang bóp chết nền sản xuất còi cọc của Việt Nam; nạn thực phẩm độc và một cuộc diệt chủng mềm đang giết hại và làm suy thoái giống nòi người Việt; nạn tham nhũng và tha hoá đang tội phạm hoá đến tận gốc rễ bộ máy chính quyền; sự suy thoái đạo đức và khủng hoảng niềm tin xã hội; sự hủy diệt về môi trường, sự cạn kiệt về nguồn nước, cạn kiệt các nguồn tài nguyên và xa hơn nữa là thảm họa nước biển dâng rồi sẽ khiến Việt Nam mất trên dưới 30% lãnh thổ. Không có ai làm gì để bảo vệ đất nước trước những thảm họa không thể tránh được ấy. Đây là một con đường dẫn tới diệt vong, nếu những người đang sống trên đất nước này cứ tiếp tục thờ ơ với thời cuộc.

Tôi có thể hiểu và chia sẻ sự phẫn nộ của rất nhiều người vì những gì đang diễn ra ở đây. Đó là sự phẫn nộ chính đáng trước những bất công và trước sự vô đạo đức đến mức đáng kinh tởm của chế độ cầm quyền. Trong những năm qua, rất nhiều người Việt Nam tìm cách đấu tranh và nhiều người trong số họ phải chịu tù đày, những án tù khuất nhục mà người Việt đang phải chịu đựng. Dù có thể khác nhau về quan điểm hay con đường đấu tranh, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng đất nước này chịu ơn những người Việt dũng cảm dấn thân vì công lý. Sự hy sinh của họ không chỉ cho những gì đã và đang diễn ra, không phải chỉ cho những người đang sống, mà còn cho những thế hệ tương lai và cũng là cho sự tồn vong của đất nước này.

Có không ít những tên tuổi đấu tranh nổi bật. Người tù nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay là anh Trần Huỳnh Duy Thức, đã thụ án trên 7 năm với nhiều lần tuyệt thực, luôn từ chối mọi lời đề nghị nhận tội để đổi lấy tự do. Và dù bị tách rời xã hội bằng một bản án bất công, anh vẫn giữ được sự tỉnh táo và cả niềm tin vào lý tưởng của mình. Phảng phất đằng sau hình ảnh của Trần Huỳnh Duy Thức là Nelson Mandela và Auu Sang Suu Kye. Không phải chỉ có mình anh, nhiều người Việt Nam khác cũng đã và đang bị chế độ cầm tù trong nỗ lực trấn áp đê hèn với những đòi hỏi không ngừng nghỉ của người Việt Nam về một xã hội có tự do, hy vọng và công lý.

Tôi không nghi ngờ rằng những án tù sẽ tiếp tục nhiều thêm theo thời gian vì sẽ ngày càng có nhiều người dấn thân cho tự do, và chế độ này sẽ chưa chịu từ bỏ quyền cái trị độc tài cho đến khi nó gây ra những tổn thương không thể khắc phục đối với người dân, hoặc đến khi sự thức tỉnh là đủ mức để nó buộc phải từ bỏ đặc quyền.

Tuy có nhiều tấm gương can trường, nhưng cho đến nay, các phong trào đòi hỏi dân chủ và tiến bộ xã hội của người Việt vẫn hết sức mờ nhạt. Các hoạt động hầu hết lẻ tẻ, rời rạc và hiệu quả không đáng là bao so với những tổn thất khốc liệt mà những người đấu tranh tiên phong đang phải chịu đựng. Có hai nguyên nhân. Trước hết chính là ở các hoạt động trấn áp hết sức có kinh nghiệm của chế độ hiện tại. Những người cộng sản từng đoạt được quyền lực từ chính các phong trào dân vận và những cuộc đấu tranh biểu tình kết hợp bạo động vũ trang. Họ từng hoạt động cả bí mật và cả công khai nhiều năm trước lực lượng phòng nhì tinh nhuệ của Pháp và sau này là tình báo Mỹ. Kinh nghiệm kiểu hoạt động bí mật và bán công khai của họ đủ để tổng kết thành những giáo trình đắt giá. Họ rất có kinh nghiệm trong trò chơi phản gián để thâm nhập và phá hoại từ bên trong tổ chức của đối phương. Chính vì thế mà bộ máy an ninh của họ có khả năng siêu đẳng trong việc theo dõi, giám sát và triệt hạ các phong trào đấu tranh của những người dân chủ. Hầu hết những người Việt Nam dấn thân nổi bật đều bị triệt hạ trước khi có thể tạo được những kết quả có ý nghĩa so với sự hy sinh mà họ đã và đang phải chịu đựng.

Nguyên nhân thứ hai, nằm ở chính cách thức vận động và đấu tranh của những nhà hoạt động cho tiến bộ của Việt Nam. Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng hoạt động đấu tranh của những nhà đấu tranh tiên phong của Việt Nam thời gian qua đều thiếu những mục tiêu thực tiễn và rõ ràng, với cách tổ chức quá rời rạc và thiếu hiệu quả và có khả năng tác động quá hạn chế đối với người dân. Khả năng trấn áp rất hiệu quả của chế độ và sự thiếu kinh nghiệm của những người đấu tranh là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng bế tắc của hầu hết các phong trào vận động cho tiến bộ xã hội ở Việt Nam.

Rõ ràng là thời gian tồn tại của chế độ độc tài này càng kéo dài thì những tổn thương của đất nước sẽ ngày càng lớn. Thậm chí nếu cứ để nó mặc nhiên diễn ra, rồi sẽ đến mức vô phương cứu chữa và sẽ là một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử dân tộc. Có thể nhìn thấy trước những gì sẽ diễn ra, đó là chiến tranh, nội loạn và ngoại xâm cùng lúc hoành hành. Vẫn có những cách để vãn hồi, vẫn có những giải pháp cho sự thay đổi, trước khi mọi việc quá trễ.

Tôi sẽ cố gắng hệ thống lại một vài quan điểm rời rạc của mình về một con đường có tính khả thi và chấp nhận được cho đất nước này:

1. Nhận định rõ điểm mạnh và những điểm yếu không thể khắc phục của chế độ hiện tại:

– Chế độ hiện nay là một trong những chế độ cai trị có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc trấn áp các hình thức đấu tranh công khai, bán công khai và hoạt động tình báo bí mật trong nội bộ đối phương. Họ đặc biệt có kinh nghiệm đối phó với các hoạt động đấu tranh tuyên truyền kết hợp biểu tình vì họ chính là những người dùng nó đầu tiên ở Việt Nam. Họ có một bộ máy cực kỳ hùng hậu công an, mật vụ, an ninh và một lực lượng cực kỳ đông đảo nhân viên bán vũ trang luôn sẵn sàng cho mọi hoạt động trấn áp. Trong bối cảnh hiện tại, bất cứ một phong trào đấu tranh tập trung dựa vào một hoặc một số cá nhân nổi bật nào đều sẽ dễ dàng bị chính quyền triệt hạ. Cần nhận thức rõ điểm mạnh nổi bật này của họ. Mọi phong trào đấu tranh ở Việt Nam cần được xây dựng trên nền tảng phân tán lực lượng, phân nhỏ thành các nhóm hoạt động có kết nối với nhau và phải thâm nhập một cách càng nhiều càng tốt vào những lực lượng có tiềm năng đấu tranh nhất ở Việt Nam: Những người dân chịu áp bức, lực lượng sinh viên và trí thức tiến bộ.

– Chế độ hiện nay có lợi thế lớn trên mặt trận kiểm duyệt tư tưởng và tuyên truyền. Thứ vũ khí lợi hại của những người cộng sản là triệt tiêu tự do ngôn luận và tự do tư tưởng. Họ coi việc kiểm duyệt tư tưởng là một công cụ cai trị chính yếu thậm chí còn xếp trên mọi loại luật pháp. Hiện nay chính quyền vẫn nắm quyền kiểm soát tuyệt đối báo chí và các phương tiện truyền thanh, truyền hình và do đó vẫn có khả năng tác động đáng kể đến một số rất đông người Việt Nam đang sống tại vùng nông thôn, vốn chịu nhiều bất công hơn bất cứ ai nhưng lại chịu tác động lớn của lối tuyên truyền ngu dân và nhồi sọ.

Bên cạnh những điểm mạnh mà chế độ đang nắm thế thượng phong, nó cũng có những điểm yếu không thể khắc phục:

– Đầu tiên chính là tình trạng khủng hoảng về lý luận của chính đảng cầm quyền. Dù đến nay vẫn tuyên truyền lấy học thuyết của Marx làm nền tảng, nhưng tất cả những người cộng sản đều hiểu rằng đó chỉ là một thứ lý thuyết lừa bịp và ảo tưởng. Họ cố tìm cách bấu víu bằng cách dựng ra hệ tư tưởng Hồ Chí Minh, tuy nhiên bản thân ông Hồ chỉ là một nhà hoạt động thực dụng và có nền tảng triết lý không mấy lỗi lạc, với những quan điểm rời rạc về đạo đức theo kiểu Khổng giáo và những hiểu biết chắp vá về chủ nghĩa Marx. Ông ta cũng hoàn toàn không có kinh nghiệm gì trong việc xây dựng một xã hội pháp trị với một chính quyền được kiểm soát tốt về quyền lực. Kết quả là Đảng cầm quyền hiện nay thiếu vắng hoàn toàn lý tưởng dẫn đường khiến nó mất toàn bộ tính chính danh. Cũng chính là lý do khiến bộ máy cầm quyền tha hoá đến tận gốc rễ vì đảng viên của nó hoàn toàn không còn lý tưởng trong lúc nắm quyền lực cai trị tuyệt đối.

– Thứ hai là căn bệnh tham nhũng, sa đọa và suy thoái đến tận gốc rễ của chế độ cầm quyền. Đây là một hệ thống chính trị lỗi. Nó được xây dựng trên nền tảng của một chế độ độc tôn về quyền lực. Đảng cộng sản ngự trị trên xã hội và quyết định mọi vấn đề của quốc gia, từ việc kiểm soát và chi phối hoạt động bầu cử (tham khảo: ) đến việc tổ chức bộ máy nhà nước và việc kiểm soát báo chí và tư tưởng trong các hội. Điều này khiến Đảng có một quyền lực tuyệt đối nhưng đó cũng chính là nguyên nhân khiến bộ máy của nó nhanh chóng tha hoá và hiện nay đã đến mức vô phương cứu chữa: Quyền lực của Đảng được xây dựng trên sự độc tôn và kìm kẹp tự do. Nó dẫn tới tình trạng tham nhũng và suy thoái đạo đức không cách nào kiểm soát. Toàn bộ hệ thống cai trị của chế độ hiện nay xây dựng trên một nền tảng khuyến khích phạm tội công khai: Không có bất cứ viên chức của chế độ nào, từ cấp cao nhất là Tổng Bí Thư, cho đến cấp thấp nhất là trật tự phường, có khả năng sống với thu nhập hợp pháp theo bảng lương. Với lợi thế quyền lực độc tôn trong tay, cả hệ thống ấy hiện đều là những tội phạm tham nhũng ở những mức độ khác nhau, dựa vào quyền lực cấu kết với các nhóm lợi ích và các lợi thế thông tin. Điều bi kịch lớn nhất ở đây, là do không do người dân bầu ra, cái hệ thống lỗi này đang gây sự tàn phá nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia ở mọi phương diện, vì nó chỉ lấy việc duy trì sự cai trị độc tài của Đảng là mục tiêu tối cao thay vì phụng sự đất nước

(Tham khảo: – Những câu hỏi tại sao   —   Lỗi hệ thống và nạn lạm dụng quyền lực   —   Tương lai nào cho Việt Nam với chính thể hiện nay   —   Phong trào Một lá phiếu, một cái tên)

Những điểm yếu căn bản của chế độ đang gây ra hàng loạt những tổn thương sâu sắc đối với đất nước này. Theo thời gian, bất cập ngày một lớn lên, nhưng điều nguy hiểm là nếu không có những cách hành động đúng, chế độ này sẽ vẫn tồn tại cho đến khi nó tàn phá mọi nguồn lực, vay mọi thứ có thể vay và tiêu đến nhứng đồng cuối cùng trong ngân khố quốc gia. Sự sụp đổ của nó là tất yếu nhưng khi đó thì người Việt cũng chỉ còn một đống đổ nát hoang tàn. (Tham khảo: Đảng cộng sản Việt Nam, ngã ba đường lịch sử: phần 1, phần 2, phần 3 và phần kết)

Một cuộc đấu tranh đúng ở Việt Nam phải là cuộc đấu tranh làm tan rã chế độ cai trị độc tài, đồng thời bảo tồn được hoà bình và những nguồn lực để xây dựng quốc gia. Đây là một cuộc đấu tranh không dễ dàng, nhưng tôi tin nó có thể thành công với những hành động đúng.

2. Mục tiêu đấu tranh – khác biệt giữa ngắn hạn và dài hạn:

Hầu hết những phong trào đấu tranh của người Việt thời gian qua đều khá mơ hồ về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, dẫn tới các giải pháp hoặc là khá xa rời thực tiễn hoặc là không mấy hiệu quả. Đại loại hầu hết các nhà đấu tranh dân chủ đều đặt mục tiêu lật đổ chế độ độ người tài cộng sản và xây dựng nền chính trị tam quyền phân lập với nền bầu cử tự do và quyền tự do ngôn luận như mô hình của các xã hội tiến bộ phương Tây. Đây là một mục tiêu không có gì sai nhưng nó chỉ gần với giới trí thức và rất xa lạ với hầu hết phần còn lại của xã hội. Đồng thời nói tới sự lật đổ khiến người ta hình dung tới chiến tranh và khó có được sự thiện cảm ngay từ đầu của đại bộ phận người dân vốn luôn sợ hãi chiến tranh và khao khát yên bình. Một mục tiêu quá xa và một khẩu hiệu quá mạnh chỉ dẫn tới xa rời thực tại và thất bại trong việc quy tụ đông đảo con người. Cần xác định lại những mục tiêu phù hợp cho các phong trào đấu tranh vì có mục tiêu đúng thì mới có giải pháp đúng.

Trong giai đoạn trước mắt, các phong trào đấu tranh cần xác định rõ đâu là mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Tôi cho rằng đấu tranh cho một xã hội tiến bộ nhất thiết phải dựa vào những bước đi liên tiếp phù hợp với tình hình thực tiễn và do đó các mục tiêu đấu tranh phải dựa trên những yếu tố có thể thu hút được nhiều người nhất, gây được sự hưởng ứng xã hội rộng nhất, từ đó tạo thành sức mạnh buộc chế độ phải có những thỏa hiệp và nhượng bộ, tạo tiền đề cho một xã hội tiến bộ ở Việt Nam. Cụ thể:

– Tập trung vào khẩu hiệu đấu tranh chống nạn lạm dụng quyền lực của bộ máy chính quyền. Đó là tình trạng bắt người trái phép, nạn cấu kết cướp đất đai của hệ thống công quyền ở khắp các địa phương, tình trạng tra tấn và lạm dụng nhục hình của bộ máy công an… Lỗi hệ thống của chế độ khiến những tệ nạn này ngày càng tăng theo thời gian và đó là một trong những thứ dễ thu hút sự hưởng ứng của đại bộ phận xã hội.
– Tập trung vào khẩu hiệu đấu tranh chống tham nhũng, vận động người dân thu thập bằng chứng bằng video clip, bằng hình ảnh và mọi hình thức có thể về các hành vi ăn hối lộ của bộ máy công quyền và chia sẻ chúng trên mạng truyền thông xã hội. Điều này sẽ buộc chính quyền phải hành động ở mức độ này hay mức độ khác, nhưng điều quan trọng nhất là nó sẽ khiến ngày càng nhiều người nhận thức rõ về tình trạng tội phạm hoá vô phương cứu chữa của hệ thống chính quyền, từ đó tạo sức mạnh đồng thuận xã hội cho các mục tiêu đấu tranh xa hơn.

– Tập trung vào đấu tranh với những bất cập trong quản trị xã hội của chế độ, ví dụ việc chính quyền bất lực với nạn thực phẩm độc tràn lan đang giết hại từ từ người Việt; việc để hàng giả, hàng chất lượng kém nhập lậu từ Trung Quốc tàn phá đất nước Việt Nam; việc để mặc cho người TQ tự do đi lại, tự do nhập cảnh trái phép, tự do tiến hành các hoạt động thương mại phá hoại đối với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản và hàng tiêu dùng trên khắp đất nước Việt Nam… Đó đều là những thứ mà người Việt đang tận mắt chứng kiến và bức xúc đến cùng cực.

– Tập trung đấu tranh với những hành động yếu kém của chế độ trong bảo vệ chủ quyền quốc gia: Những chính sách thân thiện của chế độ cộng sản Việt Nam với Trung Quốc trong lúc nền kinh tế ngày một lệ thuộc nặng nề, chủ quyền biển ngày một teo tóp dần và ngư dân bị bỏ mặc cho sự khủng bố có hệ thống của Trung Quốc trên các vùng biển Việt Nam mà hoàn toàn không có sự bảo vệ của chính quyền.

– Tập trung đấu tranh đòi chế độ phải ban hành luật biểu tình trong một lộ trình 1 năm. Quyền biểu tình có trong mọi bản hiến pháp của Việt Nam, nhưng tính từ năm 1946 đến nay đã 71 năm, hoặc chỉ tính từ năm 1975 cho đến nay thì đã tròn 42 năm chế độ hiện nay tước quyền biểu tình của người dân khi trì hoãn ban hành luật biểu tình dù đất nước đã thống nhất ngót nửa thế kỷ. Tuyên truyền rõ điều này cho càng nhiều người càng tốt để tạo sức mạnh đồng thuận xã hội và làm rõ tính hủ bại của chế độ cầm quyền trong việc kìm kẹp đất nước. Chỉ ra đây là một nguyên nhân cốt lõi dẫn đến nạn lạm dụng quyền lực ở Việt Nam và người dân đang bị tước một công cụ đấu tranh cơ bản nhất, chính đáng nhất và văn minh nhất là quyền biểu tình trước các bất cập xã hội.

– Tập trung đòi sửa đổi và/hoặc xoá bỏ các điều luật phản văn minh mà chế độ vẫn đang dùng để bỏ tù mọi trí thức đấu tranh: Ví dụ như điều 258, điều 88 bộ luật hình sự, theo đó họ có thể bỏ tù con người khi họ không có hành động gì khác ngoài việc thực hiện quyền tự do ngôn luận.

– Tập trung đấu tranh đòi tự do tôn giáo vì xét ở bối cảnh hiện tại, các tổ chức tôn giáo rất có lợi thế trong việc tập hợp con người và có thể làm hạt nhân cho những mục tiêu đấu tranh đã liệt kê ở trên

3. Giải pháp:

– Phân tán lực lượng thành các phong trào hoạt động xã hội nhỏ lẻ, tận dụng tối đa mọi biện pháp đấu tranh hợp pháp để chính quyền không thể đàn áp hiệu quả. Tổ chức thành các nhóm hoạt động xã hội từ thiện kết hợp tuyên truyền vận động người dân. Tránh việc kết hợp thành các mạng lưới có kết cấu chặt chẽ vì sẽ dễ bị tập trung khủng bố và bắt bớ. Có hai hình thức hiệu quả nhất là tổ chức các nhóm từ thiện và các nhóm trợ giúp pháp lý cho các nạn nhân bị đàn áp, bị tước đoạt tài sản bởi chính quyền và các nạn nhân bị bạo hành, tra tấn bởi lực lượng công an.

– Tận dụng tối đa hệ thống truyền thông xã hội, bao gồm mạng xã hội và hệ thống Internet. Đây là một công cụ đang làm xói mòn sự kìm kẹp của chế độ về mặt tư tưởng và đang hỗ trợ ngày càng hiệu quả cho tự do ngôn luận ở Việt Nam. Nó cũng là một kênh quan trọng nhất giúp các nhóm hoạt động xã hội có thể kết nối với nhau và có những kênh liên lạc hoặc phối hợp khi cần những hoạt động rộng khắp (ví dụ như việc sử dụng mạng xã hội để kêu gọi cho các hoạt động tuần hành tập thể như trong chuỗi sự kiện Formosa, hoặc để kêu gọi tài trợ cho các nhóm hoạt động xã hội, trợ giúp pháp lý …) Trong vòng vài năm tới, các tiến bộ công nghệ sẽ khiến chính quyền mất hoàn toàn khả năng kiểm soát sự kết nối của mạng truyền thông xã hội, đặc biệt khi các chương trình kết nối vệ tinh toàn cầu của Google, facebook hay SpaceX thành hình. Đây đã và sẽ là một kênh thông tin quan trọng nhất cho các hoạt động xã hội ở Việt Nam.

– Kiên trì đến cùng với phương châm đấu tranh bất bạo động và hoà bình. Có hai lý do: Mọi xã hội văn minh đều chỉ ủng hộ những lực lượng yêu chuộng hoà bình, và cũng chỉ có tôn chỉ hoà bình mới có thể thuyết phục rộng rãi người dân, từ đó tạo thành sức mạnh đoàn kết làm thay đổi xã hội. Mặt khác, sử dụng bạo lực, đàn áp, reo rắc sợ hãi và nghi ngờ là thế mạnh của chế độ hiện nay. Chỉ có bằng con đường hoà bình, dựa trên sự đoàn kết của đông đảo người dân mới có thể tạo được sức mạnh đối chọi lại sự khủng bố của chính quyền. Do đó cần nhận diện và đấu tranh với tất cả các khẩu hiệu bạo lực và cực đoan, vì hoặc đó là của những kẻ cực đoan gây bạo loạn và/hoặc của chính lực lượng an ninh của chính quyền kích động rối loạn để dễ bề trấn áp và khủng bố.

– Soạn thảo những tài liệu đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, ngắn gọn nhất để phổ biến tới càng nhiều người càng tốt về các bất cập xã hội, về những biện pháp chia sẻ thông tin, những khẩu hiệu đấu tranh trong giai đoạn trước mắt.

– Phối hợp các hoạt động xã hội với các tổ chức tôn giáo tiến bộ có triết lý khuyến khích hoà bình và hoà giải, để tận dụng tính tổ chức và khả năng tập hợp con người của các tôn giáo văn minh.

Vài lời cuối cùng: Đây chỉ là những ý tưởng thiếu liền mạch mà tôi viết vội giữa những chặng dừng trong một chuyến hành trình vội vã. Nó thiếu sót và cần được bổ sung. Đất nước vốn không của riêng ai và Đó là việc của các bạn, những người quan tâm đến sự thịnh vượng và tồn vong của đất nước này. Tôi muốn nhấn mạnh rằng cuộc đấu tranh này chỉ có thể thành công, đất nước này chỉ có thể có tương lai khi mỗi người trong số chúng ta sẵn sàng làm những điều đơn giản nhất cho chính chúng ta và cho tương lai con cháu chúng ta: Hãy chia sẻ các thông điệp tiến bộ và hoà bình; hãy làm càng nhiều người biết càng tốt về thực trạng đất nước; hãy sẵn sàng quyên góp và/hoặc tham gia các hoạt động trợ giúp cho những người bị tù oan, bị đàn áp, bị cướp đoạt tài sản và kế sinh nhai; hãy sẵn sàng xuống đường tuần hành để đòi chính quyền liêm chính, bảo vệ công lý, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền, đòi quyền biểu tình, quyền tự do lập hội và hội họp, đòi xoá bỏ các điều luật bất công… Bất cứ ai cũng có thể làm được một điều gì đó, có thể thuyết phục được một ai đó trong hoà bình để họ hiểu và đi cùng bạn. Khi mỗi người thuyết phục được thêm một người, mỗi người trợ giúp được thêm một người, với sự kiên trì và đoàn kết, trong vòng không quá 5 năm, sẽ có hàng triệu người tiến bộ. Đó cũng là lúc bình minh lên ở đất nước này.

FB Lang Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad