Nhiều chứ không phải một
TASCO – một trong những doanh nghiệp tiên phong, “nhà đầu tư” nổi tiếng trong hàng loạt dự án BOT cầu đường vừa chính thức tuyên bố sẽ rút khỏi lĩnh vực này.
TASCO đã từng đầu tư vào hàng loạt dự án BOT cầu đường ở miền Bắc Việt Nam. Chẳng hạn: Nâng cấp quốc lộ 10 đoạn chạy ngang tỉnh Thái Bình. Tuyến tránh Ðông Hưng ở tỉnh Thái Bình. Tỉnh lộ 39B ở tỉnh Thái Bình. Tuyến tránh thành phố Nam Ðịnh từ quốc lộ 10 đến thị trấn Mỹ Lộc. Quốc lộ 21. Quốc lộ 1 đoạn chay ngang tỉnh Quảng Bình. Nâng cấp quốc lộ 10. Ðường Hồ Chí Minh đoạn từ quốc lộ 2 đến Hương Nộn. Nâng cấp Quốc lộ 32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà tỉnh Phú Thọ…
TASCO đã từng tạo ra cả thèm muốn lẫn nghi ngại khi chỉ trong quý 1 năm 2016 lãi 84 tỉ đồng, tăng gấp… 14 lần so với cùng kỳ năm 2015. Theo giải trình của TASCO với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong thời điểm vừa kể, chỉ riêng doanh thu từ các dự án BOT cầu đường của TASCO đã là 99 tỉ đồng.
Vậy tại sao TASCO thối lui? Theo một số chuyên gia và những tờ báo chuyên về đầu tư, tài chính thì vì các dự án BOT cầu đường không còn giống như bò sữa nữa.
Vietnam Finance – một tờ báo điện tử chuyên về đầu tư, tài chính, nhận định, đa số các dự án BOT cầu đường mà TASCO đầu tư là “nâng cấp” (chỉ sửa chữa rồi tổ chức thu phí) nên không cần vốn lớn, đã vậy lại được vay vốn theo hình thức ưu đãi (lãi thấp, mức lãi cố định) thành ra hiệu quả đầu tư luôn “hết sức khả quan.”
Thời gian vừa qua, tại Việt Nam mọc ra rất nhiều “nhà đầu tư” vào những dự án BOT cầu đường như TASCO. Vốn của phần lớn những “nhà đầu tư” này chỉ tương đương 15% đến 20% giá trị công trình mà họ “đầu tư,” số còn lại được vay theo hình thức ưu đãi từ hệ thống ngân hàng rồi tổ chức thu phí.
Trong vòng mười năm gần đây, trạm thu phí do các “nhà đầu tư” vào những dự án BOT cầu đường mọc lên như nấm trên khắp Việt Nam. Sau hàng loạt vụ biểu tình, phản đối tình trạng phải trả quá nhiều phí khiến mọi giới điêu đứng khiến các loại chi phí tăng vọt, cả kinh tế lẫn đời sống dân chúng thêm khó khăn, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Kiểm Toán Việt Nam xem lại một số dự án BOT cầu đường.
Cuối tháng trước, sau khi kiểm tra 27 dự án BOT cầu đường, Kiểm Toán Việt Nam cho biết, dự án BOT cầu đường nào cũng được phép thu phí dài hơn mức cần thiết. Tổng thời gian mà cơ quan này tính toán và đề nghị cắt bỏ, không cho các “nhà đầu tư” thu phí cộng lại chừng… 100 năm. Thậm chí Kiểm Toán Việt Nam còn đề nghị chấm dứt việc cho phép thu phí ngay lập tức một số dự án BOT cầu đường.
Tại buổi báo cáo kết quả kiểm toán 27 công trình cầu đường được đầu tư trong giai đoạn từ 2011 đến 2016 với Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam, Kiểm Toán Việt Nam cho biết, 27 dự án BOT cầu đường đều là chỉ định “nhà đầu tư” chứ không tổ chức đấu thầu để lựa chọn. Do vậy, các yếu tố để quyết định thời gian mà “nhà đầu tư” được phép thu phí như: Tỉ lệ vốn của chủ đầu tư, tỉ lệ vốn đi vay, lãi suất đối với vốn đi vay, chi phí quản lý, lợi nhuận,… đều mập mờ và không hợp lý.
Sự mập mờ và không hợp lý còn thể hiện ở chỗ nhiều trạm thu phí cầu đường được đặt bên ngoài dự án, thành ra không sử dụng cầu đường, các loại phương tiện vẫn bị buộc phải trả phí. Ða số dự án BOT cầu đường mà Kiểm Toán Việt Nam đã kiểm tra đều buộc các loại phương tiện trả chung một mức phí, bất kể những phương tiện đó di chuyển trên công trình cầu đường dài hay ngắn.
Kiểm Toán Việt Nam còn phát giác có sự nhập nhằng về bản chất của các dự án BOT cầu đường. Nhiều dự án trong số những dự án mà họ đã kiểm tra chỉ là “cải tạo, nâng cấp” chứ không phải “làm mới” theo đúng tinh thần BOT. Cũng vì vậy, dân chúng bị tước mất cơ hội lựa chọn, sử dụng hệ thống giao thông miễn phí.
Song song với Kiểm Toán Việt Nam, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam bắt đầu buộc hệ thống ngân hàng thương mại phải siết việc cho các “nhà đầu tư” vào những dự án BOT cầu đường vay tiền bởi “tiềm ẩn nhiều rủi ro.”
Giống như TASCO, các “nhà đầu tư” vào những dự án BOT cầu đường bắt đầu thiếu vốn. Vietnam Finance mới thử điểm lại năng lực tài chính của một số “nhà đầu tư” được xem là có máu mặt.
Chẳng hạn vì chỉ “huy động” được 550 tỉ đồng nên UIDC – “nhà đầu tư” dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, trị giá 11,765 tỉ đồng đã phải “nhượng” dự án cho Geleximco. Geleximco gom cả vốn tự có với vốn đi vay ba ngân hàng cũng chỉ có 5,800 tỷ đồng nên đang định buông. Trước đó một chút Geleximco đã buông dự án cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình.
Nói cách khác, đã đến giai đoạn các “nhà đầu tư” những dự án BOT cầu đường không còn có thể muốn mượn bao nhiêu “đầu heo” để “nấu cháo,” tùy tiện ấn định mức phí là bao nhiêu và thu trong bao lâu cũng được, giống như trước nữa nên cuộc tháo chạy đang bắt đầu.
Tiểu lộ để thành đại gia
Ðây không phải là lần đầu tiên các “nhà đầu tư” tại Việt Nam đồng loạt tháo chạy khỏi một lĩnh vực sôi động.
Ðầu thập niên 2000, Việt Nam xuất hiện hàng loạt “nhà đầu tư” vào lĩnh vực thủy điện. Hệ thống công quyền các cấp đã phát ra hàng ngàn giấy phép đầu tư.
Do xây dựng cẩu thả, một số đập chắn nước của các hồ chứa bị vỡ làm nhiều người chết, nhà cửa, ruộng vườn liên tục bị hư hại. Do thiếu viễn kiến, các dự án thủy điện khiến hạn hán trong mùa khô, lũ lụt trong mùa mưa trầm trọng hơn. Chưa kể các dự án thủy điện góp phần hủy diệt rừng. Chỉ tính riêng Tây Nguyên đã mất 80,000 héc ta rừng, sinh hoạt, sinh kế của 26,000 gia đình, phần lớn là người thiểu số bị đảo lộn.
Tình trạng nghiêm trọng đến mức, năm 2012, Ban Chỉ Ðạo Tây Nguyên (thuộc Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN) phải chính thức đề nghị “tạm dừng khởi công các dự án thủy điện ở khu vực Tây Nguyên cho đến hết năm 2014 để giải quyết các tồn đọng về môi trường và xã hội.” Những dự án thủy điện tại khu vực Tây Nguyên được xác nhận là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo, đẩy người thiểu số tới tột đỉnh của sự bần cùng.
Sau đề nghị vừa kể, hồi Tháng Tám năm 2013, Tập Ðoàn Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố đã bán xong sáu dự án thủy điện tại Tây Nguyên. Trong 6 dự án này có 4 đã vận hành và 2 đang xây dựng.
Tháng sau, Nam Trung – một tập đoàn tư nhân khác cũng thuộc loại tiên phong trong “đầu tư” vào các dự án thủy điện tại Việt Nam tuyên bố rút lui khỏi lĩnh vực thủy điện.
Lúc ấy, dù hai “nhà đầu tư” hàng đầu vào lĩnh vực thủy điện cùng giải thích, sở dĩ họ rút lui vì đầu tư vào thủy điện không mang lại tỷ suất lợi nhuận cao, họ lại đang cần tiền để cơ cấu lại nguồn vốn và tiếp tục đầu tư vào các dự án khác nhưng một số chuyên gia về năng lượng và kinh tế khẳng định, các “nhà đầu tư” thoái lui vì đã đạt được mục đích chính: Dùng các giấy phép đầu tư vào thủy điện để phá rừng, tận thu gỗ.
Hiệu quả kinh tế của các dự án thủy điện nhỏ vốn không đáng kể nhưng các “nhà đầu tư” mặn mòi với loại dự án này vì diện tích rừng được phép “dọn dẹp” không hề nhỏ. Trung bình mỗi MW điện ngốn khoảng 14 héc ta rừng, một dự án 10 MW điện đồng nghĩa với được “dọn dẹp” 150 héc ta rừng.
Cuộc tháo chạy khỏi lĩnh vực thủy điện khởi đầu từ cuối năm 2013. Không biết tất cả các “nhà đầu tư” đã kịp rút hết hay chưa vì đến trung tuần tháng này, thủ tướng Việt Nam mới chính thức ra lệnh “tạm dừng cấp giấy phép đầu tư cho các dự án thủy điện”!
Tuần trước, Phòng Thương Mại Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) công bố kết quả cuộc khảo sát “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016” (PCI 2016). Theo đó có 72% đại diện các doanh nghiệp trong nhóm những tỉnh mà PCI 2016 không có thay đổi nào đáng kể so với PCI 2015, cùng cho rằng, các loại hợp đồng, đất đai và những nguồn lực khác tại Việt Nam vẫn chỉ rơi vào tay những doanh nghiệp “có liên kết chặt chẽ với chính quyền.”
Mời xem Video: Nóng: Ngư dân ở Kỳ Nam biểu tình Formosa sáng nay 21-03-17 bị đàn áp dã man từ lực lượng công quyền
Nhiều người vẫn thường tự hỏi, tại sao kinh tế lụn bại mà số đại gia, nắm trong tay nhiều triệu, thậm chí cả tỉ Mỹ kim tại Việt Nam vẫn tăng? Doanh giới Việt Nam đã trả lời thay: “Có liên kết chặt chẽ với chính quyền,” sắm vai “nhà đầu tư,” chọn những lĩnh vực còn sơ khai để thực hiện vô số dự án chính là tiểu lộ dẫn tới thành công. (G.Ð)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét