Ngày 18/3 vừa qua, một loạt báo chí chính thống tại Sài Gòn đưa tin về sự kiện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Phòng Cảnh sát Giao thông TP HCM tổ chức lễ kết nghĩa với các chi đoàn, cụm chi đoàn trên địa bàn thành phố. Theo đó, 19 chi đoàn thuộc Đoàn Phòng PC67 sẽ kết nghĩa với 18 cơ sở đoàn địa phương; 4 cụm chi đoàn thuộc Đoàn Phòng PC67 kết nghĩa với 4 cơ sở đoàn thuộc 4 trường đại học. Đặc biệt, Đoàn Phòng PC67 sẽ kết nghĩa với các cơ sở đoàn của 4 cơ quan báo chí lớn tại thành phố lớn nhất cả nước này là Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động và Pháp Luật TP.HCM.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Đoàn Công an TP, phát biểu tại buổi lễ kết nghĩa: “Tình hình trật tự an toàn giao thông hiện nay đang rất phức tạp, đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, trong đó chính vẫn là lực lượng công an nhưng cần phải có sự kết hợp với các cơ quan, đơn vị… nhằm chuyển biến nhận thức của người dân trong tham gia giao thông”.
Mặc dù theo lãnh đạo Phòng CSGT TP HCM thì mục đích của việc “kết nghĩa” này rất là chính đáng – “để cùng nhau phục vụ tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, song dường như chẳng người dân Sài Gòn nào tỏ ra hoan hỉ trước thông tin trên, ngoại trừ những người trong cuộc.
Bao giờ cho đến ngày xưa?
Tình hình trật tự an toàn giao thông trên cả nước nói chung và địa bàn TP HCM nói riêng diễn ra ngày một tệ hại là thực tế mà công luận đã phản ánh quá nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Các cơ quan hữu quan ở Việt Nam thường quy nguyên nhân của thực trạng này cho cái gọi là “ý thức của người tham gia giao thông”. Và, theo đúng “quy trình”, sau khi “bắt bệnh” xong, “phương thuốc” được người ta đưa ra là làm thế nào để “nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông”, mà cách thức phổ biến là “tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông”.
Trên thực tế, như chúng ta đều biết, Hà Nội trước năm 1954 và Sài Gòn từ năm 1975 trở về trước đều là những thành phố ngăn nắp, trật tự; người dân có ý thức cao trong việc chấp hành pháp luật nói chung cũng như luật lệ giao thông nói riêng. Tuy nhiên, sau khi Đảng CSVN nắm quyền trên toàn Miền Bắc từ năm 1954 và trên cả nước từ năm 1975, tình hình đã thay đổi theo chiều hướng như chúng ta đã thấy. Tinh thần “thượng tôn pháp luật” nói chung và ý thức tuân thủ luật lệ giao thông nói riêng của người dân ngày càng đi xuống, trong khi không thể nói là dân trí Việt Nam hiện nay thấp hơn so với năm 1975 hay 1954. Trách nhiệm này, trước hết thuộc về bộ máy công an, lực lượng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội. Họ chính là những người trực tiếp tạo ra “ý thức chấp hành pháp luật” (hoặc ngược lại, ý thức coi thường pháp luật) trong dân chúng. Ý thức là sự phản ảnh của hiện thực khách quan vào trong não bộ con người. Và cái “hiện thực khách quan” về tinh thần thượng tôn pháp luật, trước hết, do chính những người thừa hành pháp luật tạo ra.
Sự tha hoá của quyền lực thiếu kiểm soát
Trở lại với sự kiện Đoàn Phòng CSGT TP Hồ Chí Minh “kết nghĩa” với các cơ sở đoàn trên địa bàn thành phố. Việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại Sài Gòn là trách nhiệm trực tiếp của lực lượng cảnh sát giao thông thành phố. Tuy nhiên, họ đã không làm tròn nhiệm vụ được giao của mình, điều mà ngay chính họ cũng phải thừa nhận ở trên. Nói cách khác, họ đã thất bại trong việc tạo ra “ý thức chấp hành luật lệ giao thông” cho người dân. Nguyên nhân rất đơn giản: họ đã sử dụng quyền lực được hệ thống chính trị giao phó không phải nhằm phục vụ cho lợi ích của cộng đồng và xã hội, mà chủ yếu là cho lợi ích cá nhân. Có quá nhiều minh chứng cho nhận định này: đó là việc lực lượng CSGT thành phố đứng sau các đội “xe vua”; việc CSGT thoả thuận với người vi phạm luật lệ giao thông theo kiểu “của đồng chia ba, của nhà chia đôi” để khỏi lập biên bản vi phạm; việc CSGT nhắm mắt làm ngơ cho các hành vi phạm luật của người tham gia giao thông khi không thể “kiếm chác” gì, v.v.
Trong một xã hội mà mọi quyền lực đều tập trung trong tay Đảng Cộng sản thì sự tha hoá của quyền lực nhà nước nói chung và lực lượng CSGT TP HCM nói riêng là điều tất yếu. Để ngăn chặn quá trình tha hoá đó, các quyền lực xã hội như báo chí càng cần tăng cường vai trò giám sát đối với quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, một mặt báo chí Việt Nam chỉ là công cụ tuyên truyền của đảng (thể hiện, chẳng hạn, qua việc Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng vừa mới chỉ đạo lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam dừng phát sóng loạt bài điều tra “Mạng lưới rút ruột dầu máy bay ở TP HCM”) nên hiệu quả của việc “giám sát” đó là rất hạn chế; mặt khác các quyền lực này luôn tìm cách cấu kết với nhau vì lợi ích riêng, mà việc Phòng Đoàn CSGT TP HCM “kết nghĩa” với cơ quan đoàn của bốn tờ báo lớn tại Sài Gòn là một ví dụ điển hình. Từ nay, các phóng viên muốn đăng bài phản ảnh tình hình tiêu cực trong lực lượng CSGT Sài Gòn trên các tờ báo này chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn trước nhiều.
Khi quyền lực nhà nước hay quyền lực xã hội được sử dụng để phục vụ cho những mục đích cá nhân, nó đã “tự diễn biến, tự chuyển hoá” thành quyền lực bất chính. Bản thân quyền lực bất chính đã nguy hiểm cho xã hội, sự cấu kết giữa chúng lại càng nguy hiểm bội phần.
Lê Anh Hùng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét