‘Biểu tượng cao’
Cuối tháng 2/2017, một hiện tượng chính trị được xem là đặc biệt đã diễn ra: Nhật hoàng và Hoàng hậu sắp tới Hà Nội trong chuyến thăm lần đầu và được xem là có tính “biểu tượng cao”.
Tính biểu tượng đó đã thể hiện bằng biểu tượng nhân sự đón tiếp Nhật hoàng và Hoàng hậu ngay tại sân bay Nội Bài: Đặng Thị Ngọc Thịnh - cấp phó chủ tịch nước.
Tính biểu tượng đó lại càng cao nếu ta so sánh: khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam vào tháng 5/2016, ông đã chỉ được cấp thứ trưởng ngoại giao Việt Nam “ra đón đoàn”.
Dĩ nhiên, về mặt cấp và hàm, thứ trưởng ngoại giao không thể bằng vai phải lứa với phó chủ tịch nước.
Cho dù Obama đã quyết định một cử chỉ thân ái chưa từng có dành cho Hà Nội: dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương…
Còn người Nhật lại chưa từng có cái quyền cấm vận Việt Nam về vũ khí sát thương hay kinh tế.
Người Nhật chỉ cùng màu da vàng với người Việt, tinh thần Đại Đông Á mà một số nhân sĩ Việt ngưỡng mộ và một số chính khách Việt đang nhắc lại. Cùng ODA.
Phải có những tính cách đặc biệt và điểm chung đặc biệt giữa hai dân tộc…
Cho dù truyền thông tại Việt Nam mô tả chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu không mang tính chất chính trị hay thúc đẩy kinh tế mà mang ý nghĩa giao lưu hữu nghị giữa hai quốc gia, nhưng một cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản là ông Nguyễn Phú Bình lại mô tả: “Nhật hoàng và Hoàng hậu đi thăm nước nào thì hẳn là nước đó phải có quan hệ đặc biệt lắm”.
“Quan hệ đặc biệt” như thế nào?
Đó là một ẩn ý mà giới phân tích chính trị và phân tích kinh tế đương nhiên muốn mổ xẻ.
‘Đặc biệt’
Vào tháng 6/2016, nhân vật vừa nhận chức vụ thủ tướng Việt Nam là ông Nguyễn Xuân Phúc đã đi Nhật để dự Hội nghị G7 mở rộng. Theo một số tin tức từ giới ngoại giao, ông Phúc đã mời Nhật hoàng thăm Việt Nam “vào một thời điểm thích hợp”.
Song chính vào khi đó, một số trong giới phân tích kinh tế đã tỏ ra khá đồng thuận trong nhận định rằng tân thủ tướng Việt Nam dường như đã không rơi vào hoàn cảnh thích hợp để lãnh nhiệm chức vụ thủ tướng. Sau nhiều năm êm ả làm cấp phó cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Phúc đang phải gánh quá nhiều khó khăn kinh tế và xã hội - di họa từ thời chính phủ trước. Cùng lúc, ông Phúc phải đối phó với không ít đối thủ chính trị đã lộ diện hoặc còn chìm ẩn nhưng đều “tỏ ra nguy hiểm”. Thành công hay thất bại chính trị của Thủ tướng Phúc sẽ tùy thuộc phần lớn vào những chuyến công du đối ngoại để làm sao vay được tiền và xin được viện trợ không hoàn lại.
Nhật Bản lại là quốc gia tỏ ra hào phóng nhất trong chính sách cung cấp viện trợ ODA cho Việt Nam. Từ năm 1992 khi cơ chế ODA được Nhật nối lại với Việt Nam, cho tới nay Nhật đã cung cấp cho Hà Nội khoảng 25 tỷ USD. Ngay vào thời gian những năm 2015 và 2016 khi các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển Á châu đồng loạt tuyên bố Việt Nam không còn được vay tín dụng với lãi suất ưu đãi và thời gian ân hạn kể từ tháng 7/2017, Nhật Bản vẫn “trung thành” với Việt Nam khi tiếp tục đều đặn rót vào nước này từ 1 - 1,5 tỷ USD hàng năm cho các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở.
Nhật Bản cũng là quốc gia có lượng đầu tư đổ vào Việt Nam khá lớn và ổn định cho tới nay, bất chấp hiện tượng một số công ty bao gồm cả doanh nghiệp Mỹ đang bắt đầu rút vốn đầu tư khỏi Việt Nam.
Không loại trừ do mối quan hệ “đặc biệt” về kinh tế và viện trợ như thế, vào tháng 4/2016 lần đầu tiên 3 tàu chiến Nhật đã cùng tập trận với Hải quân Việt Nam ngay tại khu vực biển Đà Nẵng, để sau đó tàu Nhật nghiễm nhiên tiến vào cảng Cam Ranh mà nghe nói thủ tục vào cảng đã được phía Việt Nam đơn giản hóa so với tàu Mỹ cũng vào Cam Ranh…
Còn hiện thời, cần nhìn nhận một sự thật mà có lẽ giới tuyên giáo đảng ở Việt Nam chẳng hề muốn đả động: Nhật hoàng và Hoàng hậu thăm Hà Nội trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào năm suy thoái kinh tế thứ 9 liên tiếp, nợ xấu ngập đầu còn nợ công phi mã đến 210% GDP, ngân sách có nguy cơ cạn kiệt, trong lúc các kênh “ngoại viện” gần như đóng lại. Ngay cả Hiệp định TPP mà giới lãnh đạo Việt Nam từng cố công trông đợi để được “tăng 25% GDP” cũng gần như tan vỡ. Trong khi đó, một hiệp định khác - Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - cũng chưa tới đâu, cho dù đã được ký kết từ cuối năm 2015. Nghe đâu Nghị viện châu Âu còn đang cân nhắc có nên thông qua việc triển khai hiệp định này hay không khi chính quyền Việt Nam vẫn thẳng tay đàn áp nhân quyền.
‘Một đảng thống lĩnh’
Không khó hiểu là Nhật hoàng và Hoàng hậu đã được chào đón nồng nhiệt bởi giới lãnh đạo Việt Nam. “Biểu tượng” bởi dàn nhân sự đón tiếp không chỉ cấp phó chủ tịch nước tại sân bay, mà tiếp đó có mặt gần hết những chóp bu Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và cả “tổng bí thư và phu nhân”.
Cũng sẽ không khó hiểu nếu sau chuyến thăm của Nhật hoàng, chính phủ Nhật sẽ nới tay cấp vốn ODA nhiều hơn cho Việt Nam. Nhưng có lẽ chủ yếu vẫn là chi cho các công trình hạ tầng cơ sở, cho dù đây là khu vực mà giới quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” ở Việt Nam đã có tích tụ quá nhiều kinh nghiệm “nuốt 50%” từ thời PMU18 năm 2008 đến nay.
Nhưng cũng không loại trừ khả năng người Nhật còn hào phóng hơn với một khoản viện trợ không hoàn lại dành cho “cải cách thể chế” ở Việt Nam. Hình như không phải ngẫu nhiên mà sau chuyến công du Nhật của Thủ tướng Phúc vào tháng 6/2016, một số cơ sở nghiên cứu của Việt Nam bắt đầu đề cập và thậm chí còn xuất bản ấn phẩm sách như thể cổ súy cho mô hình “một đảng thống lĩnh” của chính trường đa đảng Nhật đã đạt được ổn định và thành công trong nhiều năm qua. Còn trước chuyến thăm Việt Nam của Nhật hoàng, chủ thuyết chính trị đó lại được nhắc lại với tần suất dày đặc hơn…
Nếu không thể trở thành “nước Nga của Putin”, có lẽ mô hình “một đảng thống lĩnh” của người Nhật sẽ biến thành kỳ vọng cuối cùng của không ít người trong giới chóp bu Việt.
Đồng minh và lối thoát
Sẽ là xúc phạm thái quá nếu cứ luôn cho rằng đối với giới lãnh đạo Việt, tiền mới là tất cả. Hoàn cảnh mới tư duy mới. Từ sâu thẳm trong tâm thức một bộ phận của giới chính khách Việt Nam, không chỉ tiền mà còn như đang trỗi dậy nhu cầu “đồng minh với Nhật”.
Không phải vô cớ mà gần đây Việt Nam lại quyết định vay nửa tỷ USD tín dụng của Ấn Độ để trang bị vũ khí. Nhật Bản lại là quốc gia đại diện cho vòng cung quân sự Đông Bắc Á mà Trung Quốc luôn e ngại. Thế thì, Trung Quốc có dám đánh Việt Nam không, nếu trong tương lai không quá xa sẽ hình thành một kiểu liên minh quân sự Nhật - Việt - Ấn và có thể cả Australia?
Và dù luôn quan niệm “chơi với Nhật dễ hơn chơi với Mỹ”, giới ngoại giao Việt Nam vẫn thừa hiểu rằng Nhật lại là một đồng minh quân sự của Hoa Kỳ.
Mời xem Video: Việt Nam đang loạn: Các tướng lĩnh Quân đội sẽ vào cuộc ra tay loại bỏ Trọng Lú?
Nếu kịch bản “đồng minh với Nhật” có nét hiện thực, có thể đó sẽ là lối thoát cho dân tộc Việt trước Trung Quốc. Và cũng là lối thoát cho một bộ phận trong giới chóp bu Việt trước nhân dân.
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét