“Chị Sáu” điên hay tỉnh?
“Chị Sáu” là cách mà nhiều thế hệ ở Việt Nam được giáo dục để gọi “anh hùng Võ Thị Sáu.”
Theo sách giáo khoa và các tài liệu chính thống do nhà nước phát hành thì “chị Sáu” không phải họ “Võ” tên Thị Sáu. Tên đúng của “chị Sáu” là Nguyễn Thị Sáu, sinh năm 1933, cư trú tại Phước Thọ, Đất Đỏ, nay thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Sách giáo khoa và các tài liệu chính thống cho biết, vì căm thù thực dân Pháp và Việt gian, “chị Sáu” tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi. Sau hai năm hoạt động bí mật, “chị Sáu” vào chiến khu, tham gia Công an xung phong. Kể từ đó, ngoài việc liên lạc, tiếp tế cho chiến khu “chị Sáu” còn điều tra, thu thập thông tin về hoạt động của “thực dân Pháp và tay sai” tại khu vực Đất Đỏ.
Cũng theo sách giáo khoa và các tài liệu chính thống, “chị Sáu” đã hai lần ném lựu đạn vào kẻ thù. Một lần giết một sĩ quan và 23 lính Pháp. Một lần giết hai Việt gian. Đó cũng là lý do khiến “chị Sáu” bị bắt vào năm 1950. Bị kết án tử hình năm 1951 và bị xử bắn năm 1952 tại Côn Đảo.
Câu chuyện về “chị Sáu” không chỉ được kể trong sách giáo khoa và các tài liệu chính thống. “Chị Sáu” còn được nhắc đến qua các bài hát, phim truyện. Tên “chị Sáu” được đặt cho nhiều con đường, nhiều ngôi trường trên khắp Việt Nam.
Sau tháng 4 năm 1975, tên tuổi, hành động của “chị Sáu” chính thức được quảng bá rộng rãi ở miền Nam Việt Nam - nơi bao gồm cả Phước Thọ, Đất Đỏ, quê hương của “chị Sáu”. Kể từ đó bắt đầu có tin đồn rằng, chị Sáu là một người ngây ngây, dại dại. Chuyện ném lựu đạn tại Đất Đỏ tuy có nhưng là do chị bị… xúi bậy. Không có sĩ quan, binh sĩ nào của Pháp hay Việt gian thiệt mạng mà chỉ có thường dân mất mạng khi lựu đạn được liệng vào giữa chợ…
Tin đồn ấy như những đợt sóng ngầm trong một thời gian dài. Gần đây, nhà thơ Nguyễn Duy tiết lộ, ông từng đến Đất Đỏ thẩm định tin đồn. Không may cho cách mạng là tin đồn lại đúng. Thậm chí sĩ quan Pháp (thực chất chỉ là hạ sĩ quan) mà sách giáo khoa và các tài liệu chính thống bêu danh và khẳng định đã “đền tội”, nay vẫn … còn sống. Vì là con lai, sau tháng 4 năm 1975, ông hạ sĩ quan này quay lại Việt Nam thăm mẹ, làm các thủ tục đón bà sang Pháp định cư. Suốt quá trình đó ông tới lui Đất Đỏ nhiều lần, giúp tiền xây dựng một số công trình phúc lợi rồi trở thành khách quý của chính quyền địa phương.
Trong video clip ghi lại buổi chuyện trò giữa Nguyễn Duy và nhiều văn nghệ sĩ về “chị Sáu”, không chỉ Nguyễn Duy mà còn ít nhất ba người nữa khẳng định họ đã biết chuyện “chị Sáu” nửa điên, nửa tỉnh từ lâu. Trong ba có một phụ nữ từng tham gia làm bộ phim “Người con gái Đất Đỏ” – ca ngợi “chị Sáu”. Bà bảo, chính em “chị Sáu” khẳng định “chị Sáu” không... bình thường.
Sách giáo khoa và các tài liệu chính thống không giải thích tại sao họ của “chị Sáu” – một anh hùng – lại bị đổi từ Nguyễn thành Võ. Cũng chẳng rõ tại sao gia tộc của “chị Sáu” không thắc mắc, khiếu nại yếu tố rất quan trọng này? Tại sao họ thản nhiên bỏ qua vinh dự lớn đến như vậy?
Sau khi video clip ghi lại buổi trò chuyện giữa Nguyễn Duy và bạn bè được đưa lên facebook, trên facebook xuất hiện bài “Nhân sỹ trí thức hay những kẻ phản quốc hèn hạ?” của một nhân vật tên Cậu Ấm – chỉ trích cả Nguyễn Duy lẫn những văn nghệ sĩ có mặt trong video clip: Nguyên Ngọc (cựu Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, cựu Tổng Biên tập báo Văn Nghệ), Phạm Xuân Nguyên (Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội), Nguyễn Thanh Giang (Tiến sĩ Địa – Vật lý), Nguyễn Quang A (cựu Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển), các nhà văn, nhà báo: Hoàng Hưng, Hoàng Dũng...
Dẫu cáo buộc những nhân vật vừa kể “xuyên tạc lịch sử” một cách “khốn nạn và bất lương” nhưng tác giả “Nhân sỹ trí thức hay những kẻ phản quốc hèn hạ?” không trưng dẫn bất kỳ chứng cứ nào để chứng minh lịch sử đã bị xuyên tạc.
Theo Cậu Ấm, một trong những lý do khiến tác giả “Nhân sỹ trí thức hay những kẻ phản quốc hèn hạ?” phẫn nộ “một cách đặc biệt” là vì “chị Sáu” được “cán bộ, chiến sĩ công an Việt Nam xem là biểu tượng tinh thần xả thân vì nước”.
“Anh hùng” và sự lẫn lộn thật - giả
“Chị Sáu” không phải là anh hùng đầu tiên gây hoang mang cho công chúng – những người đã từng phải học, phải nghe về vô số những “tấm gương” trong các cuộc cách mạng nhằm “giành chính quyền về tay nhân dân”.
Một trong những “anh hùng” gây hoang mang như thế là Lê Văn Tám - nhân vật từng được khẳng định là đã tẩm xăng vào người rồi tự đốt mình trước khi lao vào phá một kho đạn của Pháp tại Thị Nghè, Sài Gòn.
Giống như “chị Sáu”, “anh Tám” cũng được dựng tượng, tên được đặt cho nhiều con đường, nhiều ngôi trường trên khắp Việt Nam. Cũng giống như “chị Sáu”, từng có rất nhiều đồn đãi về “anh Tám”.
Tháng 2 năm 2005, ông Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, chính thức tuyên bố, “anh Tám” là một nhân vật hư cấu. Ông Lê giải thích, ông phải làm như thế vì đã hứa giúp ông Trần Huy Liệu – người từng là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và Cổ động giai đoạn kháng chiến chống Pháp – trả món nợ với lịch sử. Thập niên 1940, sáng tác xong câu chuyện Lê Văn Tám, ông Liệu có nói với ông Lê rằng, đó là vì “nhiệm vụ tuyên truyền”, sau này khi đất nước yên ổn, nếu ông Liệu không còn, giới sử học nên giúp ông bạch hóa sự thật.
Cho dù giới sử học đã bạch hóa chuyện “anh hùng” Lê Văn Tám, tượng “anh Tám”, tên “anh Tám” vẫn còn trên nhiều công viên, nhiều con đường, nhiều ngôi trường.
Có vẻ như giới đảm trách “nhiệm vụ tuyên truyền” đã tích cực một cách thái quá nên bộ máy tuyên truyền hiện tại liên tục bị động. Hết “anh Tám”, “chị Sáu”, công chúng bàn luận thêm về “anh hùng” Nguyễn Văn Bé. “Anh hùng” Nguyễn Văn Bé mất tích trong một chuyến vận chuyển vũ khí và bị phục kích năm 1966.
Tin rằng anh đã “hy sinh”, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cấp tốc truy tặng anh danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang” và Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba. Lý do: Khi bị kẻ thù bắt trong một chuyến vận chuyển vũ khí, tận dụng cơ hội được kẻ thù nhờ “hướng dẫn kỹ thuật sử dụng”, “anh hùng” Nguyễn Văn Bé đã dùng một trái mìn claymore đập vào xe tăng, tạo thành một vụ nổ lớn, giết 69 quân nhân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, phá hủy nhiều xe tăng.
Tuy nhiên một lần nữa, cách mạng lại không gặp may: “Anh hùng” Nguyễn Văn Bé không chết. Anh chỉ bị thương và được kẻ thù cứu chữa. Cả báo chí miền Nam Việt Nam lẫn báo chí Mỹ (tờ Time số ra ngày 17 tháng 3 năm 1967) đều trưng dẫn hàng loạt bằng chứng cho thấy “anh hùng” Nguyễn Văn Bé đang sống và đã hồi chánh (trở về với chính nghĩa quốc gia). Báo chí cách mạng phản bác kịch liệt, cho đó là thủ đoạn đê tiện – phản tuyên truyền của kẻ thù.
Giống như “chị Sáu”, “anh Tám”, tấm gương của “anh hùng” Nguyễn Văn Bé được đưa vào sách giáo khoa, tên “anh Bé” cũng được đặt cho nhiều con đường, nhiều ngôi trường trên khắp Việt Nam.
Người ta đồn rằng, khoảng giữa thập niên 1990, một số cựu chiến binh là đồng đội của anh Bé đã gửi thư cho Bộ Tư lệnh Quân khu 7, nhấn mạnh, trong chuyện “anh hùng” Nguyễn Văn Bé, “địch” đúng còn ta… sai. Không nên làm ngơ, tiếp tục tôn vinh một người đã đầu hàng nữa.
Thiên hạ cũng đã chỉ ra nhiều điểm phi lý trong câu chuyện về “anh hùng” Nguyễn Văn Bé. Ví dụ claymore là mìn của Mỹ, lẽ nào quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa lại cần anh Bé “hướng dẫn sử dụng”? Hoặc claymore chỉ nổ khi được kích bằng điện, lẽ nào cơ thể anh Bé có thể tự phát ra điện khi xách trái mìn đập vào xe tăng? Rồi claymore là loại mìn chống cá nhân, làm sao có thể phá hủy xe tăng?.. Sang thập niên 2000, tiểu sử anh Bé đột nhiên khác hẳn so với trước đó. Dù không có claymore, cũng không còn đập mìn, anh Bé vẫn là… “anh hùng”.
Trong bài “Về qua Long Khánh”, blogger Phạm Hoài Nhân có nhắc đến những thông tin trái chiều liên quan đến “anh hùng” Nguyễn Văn Bé. Blogger này kể rằng, hồi trước, ở thị xã Long Khánh có một con đường mang tên Nguyễn Văn Bé. Sau khi trên Internet xuất hiện nhiều thông tin, hình ảnh về chuyện “anh hùng” Nguyễn Văn Bé không giống như sách giáo khoa và các tài liệu chính thống do nhà nước phát hành, chính quyền thị xã Long Khánh đã lẳng lặng đổi tên đường Nguyễn Văn Bé thành Hồ Thị Hương.
Theo các nguồn chính thống, “anh hùng” Hồ Thị Hương, sinh năm 1954 tại Bình Định, hoạt động cách mạng tại Long Khánh, hi sinh vào tháng 1 năm 1975. “Chiến công” vang dội nhất của Hồ Thị Hương là “gài chất nổ” tại quán Ngọc Hương, thị xã Long Khánh ngày 1 tháng 11 năm 1974, khiến 15 kẻ thù mất mạng.
Blogger Phạm Hoài Nhân kể rằng, thuở còn sống, cha của ông thường tỏ ra bực bội vì… “Việt Cộng nói dóc”. Ông cụ - một công chức làm việc tại thị xã Long Khánh, vẫn cùng bạn bè thường xuyên lui tới quán Ngọc Hương - biết rõ về vụ nổ đó và cụ bảo rằng, vụ nổ đó chẳng làm ai chết!
Cách mạng Việt Nam có rất nhiều cá nhân trở thành “anh hùng” do liệng lựu đạn, gài chất nổ, xả súng vào nơi công cộng. Ông Hồ Xuân Mãn, Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế giai đoạn từ 2000 đến 2010 đã khai báo những thành tích giống y như vậy. Đầu thập niên 2010, ông Mãn được trao tặng danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang”.
Bất hạnh cho ông Mãn và không may cho cách mạng là nhiều đồng đội của ông Mãn vẫn còn sống. Họ chứng minh, những thành tích mà ông Mãn khai báo và được báo chí quảng bá trong một thời gian dài là bịa đặt.
Suốt cuộc “kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, ông Mãn chỉ tham gia hai chứ không phải 17 trận. Trận đầu tiên, ông Mãn giết được một Trưởng ấp nhưng không được đồng đội đồng tình vì để giết Trưởng ấp có tên là Hoàng Sớm, ông Mãn đã xả súng vào một đám giỗ nơi có cả ông nội của ông. Ngoài ông Sớm còn có chín thường dân, trong đó có ba đứa trẻ uổng mạng. Trận thứ hai thì ông Mãn không phải là chỉ huy.
Bởi vụ phản đối này còn quá nhiều nhân chứng và bằng chứng, năm 2014, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu“Anh hùng các lực lượng vũ trang” đã trao cho ông Mãn.
***
Kể về con đường hết mang tên Nguyễn Văn Bé đến Hồ Thị Hương ở thị xã Long Khánh, blogger Phạm Hoài Nhân than rằng, cứ cho là cha của ông có định kiến với chính quyền cách mạng và thông tin cha của ông biết là không chính xác, cứ cho là Hồ Thị Hương có nhiều công trạng lớn mà cha của ông không chịu tìm hiểu... nhưng một chế độ có quá nhiều sự dối trá thì việc gì cũng khiến người ta bán tín, bán nghi. Không còn biết đâu là thật, đâu là giả.
Ông Nhân nêu thắc mắc, ngay cả trong trường hợp Hồ Thị Hương là anh hùng thật sự thì chẳng lẽ các minh quân, danh tướng, anh thư trong suốt mấy ngàn năm lịch sử của Việt Nam không có ai xứng đáng hơn để đặt tên cho con đường lớn nhất nhì Long Khánh?
Tham gia luận về anh hùng sau khi trang Facebook Chính trị Việt Nam đăng bài “Nhân sỹ trí thức hay những kẻ phản quốc hèn hạ?”, facebooker Trung Duong Dinh cũng than, hễ nói đến sự thật thì trở thành “hèn hạ”. Giá như cha đẻ của “anh hùng Lê Văn Tám” không bảo rằng đó là nhân vật hư cấu thì bây giờ, ai bảo đấy là “hàng giả” cũng trở thành “phản quốc hèn hạ”. Trung Duong Dinh bảo rằng, phàm đã là “nhân vật lịch sử” thì “phải dùng đèn của lịch sử mà rọi”.Vàng thật sẽ không sợ lửa biến thành hàng mạ!
Facebooker Nguyễn Minh Tuấn không tán thành. Anh này nhấn mạnh, “đã làm chính trị thì phải vậy!”. Facebooker Nguyễn Minh Tuấn giải thích, ngày xưa, cách mạng cần những tấm gương để thúc giục mọi người lao lên và đấy là sự khôn khéo của người làm chính trị!
Kể từ lúc Facebooker Nguyễn Quang A đưa lên Internet video clip ghi lại cuộc trò chuyện giữa Nguyễn Duy và bạn bè về “chị Sáu”, đã có ít nhất ba video clip khác lần lượt được đưa lên Internet để phản bác.
Giống như tác giả “Nhân sỹ trí thức hay những kẻ phản quốc hèn hạ?”, ba video clip này chưa cung cấp được những chứng cứ khả tín, chứng minh “chị Sáu” tỉnh chứ không điên. Có một điểm đáng chú ý là trong khi cố gắng bảo vệ những “giá trị truyền thống của dân tộc”, những người thực hiện ba video clip ấy không tiếc lời mạ lị các cụ ông - vốn đã ngoài thất thập - trong nhóm Nguyễn Duy là “lũ khốn”, “lũ già phản trắc”. Giọng điệu như thế chắc chắn không nằm trong chuỗi “giá trị truyền thống của dân tộc”. Xét về mặt chính trị, hình như nó không khôn mà cũng chẳng… khéo.
Trân Văn
THL-VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét