Nhắc đến sự sòng phẳng, tôi chợt nghĩ đến một chi tiết: Túi áo ông khi chết có nắm vé xổ số Lottery cũ, và khoảng $350 tiền mặt. Số tiền này vừa đủ để trả cho lệ phí hỏa thiêu. Có phải cả với chính phủ, ông Nguyễn Tuấn cũng sòng phẳng không muốn nợ nần?
Trong hình, Nguyễn Tuấn đội chiếc mũ bóng chày cố hữu, ngồi ở cái bàn ông thường hay ngồi, hai tay để trên bàn, vừa nghỉ ngơi vừa thưởng thức ly cà phê nóng hổi mới mua xong, sau khi đã bỏ thêm đường, và sữa bột cho thật vừa ý. Chỉ ít lâu sau đó, một chiếc SUV từ đâu tông tới, ủi sập mặt tiền của tiệm, khiến ông chết ngay tại chỗ.
Từ ba chục năm qua, cuộc sống của Nguyễn Tuấn quanh quẩn trên hơn một dặm của con đường Roscoe Blvd, giữa Jolly Donuts ở góc De Soto, và Violet Nails, một tiệm nails do người Việt làm chủ, ở góc Winnetka Avenue.
Thường thì buổi tối ông vào tiệm donuts tìm ly cà phê nóng, ban ngày ghé tiệm nail, chia sẻ chén cơm, đôi khi đã nguội, với những người đồng hương tốt bụng. Đêm khuya ông tìm một chỗ kín gió nào đó trên đường Winnetka ngủ vùi. Sinh hoạt âm thầm của ông dần dà đã thành những hình ảnh quen thuộc với người trong vùng.
Di ảnh của Nguyễn Tuấn chụp lại từ hệ thống an ninh của tiệm Jolly Donuts khoảng 30 phút trước khi ông qua đời. (Hình: Jolly Donuts cung cấp) |
Kỷ niệm với Nguyễn Tuấn
Nhắc đến Nguyễn Tuấn, bà Hoa Tăng, chủ của Violet Nails, tiệm nail nằm trong khu buôn bán nhỏ ở góc Roscoe Blvd và Winnetka Ave, cách Jolly Donuts hơn một dặm, vừa dũa móng tay cho khách, vừa ngậm ngùi nói với báo Người Việt: “Ở đây lâu năm người nào không biết ổng? Ổng sống lòng vòng một mình ở đây hồi nào tới giờ. Đâu có thấy ai là người thân đâu!”
“Ổng đen thui thùi lùi, mặt sạm vì dang nắng tối ngày. Dáng trung bình, thường thôi, không đẹp trai nhưng là người đàng hoàng. Nói chuyện thì cứ hừ hừ trong cổ họng dzậy đó, nhiều khi hổng biết ông nói cái gì nữa. Ít nói nhưng mà tốt, hổng phá phách gì ai hết trơn. Con người được, được lắm. Hồi đó bà già mình còn sống bà nấu cơm cho ổng mỗi ngày đó…”
Bà Vân, một người làm nail khác trong tiệm, chêm vào: “Ờ, ở đây ai cũng cho ổng cơm hết, nói thẳng ra là ai có gì cho cái đó, còn cơm thì mình có gì ổng ăn nấy. Ổng ít nói, chừng nào gửi mình mua đồ thì mới chịu nói. Như khi bệnh thì ổng gửi mình mua đồ cạo gió, mua dầu cù là. Nhưng mình cho luôn thì ổng hổng chịu. Đòi sòng phẳng trả tiền. Rồi chờ chừng nào có tiền mang lại trả mới lấy, chớ không có chịu lấy không.”
Chỉ cần một câu hỏi đơn giản về Nguyễn Tuấn, hai người đồng hương từng giúp đỡ ông thao thao bất tuyệt, họ thi nhau nói, như thể ông là một đề tài gần gũi: “Ổng thích dầu cù là con cọp lắm!” Bà Vân kể, rồi cười lên thú vị, như nói về cố tật đáng yêu của một người thân.
Bà Hoa Tăng kể: “Lâu lâu ổng lấy bút viết trên báo tùm lum tùm la!” Còn bà Vân chêm vào: “Ờ, ổng thích đọc sách đọc báo. Đọc xong muốn viết cái gì thì lấy bút viết vô vậy đó.”
“Trời lạnh quá trời mà cho ổng cái mền ổng không chịu lấy. Chắc ổng đi qua đi lại nhiều sợ mang nặng đó. Ổng có cái áo lạnh dầy lắm, bữa nào cũng mặc cái áo đó, mà trời nóng cũng mặc luôn.”
Nói đến đây câu chuyện của họ chuyển qua thân thế của người bạn vô gia cư đã qua đời: “Mà nghe nói, cái này mình nghe nói thôi chứ không biết nghe, ổng hồi ở bển cũng con nhà khá giả đó, mà tội lắm, cha mẹ đi vượt biên rồi chết hết…” Bà Hoa Tăng kể.
Bà Vân, có lẽ làm việc lâu đời ở Violet Nails, kể lại chuyện mối thâm tình của Nguyễn Tuấn với Lori Huỳnh, 79 tuổi, bà chủ cũ của Violet Nails, ít lâu nay không ai liên lạc được.
“Chị Lori, chị Loan, chủ cũ đó, hồi đó chỉ lâu lâu chỉ cho tiền ổng đi cắt tóc, cho tiền giặt quần áo. Chỉ thương ổng lắm, tại chị biết ổng hồi ổng còn trẻ mà, mấy chục năm rồi”.
“Hồi đó, chị Loan đi bỏ rác ở ngoài kia, gặp một người mặc đồ đẹp lắm, mặc áo trắng quần đen, áo bỏ trong quần đàng hoàng. Mỗi lần thấy chỉ đi ngang là ổng gục đầu cúi mặt xuống, hồi đó còn mắc cỡ, còn trẻ lắm. Chỉ không dám hỏi, cứ tưởng ổng người Phi không à, tại hổng nghe tiếng ổng nói chuyện. Bất chợt ngày đó chỉ nghe ổng nói tiếng Việt rồi chỉ mới biết ổng là người Việt, đến nói chuyện. Chỉ nghi ổng bị bệnh tâm thần, kêu con trai chở ổng đi nhà thương, đi khám bệnh á, làm ổng trốn mất tiêu một thời gian, tại ổng sợ.”
“Lúc đó ổng chưa bị bệnh tâm thần nhiều đâu.” Bà Hoa Tăng chen vào.
“Chị Loan nói lúc đó ổng làm ở phi trường Van Nuys, vừa mới thất nghiệp. Ổng đậu cái xe trước cửa tiệm này nè. Thất nghiệp rồi ổng ở luôn trên cái xe á, tối vô xe ngủ. Cái xe đó hồi lâu cũng mất tiêu không ai biết đâu rồi nữa…”
Tiệm Violet Nails, nơi ông Nguyễn Tuấn thường lui tới. (Hình: Hà Giang/Người Việt) |
Nghèo nhưng tự trọng và rộng rãi
Hai bà Hoa Tăng và Vân không phải là những người duy nhất ở tiệm Violet Nails có ấn tượng tốt đẹp về Nguyễn Tuấn.
Bà Lori Huỳnh, chủ cũ của Violet Nails, cách đây hai năm rưỡi, từng kể với ký giả David Montero của báo Los Angeles Daily News, về kỷ niệm của mình với người bạn trẻ xấu số.
Theo ký giả David Montero, bà Lori Huỳnh kể rằng ngày xưa ông Nguyễn Tuấn sinh trưởng trong một gia đình khá giả. Ông ở chung với cha mẹ ở Sài Gòn, trong khu nhà chính phủ cấp. Ông học trường Trung Học Petrus Ký ngày xưa, tức trường Lê Hồng Phong bây giờ. Ông giỏi toán. Ngay cả sau khi đã lang thang nhiều năm không nhà ở Canoga Park, ông vẫn thỉnh thoảng ngồi vẽ những tấm sơ đồ. Và trong túi đeo lưng của ông, luôn luôn có cuốn sách.
Rảnh rỗi, ông Nguyễn Tuấn giúp đỡ những chủ tiệm ở khu buôn bán nơi ông nương náu. Nhặt nhạnh chai lọ và lon để bán cho trung tâm tái chế. Mang rác ra đổ hộ Ben Massaband, chủ tiệm hấp tẩy quần áo ở cạnh Violet Nails.
Vẫn theo David Montero, bà Kate Leone, chủ tiệm Mane Affair Beauty Lounge, ở góc gần tiệm Violet Nails kể rằng đầu năm 2014, bà quên khóa cửa tiệm trước khi ra về vào một tối Chủ Nhật. Tiệm đóng cửa thứ Hai, và hôm thứ Ba khi bà trở lại, giật mình khi thấy vừa đẩy hờ cửa đã mở.
Sau khi đi một vòng để kiểm soát và thấy là mình không mất mát gì, bà Leone đến xem hệ thống an ninh và hiểu tại sao: Nguyễn Tuấn khám phá ra là bà đã quên không khóa cửa, nên đã ở đấy suốt ngày thứ Hai như một người gác dan. Máy quay phim của hệ thống an ninh cho thấy ông hành xử như một người canh gác tận tâm, và thậm chí khi phải rời tiệm, dù chỉ vài phút, khi trở lại, ông cũng xem kỹ cánh cửa để an tâm là tiệm không ai lẻn vào.
Bà Brooke Carrillo, một người lúc đó vừa trở thành vô gia cư vừa nhà bị tịch thu, khóc khi nghe tin Nguyễn Tuấn đã qua đời. Bà kể một lần xe bà bị hết xăng, ông Tuấn đã cho bà tiền đổ xăng.
Khu buôn bán ở góc đường Roscoe Blvd và Winnetka Ave, nơi ông Nguyễn Tuấn sinh hoạt. (Hình: Google street view) |
Bà Maria Avila, người cắt tóc cho ông Nguyễn Tuấn mỗi năm hai lần, cũng bật khóc khi nghe tin ông Nguyễn Tuấn chết thảm. Bà kể luôn luôn muốn cắt tóc miễn phí cho Nguyễn Tuấn, nhưng ông nhất định đòi phải trả bả $10 mỗi lần cắt.
“Nguyễn Tuấn cho rằng chúng tôi bảo bọc cho ông ấy, nhưng chính ông ấy mới là người săn sóc chúng tôi.”
Ông Tuấn mê vé số Lottery. Có lần may mắn trúng được $800, ông không giữ riêng cho mình, mà trích tiền mua nước hoa cho nhân viên của tiệm Violet Nails, và mua hoa tươi cho những người khác phụ nữ trong khu buôn bán đó.
Ngày qua đời, ông Nguyễn Tuấn mặc một áo khác mầu beige quá khổ có nhiều túi, một chiếc áo sơ mi đen, quần nỉ màu xanh xám, khoác bên ngoài một quần jeans màu đen, và đi đôi giày tennis cổ cao của phái nữ. Tất cả đều bẩn thỉu và bạc phếch, hành trang của một người vô gia cư lâu năm chính hiệu.
Nhưng những điều người đời nhớ về Nguyễn Tuấn không phải là thân phận nghèo hèn của ông, mà tư cách của một người đàng hoàng, tự trọng, sòng phẳng và thậm chí rộng rãi khi có điều kiện.
Nhắc đến sự sòng phẳng, tôi chợt nghĩ đến một chi tiết: Túi áo ông khi chết có nắm vé xổ số Lottery cũ, và khoảng $350 tiền mặt. Số tiền này vừa đủ để trả cho lệ phí hỏa thiêu. Có phải cả với chính phủ, ông Nguyễn Tuấn cũng sòng phẳng không muốn nợ nần?
Chợt mong nhanh đến ngày lễ cầu siêu để được nghe tiếng cầu kinh và nhìn di ảnh ông lung linh trong nhang khói!
Lễ cầu siêu của Nguyễn Tuấn sẽ được Hòa Thượng Thích Chơn Thành, viện chủ chùa Liên Hoa, đích thân chủ trì, từ 2 giờ chiều đến 4 giờ chiều, ngày Thứ Bảy, 15 Tháng Tư, tại địa chỉ 9561 Bixby Avenue, Garden Grove, CA 92841.
Hà Giang
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét