Phiên bản Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ được trưng bày vĩnh viễn tại Ngũ Giác Đài - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Phiên bản Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ được trưng bày vĩnh viễn tại Ngũ Giác Đài


Phiên bản Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ. (Hình: Nguyễn Tuấn cung cấp)

Mời xem Video: Tranh dành Quyền lực



WESTMINSTER, California – Phiên bản của Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ tại Westminster, California, cao 24 inch, do điêu khắc gia Nguyễn Tuấn sáng tác, vừa được đưa đến Ngũ Giác Đài và trưng bày vĩnh viễn tại đây.

Đây là một vinh dự lớn lao cho ông Tuấn cũng như cho cộng đồng người Việt tị nạn tại Mỹ.

“Công đầu trong việc này là của chú Tony Lâm,” ông Tuấn khẳng định.

Ông Tony Lâm, cựu nghị viên Westminster, trình bày đầu đuôi cớ sự về việc này rằng bảy năm về trước, ông tổ chức một buổi họp mặt tại khu Little Saigon với những giới chức ông từng có quan hệ từ hồi còn ở Việt Nam.

“Trong đó có ông Rufus Phillips, giám đốc Nông Thôn Vụ (Rural Affairs) vào những năm đầu thập niên 1960,” ông Tony nói.

Được ông Tony đưa đến viếng thăm Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ tại Westminster, ông Phillips có ấn tượng sâu sắc với tượng đài này, nhất là sau khi được biết tác giả là người gốc Việt.

Bảy năm sau, ông Phillips cho ông Tony hay Ngũ Giác Đài muốn được trưng bày phiên bản Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày quân đội Hoa Kỳ đổ bộ tại Đà Nẵng, chính thức tham chiến tại Việt Nam.

“Tôi phải liên lạc khắp nơi để tìm anh Tuấn vì từ trước đến giờ đâu có dịp nào để gặp anh ấy đâu. Hỏi hết người này đến người kia, sau cùng mới tìm ra anh ấy,” ông Tony kể.

Ông Tuấn kể: “Qua sự giới thiệu của chú Tony, bà Devon K. Hardy, đại diện Ngũ Giác Đài, liên lạc với tôi để xúc tiến công việc.”

Phiên bản Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ. (Hình: Nguyễn Tuấn cung cấp)

Không phải đã làm được tượng lớn rồi thì làm tượng nhỏ là chuyện… nhỏ.

Ông Tuấn tâm sự: “Tưởng là dễ, mà công việc lại trở nên khó khăn, vì một người nghệ sĩ không bao giờ hoàn toàn thỏa mãn với sáng tác của mình. Bởi vậy, gọi là phiên bản cho gọn thôi, chứ thật ra tôi phải sáng tác lại. Có những chi tiết không ai để ý đến, nhưng tôi vẫn muốn sửa lại cho hoàn thiện hơn. Cái tôi giữ lại từ tượng đài lớn chỉ là bố cục mà thôi.”

Nhưng đây chỉ mới là giai đoạn đầu thôi. Giai đoạn kế là phải quyên góp tiền để đúc phiên bản với chiều cao là 24 in.

Ông Tuấn nói: “Đây là một vinh dự cho cả cộng đồng người Việt chúng ta nên tôi sẵn sàng làm việc miễn phí. Nhưng tôi cần tiền để đúc tượng. Chú Tony và tôi cũng đóng góp một ít tiền. Sau đó thì chú kêu gọi thêm.”

“Công sức của anh Tuấn mới đáng kể chứ số tiền để đúc tượng thì có đáng chi. Tôi chỉ kêu gọi vài vị mạnh thường quân là được thôi. Và họ sẵn sàng đóng góp ngay,” ông Tony nói.

Số tiền đúc tượng nhỏ bằng đồng này chỉ là $9,000, ông Tony cho hay.

Ông Tuấn nói: “Tôi rất hãnh diện. Hãnh diện vì trong cả một hành lang trưng bày của Ngũ Giác Đài, chỉ có một bức tượng duy nhất mà thôi, bức tượng của người Việt.”

Ông Tuấn, tác giả của Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ tại Westminster và bây giờ có phiên bản tại Ngũ Giác Đài, nói: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đây là sáng tác của riêng tôi. Tôi luôn nghĩ rằng đây là tài sản chung của cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản chúng ta.”

Không có tượng nào khác trong phòng trưng bày của Ngũ Giác Đài. (Hình: Nguyễn Tuấn cung cấp)

Phiên bản Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ sẽ được trưng bày vĩnh viễn tại Ngũ Giác Đài, nơi hàng năm có trên 200,000 người thăm viếng.

Tốt nghiệp trường Art Institute of Southern California, nguyện vọng của ông Tuấn là muốn để lại những sáng tác của mình cho hậu thế.

Ông còn muốn thực hiện một công trình vô cùng qui mô để vinh danh những thuyền nhân vượt biển và đang chờ dịp để bắt tay vào việc.

Mời xem Video: Đồng Tâm chưa xong, chống cướp đất lại bùng phát lan rộng tại nhiều nơi, Bộ Chính trị họp khẩn cấp?



Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ tại Westminster, do điêu khắc gia Nguyễn Tuấn thực hiện, được khánh thành ngày 27 Tháng Tư, 2003 để kịp làm lễ tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư năm ấy.

Đằng-Giao
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad