Mời quý vị nghe cuộc phỏng vấn trực tiếp của VOA với Giáo sư Tương Lai, cựu Viên trưởng Viện Xã hội học và từng là thành viên của nhóm tư vấn cho thủ tướng Việt Nam.
VOA: Kính chào GS. Tương Lai, hẳn ông cũng đã theo dõi sự kiện tranh chấp đang xảy ra ở Đồng Tâm – Mỹ Đức. Sự việc thực ra đã kéo dài nhiều năm và có nhận định cho rằng đây chỉ là “giọt nước tràn ly” thôi. Quan điểm của ông thế nào?
GS. Tương Lai: Theo tôi, ở điểm xảy ra, nói là “giọt nước tràn ly” thì cũng chỉ là một cách nói thôi, cũng không thật chính xác đâu. Bởi vì giọt nước tràn ly thì còn nhiều giọt nước khác vẫn tiếp tục tràn ly. Đây là một mâu thuẫn rất gay gắt về vấn đề đất đai trong một xã hội nông nghiệp-nông dân. Mà vấn đề đất đai chính là vấn đề sống còn.
Ở Mỹ Đức, xã Đồng Tâm, cũng xoay quanh chuyện đất đai và kéo dài từ lâu rồi, dân người ta đã đấu tranh. Giữa chuyện tùy tiện lấy đất của dân để sử dụng một cách không hợp lý, và bằng sức mạnh của chính quyền, dựa vào luật sở hữu đất đai là sở hữu toàn dân để ăn cướp đất của dân, thì sự kiện đó diễn ra 5-6 năm nay rồi. Vừa rồi thì nó bùng lên. Dân người ta không thể chịu đựng được nữa. Dám ngang nhiên bắt những đại diện của họ thì dân bắt lại công an nhốt vào nhà văn hóa. Hiện tượng này không phải bây giờ mới có. Ở xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, năm 1996 đã diễn ra sự kiện này. Dân người ta còn bắt công an nhốt vào chuồng trâu. Đương nhiên không nhốt nhiều, hồi ấy chỉ nhốt độ 3-4 người thôi. Nhưng đây không phải là sự kiện “giọt nước tràn ly” đâu. Theo tôi, cuộc đấu tranh này còn dai dẳng và căng thẳng lắm.
Nhân danh sở hữu toàn dân
VOA: Như ông vừa nói, cách đây 20 năm đã xảy ra vụ Thái Bình và ông đã nghiên cứu về vụ này. Sau 20 năm lại xảy ra vụ việc tương tự. Theo ông, có điểm khác biệt nào giữa hai sự kiện không?
GS. Tương Lai: Khác biệt, đương nhiên. Mỗi một thời điểm có những chuyện khác biệt. Nhưng về bản chất sự việc thì không khác biệt đâu. Mâu thuẫn đất đai giữa những người nông dân, quyền sở hữu của người ta, bây giờ quyền sở hữu đó bị chà đạp. Vấn đề đó thì chả có gì khác nhau. Nhưng diễn biến sự việc đương nhiên khác, tình hình thì có khác.
Bây giờ việc cướp đất đai trắng trợn hơn nhiều. Vì sao? Vì đất đai là một sản phẩm có giá trị cao. Ăn cướp đất vừa dễ, vừa nhanh chóng để làm giàu. Thậm chí bằng những thủ đoạn giải tỏa và đền bù. Nhân danh sở hữu toàn dân, người ta chiếm một mảnh đất, rồi các nhóm lợi ích xông vào đầu tư để rồi nhân danh làm các công trình phúc lợi nói chung đó mà chia chác. Tham nhũng đất đai bao giờ cũng dễ ăn hơn các tham nhũng khác nên nó tràn lan khắp cả nước, từ trên xuống dưới. Ở tận cơ sở cũng có những cách ăn cướp đất theo kiểu cơ sở. Cấu kết giữa sở đến huyện, huyện đến tỉnh, tỉnh đến trung ương cũng vậy mà thôi. Bao giờ chưa giải quyết dứt điểm nhân danh “sở hữu toàn dân” này thì nghĩa là mảnh đất là cái bánh rất to mà người ta xâu xé nhau vì nói là sở hữu toàn dân. Làm gì có khái niệm “toàn dân” khi mà nhà nước lại dùng sức mạnh của bạo lực, của quyền lực để cướp đất đai của dân?
Chuyện này còn lâu dài lắm, không thể giải quyết ngay một lúc được đâu. Chỉ có thể giải quyết được chuyện này khi vấn đề chế độ sở hữu được giải quyết dứt điểm và công bằng. Còn nếu vẫn còn nhân danh xã hội chủ nghĩa, nhân danh sở hữu toàn dân, thì mâu thuẫn này vẫn còn kéo dài mãi, chưa chấm dứt được đâu.
Mâu thuẫn giữa người sở hữu và người cướp quyền sở hữu
VOA: Nói như vậy thì mâu thuẫn trên là không thể giải quyết?
GS. Tương Lai: Mâu thuẫn giữa người muốn giữ quyền sở hữu của mình với người đi cướp quyền sở hữu đó, mâu thuẫn đó không bao giờ giải quyết được dứt điểm hết một khi không có quy định nghiêm túc tôn trọng quyền sở hữu của các nhân. Nhưng nhân danh xã hội chủ nghĩa, người ta xóa chủ nghĩa cá nhân. Dần dần trong cuộc đấu tranh, không phải bây giờ đâu, người ta đi đến chuyện đưa ra những hình thức sở hữu khác nhau. Những hình thức sở hữu khác nhau đó từ chỗ là người ta nói đem trả lại ruộng đất cho người này, thực hiện người kia có ruộng, rồi sau đó dồn dân vào trong hợp tác xã. Cuối cùng khi thấy là nó tắc tị, ngưng trệ sản xuất, thì lúc bấy giờ người ta mới có chính sách khoán.
Khoán nghĩa là gì? Có nghĩa là buông sợi dây thòng lọng lỏng ra một tí để giao ruộng đất về cho người nông dân làm. Và người nông dân được hưởng hoa lợi trên mảnh đất đai của gia đình, gọi là kinh tế hộ gia đình. Nhưng chỉ có quyền sử dụng thôi, có quyền nhượng quyền sử dụng đó nhưng không có quyền sở hữu. Một khi vẫn giữ cái này thì vẫn tiềm tàng mâu thuẫn gay gắt giữa người muốn giữ và người đi ăn cướp.
Sẽ còn nhiều “lươn lẹo” và “mưu mẹo”
VOA: Sự phát triển của thông tin có vai trò gì trong cuộc đấu tranh của người dân Đồng Tâm? Giáo sư đánh giá thế nào về “tương quan lực lượng” giữa người dân không có một tấc sắt trong tay với chính quyền có đầy đủ vũ trang?
GS. Tương Lai: Quá trình đấu tranh kết hợp với thông tin hiện nay thì một sự việc xảy ra ở một ngõ ngách nào đó, người ta đã có thể ngay lập tức đưa lên mạng, lên Facebook ngay. Ở xã Đồng Tâm, dân giam cảnh sát có vũ trang, một cái ảnh đấy đưa lên thì tất cả các nơi khác đều thấy. Nó đánh động dư luận cả nước và cả thế giới. Đương nhiên đấy là một sức mạnh.
Đến hôm nay (17/4), ông Luật sư Trần Vũ Hải về đến tận xã Đồng Tâm và nối điện thoại để cho ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, UBND thành phố Hà Nội trực tiếp nói chuyện với dân. Đấy là một diễn biến rất mạnh, nói lên vì lẽ gì mà người có đầy đủ bạo lực trong tay, có cả hàng sư đoàn trong tay, có cả xe tăng, thiết giáp, cần là huy động được, nhưng lại không dám manh động nữa, mà phải gọi điện thoại nói chuyện với dân. Để rồi hai bên nói rằng bên nào sai cũng sẽ xử lý. Đấy là bước phát triển mới chứng tỏ rằng người dân càng ngày càng hiểu rõ nếu họ gắn bó, quyết tâm đấu tranh thì có thể đẩy lùi bạo lực.
Nhưng không phải lúc nào diễn biến cũng sẽ đơn giản như thế đâu. Sẽ còn nhiều lươn lẹo, mưu mẹo trong chuyện này lắm. Vì vậy, người dân người ta thừa kinh nghiệm, thừa cảnh giác để đối phó.
Tôi tin cuộc đấu tranh này không phải dễ ăn đâu, không quá đơn giản đâu. Nhưng nhà cầm quyền cũng không dễ dùng bạo lực để đàn áp dân đâu. Có thể là họ dùng cách chia bó đũa ra để bẻ gãy từng chiếc một. Như là rồi đây, nếu theo dõi trên đài, sẽ thấy Thông Tấn Xã và một số cơ quan tuyên truyền sẽ đưa tin là người dân, do thiếu hiểu biết, nên bị những lực lượng xấu lợi dụng và đã khởi tố. Đi liền với chuyện đó là đưa tin ông Chủ tịch thành phố đối thoại với dân qua điện thoại của một ông luật sư. Rõ ràng diễn biến đang còn có nhiều cái nói lên rằng đã đến lúc mà bạo lực không thể giải quyết được đâu.
VOA: Xin cám ơn ông.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét