DL:Để bảo đảm tính đa chiều, chúng tôi đăng lại bài viết sau đây của tác giả Xuân Bắc từ Thời Báo. Tuy nhiên cũng cần phải đặt câu hỏi rằng: Không biết cái gì có lợi hơn cho quốc gia: Bảo vệ bí mật để những con sâu mặc sức lợi dụng mác "tình báo" phá hoại đất nước, làm giàu cho bản thân, hay là công khai những bí mật đó để ngành tình báo có cơ hội giải phẫu cắt bỏ những khối ung thư, để làm trong sạch chính mình và tập trung vào chuyên môn để bảo vệ tổ quốc? Một ngành tình báo với những tướng tá chỉ biết rượu bia và gái chắc chắn không thể đủ mạnh để bảo vệ tổ quốc, mà rất có thể bị những thế lực thù địch như Trung Quốc mua chuộc hoặc tống tiền. Đừng nghĩ những hành vi của nhóm Vũ Nhôm nếu nhóm phóng viên Công Lý không công bố thì tình báo Trung Quốc không biết nhé.
Những chuyện lùm xùm xung quanh ông Vũ Nhôm ban đầu được cho là chuyện tranh giành lợi ích kinh tế cục bộ địa phương thì về sau đã diễn biến thành nghiêm trọng hơn khi xuất hiện các tên tuổi của các tướng tình báo – an ninh của Việt Nam như thượng tướng Trần Việt Tân, trung tướng Bùi Văn Thành …cùng lãnh đạo các cơ quan nghiệp vụ trong ngành tình báo. Tướng Trần Việt Tân, người được quy cho là có dính dáng sâu hiện nay đã về hưu, là do ông Lê Hồng Anh, bộ trưởng Công An hai đời trước bổ nhiệm.
Đứng về mặt con người, ban đầu tôi cũng tò mò đọc các tài liệu xung quanh câu chuyện “Vũ Nhôm” cùng các tài liệu mà nhóm Công Lý đưa ra, nhưng dần dần tôi hết tò mò mà thấy... buồn cho đất nước.
Tôi nhớ phát biểu của chủ tịch nước Trần Đại Quang vào đầu năm 2017 mang hàm ý “Kẻ thù luôn muốn và chưa bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính Việt Nam, chúng luôn muốn Việt Nam suy yếu và không thể lớn mạnh lên”. Về ngôn ngữ ngoại giao khi phát biểu chính thức thì ít ai nói thẳng, nhưng dĩ nhiên chúng ta hiểu “kẻ muốn thôn tính và không muốn VN mạnh lên” là nước láng giềng phương Bắc.
Năm 2008, khi thượng tướng tình báo Thi Văn Tám mất lúc ông còn đương chức, tôi thấy rất nhiều bà con nhân dân đến khóc tiễn đưa. Tướng Thi Văn Tám ra đi khi công cuộc thoát Trung của Việt Nam vừa nhen nhóm trong sự tiếc thương thật sự của những quần chúng, cán bộ đảng viên biết về ông.
Chuyện Vũ Nhôm là phe phái đánh nhau hay gì đó là chuyện khác, nhưng rõ ràng cơ quan tình báo Bộ Công An đã bị ảnh hưởng, và đó là cái bất lợi cho đất nước. Ai đúng ai sai trong vụ đánh nhau này sẽ bàn sau, nhưng cơ quan tình báo cần phải ổn định, tránh ra ngoài các cuộc chiến lợi ích cá nhân phe nhóm để còn tập trung cho việc làm lá chắn quan trọng nhất cho an ninh quốc gia.
Những tài liệu với nhiều mức độ mật và tối mật có liên quan đến cơ quan tình báo Bộ Công An do nhóm vì Công Lý đưa ra không biết đúng hay sai, thật hay giả và ai có lợi, nhưng thiệt hại trước hết là an ninh quốc gia của VN bị tổn hại, lọt lộ bí mật. Và một khi cơ quan tình báo mà bị lỗ hổng thì kẻ có lợi lớn nhất luôn là kẻ đang có dã tâm muốn thôn tính Việt Nam.
Tôi không hiểu nhóm Công Lý này là ai, tố cáo Vũ Nhôm vì động cơ gì, nhưng rõ ràng với cách thức tố cáo và đánh nhau như thế, đã làm mất an toàn cho Việt Nam. Có lẽ họ nên nghĩ đến một phương thức khác , nếu họ thực sự cần công lý như họ tuyên bố khi công bố các thông tin. Cho là những thông tin này là chính đáng đi nữa thì sau khi họ đạt được mục đích “gạt bỏ” ông Vũ Nhôm thì cũng là gạt bỏ luôn những dự án an ninh quốc gia mà Bộ Công An đang thực hiện.
Cũng có liên quan trong vụ đánh Vũ Nhôm kỳ này, nhóm Công Lý còn đưa những hình ảnh ăn chơi của những người mà theo họ là có liên quan đến phe nhóm Vũ Nhôm. Nhóm khởi xướng vụ này có thể cần công lý cho họ, nhưng họ quên là những cô gái trẻ có trong các hình ảnh tài liệu mà họ đưa ra cũng cần công bằng và công lý. Công lý ở đâu khi mà đưa hình ảnh tình dục, mặt mũi thông tin riêng tư của các cô gái đó một cách công khai mà không hề nghĩ đến hậu quả sẽ xảy đến cho cuộc sống của các cô gái đó. Những bạn nữ trẻ đó họ có tội gì trong sự vụ này , thưa Nhóm Công Lý?
Bộ trưởng Công An Tô Lâm là người nói ít làm nhiều và chú trọng vào những việc thiết thực. Tôi nhìn thấy mối quan tâm về đất nước của ông qua quan điểm “phát triển để ổn định”. Mong là ông áp dụng tinh thần đó qua việc xử lý “chuyện Vũ Nhôm” này cho rốt ráo, trên cơ sở giữ an ninh và lợi ích quốc gia và bí mật nghiệp vụ tình báo lên trên hết.
Nếu ai đó có dịp gặp một nhà báo, trong quá trình tác nghiệp bị an ninh Trung Quốc bắt giữ, khi về Việt Nam đã được cơ quan an ninh tình báo Việt Nam quan tâm hỏi thăm và tư vấn cho các biện pháp đề phòng, góp phần gìn giữ an ninh đất nước, sẽ hiểu hơn về những gì tôi nói trên.
Chuyện phe phái đánh nhau trong các thể chế chính trị luôn là điều mà những ai làm truyền thông cố gắng khai thác. Nhưng hãy đứng ở góc độ lợi ích quốc gia để có cách sử dụng phù hợp. Lên tiếng vì cái gì thì quần chúng không biết, nhưng quần chúng biết đất nước cần điều gì!
Xuân Bắc
Theo Thời Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét