Mặc kệ Việt Nam!
Thông tin về Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt xuất hiện sau chuyến đi Mỹ gặp Ngoại trưởng Rex Tillerson của Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh vào cuối tháng 4/2017, với hai kết quả đáng chú ý nhất: Washington chuyển thư của Tổng thống Trump mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chứ không phải Chủ tịch nước Trần Đại Quang, thăm Hoa Kỳ; phía Mỹ không có một từ nào đề cập với Phạm Bình Minh về hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ - nhu cầu quá thiết thân được giới chóp bu Việt Nam đặt lên ưu tiên hàng đầu trong chính sách đu dây chính trị và làm tất cả để giữ được “sự tồn vong của chế độ”, trong bối cảnh nền kinh tế đang hội tụ khá nhiều dấu hiệu khủng hoảng.
Chuyến đi của Phạm Bình Minh lại là bước tiếp nối của động tác công khai gợi ý “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẵn sàng đi thăm Mỹ” được trang facebook của Chính phủ Việt Nam “bắn” lên mạng xã hội vào đầu tháng 3/2017, trong bối cảnh mà khác hẳn với thời tiền nhiệm Obama, Trump chưa có bất cứ biểu hiện gì tỏ ra quan tâm đến vấn đề Việt Nam. Trong lúc thậm chí còn không nhắc đến Cam Ranh, Trump lại ưu ái xếp Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia “gây hại” mà đã khiến Mỹ phải nhập siêu lớn cùng đe dọa những biện pháp “sẽ xử lý những nước này”.
Giới chóp bu Việt Nam - thường được dung dưỡng bởi tệ sĩ diện tự tôn “Mỹ cần Việt Nam hơn Việt Nam cần Mỹ” và thói trả treo nhân quyền, hẳn đã phải chịu hai lần choáng váng và thất vọng. Lần thứ nhất là cái cách mà Donald Trump đã vượt qua Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mà đã khiến sai lệch rất cơ bản dự đoán của Hà Nội về một đối thủ “dễ biết và dễ chơi” sau Obama. Còn lần thứ hai có thể giống như tâm thế bất cần của Trump: mặc kệ Việt Nam!
Bóng đuổi hình
Trò chơi hình và bóng lại tiếp diễn, nhưng theo cách ngược lại. Nếu chỉ nửa năm trước vẫn còn là tâm trạng một nước Mỹ chủ xướng chính sách xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương và do đó đặc biệt cần lôi kéo Việt Nam vào vòng cung đồng minh của mình, thì nay chính sách đó lại trở nên không mấy dứt khoát để khiến Việt Nam lại cần đến Mỹ hơn bao giờ hết, nhất là làm sao để duy trì được số xuất siêu hơn 30 tỷ USD vào Mỹ mỗi năm để bù đắp cho hơn 50 tỷ USD Việt Nam phải nhập siêu từ Trung Quốc cứ sau 12 tháng.
Cái thế tương quan khá chênh biệt trên đã làm cho giới chuyên gia phân tích chính trị dự đoán rằng thể nào cũng có một nội dung tranh luận về nhân quyền tại Việt Nam trong cuộc gặp Tillerson - Phạm Bình Minh tại Washington. Rốt cuộc, câu chuyện này đã xảy ra đúng như thế.
Sau chuyến “tiền trạm” Mỹ, Phạm Bình Minh trở về Việt Nam, chuyển thư của Trump mời Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ vào cuối tháng 5/2017 chứ không phải vào đầu tháng 5/2017 như một thông tin xuất hiện trước đó, nhưng không đả động gì về Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ. Cùng khi đó, bối cảnh chính trị - xã hội Việt Nam lần đầu tiên nổ ra cuộc khủng hoảng mang tên Đồng Tâm, một nhà hoạt động xã hội là Lê Mỹ Hạnh bị nhiều “côn đồ công vụ” xông vào tận nơi tạm trú tại Sài Gòn đánh đập dã man, một người bán đồ chay là Nguyễn Hữu Tấn bị công an tỉnh Vĩnh Long bắt giam nhưng ông Tấn bất ngờ chết thảm bởi một vết cắt rất dài và sâu qua vòng cổ…
Cũng bởi thế, nội hàm của cuộc đối thoại nhân quyền song phương sắp diễn ra dường như nghiêng về cụm từ “Mỹ - Việt” chứ không phải “Việt - Mỹ” như trước đây.
Việt Nam có “tái hòa nhập” CPC?
Lịch sử của các kỳ đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ vẫn thường khá trắc trở và luôn bị biến dạng ngay sau cái bắt tay kết thúc một kỳ họp.
Vào cuối năm 2016, Tom Malinowsky - Trợ lý ngoại trưởng phụ trách về dân chủ, lao động và nhân quyền và cũng là trưởng đoàn đàm phán nhân quyền của Mỹ, đã không có cơ hội để lặp lại lời mỉa mai đến não ruột của chính ông vào giữa năm 2015 tại Hà Nội “Việt Nam không thể cứ thả một chục người này nhưng lại bắt một chục người này để thế vào”. Cuối năm 2016 và đầu năm 2017 lại là khoảng thời gian mà công an Việt Nam bắt bớ người bất đồng chính kiến với số lượng lớn, khiến phía Mỹ quá thất vọng mà không thể tiến hành đối thoại nhân quyền với Hà Nội.
Vào cuối năm 2012, cũng đã không có đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ nào. Trước tình trạng chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp người bất đồng và phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc, phía Mỹ đã ngưng vô thời hạn đàm phán nhân quyền. Cuộc đối thoại này chỉ được khơi lại bằng vai trò của Dan Bayer - người tiền nhiệm của Malinowsky - vào gần giữa năm 2013 trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc gặp Obama - Trương Tấn Sang tại Washington với nhu cầu thiết thân của giới lãnh đạo Việt Nam là Hiệp định TPP.
Còn giờ đây, lâu đài cát mang tên “TTP Vietnam” sụp đổ thảm hại. Mơ mộng cũng bởi thế chỉ còn vương lại dấu ấn của nỗi hoang tưởng siêu hình học.
Trong khi đó, lại đang diễn ra một làn sóng khẩn cấp từ Ủy hội Tự do tôn giáo Hoa Kỳ và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế về đòi hỏi đưa Việt Nam vào lại Danh sách CPC (các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo). 10 năm trước, vào năm 2007, Việt Nam đã được Mỹ đưa ra khỏi và được tham gia vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nhưng sau đó Việt Nam bắt bớ trở lại rất nhiều người bất đồng trong suốt giai đoạn 2008 - 2012 và những năm sau đó.
Thành thật mà nói, khả năng cuộc vận động đưa Việt Nam vào lại CPC đã mạnh hẳn lên từ năm 2016 và gia tăng hẳn xác suất thành công, cho tới thời điểm này có thể lên đến 60%. Cuộc vận động này sẽ hướng đến Quốc hội Hoa Kỳ, bao gồm Hạ nghị viện và Thượng nghị viện, và chắc chắn sẽ được sự ủng hộ rất nhiệt tình của Vietnam Caucus (Nhóm làm việc về Việt Nam) trong nghị viện Mỹ. Nếu Quốc hội Mỹ quyết định xếp lịch và bỏ phiếu để đưa Việt Nam vào lại CPC, cho dù hành pháp Trump có muốn làm nhẹ bớt cũng sẽ khó. Huống chi Trump lại đang dường như muốn để cho Quốc hội Mỹ tự quyết định những vấn đề thuộc về nhân quyền Việt Nam.
Hậu quả của việc Việt Nam vào lại CPC có lẽ không cần phải giải thích nhiều: về thực chất, đây là một cơ chế chế tài, đặc biệt là chế tài về thương mại. Cơ chế này sẽ khiến con đường để Việt Nam tiếp cận Hiệp định thương mại song phương với Mỹ là chông gai hơn hẳn hiện thời, nếu không nói là vô vọng.
Chưa kể một hoạt động chế tài khác: Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn Cầu mà Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 12/2016 và Tổng thống Obama ký ban hành ngay sau đó, nhiều khả năng được triển khai trong năm 2017, sẽ cấm một số quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng, kể cả thân nhân những quan chức này, được nhập cảnh vào Mỹ, đồng thời tài sản của số quan chức này nằm trong phạm vi can thiệp của Mỹ sẽ bị đóng băng…
Nguyễn Xuân Phúc được gì ở Mỹ?
Cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt trong thời gian tới có ý nghĩa rất quan trọng - như một lối thoát cho những quan chức Việt muốn tìm một lối thoát về phương Tây, chứ không phải Trung Quốc.
Cũng rất có thể, cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt trong thời gian tới là một cơ sở quan trọng để phía Mỹ quyết định sẽ tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng 5/2017 theo cách nào và cho ra kết quả nhiều hay ít.
Tuy nhiên và trái ngược với não trạng thường rất chủ quan của giới chóp bu Việt Nam, không khí từ phía Mỹ trước cuộc đối thoại nhân quyền sắp diễn ra được biết là cứng rắn hơn nhiều so với trước đây.
Sau nhiều năm quần quật nếm trải với Việt Nam về nhân quyền, rốt cuộc có vẻ người Mỹ đã rút ra một bài học đắt giá: đặc tính của chính quyền Việt Nam là luôn dùng tù nhân lương tâm để mặc cả về các hiệp định kinh tế, thương mại và viện trợ. Nhưng khi đạt được mục đích của mình, chính quyền Việt Nam lập tức trở mặt và bắt bớ người hoạt động nhân quyền. Nếu không ở vào thế cùng quẫn về kinh tế và ngân sách, bản chất đó sẽ không bao giờ thay đổi.
Bằng chứng rõ nhất là trong hai nhiệm kỳ cầm quyền của nền hành pháp Obama, chính sách mềm mỏng có phần thái quá của Mỹ rốt cuộc đã chỉ giúp Mỹ và giới dân chủ nhân quyền Việt Nam đạt được một số thành tích rất khiêm tốn. Hậu quả quá dễ thấy là vào bất kỳ thời gian nào mà quan hệ Việt - Mỹ trở nên lạnh nhạt, mà gần nhất là khoảng thời gian cuối năm 2016 - đầu năm 2017, công an Việt Nam lại gia tăng bắt bớ người hoạt động nhân quyền.
Còn bây giờ là một thời kỳ khác. Khác rất nhiều. “Gói cải thiện nhân quyền” mà Mỹ và Tây Âu đang đặt ra với Việt Nam, bao gồm nhiều yêu cầu về cải cách luật (tự do tôn giáo, tự do lập hội, biểu tình, tự do báo chí), công nhận xã hội dân sự, thả tù nhân lương tâm, chấm dứt sách nhiễu và bắt bớ người bất đồng… không phải là để nhận được lời hứa suông của Hà Nội nhưng chẳng làm gì như bao nhiêu lần trước, mà cần dựa trên một lộ trình thực hiện các điều kiện nhân quyền trong năm 2017 và trong ít nhất hai năm sau đó (2018 - 2019), với từng nội dung cụ thể và được kiểm chứng, giám sát bởi quốc tế trong suốt chiều dài thực hiện lộ trình đó.
Liệu chân trời dân chủ cho Việt Nam có bắt đầu hé rạng từ cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt sắp tới?
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét