Theo lược thuật của AP thì Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết, Trung Quốc tiếp tục biến các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa thành những cơ sở hỗn hợp về quân sự và dân sự để vừa củng cố sự hiện diện tại Biển Đông, vừa gia tăng khả năng kiểm soát cả vùng biển lẫn vùng trời tại đó.
Sau khi bồi đắp ba bãi đá Chữ Thập, Subi, Vành Khăn thành đảo nhân tạo, Trung Quốc đã xây dựng ba phi trường trên ba đảo nhân tạo này, mỗi phi trường có một phi đạo mà chiều dài tối thiểu là 2,600 mét.
Tại ba đảo nhân tạo vừa kể, Trung Quốc đã xây dựng 24 hangar (nhà chứa phi cơ), các cụm hỏa lực phòng không, doanh trại, hạ tầng viễn thông. Quanh ba bãi đá này, Trung Quốc đã bồi đắp và thiết lập xong bốn tiền đồn với các cụm hỏa lực phòng không và hệ thống liên lạc.
Hoa Kỳ tin rằng, Trung Quốc sẽ điều động ba trung đoàn không quân trấn giữ quần đảo Trường Sa.
Cũng theo phúc trình vừa kể, ngoài Biển Đông, Trung Quốc còn muốn mở rộng sự hiện diện về quân sự của mình trên toàn thế giới, trước mắt là ở Châu Phi.
Vào lúc này, Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ quân sự ở Djibouti (một tiểu quốc ở vùng Sừng Châu Phi, diện tích chỉ chừng 14,000 dặm vuông, dân số chỉ khoảng 875,000 người). Căn cứ này của Trung Quốc rất gần Camp Lemonnier (một căn cứ của lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp thuộc Bộ Chỉ Huy khu vực Châu Phi của quân đội Hoa Kỳ, nơi thường trú của một đơn vị hải quân viễn chinh, một trung tâm điều hành các phi vụ tuần thám bằng drone – giám sát Châu Phi, không yểm cho khu vực vịnh Persian, trung tâm điều hành các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo và chống khủng bố ở Châu Phi) cũng tọa lạc tại Djibouti.
Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết thêm rằng Trung Quốc đang nỗ lực thiết lập thêm các căn cứ quân sự tương tự trên lãnh thổ của các quốc gia vốn có quan hệ gần gũi với Trung Quốc và nay có cùng lợi ích chiến lược như Pakistan.
Việc thiết lập các căn cứ quân sự bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, điều động các chiến hạm thăm nhiều nơi được xem là những dấu hiệu cho thấy quốc gia này đang cố gắng gia tăng ảnh hưởng quân sự của mình để hỗ trợ nỗ lực mở “con đường tơ lụa mới” xuyên qua nhiều quốc gia Châu Á, Châu Phi, Châu Âu bằng hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, hải cảng. Hứa hẹn việc mở rộng giao thương sẽ giúp những quốc gia Trung Đông như Pakistan, Afghanistan thoát khỏi đói nghèo.
Tuy Hoa Kỳ nói rằng, họ chưa thấy mối đe dọa nào từ việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti nhưng hai chuyên gia làm việc tại Viện Nghiên Cứu Chính Sách Ngoại Quốc của Hoa Kỳ là Joseph Braude và Tyler Jiang không nghĩ như vậy.
Trong một bài viết vừa được Huffington Post đưa lên Internet, hai chuyên gia trích dẫn cảnh báo của chuyên gia Đài Loan Lai Yueqian. Theo đó, căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti có thể sẽ được dùng để khóa tay Hoa Kỳ cũng như các tổ chức do Hoa Kỳ dẫn đầu. Trong tương lai, Hoa Kỳ sẽ phải đắn đo nhiều hơn khi muốn can thiệp vào bất kỳ vấn đề nào ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc vì Trung Quốc có thể dùng đến thế mạnh quân sự của họ.
Cả hai chuyên gia nhấn mạnh, nhiều chuyên gia từ Hoa Kỳ đến Châu Á cũng nghĩ như vậy. (G.Đ)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét