Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu tại buổi lễ công bố Báo cáo về Tình trạng Buôn người 2017, Washington, ngày 27 tháng 6, 2017. |
Theo phương pháp phân loại ba bậc của Mỹ, những nước thuộc Bậc 2 là những nước không đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu về bài trừ buôn người, nhưng đang có những nỗ lực đáng kể để tuân hành.
Bộ Ngoại giao Mỹ ghi nhận Việt Nam có nhiều nỗ lực hơn qua việc nhận dạng thêm nhiều nạn nhân; mở rộng các chương trình đào tạo chống buôn người và các chiến dịch nâng cao nhận thức, cũng như ban hành chỉ dẫn cho các bộ, ngành từ trung ương tới địa phương về kế hoạch hành động chống buôn người quốc gia.
Tuy nhiên, phúc trình nói chính phủ Việt Nam chưa đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu trong một số lĩnh vực then chốt, chẳng hạn như thiếu phối hợp giữa các cơ quan; giới chức cấp tỉnh không nắm luật về chống buôn người và các thủ tục nhận dạng nạn nhân; và thu thập dữ liệu còn yếu kém.
Ngoài ra, còn có những hạn chế mà báo cáo nêu ra như các dịch vụ bảo vệ nạn nhân còn thiếu nguồn lực; nhà chức trách không chủ động rà soát để phát hiện tình trạng buôn người trong những nhóm dễ bị tổn hại và trục xuất một số lượng lớn nạn nhân người nước ngoài mà không chuyển họ sang các dịch vụ bảo vệ.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Ủy ban Cứu Người vượt biển, một tổ chức thành viên trong Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Châu Á (CAMSA) tán đồng với những đánh giá của bản báo cáo dù ông nói rằng những đánh giá này “giảm nhẹ cho phía Việt Nam.”
Theo nhà hoạt động này, phần lớn những trường hợp mà chính phủ Việt Nam can thiệp là những trường hợp “cá lẻ” trong khi những trường hợp buôn người hàng loạt thì bị “lờ đi.”
Ông giải thích thêm:
“Điều này có thể hiểu được là vì có những người rất có quyền thế đứng đằng sau những mạng lưới buôn người lớn, vài trăm người một lần hoặc cả nghìn người đưa đi lao động ở nhiều nơi chẳng hạn, ngay cả ở những quốc gia mà chúng ta đều biết rằng nạn buôn người rất là trầm trọng ví dụ như là ở bên Trung Đông hoặc là ở bên Phi Châu. Càng ngày càng đông người Việt bị đẩu đến những vùng đó, kể cả những quốc gia mà Việt Nam hoàn toàn không có đại diện, không có tòa đại sứ ở đó để mà can thiệp.”
Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong năm 2016, chính phủ Việt Nam báo cáo 106 yêu cầu nhận dạng nạn nhân tại các phái bộ ngoại giao của mình, đưa tới 102 trường hợp hồi hương với sự hỗ trợ của chính phủ. Tuy nhiên, tổng số nạn nhân mà nhà chức trách địa phương tiếp nhận có phần chắc là cao hơn.
Phúc trình 2017 cũng cho biết nhà chức trách Việt Nam trong năm qua báo cáo nhận dạng được 1.128 nạn nhân buôn người – tăng lên từ mức 1.000 người vào năm 2015 và 1031 người vào năm 2014.
“Có những người đã về Việt Nam và thay vì được sự bảo vệ nhưng lại bị chính quyền ở địa phương hăm dọa,” Tiến sĩ Thắng cho biết. “Bởi họ không muốn làm lộ ra đường dây buôn người trong đó có những giới chức chính quyền cá nhân của những giới chức khá cao cấp dính líu vào, thành ra họ hăm dọa nạn nhân. Và những nạn nhân này lại phải chạy sang Thái Lan và chúng tôi bảo vệ cho họ.”
Tiến sĩ Thắng nói cho đến nay tổ chức của ông đã giải cứu được “khoảng 9.000 đồng bào ở trên 20 quốc gia” khắp thế giới và việc này đã giúp gây thêm áp lực lên Việt Nam, theo lời ông.
“Dựa vào áp lực ấy, chúng tôi đã vận động để Việt Nam phải cam kết với Hoa Kỳ trong khi thương thảo [Hiệp định Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương] TPP tôn trọng quyền của người lao động không chỉ ở Việt Nam mà của những người lao động xuất khẩu ở những nơi khác,” ông nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi nhậm chức vào đầu năm nay, đã tuyên bố rút Mỹ ra khỏi TPP và điều này đã làm gián đoạn những nỗ lực thêm nữa của BPSOS trong việc thúc đẩy Việt Nam tiếp tục bài trừ nạn buôn người, Tiến sĩ Thắng nói.
Tuy nhiên, ông Thắng cho hay đang tìm kiếm những cơ hội mới thông qua hiệp ước về mậu dịch song phương đang được thương thuyết giữa Mỹ và Việt Nam để có thể bắt đầu quay trở lại vận động để Việt Nam phải tiếp tục giữ những cam kết đã đưa ra dưới hiệp định TPP.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ 2017 cũng đưa ra một loạt những khuyến nghị để Việt Nam cải thiện tình hình buôn người, trong đó có việc ban hành và thực thi đầy đủ điều 150 và 151 của Bộ luật Hình sự mới, quyết liệt truy tố tất cả mọi hình thức buôn người và kết tội-trừng trị những kẻ buôn người, đặc biệt là những vụ việc có dính líu đến lao động cưỡng bức hoặc các giới chức đồng lõa.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét