Lịch sử Trung Quốc bảo chúng ta: Đừng bao giờ ngưng chiến đấu cho đến khi cuộc chiến ngã ngũ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

Lịch sử Trung Quốc bảo chúng ta: Đừng bao giờ ngưng chiến đấu cho đến khi cuộc chiến ngã ngũ


Số phận của Tôn Chính Tài cho thấy, cuộc sống của giới chóp bu ĐCS Trung Quốc có thể trở nên tệ hại, tàn bạo và ngắn ngủi.

Lưu Thiếu Kỳ, đứng thứ hai từ bên phải, được đề cử vào chức chủ tịch ĐCSTQ, ngồi bên cạnh Mao Trạch Đông trong một cuộc họp Đoàn Thanh niên Cộng sản năm 1957. Họ Lưu kế vị Mao làm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1959, nhưng đã bị thất sủng và bị giam tại nhà 8 năm sau đó.© AP

Lưu Thiếu Kỳ, đứng thứ hai từ bên phải, được đề cử vào chức chủ tịch ĐCSTQ, ngồi bên cạnh Mao Trạch Đông trong một cuộc họp Đoàn Thanh niên Cộng sản năm 1957. Họ Lưu kế vị Mao làm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1959, nhưng đã bị thất sủng và bị giam tại nhà 8 năm sau đó.© AP

Các nhà quan sát chính trị chủ chốt ở Trung Quốc không thể không thấy một nghịch lý tàn nhẫn: Những người gần tới tột đỉnh quyền lực nhất, có nguy cơ bị ngã ngựa nhất. Ví dụ mới nhất là ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, và là bí thư thành uỷ Trùng Khánh, một thành phố lớn phía Tây Nam Trung Quốc.

Trước khi ông bị câu lưu gần đây về tội tham nhũng không rõ ràng, Tài 53, tuổi là một quan chức thăng tiến nhanh. Đắc cử vào Bộ Chính trị tại Đại hội lần thứ 18 của ĐCS Trung Quốc năm 2012, ông được coi là ứng cử viên tiềm năng kế tục chức tổng bí thư của Tập Cận Bình hoặc thủ tướng của Lý Khắc Cường khi họ nghỉ hưu năm 2022.

Nhưng trường hợp của ông không đúng như vậy. Là một người bị cáo buộc trung thành với phe đối địch, Tài có thể không bao giờ có cơ hội trở thành một trong những lãnh đạo chóp bu sau khi Tập Cận Bình củng cố quyền lực của mình thành công trong thời gian kỷ lục. Tuy nhiên, ngay cả những người hoài nghi về triển vọng của ông đã ngạc nhiên bởi việc ông đột ngột bị mất hết quyền hành. Tài có thể đã được âm thầm cho rời khỏi chức vụ và cho giữ một chức vụ nghi thức khác. Việc ông bị loại chỉ có thể hiểu được trong bối cảnh chính trị kế tục bên trong nhà nước – đảng trị Trung Quốc.

Theo một quy ước không chính thức được xác lập từ năm 2007, ĐCSTQ đã phải chọn xong hai ứng viên kế thừa chức tổng bí thư và thủ tướng 5 năm trước khi họ được dự kiến sẽ rời nhiệm sở. Năm 2007, Tập cân Bình và Lý Khắc Cường được chỉ định làm người kế nhiệm tại đại hội lần thứ 17 của đảng. Nếu quy ước này được tuân thủ tại Đại hội lần thứ 19 vào mùa thu năm nay, hai quan chức cao cấp dưới 55 tuổi sẽ được đưa vào ban thường vụ Bộ Chính trị – cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng – như là những người kế nhiệm họ Tập và họ Lý khi hai người này rời khỏi chính trường vào năm 2022.

Năm năm trước, tại đại hội 18 của đảng, hai ngôi sao đang lên dưới 50 tuổi, Tài và bí thư tỉnh uỷ Quảng Đông hiện tại là Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua) được bầu vào Bộ chính trị. Tuổi đời tương đối trẻ của họ đã làm cho họ trở thành ứng viên nóng cho việc đề bạt vào ban thường trực – và hai chức vụ mà nhiều người thèm muốn là hai người kế nhiệm được chỉ định – tại Đại hội lần thứ 19.

Bây giờ thì Tài đang trên đường vào nhà tù, kế hoạch kế vị của đảng có vẻ không còn suông sẻ. Mặc dù bây giờ Hồ Xuân Hoa có vẻ an toàn, ít người dám đánh cá về việc ông sẽ thăng tiếng vào ban thường trực mùa thu này. Trong trường hợp ông được thăng chức, vẫn không rõ ông sẽ nắm vị trí nào trong hai vị trí chóp bu – tổng bí thư hay thủ tướng – vào năm 2022.

Một hậu quả của sự ngã ngựa của Tài rõ ràng: Tập Cận Bình bây giờ được tự do chưa từng có để sắp xếp người kế nhiệm mình. Thay vì tuân theo quy ước được xác lập cách đây một thập niên, đảng hầu như chắc chắn sẽ trì hoãn việc đề cử hai người kế vị, cho Tập Cận Bình nhiều tự do hơn trong việc chọn người kế nhiệm theo ý mình vào năm 2022, hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình. (Trái với nhận thức phổ biến, đảng không có giới hạn chính thức về nhiệm kỳ hoặc độ tuổi).

Bên cạnh ảnh hưởng chính trị ngắn hạn, việc thanh trừng Tài cũng minh hoạ cho những hiểm hoạ về chính sách kế nhiệm bên trong ĐCSTQ. Từ khi nước Cộng hòa Nhân dân [Trung Hoa] thành lập năm 1949, việc kế nhiệm đã được thực hiện bằng con đường thanh trừng và đảo chính thường xảy ra hơn là bằng kế hoạch đã được sắp xếp trước.

Dưới thời Mao (1949-1976), nhà độc tài Mao Trạch Đông chọn, nhưng sau đó lại thanh trừng hai người kế nhiệm Lưu Thiếu Kỳ (đã chết trong cuộc Cách mạng Văn hoá) và Lâm Bưu (gặp phải số phận kinh khiếp trong một vụ rớt máy bay bí ẩn khi tìm cách trốn sang Liên Xô năm 1971). Khi qua đời vào tháng 9 năm 1976, Mao không có người kế nhiệm rõ ràng: Vấn đề chỉ được giải quyết bằng một cuộc đảo chánh do quân đội hậu thuẫn. Người vợ góa của Mao và ba đồng chí (“Bè lũ bốn tên” nổi tiếng) đã bị bắt. Một nhân vật chuyển tiếp, Hoa Quốc Phong (Hua Guofeng) đã được dựng lên như là “nhà lãnh đạo sáng suốt” nhưng đã bị một liên minh do Đặng Tiểu Bình mới phục chức cầm đầu đẩy khỏi quyền lực hai năm sau đó.

Cải thiện tương đối

Trong những năm hậu Mao, đảng đã làm mọi việc có thể được để tránh những cuộc tranh giành quyền lực tương tự, với kết quả không đồng đều. Đặng Tiểu Bình đã thanh trừng hai người kế nhiệm, Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang) và Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang), vì họ quá tự do. Năm 1992, không hài lòng với tốc độ cải cách chậm chạp dưới Tổng Bí thư mới đã được bổ nhiệm là Giang Trạch Dân, trong một thời gian Đặng Tiểu Bình đã dùng dằng với ý tưởng loại bỏ ông ta, nhưng đã được thuyết phục không làm như vậy. Kết quả là đảng đã có cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình, dù không có kế hoạch, đầu tiên trong lịch sử của mình khi Đặng Tiểu Bình mất năm 1997 (ông đã ngưng không xuất hiện trước công chúng từ năm 1995).

Kể từ đó, đảng đã có một hồ sơ tương đối tốt hơn trong điều tiết việc kế nhiệm. Việc chuyển giao từ Giang Trạch Dân sang Hồ Cẩm Đào năm 2002 xảy ra theo kế hoạch chỉ là do Đặng Tiểu Bình đã chỉ định Hồ Cẩm Đào là người kế nhiệm Giang Trạch Dân vào năm 1992, một thập niên trước khi Hồ Cẩm Đào đảm nhiệm vị trí chóp bu. Thậm chí sự chuyển giao quyền lực đó cũng còn lộn xộn vì Giang Trạch Dân vẫn giữ chức vụ tổng tư lệnh quân đội trong hai năm, làm hạn chế quyền lực của Hồ Cẩm Đào. Vấn đề về việc ai sẽ kế nhiệm Hồ Cẩm Đào đã chia rẽ lãnh đạo đảng hồi năm 2007. Bế tắc chỉ được giải quyết bằng thỏa hiệp, với Tập Cận Bình được chỉ định làm người đứng đầu đảng và Lý Khắc Cường làm thủ tướng.

Lịch sử về mặt này cho thấy là, kể từ năm 1949, bốn người được chỉ định kế nhiệm đã bị loại bỏ, trên thực tế hoặc về mặt chính trị. Ngoài ra, một người kế nhiệm được dựng lên vội vã (Hoa Quốc Phong) đã bị đẩy ra khỏi trong một cuộc đảo chính cung đình; một người thoát cảnh bị loại trong gang tấc (Giang Trạch Dân); và một người kế nhiệm người tiền nhiệm của ông ta chỉ có một phần (Hồ Cẩm Đào). Việc kế nhiệm suông sẻ duy nhất là của Tập Cận Bình từ Hồ Cẩm Đào hồi năm 2012.

Các lý thuyết học thuật lý giải sự thành công của ĐCSTQ trong việc “thể chế hóa” chính nó vào thời hậu Mao, mặc dù lịch sử và các diễn tiến gần đây trong giới chính trị tinh hoa ở Bắc Kinh cho thấy, đảng chưa thật sự giải quyết được vấn đề kế nhiệm – một gót chân A-sin quen thuộc của các chế độ độc tài.

Một cách giải thích hiển nhiên là sự khó khăn, nếu không phải là sự bất khả, của việc thực thi các thoả thuận về kế nhiệm đã được các phe phái cạnh tranh thống nhất với nhau. Không có bên thứ ba lo việc thực thi, chẳng hạn như tòa án hiến pháp hoặc một tổ chức dân cử, có thể buộc những kẻ vi phạm các điều khoản của thỏa thuận phải trả giá cao. Một lãnh đạo ĐCSTQ vượt trội có khuynh hướng bám giữ quyền lực khi ông ta nắm giữ chức vụ càng lâu, do đó làm cho các đồng nghiệp của ông ta khó có thể ngăn được ông ta không vi phạm thỏa thuận kế nhiệm đã được thống nhất trước đó. Khi các thoả thuận như vậy được tôn trọng thì không phải nhờ có sự hiện diện của bên thứ ba thực thi mà do sự cân bằng quyền lực ở chóp bu.

Một lý do quan trọng để cải thiện tiến trình kế vị của ĐCSTQ trong thời hậu Đặng Tiểu Bình là sự ngang bằng tương đối về quyền lực giữa các phe phái đối nghịch. Chẳng hạn, với các đối thủ mạnh như Lý Bằng, Chu Dung Cơ (Zhu Rongji ) và nhiều nhân vật khác, Giang Trạch Dân không đủ quyền lực để đảo lộn sự sắp đặt kế nhiệm của Đặng Tiểu Bình vào năm 1992. Hồ Cẩm Đào đã phải đối mặt với những thách thức thậm chí còn tồi tệ hơn. Khi ông trở thành Tổng Bí thư ĐCSTQ năm 2002, người tiền nhiệm là Giang Trạch Dân không những không chịu rời bỏ chức chủ tịch Quân Ủy Trung ương mà còn đưa ít nhất bốn người trung thành của ông ta vào ban thường vụ, rõ ràng làm suy yếu quyền hành của Hồ Cẩm Đào và làm cho ông ta kém hữu hiệu trong cuộc tranh giành quyền kế nhiệm trong năm 2007.

Yếu tố thứ hai và quan trọng hơn là việc thiếu an toàn ngay cả đối với các lãnh đạo chóp bu của nhà nước đảng trị Trung Quốc. Như đã được chứng minh qua sự ngã ngựa của Tài và vô số các quan chức cao cấp hiện tại và đã nghỉ hưu, họ không được bảo vệ, tránh khỏi những cuộc tranh giành quyền lực thất thường trong nội bộ đảng. Có lúc họ leo lên cao, rồi sau đó họ có thể bị lôi xuống vì bị buộc tội đã làm sai. Do không có luật lệ hoặc quy tắc nào có thể bảo đảm an toàn cá nhân của họ trong giới chính trị chủ chốt ở Bắc Kinh, họ chỉ có thể bảo vệ bản thân bằng quyền lực trong tay. Động lực này làm tăng đáng kể, việc thôi thúc các nhà lãnh đạo chóp bu bám giữ quyền lực và ngăn chặn những người kế nhiệm ngoi lên, đe dọa sự an toàn của họ.

Khi suy ngẫm những tác động của việc ông Tài bị thất sủng, điều đáng ghi nhớ là trường hợp này không là chuyện rủi ro. Đó chỉ là xác nhận mới nhất cho thấy cuộc sống của lãnh đạo cao cấp ở Trung Quốc vẫn còn tệ hại, tàn bạo và đôi khi ngắn ngủi.

Bùi Mẫn Hân là giáo sư môn chính quyền học tại trường Cao đẳng Claremont McKenna và là tác giả của cuốn sách “Chủ nghĩa tư bản thân hữu của Trung Quốc”.


Mời xem Video: Bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Màn kịch của phe Nguyễn Tấn Dũng lật ngược thế cờ khiến Nguyễn Phú Trọng phải ngậm ngùi ra đi?



Tác giả: Bùi Mẫn Hân
Dịch giả: Song Phan
© Copyright Tiếng Dân
Nguồn: Chinese history tells us: Never stop fighting till the fight is done - Asian Review

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad