Nhiệt điện than có còn là giải pháp giá rẻ? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Nhiệt điện than có còn là giải pháp giá rẻ?


Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Giải thích về việc lựa chọn phát triển nhiệt điện than thay vì các loại năng lượng khác, Việt Nam thường đưa ra lý do là chi phí sản xuất loại năng lượng này thấp, phù hợp với điều kiện hiện tại của Việt Nam. Tuy nhiên gần đây một số chuyên gia đặt ra câu hỏi rằng sau hàng loạt các chi phí về cả kinh tế và xã hội, liệu nhiệt điện than có còn là giải pháp “tiết kiệm” cho Việt Nam nữa hay không?

Nhiên liệu đắt đỏ

Nhiệt điện chạy bằng than thời gian gần đây gặp phải nhiều sự phản đối từ công luận vì gây ô nhiễm môi trường, điển hình là các cuộc biểu tình hàng ngàn người để phản đối khói bụi từ các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận hai năm trước.

Mặc dù như vậy nhưng hiện Việt Nam vẫn đang có kế hoạch phát triển thêm 41 nhà máy nhiệt điện chạy than đến năm 2030.

  "Hiện nay các nhà máy trong nam như Vĩnh Tân chẳng hạn phải mua than từ nước ngoài, chủ yếu từ Indonesia và Úc".

- PGS-TS Lê Trình
Phó giáo sư -Tiến sĩ Lê Trình, Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển bền vững nói với chúng tôi rằng hiện tại nhiệt điện chạy than ở Việt Nam phải đối mặt với nhiều trở ngại làm gia tăng nhiều khoản chi phí. Đầu tiên, ông phân tích về mặt nhiên liệu:

Việt Nam hiện nay một năm sản xuất có 40 triệu tấn than. Hiện nay các nhà máy nhiệt điện than chạy rất nhiều mà than khai thác được ở Quảng Ninh chủ yếu phục vụ ngoài Bắc tính từ Nghệ An trở ra thôi chứ không đủ cho các tỉnh trong nam. Cho nên hiện nay các nhà máy trong nam như Vĩnh Tân chẳng hạn phải mua than từ nước ngoài, chủ yếu từ Indonesia và Úc. Cho nên giá cả cao hơn so với trước.

Liên minh Năng lượng bền vững VN (VSEA) đầu năm ngoái cũng công bố báo cáo cho thấy đến năm 2030 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 85 triệu tấn than/năm để phát điện. Con số này cao gần gấp đôi so với lượng than cung ứng nội địa.

Ngoài hai nước bạn hàng chính về than của Việt Nam là Indonesia và Úc, Việt Nam cũng phải nhập một lượng tương đối lớn từ Trung Quốc trong khi đó vào tháng 10 năm ngoái, truyền thông trong nước nói rằng giá than Việt Nam nhập từ Trung Quốc cao nhất trên thế giới.

Ô nhiễm môi trường

Ngoài những lo ngại về mặt nhiên liệu, chuyên gia môi trường Nguyễn Văn Khải còn cho rằng việc xây dựng và vận hành các nhà máy điện than tại Việt Nam rõ ràng đang gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường:

Thí dụ nhà máy nhiệt điện Uông Bí thì chúng ta thấy bụi than như thế nào. Đầu tiên vận chuyển hàng đến là đường xá bẩn thỉu, mưa thì chất độc trong than chảy ngấm vào đất, rồi khi đốt thì những khí trong đó như SO2. NO2, các kim loại nặng như Niken, Crôm sẽ một là bay tản ra vùng chung quanh, hai là tích tụ thành mây để mưa xuống.

Trong một buổi hội thảo về nhiệt điện than năm 2015, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), dẫn một nghiên cứu cho thấy có sự tác động của khí thải, chất thải từ các nhà máy nhiệt điện than tới chất lượng đất đai, cây trồng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất mùa màng của người nông dân.

Khói thải ra từ ống khói nhà máy điện đốt than ở thành phố Ji'nan, Trung Quốc hôm 23/12/2016. AFP photo
Phó giáo sư -Tiến sĩ Lê Trình đồng tình với quan điểm về khả năng gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng của nhiệt điện chạy bằng than. Cho nên, ông phân tích rằng riêng khoản chi phí xử lý môi trường cho loại năng lượng này đã là rất tốn kém:

Để xử lý môi trường phải sử dụng các hệ thống lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi tay áo và các hệ thống xử lý SO2, NO2,… là rất tốn tiền. Ngoài ra là vấn đề đổ thải của nhà máy nhiệt điện than. Một năm, một nhà máy nhiệt điện chạy than 600 MW người ta phải dùng đến hơn một triệu tấn than, trong đó 70% là đốt hết, còn 30% là chất xỉ. Chất xỉ này phải đổ mà đổ thì gây ô nhiễm môi trường, mà không có chỗ nào mà đổ nữa! Muốn đổ phải đưa ra ngoài biển, ngoài khơi thì tốn kém

Các nhà máy nhiệt điện than khi được xây dựng thường được nói là có lắp đặt bộ lọc tĩnh điện có khả năng lọc được tới hơn 99% lượng khói thải.

Một Báo cáo của nhóm nghiên cứu Đại học Harvard về gánh nặng bệnh tật do nhiệt điện than công bố vào năm 2015 nói rằng khi họ tìm hiểu một nhà máy đang vận hành, nhà máy này có khả năng lọc tới 99,75% và chỉ có 0,25% lượng khí thải thoát ra ngoài. Tuy nhiên, một nhà máy 1.200MW trong một ngày đêm thải ra ngoài tới 7,7 tấn bụi. Nhóm nghiên cứu này đặt ra câu hỏi rằng vậy nếu xây dựng thêm 41 nhà máy nữa thì lượng khói sẽ thải ra không khí là bao nhiêu?

  "Tất cả các chất độc sẽ làm hại đất, nhưng dễ nhất là nó làm người ta thở không được, làm viêm phổi,viêm hoặc ung thư vòm họng".

- Chuyên gia môi trường Nguyễn Văn Khải
Hàng chục ngàn người “chết yểu”

Một nguồn kinh phí lớn nữa mà chuyên gia Nguyễn Văn Khải gọi là “vô hình” vì nó không nằm trong chi phí kinh tế, đó là tác động đến sức khỏe của con người. Ông nhận định:

Quanh đi quẩn lại tất cả các chất độc sẽ làm hại đất, nhưng dễ nhất là nó làm người ta thở không được, làm viêm phổi,viêm hoặc ung thư vòm họng. Bụi than xỉ than làm người ta không thể mở cửa nhà, cửa sổ.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu Đại học Harvard nêu trên cũng đã ước tính rằng số ca tử vong sớm ở Việt Nam do ô nhiễm nhiệt điện than sẽ tăng từ 4.300 ca (năm 2011) lên 15.700 ca vào năm 2030. Nhóm này cũng tính toán nếu cả thảy 41 nhà máy nhiệt điện mà Việt Nam dự tính đều được hoàn tất vào năm 2030 thì số người tử vong sớm có thể tăng lên đến 25.000 người mỗi năm, chưa kể kèm theo đó là chi phí y tế khổng lồ do sự suy giảm sức khoẻ của người dân.

Sau khi tính toán hàng loạt các chi phí về kinh tế và xã hội trên, PGS-TS Lê Trình kết luận với chúng tôi rằng nhiệt điện chạy than giờ đây không thực sự là một giải pháp “giá rẻ” cho Việt Nam như trước nữa.


Mời xem Video: Trịnh Xuân Thanh đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Đức vào sáng Chủ nhật 23.7.2017 ở Berlin - Nguyễn Phú Trọng yêu cầu làm rõ lời khai để xử lý tiếp Đinh La Thăng?




RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad