Trịnh Xuân Thanh – Củi khô hay tươi? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

Trịnh Xuân Thanh – Củi khô hay tươi?


Ảnh minh họa. Tư liệu

Hôm 31/7/2017, TBT Nguyễn Phú Trọng, nhân vật số 1 trong “Tứ trụ Triều đình”, trong buổi họp bàn về phòng chống tham nhũng, đã phát biểu một câu rất hợp với lô gích nhà bếp: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”. Lô gích này dường như ai cũng biết, thế nhưng được một ông tổng bí thư Đảng CSVN nói ra, khiến nhiều người ngơ ngác không hiểu ông Trọng muốn nói chuyện gì?

Ý của ông Trọng thật ra chẳng có gì khó hiểu, ông chỉ muốn nói đến việc phòng, chống tham nhũng dưới thời CS, đã trở thành phòng trào, xu thế của cả xã hội. Ông phát biểu như sau: “Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”. 

Ví von như thế thì cán bộ đảng viên nào của chế độ CS Hà Nội không cảm thấy lo lắng? Tại sao? Có gì khó hiểu đâu. Chẳng qua cách đây không lâu, thời ông Trọng mới thâu tóm trọn quyền hành vào trong tay, ông đã tuyên bố: “Chống tham nhũng là ta tự đánh ta”. Rồi sau đó ít lâu ông lại phán tiếp: “Đập chuột nhưng không được làm vỡ bình”.

Dưới chế độ CS mấy chục năm qua, từ lúc mở cửa giao thương với thế giới tự do, theo chế độ kinh tế thị trường (định bốn phương, theo tám hướng xã hội chủ nghĩa) quay mòng mòng như con bông vụ, tham nhũng đã trở thành bệnh dịch từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc. Từ anh cảnh sát giao thông, chị chủ tịch UBND phường, quận, huyện, tỉnh đến cán bộ, đảng viên trung ương đảng, thanh tra, giám đốc nhà băng, Ủy viên Bộ Chính trị…, ai là người không tham nhũng, ăn hối lộ, rút ruột công trình?

Thế thì ai dám tự nhận mình không phải là củi, là chuột? Không là chuột cống, chuột chù thì cũng là chuột đồng, chuột nhắt…, không là củi khô thì cũng là củi ẩm, củi ướt hoặc tệ hơn nữa là củi mục…, tất cả chỉ tùy thuộc vào mình nằm trong đống củi nào, loại chuột nào theo sự nhận định, phân loại của ông Trọng. Mà nếu ta tự đánh ta thì ai cũng thành chuột, thành củi, như thế làm sao tránh khỏi vỡ bình?

Từ phát biểu trên, “liên hệ” đến chuyện Trịnh Xuân Thanh mới thấy lời của ông Trọng thật đúng quá sức. Không ai có thể đứng ngoài được, kể cả cơ quan tình báo cũng phải vào cuộc, âm thầm tính toán, vạch kế hoạch rồi mạo hiểm vượt cả chục ngàn cây số tìm cho ra khúc củi tươi nằm tuốt ở bên Tiergarten, Berlin, thủ đô nước CHLB Đức, đem về quăng vào lò trước.

Khúc củi tươi này thật ra chẳng quá to để ông Trọng phải bận tâm, nhưng không có nó làm thuốc mồi thì không thể đốt tiếp các khúc củi khác. Có đốt được khúc củi tươi này, ông Trọng mới có thể tiếp tục đốt những khúc củi chưa là củi vì còn đang là cây cổ thụ, cành lá xum xuê, mới bị ông “đốn” cách đây ít lâu, chỉ hơn một năm, nằm chơ vơ, lạc lõng ngoài sân (sau) cung đình.

Đó chính là khúc củi có tên Ba X. Khúc củi này chẳng những còn tươi (rói) lại quá to, không thể đút vào cái lò tôn thùng phuy chật hẹp của ông Trọng. Ông Trọng phải cho đàn em cưa, chặt nó ra thành nhiều khúc rồi phơi nắng, tối thiểu cũng vài con trăng lẻ, xong mới cho vào lò được. Tiếc thay, đàn em, bộ hạ ông làm không tới nơi, tới chốn, mãi vẫn không cưa, chặt được những cành là xum xuê của Ba X như Đinh La Thăng, Bình “ruồi”…

Ông Trọng sốt ruột cũng phải thôi. Tình thế đã gấp rút lắm rồi, quỹ thời gian của ông khá eo hẹp, theo lời hứa, sang năm ông phải từ bỏ nhiệm vụ cái lò, đốc thúc mọi người châm thêm củi để về quê nghiên cứu kinh điển Mác-Lênin, dạy học sinh mẫu giáo lý luận. Đợt chống tham nhũng của ông không chín vì củi tươi thì ông còn mặt mũi nào nhìn đồng bào, đồng hương, đồng chí, đồng ruộng, đồng hồ…?

Đức là xứ lạnh cầm canh – lạnh đến độ mùa đông ra ngoài đường hơi thở trắng xóa như nhả khói, (nghe nói) đàn ông khi ra đường mà đi tiểu thì phải bẻ một cái, mới cài nút, đóng dây kéo quần lại được, chẳng biết có thật không, vì hiếm thấy người dân Đức đi tiểu ngoài đường tá lả, vô tội vạ như ở Việt Nam – cho nên khúc củi tươi Trịnh Xuân Thanh trôi sông, lạc chợ, dạt vòm tới Berlin, đã qua rồi một mùa thu vẫn tươi rói với những hình ảnh chụp ở công viên Tiergarten thơ mộng lá vàng rơi nhẹ theo bước chân chàng.

Điều đó khiến ông Trọng gai mắt, xốn xang. Không đem được khúc củi này về quăng vào lò, ông sẽ ăn không ngon, ngủ không yên, áp huyết tăng cao, tai biến mạch máu não hay nhồi máu cơ tim, “đang sống phải chuyển sang từ trần” thì đất nước lại mất đi một nhà lãnh đạo lý luận cực giỏi, lại cực kỳ liêm chính, chí công vô tư.

Hơn thế nữa, khúc củi này có cháy, đám thuộc hạ của ông mới có thêm can đảm nhảy vào cưa, chặt khúc củi chính, khúc củi mà ông quyết tâm đốt cho bằng được trước khi từ bỏ nhiệm vụ Cai Lò. Mà cái đám thuộc hạ này chúng cũng chẳng trung thành gì với ông cho cam. Chúng chỉ sợ ông xếp chúng vào thành phần “củi tươi” rồi lại bị quăng vào lò lúc nào không biết. Không cẩn thận, đề phòng lúc đang chăm chú đẩy củi vào lò, ông cũng có thể bị chúng đạp một cái, té vào trong lò thì thật là Ô hô! Ai tai!

Lò quả thật đang nóng, nóng hơn lòng ông Trọng, nên khi khúc củi tươi Trịnh Xuân Thanh bị quăng vào lò, lửa bùng lên, cháy dữ dội, cháy đến muốn nổ tung cả lò. Hơi nóng từ lò thổi ra lan đi quá xa, qua tới Đức rồi dội ngược trở về khiến ông Trọng cũng như 3 nhân vật phụ quạt lò là Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang, Nguyễn Thị Kim Ngân, chịu không nổi hơi nóng của lò phải lặn xuống nước, mất tăm hơi.

Sự hào hứng, hí hửng, hả hê, hớn hở, hân hoan của ông Trọng lúc đầu khi đem được khúc củi Trịnh Xuân Thanh trở về, dường như đã tắt ngúm. Lò vẫn đang cháy phừng phừng nhưng đã cạn nước, ông Trọng lẫn 3 kẻ phụ lò, châm củi là Phúc, Quang, Ngân biến mất, bỏ lại đám thuộc hạ ngơ ngác nhìn nhau, không biết phải đối phó ra sao, chỉ loay hoay tìm cách châm thêm nước vào nồi hạ hỏa cho lò.

Nhìn lại lịch sử Đảng CSVN, mỗi khi có những biến động mang tầm vóc quốc gia, ảnh hưởng đến bang giao quốc tế hay khủng hoảng niềm tin ở người dân… thì lãnh đạo đất nước tự nhiên biến mất. Từ chuyện giàn khoan HD-981, vụ Formosa, thủy điện Hố Hô xả lũ, hay như vụ bắt giữ cán bộ, CSCĐ ở Đồng Tâm, Mỹ Đức… dễ dàng nhận ra chuyện im lặng tuyệt đối của Tứ trụ Triều đình trong vụ Xuân Thanh là chuyện đương nhiên, đừng thắc mắc làm chi.

Ăn tìm đến, đánh tìm đi. Sự bốc hơi của ông Trọng và Phúc, Quang, Ngân trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh chẳng có gì là lạ. Chỉ tội cho Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoai giao phải đưa mặt chịu đấm, hụ hợ lên tiếng “lấy làm tiếc vì phát biểu của bộ ngoại giao Đức”.

Không một lời tuyên bố chính kiến, không một câu nói chia sẻ tâm trạng, hay một phát biểu đồng cảm với người dân hoặc an ủi nạn nhân… Lãnh đạo chế độ CS từ tổng bí thư, thủ tướng đến chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, mỗi khi có quốc biến luôn chủ trương “im lặng là vàng”!

Trở lại chuyện củi. Cách chức Hồ Thị Kim Thoa, bắt Trịnh Xuân Thanh, cho Trầm Bê “nhập kho” 4 tháng, dư luận phỏng đoán, khúc củi tươi sắp tới sẽ là Bình “ruồi” (cựu thống đốc ngân hàng thời Ba X), sau đó còn ai nữa, Liệu Đinh La Thăng có trở thành củi để ông Trọng đốt?

Không thể biết trước chuyện gì sẽ xảy ra trong chính trường Việt Nam, nhưng việc truy tìm khúc củi tươi Trịnh Xuân Thanh đem về, quăng vào lò, đã bị phản ứng ngược (dân chơi bi-da gọi là ép-phê ngược), có thể gây phỏng nặng cho những kẻ nhiệt tình, dốc sức hành động theo chỉ đạo của ông Trọng. Ngay cả ông Trọng cũng có thể bị phỏng mặt hay cháy đít, dù ông đã lặn sâu xuống dưới nước mấy ngày qua.


Mời xem Video: Bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Màn kịch của phe Nguyễn Tấn Dũng lật ngược thế cờ khiến Nguyễn Phú Trọng phải ngậm ngùi ra đi?



© Thạch Đạt Lang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad