Nạn nô lệ mới trong giới lao động chui người Việt ở Châu Âu - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

Nạn nô lệ mới trong giới lao động chui người Việt ở Châu Âu


Thợ nail phục vụ khách hàng ở tiệm nail Castle, New York. Ảnh chụp ngày 8/1/2015 (AP Photo/Bebeto Matthews)

Ủy ban độc lập chống nô lệ thời hiện đại của Anh vừa lên tiếng báo động về nguy cơ xảy ra nạn ‘nô lệ mới’ tại các tiệm nail Việt Nam ở Anh quốc có liên quan tới các mạng lưới buôn người và tội phạm có tổ chức, và đề nghị hợp thức hóa ngành nail ở Anh. Trong số những người Việt làm việc chui ở Anh, rất nhiều người trước đó đã nhập cảnh bất hợp lệ vào nước Pháp, sống chui trong những khu rừng ở miền Bắc nước này để chờ xe tải hoặc tàu đưa lậu sang Anh qua cảng Calais. Hiện tượng này đã xảy ra từ cả thập niên nay, nhưng không mấy gây quan tâm cho các quan chức và công chúng Pháp, cho tới gần đây, khi nó gây phiền phức cho dân địa phương, và được gắn liền với nạn nô lệ mới. Tiến sĩ Nguyễn văn Huy, trước đây giảng dạy ở Đại học Paris 7, nói đây là một vấn đề đang làm đau đầu chính quyền Anh và Pháp, và là một đề tài nhạy cảm đối với Việt Nam.

Một phúc trình do Ủy viên chống Nô lệ Kevin Hyland vừa công bố vẽ ra một bức tranh chi tiết về tình cảnh một số người Việt nhập cư bất hợp pháp vào nước Anh, bị bóc lột sức lao động trong những tiệm làm móng tay, móng chân, hoặc những trại trồng cần sa.

Trong khi một số người từ những vùng nông thôn nghèo khó của Việt Nam bán tài sản hoặc đi vay nợ để gom góp đủ tiền để trả cho những đường dây đưa người sang các nước Âu Châu tìm việc làm chui, thì một số người khác, đa số là trẻ vị thành niên, bị lường gạt và đưa ra nước ngoài để bị bóc lột sức lao động và làm việc “như những kẻ nô lệ mới”.

Phúc trình của ông Hyland nói có chứng cớ cho thấy một số nạn nhân đã bị bắt cóc và bị cưỡng bức đưa sang Anh trái ý muốn. Phúc trình này đặc biệt ghi nhận tệ nạn bóc lột sức lao động người Việt có xu hướng gia tăng tại các tiệm nail và các nông trại trồng cần sa.

Theo phúc trình “Đấu tranh chống nạn nô lệ thời hiện đại mà nạn nhân là người Việt sống ở Anh” thì mặc dù không có những số liệu chính xác nói lên quy mô của vấn đề, người mang quốc tịch Việt Nam luôn là nhóm xếp hạng nhất hoặc nhì về số hồ sơ được chuyển cho đơn vị chống buôn người của cảnh sát Anh, và phân nửa trong số các hồ sơ đó nạn nhân là trẻ vị thành niên.

Phúc trình kêu gọi Bộ Nội vụ Anh hợp tác với Hội Chuyên viên ngành Nail để “thực thi các biện pháp nhằm phòng chống nạn nô lệ thời hiện đại”, đồng thời đề nghị phổ biến những hướng dẫn chi tiết để nâng cao nhận thức của cảnh sát về “nguy cơ xảy ra nạn nô lệ mới trong ngành nail.”

Ông Hyland còn đề nghị Bộ Nội vụ Anh xem xét giải pháp tài trợ cho một dịch vụ tư vấn qua điện thoại thí điểm, để giúp các nạn nhân người Việt trong thời gian đầu sau khi bị phát hiện nhập cảnh bất hợp pháp vào nước Anh.

Tiến sĩ Nguyễn văn Huy, trước đây giảng dạy tại Đại học Paris 7, nói rằng miền Bắc nước Pháp từ hơn 10 năm nay đã trở thành địa điểm trung chuyển, để các đường dây buôn người đưa người Việt sang nước Anh.

“Những người này không được chính phủ Pháp công nhận nên họ phải sống chui sống nhủi trong rừng, trong một khu vực bỏ hoang. Họ lập trại trong đó họ sống. Những tổ chức hội đoàn nhân đạo cung cấp thức ăn và những phương tiện y tế tối thiểu để giúp những người này nhưng mà tình trạng mất an ninh ở đây rất là lớn, tức là mỗi khi có một xe hàng qua thì hàng chục người đu lên chiếc xe rồi nhảy vào trong những tấm bạt che, chui vào đó để trốn trên những chiếc xe trước khi xe chui vào đường hầm qua bên nước Anh. Đây thứ nhất là vấn đề ngoại giao và an ninh giữa hai nước Anh và Pháp, và thứ nhì là vấn đề nhân đạo. Chính phủ Pháp bây giờ quyết định không cho những người này nhập cư nữa và đuổi họ đi hết (ra khỏi rừng ở trại Calais), những người muốn ở lại thì được đưa vào những trung tâm khác, xa khu vực này.”

Tìm cách sang các nước phương Tây dù là bằng con đường bất hợp pháp, đã trở thành một ‘phong trào’ ở Việt Nam. Cả những người nghèo các vùng thôn quê cũng tìm đủ mọi cách để ra đi. Tiến sĩ Nguyễn văn Huy:

“Phong trào người Việt di chui từ Việt Nam sang Châu Âu không có gì xa lạ. Người ta không nói tới nhưng số người Việt từ Việt Nam đi lậu qua Pháp ở và làm việc bên này cũng rất đông, họ làm trong những ngành nghề mà thường chỉ do người Á châu quản lý, chẳng hạn như nghề nhà hàng, nghề làm móng tay, hoặc có người làm massage… Nguồn gốc xuất phát của những người này thì phần lớn là những người đi từ vĩ tuyến thứ 17 trở lên, tức là từ Quảng Bình, Hà Tỉnh, Thanh Hóa, Hải Phòng hoặc là gần đây nhất là khu vực quanh Hà nội.”

Nguyên do nào dẫn đến quyết định của nhiều người ra đi, và tại sao lại đi chui trong một cuộc hành trình đầy bấp bênh nguy hiểm, trong khi có nhiều sự lựa chọn như xuất khẩu lao động? Tiến sĩ Huy nêu lên một lý do.

“Tại vì có tin đồn là đi qua Châu Âu lãnh lương cao hơn là lao động xuất khẩu. Đi xuất khẩu một thời gian phải về, đi chui có thể ở rất là lâu, bị về cũng rất là hiếm tại vì các xứ Âu Châu không đuổi người thẳng như kiểu các nước Trung Đông, xong là đuổi về ngay. Ở Châu Âu người ta có thể trốn được, có người ở năm này năm nọ làm lậu, khả năng kiếm tiền cũng nhiều, thành ra đây là một cái nguồn lợi mà nhiều người sẵn sàng hy sinh, có người cầm nhà hoặc vay mượn rất nhiều để được qua Châu Âu làm việc chui. Cũng có một vài người thành công, chính vì vậy mới gây ra phong trào. Cuộc sống thì sạch sẽ, ăn mặc đẹp đẽ, thành ra ai cũng ham thích. Khi mà Châu Âu khám phá ra đây là một phong trào đưa người ra làm nô lệ kiểu mới thì họ rất là phẫn nộ.”

Trong thập niên qua, các cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã chiếm và thống lĩnh một số ngành nghề ở nước ngoài, đặc biệt nổi trội trong ngành nail ở nhiều nước Âu-Mỹ, như ở Anh, nơi mà ủy viên chống nô lệ cảnh báo là một lĩnh vực có thể chứa chấp những người lao động chui, có nơi khai thác sức lao động của các ‘nô lệ mới’.

Ủy viên Hyland cảnh báo:

“Đây là một tội nghiêm trọng, có tổ chức, con người bị trao đổi như thể một món hàng. Chúng tôi thấy có những liên kết rõ rệt giữa các tiệm nail và nạn di trú bất hợp pháp. Chúng tôi biết một số người đang nuôi dưỡng và tài trợ cho các tội ác có tổ chức. Chúng ta phải hành động để loại trừ vấn đề này.”

Phúc trình của Ủy ban Chống Nô Lệ thời hiện đại đơn cử một số trường hợp cụ thể sau khi điều tra trường hợp của hơn 10 nạn nhân, đa số là trẻ vị thành niên, bị đối xử như những nô lệ tại các tiệm nail.

“Một nạn nhân bị buộc phải làm việc 7 ngày một tuần từ sáng cho tới 6, 7 giờ tối. Người này được trả 30 bảng Anh mỗi tuần.”

Một thiếu niên được phỏng vấn cho phúc trình kể rằng em là trẻ mồ côi ở Việt Nam, bị những kẻ buôn người đưa sang Anh. Tại đây em bị nhốt trong một căn phòng và dạy sơn móng tay, Bây giờ em phải làm việc tại hai tiệm nail, và được trả 6,50 bảng Anh mỗi giờ. Tuy nhiên, em không được giữ số tiền đó mà phải trao lại cho những kẻ buôn người hàng ngày vẫn chở em đi làm, rồi khóa trái cửa nhốt em sau giờ làm việc.

Mời xem Video: Nguyễn Xuân Sơn khai đưa Đinh La Thăng 800 tỷ góp vốn của PVN và số tiền đó được "biếu" cho những ai?



Các nỗ lực nhằm giải quyết nạn bóc lột sức lao động bị cản trở vì ngành nail, dù phát triển và hoạt động rất mạnh, nhưng vẫn là một ngành không bị kiểm soát. Tác giả của phúc trình nói rằng đó chính là lý do nên hợp thức hóa ngành nail để buộc ngành này hoạt động theo đúng quy định.

Không như bên Anh, ở New York, thị trưởng thành phố này đã cho áp dụng một số biện pháp nhằm bảo đảm thợ nail không bị bóc lột và được trả ít nhất là mức lương tối thiểu. Các tiệm nail ở New York phải trưng bày trong tiệm một danh sách “về quyền của người lao động” bằng nhiều ngôn ngữ.

Ông Hyland kêu gọi khách hàng của các tiệm nail hãy đề cao cảnh giác về những nơi họ lui tới, để giúp nhà chức trách phát hiện và đóng cửa những cơ sở có hành động mờ ám, bất hợp pháp.


Hoài Hương
VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad