Tóm tắt sự việc: Vào một đêm hoàn hảo như kịch bản tính trước, một người đàn ông 29 tuổi xông vào nhà chị Phạm Trần Thanh Long, ngụ tại thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, Long An và cưỡng hiếp chị ngay trước nơi có 2 đứa con gái đang nằm. Vì sợ tên tội phạm có thể làm hại đến hai đứa con nhỏ, do chị biết mặt tên tội phạm, nên chị Long đã phải tìm cách hòa hoãn và cam chịu.
Thế nhưng ngay sau khi nộp đơn lên công an địa phương để tố cáo, thì lại bị coi là chuyện thông dâm, và công an không khởi tố.
Người phụ nữ đơn thân này tức giận đến mức đã làm đơn xin đi tù vì không chịu nỗi kết luận nhục nhã mà công an huyện và tỉnh Long An áp cho chị. Dù là nạn nhân, ngay sau khi chị nộp đơn tố cáo, cuộc sống chị bị truy bức liên tục bằng việc công an cô lập chị, điều tra, tới tấp gửi giấy, kèm dân quân cầm gậy canh trước nhà, buộc chị phải lên làm việc.
Câu chuyện thật kỳ lạ. Ắt phải có điều gì đó khác hơn trong các dữ kiện thô và hời hợt mà người ta được nghe thấy, từ báo chí nhà nước. Bài phỏng vấn nạn nhân Thanh Long (34 tuổi) dưới đây, hy vọng sẽ cho người đọc thêm đôi điều và nhận định về một miền quê không yên tĩnh của Việt Nam hôm nay.
Đặc biệt cuộc trò chuyện được thực hiện ngày 20/10/2017, nhân ngày vinh danh phụ nữ Việt Nam, vào lúc những tiếng cười nói và chúc tụng náo nhiệt nhất.
Sau khi bị gọi tên vụ án của mình một cách diễu cợt là “thông dâm” bởi Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An vào ngày 29-9, với tư cách là người bị nạn, chị đã làm gì?
– Em đã tiếp tục làm đơn gửi ra Viện kiểm sát tối cao ở Hà Nội và bây giờ thì chờ sự trả lời từ ngoài đó. Còn ở Long An, thì họ tỏ rõ thái độ: Huyện bác đơn khiếu nại, tỉnh cũng bác đơn khiếu nại. Rồi họ cứ liên tục gửi giấy mời để buộc em phải lên làm việc về đơn tố cáo cũ của em. Khi gặp những lúc như vậy, em nói rằng, “giờ này còn làm việc gì nữa khi chính các ông đã bác đơn của tôi? Chính vì vậy tôi phải gửi đơn ra Hà Nội, và tôi giờ chỉ còn chờ phía Viện Kiểm sát Hà Nội trả lời mà thôi”.
Công an huyện gửi giấy mời liên tục với mục đích buộc em phải gỡ bỏ những thông tin về vụ án của em, mà em để trên facebook. Nhưng em nói đó là sự thật, nên không phải việc gì phải gỡ xuống. Họ gửi giấy mời tới tấp, hơn chục lần rồi.
Phía công an huyện Tân Thạnh cũng như của tỉnh Long An đã nói gì về yếu tố chị là một phụ nữ đơn thân có 2 con nhỏ, và bị xâm nhập gia cư bất hợp pháp và tấn công chị?
– Dạ, phía công an cố tình không khởi tố anh à. Chuyện dài lắm. Bởi vì trước đó do em biết nhiều chuyện ẩn khuất của các cá nhân lẫn cơ quan công an huyện nên họ từng hăm dọa là tiêu diệt em, khi họ thấy em ghi lại trên facebook, thế là đêm 20/6 đã xảy ra chuyện với em. Với những gì xảy ra, em tin rằng thủ phạm là phía gần với họ, và việc ra thủ đoạn với em nhằm làm em sợ hãi hay nhục nhã mà phải đi chỗ khác ở, và như vậy mọi chuyện xấu em biết sẽ không có cơ hội để nói ra.
Trước đây, khi em viết và tố cáo trên facebook của mình, thì an ninh của huyện đã đến và nói em phải gỡ xuống. Đó là thông tin về chuyện con ông cháu cha chỗ của em được sắp đặt để ngồi vị trí cao, nhiều tiền của. An ninh buộc em phải giải trình là chi tiết em nói đến cụ thể là ai. Khi em kể ra từng tên và sự kiện thì họ đành phải xác nhận rằng chuyện đó là có thật, nhưng truy em rằng còn ai khác ngoài em biết những chuyện này hay không? Thế nhưng đó là chuyện ai cũng biết mà không dám nói vì lo sợ thôi. Trước đó, em đã từng nói với một nhân viên công an huyện về chuyện ông ấy có nhiều bồ bịch với địa chỉ cụ thể, ngay sau đó ông ấy đã tỏ thái độ bằng cách cắt các liên hệ với em.
Trước khi thủ phạm xâm nhập gia đình em vào ngày 20/6 thì đã có nhiều chuyện xảy ra, nhưng sau ngày đó thì em liên tục bị hăm dọa. Công an huyện còn liên kết với ủy ban huyện, cấm tất cả công nhân viên chức trong vùng, kể cả dân đến gia đình em để may đồ, vì em sống bằng nghề may. Ai đi đến thì bị công an gọi lên làm khó dễ. Đã vậy họ truy em là tiền ở đâu em sống? Làm với ai? Công an cho người đi điều tra những người đặt hàng hay phụ việc với em từ 4 năm trước để điều tra em có nhận tiền của ai, sống bằng cách nào, đời tư ra sao… mà không hiểu nổi, người đứng ra thực hiện các cuộc chất vấn này lại là ông Phạm Công Bô, đại tá, trưởng công an huyện Tân Thạnh.
Nhân vật gây án là người không lạ, sống ngay trong vùng. Công an đã ứng xử như thế nào với người này?
– Họ bênh vực người này ngay từ đầu, bất chấp thực tế. Khi tên này đến gây án thì hai đứa con em ở ngay trong nhà. Đứa lớn thì mắc bệnh tăng động nên đêm phải uống thuốc ngủ, nó không hay biết gì. Còn bé nhỏ, tên Ngọc Hân chỉ mới 3 tuổi thì thấy tất cả mọi thứ và hết sức sợ hãi. Đến hôm nay nó vẫn mang di chứng khủng hoảng. Nó chơi hai búp bê và tự đối thoại một mình “mẹ đi công an, con ở nhà ngoan nha, đừng để công an bắt nha”. Nó cứ chơi như vậy cho đến bây giờ mặc dù em cố tìm cách để nó quên những điều như vậy. Công an thì nói con nít 3 tuổi không có tư cách làm nhân chứng.
Khi biết chị không chấp nhận kết quả vụ án hiếp dâm mà công an chỉ xét là thông dâm, rồi tiếp tục gửi đơn lên cao hơn, công an huyện Tân Thạnh, Long An, đã ứng xử ra sao với chị?
Họ liên tục gửi giấy mời em lên công an huyện làm việc. Lần này họ không nói là chuyện em viết những tố cáo trên facebook nữa, mà nói rằng làm việc về chuyện đơn khiếu nại tố cáo em gửi ra Hà Nội. Em từ chối và nói là họ đã bác đơn thì hôm nay không nói nữa. Em cũng ghi vào giấy mời mà em trả lại cho họ rằng, nếu muốn làm việc nữa thì phải cho em ghi âm nội dung.
Cho đến nay, chị đã tìm đến cậy nhờ các trợ giúp pháp lý ở nơi nào hay của ai chưa?
Dạ, đến lúc này thì em có nhờ ba luật sư của văn phòng luật Hoa Sen. Đó là luật sư Trần Văn Học, Lê Minh Nhân và cô luật sư Ngân. Riêng luật sư Học thì nói rằng, phải làm cho ra lẽ vụ này.
Thường thì một người dân bị công an chính quyền tìm đến liên tục, gửi giấy mời, điều tra qua hàng xóm… những chuyện này có khiến cho chị bị cô lập, hàng xóm tránh né không?
Dạ đã có lần em nói lớn tiếng khi công an huyện đi cùng điều tra viên, rồi dân quân đến nhà em canh trước cửa, làm như em là tội phạm, sợ em trốn vậy. Em nói họ làm như vậy là làm phiền em. Nếu không giải quyết dứt điểm được thì đừng đến nữa. Em vừa nói vừa ghi âm lại làm bằng chứng. Họ thấy em ghi âm thì ai nấy im lặng, không nói gì hết. Đó là họ đến đưa giấy mời và buộc em phải trả lời là có lên cơ quan công an hay không, và có đi thì mới đưa giấy mời. Em nói phải đưa giấy mời cho em coi, thì họ từ chối. Rồi em nói không đi vì giấy mời hẹn gặp lúc 1g30 trưa, mà hơn 10g sáng công an mới đến đưa giấy.
Hàng xóm nói chung thì bình thường anh à. Nhưng nói cho đúng thì nhà em chung quanh là đất trống, mẹ con sống rất hiu quạnh. Gần nhất là nhà của mấy cô chú công nhân viên đi làm suốt ngày, ít có dịp tiếp xúc. Nhưng em thấy thái độ của các cô chú ấy vẫn bình thường.
Trên báo đài vẫn nói trân trọng phụ nữ, kêu gọi bình đẳng. Còn về xã hội thì lúc nào cũng nói sống theo pháp luật, công bằng văn minh… khi rơi vào hoàn cảnh hết sức mệt mỏi như vậy, chị có suy nghĩ gì?
Dạ, nếu mà nói thật sự ra thì chỉ là những cái lời cho có thôi anh à, chuyện nói trên tin thời sự thôi. Lời nói và việc làm thì khác nhau. Ngay như Hội phụ nữ huyện không hề có ai trả lời cho em khi em gửi đơn cầu cứu. Không ai lên tiếng hay thăm hỏi nhưng trên thông cáo báo chí thì họ nói đã đến nhà em thăm hỏi sức khỏe, động viên và giúp đỡ mẹ con em. Chỉ là nói láo, nói xạo. Ở ngoài Trung Ương, Hội Phụ nữ đến tận nơi, gọi điện yêu cầu đại diện Hội phụ nữ huyện đến nhưng cũng không ai đến. Đã vậy có tờ báo viết về em, lại viết sai sự thật. Chẳng hạn phóng viên Đình Hưng ở báo Phụ nữ TP.HCM đã viết 3,4 bài gì đó nhưng hoàn toàn viết sai sự thật. Khi em hỏi thẳng mặt rằng sao lại làm như vậy, biết rõ mọi thứ, thì Đình Hưng nói rằng chị thông cảm bởi Hội phụ nữ rất sỉ diện, cô Yến ở Hội phụ nữ buộc em viết như vậy. Hưng nói nếu cần thì sẽ chỉnh sửa nhưng không hề có.
Đã có lúc em quá mệt mỏi nhưng rồi nghĩ lại, nếu em buông xuôi thì tội ác này có thể lại xảy ra với em hoặc với người khác, rồi lại chìm xuồng, nếu em không làm cho tới nơi tới chốn. Em phải cố gắng. Khi các con ngủ hết, em vẫn phải ráng ngồi làm dù đang mệt và đau, để có thu nhập mà sống. Do ban ngày em phải dành nhiều thời gian để chơi với các con để tâm lý của chúng không bị nặng nề. Bên cạnh đó, ban ngày em còn phải dành thời gian làm việc với luật sư, với giấy tờ, đi gửi đơn… về chuyện tố cáo này. Mọi thứ chỉ còn dồn vào ban đêm. Đã có lúc em mệt và kiệt sức đến mức tim như ngừng đập, hạ đường huyết nặng do sốc khi nhận được giấy mời của Viện Kiểm sát thị trấn Tân Thạnh.
Mời xem Video: Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Bình Minh có nguy cơ bị mất chức Bộ Trưởng Ngoại Giao, Tại sao?
Nhưng em tin là mình nói sự thật nên phải gắng sức. Có lúc em giận quá nên định liên lạc với các đài nước ngoài để lên tiếng giùm nhưng rồi kềm lại vì tránh không muốn bị vu khống là cấu kết với nước ngoài, là phản động…
Tuấn Khanh
Tiếng Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét