Vai trò của PVN ở OJB không chỉ là góp 800 tỷ đồng vốn mà còn để dòng tiền có khi lên tới 25.000 tỷ chảy qua tài khoản của ngân hàng này. Bản án sơ thẩm cho rằng bị cáo Nguyễn Xuân Sơn “là người có ảnh hưởng, chi phối rất lớn và quyết định đến nguồn tiền gửi của PVN và các đơn vị thành viên của Tập đoàn tại OJB” là đã để lọt tội cho Thăng. “PVN sử dụng các dịch vụ của ngân hàng OJB” là “cam kết” bằng văn bản của Đinh La Thăng với Hà Văn Thắm vào ngày 18-9-2008, ba tháng trước khi Nguyễn Xuân Sơn về OJB.
Nguyễn Xuân Sơn làm TGĐ OJB từ ngày 19-12-2008 khi đã chấm dứt hợp đồng lao động với PVN chứ không phải là đại diện cho PVN (đại diện vốn của PVN tại OJB lúc này là ông Nguyễn Ngọc Sự). Hai năm sau khi cam kết với Hà Văn Thắm, ngày 17-9-2010, khi thấy các “công ty con” chậm trễ mở tài khoản và thực hiện các giao dịch tại OJB, Đinh La Thăng còn gửi văn bản tới không chỉ các công ty thuộc quyền mà còn gửi các nhà thầu dầu khí đốc thúc phải “khẩn trương phối hợp với OJB thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản và báo cáo kết quả thực thiện về Tập đoàn trước ngày 15-10-2010”.
Về hành vì “cố ý làm trái” góp thêm 100 tỷ đồng, đưa tỷ lệ vốn góp của PVN tại OJB lên 20%, người chủ mưu vẫn là Thăng. Tỷ lệ 20% là thỏa thuận giữa Thăng và Thắm. Tất cả những lần OJB tăng vốn, Đinh La Thăng thường trực tiếp ký, kể cả ký báo cáo, đề nghị lên Thủ tướng. Tuy nhiên, vào lần góp vốn cuối cùng, tháng 5-2011, khi Luật Các Tổ chức Tín dụng – có hiệu lực từ 1-1-2011 – đã khống chế tỷ lệ vốn một tổ chức được nắm giữ trong một tổ chức tín dụng không quá 15%, thì Thăng mới chơi trò “ném đá giấu tay”.
Ngày 10-5-2011, khi nhận được công văn của Hà Văn Thắm đề nghị PVN tăng vốn, Đinh La Thăng bèn ký quyết định ủy quyền điều hành Hội đồng thành viên PVN cho ông Hoàng Xuân Hùng (từ 10 đến ngày 13-5-2011), cho ông Nguyễn Xuân Thắng (từ 16 đến ngày 18-5-2011). Trên thực tế, Thăng chỉ “vắng mặt kỹ thuật” hơn một ngày và trong cùng ngày đó, 16-5-2011, ba quyết định được đưa ra: Phó tổng giám đốc Tập đoàn ký đề nghị; Ủy viên Nguyễn Xuân Thắng ký nghị quyết của Hội đồng thành viên chấp thuận; Nguyễn Xuân Sơn ký chuyển 100 tỷ đồng.
Trong thời gian nắm quyền ở PVN không có một xu nào được quyết định mà không có ý kiến của Đinh La Thăng. Văn bản của ông Nguyễn Xuân Thắng ký cũng ghi rõ là “thừa ủy quyền của Chủ tịch”. Từ ngày 18-10-2011, khi quay lại nắm quyền “trên văn bản” (trên thực tế là không bỏ sót ngày nào) Đinh La Thăng đã không hề có một văn bản nào bác bỏ hành vi cố ý làm trái được thừa hành bởi thuộc cấp.
Một phần lớn khoản tiền 246 tỷ “chăm sóc khách hàng” mà Nguyễn Xuân Sơn khai đưa về cho Ninh Văn Quỳnh là ở trong thời gian Đinh La Thăng đang làm Chủ tịch. Ninh Văn Quỳnh đã từng chối bay chối biến lời khai của Sơn. Chỉ một ngày sau khi bị bắt, Quỳnh mới thừa nhận mình có “tiêu” 20 tỷ đồng trong phần Sơn đưa đó. Hy vọng là cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc trước đây có bị cáo đã “rút lại” những lời khai liên quan tới Đinh La Thăng. Một khi những người có liên quan nghĩ Thăng sẽ thoát họ sẽ chưa dám khai ra con người gian hùng này.
Mời xem Video: Giải mã vì sao ông Trọng không dám đụng đến Nguyễn Thanh Nghị con trai ông Nguyễn Tấn Dũng?
Lẽ ra, phiên tòa xử vụ OJB phải được tạm dừng để chờ kết quả điều tra bổ sung sau khi khởi tố các bị can ở Bình Sơn và sau khi Quỳnh khai nhận khoản tiền 20 tỷ đồng. Tuyên án Nguyễn Xuân Sơn tử hình khi chưa làm rõ đích đến của 246 tỷ đồng này, khi chưa xác định ai mới là “bị cáo đầu vụ”, là chưa thuyết phục. Khởi tố, bắt giam Đinh La Thăng, vì thế, không chỉ làm cho tiến trình điều tra vụ án OJB cũng như các vụ án khác ở PVN diễn ra nhanh và thuận lợi hơn mà còn làm cho dân chúng cảm thấy: “chống tham nhũng” là một nỗ lực nghiêm túc; pháp luật không chỉ nghiêm với những người thấp cổ bé miệng; công lý không phải là thứ có thể đem ra nhạo báng.
FB Huy Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét