Mất chức ‘sếp’ cảnh sát giao thông, 14 năm sau trở lại với chức cao hơn - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

Mất chức ‘sếp’ cảnh sát giao thông, 14 năm sau trở lại với chức cao hơn


Ông Võ Đình Thường, thượng tá, phó Phòng Cảnh Sát Giao Thông Đường Bộ Đường Sắt  Công An tỉnh Đồng Nai. (Hình: Báo Pháp Luật TP.HCM)

ĐỒNG NAI, Việt Nam – Trả lời câu hỏi tại sao 14 năm trước bị kỷ luật và điều chuyển khỏi lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai, đến nay ông Võ Đình Thường lại được bổ nhiệm tới chức vụ là cấp phó lãnh đạo của lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh này, chánh Văn Phòng Bộ Công An nói đây là “vấn đề bình thường.”

“Việc kỷ luật, thông thường có thể không cho giữ chức vụ đó trong vòng 2-3 năm, khi tiến bộ thì lại tiếp tục. Hồi đó anh Thường với vai trò là người quản lý, để cho cán bộ sai phạm nên phải chịu trách nhiệm quản lý. Hình thức kỷ luật không phải là cho ra khỏi ngành mà là không làm cảnh sát giao thông nữa, chuyển sang quản lý hành chính.”

Đó là lời ông Lương Tam Quang, chánh Văn Phòng Bộ Công An, nói với báo Pháp Luật TP.HCM vào chiều tối 21 Tháng Mười, liên quan đến vụ việc của ông Võ Đình Thường, phó trưởng Phòng Cảnh Sát Giao Thông Đường Bộ Đường Sắt (PC67) Công An tỉnh Đồng Nai, từng bị kỷ luật 14 năm trước khi là trưởng Trạm Cảnh Sát Giao Thông Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai, đã ăn chặn tiền của tài xế đi trên đoạn đường này. Sau khi bị báo chí thời điểm đó phanh phui tiêu cực, ông Thường bị điều chuyển khỏi lực lượng cảnh sát giao thông.

Nói với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Quang khẳng định, quá trình ở vị trí công tác mới, ông Thường có nhiều tiến bộ và phát triển trong nhiều năm, căn cứ nhu cầu công tác tăng cường nên được điều động trở lại. “Điều này là hết sức bình thường, không có gì cả,” phát ngôn viên Bộ Công An nhấn mạnh.

Tiếp tục đặt vấn đề từng vi phạm tới mức bị điều chuyển ra khỏi lực lượng cảnh sát giao thông nhưng nay lại giữ cương vị cao của chính lực lượng này, dư luận đang đặt câu hỏi về “chất lượng công tác” của ông Võ Đình Thường liệu có bảo đảm?

Ông Quang cho rằng sau khi có vi phạm nhưng đã có sự phấn đấu thì cần ghi nhận, việc ông Thường đảm nhiệm chức vụ hiện nay “đương nhiên là bảo đảm, chẳng có vấn đề gì cả.”

Cùng ngày, nói với báo Người Lao Động, ông Thường xác nhận ông chính là trưởng Trạm Cảnh Sát Giao Thông Dầu Giây những năm 2003-2004. Thời điểm đó, ông cùng một số cán bộ sai phạm đã bị ban giám đốc Công An tỉnh Đồng Nai kỷ luật cách chức và luân chuyển công tác.

Ông Thường cho biết sau vụ kỷ luật trên, ông được đưa về công tác tại Phòng Cảnh Sát Quản Lý Hành Chính Về Trật Tự Xã Hội (PC64) Công An tỉnh Đồng Nai. Năm đầu tiên công tác, ông phấn đấu làm việc tốt và được công nhận chiến sĩ thi đua. Tại đây, lãnh đạo quyết định xóa kỷ luật đối với ông.

Ba năm sau, ông về công tác tại Đội Cảnh Sát Trật Tự 113 và “được tặng nhiều giấy khen.” Năm 2010, ông được bổ nhiệm làm phó Phòng Cảnh Sát Phòng, Chống Tội Phạm Về Môi Trường (PC49).

Theo ông Thường, đến Tháng Sáu, 2015, ông được luân chuyển về làm phó Phòng Cảnh Sát Giao Thông Đường Bộ Đường Sắt (PC67) Công An tỉnh Đồng Nai đến nay.

“Là cán bộ, được phân công nhiệm vụ thì phải thực hiện…” ông Thường nói ngắn gọn.

Ông Võ Đình Thường, người ký giấy mời tài xế qua trạm BOT Biên Hòa lên làm việc. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)

Trước đó, truyền thông Việt Nam loan tin về việc ông Thường ký giấy mời các tài xế liên quan đến trạm thu phí BOT (dự án giao thông được nhà đầu tư ứng tiền trước để làm công trình rồi mới thu phí) Biên Hòa lên làm việc. Lý do là trạm thu phí đặt không đúng chỗ, thu tiền giá cao, nên tài xế phản ứng.

Nói với báo Tuổi Trẻ về việc ký giấy mời tài xế qua trạm thu phí BOT Biên Hòa lên làm việc, ông nói: “Chuyện tài xế trả tiền lẻ, gây hỗn loạn ở trạm thu phí BOT khiến cả hệ thống chính trị của tỉnh Đồng Nai vào cuộc giải quyết. Việc tôi ký thư mời đều theo chỉ đạo của cấp trên.”

“Hơn nữa tuyến giao thông quốc lộ 1 là do tôi phụ trách nên tôi được phân công ký chứ không thể tự ý ký thư mời. Việc mời tài xế cũng trên tinh thần giải thích pháp luật, ổn định trật tự xã hội địa bàn chứ tôi đã xử phạt, nói nặng tài xế câu nào đâu. Vậy mà trên mạng họ chĩa vào đời tư của tôi nên tôi rất buồn…” ông giãi bày.

Từ chuyện ông ký giấy mời này, dư luận râm ran ông Thường chính là trạm trưởng Trạm Cảnh Sát Giao Thông Dầu Giây từng bị kỷ luật cho ra khỏi lực lượng cảnh sát giao thông 14 năm trước. Thời điểm đó, năm 2003, giám đốc Công An tỉnh Đồng Nai đã có quyết định cách chức trạm trưởng Võ Đình Thường, cho ra khỏi lực lượng; 10 cán bộ, chiến sĩ dưới quyền ông Thường cũng bị kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo.

Công An tỉnh Đồng Nai thời điểm đó kết luận ông Thường đã thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra tình trạng cấp dưới vi phạm quy trình tuần tra kiểm soát giao thông, có biểu hiện tiêu cực. Sai phạm của ông Thường làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành.

Vụ tiêu cực ở Trạm Dầu Giây được phanh phui với việc nhận hối lộ, tổ chức làm luật với xe hơi, xe tải trên các tuyến đường do Trạm Dầu Giây quản lý đã thành hệ thống nhờ đoạn băng ghi âm mà báo Pháp Luật TP.HCM thuê mấy trẻ đánh giày cài đặt ông Thường nói trong cuộc giao ban chiều 16 Tháng Sáu, 2003, tại trạm này.

“Làm lâu năm trong nghề phải biết kinh nghiệm. Làm sao phải nhanh tay lẹ mắt, phải gọn gàng. Chứ làm mà ai liếc vô cũng biết thì yếu quá. Làm thế báo nó chụp vô là thấy liền… Phức tạp lắm đâu phải đơn giản. Báo chí nó nhao lên rồi, mai mốt Thanh Tra Bộ, rồi đoàn này đoàn kia đi kiểm tra…” trích băng ghi âm.


Mời xem Video: Tại sao Chủ tịch Nước Trần Đại Quang một tướng Công an phải trực tiếp nắm Bộ Quốc Phòng vào lúc này?



“Với báo chí, các anh thấy rồi. Tình hình rất phức tạp. Nó đánh tùm lum hết, nên các anh phải cố gắng. Làm mà để nó chụp hình lên báo là toi. Riêng tôi, còn sống với anh em ngày nào, tôi còn lo cho anh em ngày đó. Anh em làm sao thì làm, đừng để bị gài máy ghi âm hoặc là tiền bạc mà để bị chụp hình, rất khó giải quyết… Từ thời gian này trở đi, các đồng chí cố gắng đi làm phải để ý,” ông Thường bày cách cho thuộc cấp ăn tiền mãi lộ. (Tr.N, Q.D.)

Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad