- Lược dịch từ bài báo “Myanmar, Once a Hope for Democracy, Is Now a Study in How It Fails” của tác giả Max Fisher đăng trên bản điện tử tờ báo The New York Times ngày 19/10/2017.
Người dân Myanmar được bầu chọn lãnh đạo, tuy nhiên đất nước này lại không có những thiết chế chính trị vững vàng hay các chuẩn tắc chung như tính đa nguyên, nhân quyền phổ quát, hay lòng khoan dung, vốn là nền tảng cần thiết để một nền dân chủ vận hành.
Người dân Myanmar thể hiện qua các khảo sát đại chúng và biểu hiện trên các trang mạng xã hội rằng họ khao khát một lãnh đạo theo hình mẫu độc đoán mạnh mẽ, và họ khao khát một chế độ được số đông người dân kiểm soát một cách thô kệch.
Dân chủ, nhiều người nói, phải được định hướng bằng tôn giáo, và bằng chủ nghĩa dân tộc.
Chiến dịch thanh lọc sắc tộc chống lại người Rohingya (một nhóm thiểu số theo đạo Hồi) của lực lượng quân sự Myanmar lại rất được người dân ủng hộ. Họ cũng ủng hộ các hình thức kiểm soát xã hội dành cho giới nhà báo và các sắc dân thiểu số khác.
Chính quyền dân sự do Daw (dì/bà – tiếng Myanmar) Aung San Suu Kyi lãnh đạo đang nhanh chóng tập trung quyền lực vào tay họ trong khi các hình thức kiểm soát và cân bằng quyền lực đang dần trở nên yếu kém.
Chính quyền dân sự đó ngày càng đàn áp một số lĩnh vực trong khi tỏ ra yếu ớt trong một số lĩnh vực khác, nhường không gian công cộng cho các phe phái quá khích.
Trong khi đó, lực lượng quân đội Myanmar vẫn kiểm soát các chức năng chính quyền quan trọng, và nắm trong tay một số (lớn và không thay đổi được) ghế trong Quốc hội.
Đất nước này có vẻ đang chuyển mình thành một thứ lai căng giữa dân chủ và độc tài chuyên chế, thường được biết dưới cái tên dân chủ phi tự do (illiberal democracy), vốn thường giống một chế độ ‘đám đông trị’ (mob rule). Nó là một phiên bản chế độ do đa số dân chúng kiểm soát (majority rule). Chế độ đó loại trừ những nhóm dân thiểu số, tước đoạt tự do, và cầm quyền một cách độc đoán.
“Hiểm họa lớn nhất của Myanmar không phải là trở lại chế độ độc tài, mà là trở thành một chế độ dân chủ phi tự do,” Thant Myint-U, một nhà sử học và cựu quan chức Liên Hợp Quốc, cho hay.
Đất nước mới chỉ có vài năm chuyển sang dân chủ này đang đứng trước ngưỡng cửa của một quá trình chuyển biến thứ hai cũng không kém phần quan trọng.
Các yếu tố rủi ro
Myamar có vẻ là đang đi theo một tiến trình mô phỏng mà Jack Snyer, một nhà khoa học chính trị tại trường đại học Columbia, từng miêu tả vào những năm 1990. Snyder dùng tiến trình mô phỏng này để giải thích tại sao các nền dân chủ non trẻ lại hay lâm vào chiến tranh hay biến thành các chế độ độc tài.
Người ta thường cho là bởi vì bản thân các xã hội đó chưa sẵn sàng cho dân chủ. Tuy nhiên, Snyder lại có một lời giải thích phức tạp hơn thế.
Chuyển hóa nhanh chóng sang dân chủ có khả năng làm nhàu nát các mối quan hệ vốn gắn kết người dân với lãnh đạo đất nước. Một tiến trình chuyển hóa thành công sẽ tạo ra các mối quan hệ gắn kết mới dung nạp tất cả mọi người trong xã hội. Nhưng có một số yếu tố rủi ro nhất định có vẻ đặc biệt nhiều khả năng làm tiến trình này thất bại.
Khi các thiết chế chính trị trong nước còn yếu ớt, và bản thân các lãnh đạo mới thì thấy giới tinh hoa cũ là một mối hiểm họa, các nhà lãnh đạo này thường tiến hành làm rỗng ruột (hollow out) chính bộ máy nhà nước đang có vì họ sợ bị đảo chính. Theo đó, họ đẩy bộ máy chính quyền nhà nước tới chỗ sụp đổ từ bên trong.
Trong các trường hợp khi có các chuyển biến xã hội nhanh chóng đồng thời có sẵn các chia rẽ sắc tộc sâu sắc, xã hội và chính trị có khả năng vỡ vụn, đẩy các nhóm chủng tộc tới chỗ phải đánh nhau để tranh giành kiểm soát, như đã xảy ra tại các nước Rwanda và Bosnia.
Khi các nhu cầu công cộng tăng cao mà công tác quản trị quốc gia thì yếu ớt, cả người dân và lãnh đạo trong nước đều sẵn sàng tiếp nhận các quan điểm vốn về bản chất là chuyên quyền độc đoán (cho dù bề ngoài không như thế) như đã từng xảy ra tại Nga những năm 1990.
Hiện nay, thực tế là tất cả các biểu hiện cảnh báo nói trên đều đã xuất hiện tại Myanmar. Những cánh chim báo bão của một nền dân chủ – những nhóm thiểu số, nhà báo và giới hoạt động nhân quyền – đều đang dần rụng cánh.
Một nền dân chủ rỗng tuếch
Daw Nyo Nyo Thin, một luật sư từng du học Nhật Bản, từng là một đại biểu quốc hội, và cũng từng là một ‘siêu sao’ của nền dân chủ Myanmar non trẻ.
Thô vụng và có khuynh hướng kỹ trị, Nyo Nyo Thin gầy dựng sự ủng hộ thẳng từ quần chúng địa phương, trong khi thường là dân biểu được đảng cầm quyền phân giao vị trí. Khi bà tham gia Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy – NLD) của bà Aung San Suu Kyi, dân chủ có vẻ đang ăn sâu bén rễ trên đất nước Myanmar.
Thế nhưng, ngay trước cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của đất nước vào năm 2015, đảng NLD bỏ, không ủng hộ bà Nyo Nyo Thin nữa. Ra tranh cử với vai trò ứng viên độc lập, bà thua.
Đó chỉ là một ví dụ nhỏ về hoạt động chính trị dưới quyền bà Aung San Suu Kyi: bà ta áp chế những ai có ủng hộ độc lập từ ngoài đảng hay có danh tiếng riêng nếu những người đó dám lên tiếng chống đối.
“Chính quyền trước đây quan tâm đến những người như tôi – thủ lĩnh sinh viên, các lãnh đạo đối lập, các chính trị gia – bởi vì chính quyền đó cần những người này,” bà Nyo Nyo Thin nói. “Nhưng chính quyền mới này thì không quan tâm.”
Bà Aung San Suu Kyi đã phân phát công việc cho những ai trung thành với bà, cho dù nhiều người không có bằng cấp hay được đào tạo. Bà ta đã củng cố quyền lực chặt chẽ tới mức một số nhà phân tích nói rằng chính phủ Myanmar trong thực tế đóng cửa nghỉ việc mỗi khi bà ta công du ra nước ngoài.
Bà Aung có vẻ đang hoạt động với một mối động lực hỗn hợp, bao gồm tinh thần khẩn trương – danh tiếng cá nhân dường như cho phép bà ta bỏ qua những nghi thức dân chủ thông thường như xây dựng liên minh – và bao gồm cả nỗi sợ hãi.
“Họ tin rằng họ sẽ bị giới quân sự đảo chính nếu như họ gặp phải quá nhiều các chỉ trích,” bà Nyo Nyo Thin nói về các lãnh đạo đảng NLD. “Bất kỳ ai phê bình, bất kỳ ý kiến phản đối nào, cũng đều nên im đi.”
Dân chủ hóa thường bắt đầu bằng một giao kèo giữa các nhà lãnh đạo mới và các nhà lãnh đạo cũ.
Tại Nam Phi, tổng thống cuối cùng của chế độ apartheid F. W. de Klerk và người kế nhiệm ông ta, Nelson Mandela, cùng hợp tác để giữ cho xã hội và các thiết chế chính trị ổn định.
“Ở đây thì không có mối quan hệ cộng sự kiểu de Klerk-Mandela,” Aaron Connelly, một nhà phân tích từ Viện Lowry ở Sydney (Úc), giải thích. Bà Aung San Suu Kyi phần nhiều tỏ ra hắt hủi các tướng lĩnh mang tư tưởng cải cách vốn đã lãnh đạo chính quyền trước bà ta.
Thay vào đó, Connelly bình luận, “bà ta thể hiện những cá tính gần-giống-Trump” bao gồm việc không tin tưởng vào một số thiết chế chính trị mà bà ta nghi ngờ rằng vẫn đang trung thành với các lãnh đạo trước.
Ví dụ, bà ta cách chức nhiều quan chức trong Trung tâm Vì Hòa bình Myanmar. Trung tâm này dẫn dắt các cuộc thương lượng hòa bình với các lực lượng phiến quân người dân tộc thiểu số. Không lâu sau mấy vụ cách chức, các thỏa thuận ngừng bắn tan vỡ và chiến sự lại nổ ra.
Trên thực tế tại Myanmar, chỉ một nhóm nhỏ những “người trong cuộc” đang thực sự điều hành đất nước, lách qua các thiết chế chính trị chính thức. Cả đảng cầm quyền và chính quyền của đảng đó đều đã bị làm rỗng ruột (hollow out).
Phe dân tộc chủ nghĩa ‘làm mưa làm gió’
Một ngày mùa hè vừa qua, học sinh tại một trường theo đạo Hồi ở Yangon chợt nghe thấy những tiếng la hét bên ngoài cổng. Khoảng vài chục người dân theo đạo Phật mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đang gào thét dọa sẽ xông vào trường.
Những người dân đó đã đến khu vực của trường ngày hôm trước đó để đòi các quan chức địa phương đóng cửa các trường theo đạo Hồi, vốn bị đồn đoán là những nhà thờ Hồi giáo trá hình. Nhóm người dân đe dọa: nếu quan chức địa phương không tuân theo họ, họ sẽ xông vào phá hoại trường.
Bây giờ tụ tập bên ngoài trường, những lời đe dọa của họ trông có vẻ sắp thành hiện thực. Các nhân chứng kể rằng cảnh sát đến hiện trường nhưng từ chối can thiệp, và học sinh buộc phải sơ tán khỏi trường.
Thay vì tấn công, nhóm người dân quá khích đã chặn cửa và khóa trái cổng trường. Ngôi trường này vẫn đóng cho đến bây giờ. Các gia đình Hồi giáo đều sợ rằng quay lại trường sẽ dẫn đến bạo lực.
U (bác/ông – tiếng Myanmar) Wai Phyo Aung, một dân biểu địa phương, nói rằng nhà chức trách lo sợ rằng sẽ có bạo lực chết người nếu họ can thiệp, vì căng thẳng tôn giáo trong quận của ông đã lên đến một mức nguy hiểm.
Đó là một lời ngầm thú nhận một hiện tượng quốc gia: những phe phái Phật giáo cực đoan có khả năng ảnh hưởng đến toàn xã hội, nhiều khi khiến cho cả chính quyền phải nhún nhường theo ý chí của họ.
Ảnh hưởng của các phe phái Phật giáo đã tăng lên từ năm 2012, khi chế độ kiểm duyệt ngôn luận và truyền thông dần được gỡ bỏ, mở ra một khoảng không mà các phe phái cực đoan giúp lấp đầy. Thông điệp của các phe phái này về chủ nghĩa dân tộc và tinh thần duy trì truyền thống đã gây được tiếng vang trong một xã hội còn đang mất phương hướng bởi các thay đổi chóng mặt.
U Soe Myint Aung, một nhà khoa học chính trị, giải thích là giới quan chức “biết rằng họ sẽ phải trả giá đắt nếu họ tìm cách ngăn cản thứ chủ nghĩa dân tộc Phật giáo đó.”
Nhà nước Myanmar từ lâu đã xây dựng quyền thế dựa vào Phật giáo. Thế nên nhà nước đó tuy có thể kiểm soát các nhóm không chính thống, nó lại không thể kiểm soát giới tăng lữ Phật giáo nói chung.
Thay vào đó, nhà nước Myanmar theo đuổi một chính sách mà ông Soe Myint Aung gọi là “một thể nghiệm của hình thức kiểm soát thụ động (negative control)”. Đó là thả cho các nhóm chủ nghĩa dân tộc hoạt động chừng nào họ vẫn công kích các nhóm thiểu số và giới hoạt động nhân quyền, thay vì công kích nhà nước.
“Nếu như chính quyền gặp phải một cuộc khủng hoảng, họ sẽ dùng vấn đề tôn giáo này để giải quyết,” U Zaw Win Latt, một quan chức cấp cao của Hội đồng Hồi giáo Myanmar, cho biết. “Chúng tôi là những con dê tế thần.”
Các nhóm quá khích hoạt động trong khi những tội ác của họ không hề bị trừng phạt. Họ tấn công những người Hồi giáo và cơ sở kinh doanh của những người này.
“Nhà nước này không thể bảo vệ công dân của chính nó,” Ông Zaw Win Latt phàn nàn.
Những giá trị chuyên chế độc đoán
Vào năm 2015, khảo sát đại chúng của Asian Barometer Survey tại 13 nước châu Á cho ra hai phát hiện quan trọng về Myanmar.
Người dân nước này cho thấy họ là một trong những nhóm dân ủng hộ dân chủ nhiệt thành nhất tại châu Á, nhưng đồng thời họ cũng là một trong những nhóm dân ít ủng hộ nhất “những giá trị chính trị tự do nền tảng của các quy trình dân chủ,” các nhà khoa học chính trị Bridget Welsh, Kai-Ping Huang và Yun-han Chu viết.
Hơn 80% người Myanmar được khảo sát nói rằng giới lãnh đạo tôn giáo nên có ảnh hưởng trong việc làm luật quốc gia, và quyền công dân nên gắn kết với tôn giáo. Gần 2/3 thì phản đối các hình thức kiểm soát nhánh hành pháp của đất nước. Các hình thức kiểm soát xã hội được xem là cần thiết, và tinh thần đa nguyên bị xem là nguy hiểm.
Gần như mọi người Myanmar được khảo sát đều thể hiện sự bất tín nhiệm chính đồng bào của họ. “Các nền dân chủ tại những nơi mà lòng tin tưởng xã hội thấp (low social trust) đều có nguy cơ chìm vào xung đột,” các nhà nghiên cứu nói trên viết, và thường “dễ bị phân tán”.
“Myanmar chưa bao giờ là một xã hội tự do cả,” nhà sử học Thant Myint-U giải thích. Hàng thập niên độc tài quân sự, nội chiến, và bị cô lập “đã chỉ làm sâu thêm nhưng cảm tính phản tự do.”
Cứ mười người được khảo sát thì có bảy người nói rằng học sinh không nên chất vấn thầy cô giáo. Đây được xem là một thước đo quan trọng xác định mức độ ủng hộ các giá trị chuyên chế độc đoán.
“Người ta nghĩ Aung San Suu Kyi là một vị thánh, là bà ta có thể làm bất cứ điều gì bà ta muốn. Đó là cách chúng tôi được giáo dục, rằng chúng tôi nên đi theo một vị lãnh đạo nào đó.” Daw Nyo Nyo Thin, vị cựu dân biểu, trình bày.
Tình trạng cực đoan hóa chính trị thậm chí đã dẫn đến việc tăng cường ủng hộ cho những vị tướng quân sự từng một thời bị ghét bỏ. Nguyên soái Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, có một trang Facebook chất đầy những lời ca ngợi từ hơn 1,3 triệu người theo dõi ông ta trên Facebook.
Đàn áp trở lại
Đó đã trông có vẻ là những hơi thở tàn của hệ thống cũ, khi vào năm 2014, giới chức trách Myanmar trong giai đoạn chuyển đổi từ độc tài đã cho thông qua một điều luật cho phép phạt tù những nhà báo nào phê phán nhà nước. Điều luật này, được biết đến với tên Điều 66(d), đã được chính quyền cũ sử dụng bảy lần. Năm lần trong số đó dẫn đến việc truy tố.
Các nhóm hoạt động nhân quyền, cho dù cảm thấy điều luật này đáng báo động, đã tin rằng nền dân chủ được lập ra sẽ xóa bỏ điều luật này.
Trái lại, chính quyền của bà Aung San Suu Kyi đã sử dụng điều luật đó 89 lần, theo Viện Nghiên cứu Báo chí Myanmar. Mười ba nhà báo đã phải chịu án phạt và 20 nhà báo khác đang chờ bị truy tố. Mười nhà báo đã bị cáo buộc phỉ báng bà Aung San Suu Kyi.
“Chúng tôi đang trên đường trở thành Cambodia” – đất nước vốn đã đóng cửa các cơ quan truyền thông tự do và đang chìm dần trong chủ nghĩa chuyên chế độc đoán – “hay thậm chí tệ hơn thế,” U Sein Win, một giáo sư của Viện Nghiên cứu Báo chí Myanmar, cám cảnh.
Hiểm họa lớn nhất theo U Sein Win không phải là việc bị truy tố, mà là tình trạng tự kiểm duyệt. “Họ như đám cây tre oằn mình theo mỗi cơn gió”, ông ta nói về giới phóng viên.
Ông kể rằng nhiều phóng viên đã nói với ông rằng họ phải ‘viết giảm viết tránh’ những tội ác tàn bạo chống lại người Rohingya và phải làm quá lên các báo cáo về tình trạng phiến quân Rohingya, tất cả với niềm tin rằng họ đang làm điều đó vì quyền lợi đất nước.
Các điều luật đàn áp tự do khác cũng vẫn đang được sử dụng, ví dụ như điều 505(b) vốn có chức năng hình sự hóa bất kỳ hình thức ngôn luận hay tụ họp đông người nào bị xem là có nguy cơ tổn hại đến trật tự công cộng. Điều luật này đã được sử dụng để bắt giữ một số nhà hoạt động và thủ lĩnh sinh viên.
Dân chủ “từ trên trời rơi xuống”
U Thet Swe Win, một nhà hoạt động 31 tuổi đầy lý tưởng và mang phong cách bohemian, đã từng được xem là một kiểu người sẽ định hình một Myanmar mới.
Bây giờ thì anh ta lo lắng rằng những đồng bào của mình đang trở thành một mối nguy hiểm còn lớn hơn cả nhà nước.
“Chúng tôi đã nghĩ rằng dân chủ sẽ từ trên trời rơi xuống, rằng thế nào nó cũng sẽ tới thôi,” anh nói. “Chúng tôi không biết rằng nó là cả một quá trình, và mọi người đều phải tham gia vào quá trình đó.”
U Thet Swe Win lãnh đạo Trung tâm vì Giới trẻ và Hòa hợp Xã hội, một trong những nhóm cuối cùng còn cổ súy cho tinh thần khoan dung giữa các tôn giáo.
Mời xem Video: Tại sao Tổng Thống Donald Trump quyết định chỉ gặp Chủ tịch Trần Đại Quang mà không tiếp ông Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội?
Các nhóm Phật giáo đã từng xông vào văn phòng của anh, cáo buộc là anh ủng hộ những người Rohingya. Đã có những lời đồn đoán rằng tiệm spa mà vợ chồng anh quản lý đã bí mật thuê nhân viên người Hồi giáo, và thế là chẳng còn ai đến tiệm nữa. Anh đã nhận nhiều cú điện thoại đe dọa, và có lúc đã phải thuê vệ sỹ cho gia đình mình khi đi công tác xa.
“Tôi không muốn con cái tôi sống trong một xã hội chia rẽ và hận thù,” anh nói. Nhưng anh còn rất ít hy vọng. “Đất nước chúng tôi đã lùi lại hai, ba bước rồi.” anh thở dài.
The Interpreter là một mục do Max Fisher và Amanda Taub phụ trách, nhằm tìm hiểu các ý tưởng và hoàn cảnh phía sau những sự kiện lớn trên thế giới. Theo dõi các nhà báo này trên Twitter tại: @Max_Fisher và @amandataub.
Wai Moe có đóng góp cho bài báo này.
Trâm Huyền
Luật Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét