Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành đế chế thương mại bành trướng nhất trên thế giới. Thử so sánh, sau Thế chiến II, Kế hoạch Marshall đã cung cấp một khoản tương đương 800 tỷ USD cho các quỹ tái thiết châu Âu (nếu tính theo tỷ lệ phần trăm của GDP ngày nay). Trong những thập niên sau chiến tranh, Hoa Kỳ cũng là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới và là nhà cho vay song phương lớn nhất cho các nước khác.
Giờ thì đến lượt Trung Quốc. Quy mô và phạm vi của sáng kiến Vành đai và Con đường là rất lớn. Có nhiều ước tính, nhưng hơn 300 tỷ USD đã được bỏ ra, và Trung Quốc có kế hoạch chi thêm 1 nghìn tỷ USD trong thập niên tới. Theo CIA, 92 nước đã coi Trung Quốc là đối tác xuất khẩu hoặc nhập khẩu lớn nhất vào năm 2015, cao hơn nhiều so với Hoa Kỳ với 57 nước. Đáng kinh ngạc nhất là tốc độ mà Trung Quốc đạt được điều này. Trong khi là nước tiếp nhận các khoản vay lớn nhất thế giới của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á trong những năm 1980 và 1990, trong những năm gần đây, chỉ riêng Trung Quốc đã cho các nước đang phát triển vay nhiều hơn so với Ngân hàng Thế giới.
Không như Hoa Kỳ và châu Âu, Trung Quốc đã sử dụng viện trợ, thương mại, và đầu tư trực tiếp nước ngoài để xây dựng thiện chí, mở rộng ảnh hưởng chính trị, và đảm bảo các nguồn tài nguyên cần thiết để phát triển. Vành đai và Con đường là ví dụ ấn tượng nhất của điều này. Đây là một sáng kiến bảo trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng hiện tại và tương lai. Trong những thập niên tới, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một mạng lưới cơ sở hạ tầng rộng khắp châu Á và, thông qua các sáng kiến tương tự, trên toàn thế giới.
Hầu hết nguồn vốn sẽ được rót dưới hình thức cho vay, chứ không phải tài trợ, và các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cũng sẽ được khuyến khích đầu tư. Có nghĩa là, ví dụ, nếu Pakistan không trả được nợ thì Trung Quốc có thể sở hữu nhiều mỏ than, đường ống dẫn dầu, và các nhà máy điện của nước này, và từ đó có một quyền lực ảnh hưởng to lớn tới chính phủ Pakistan. Trong khi đó, Trung Quốc có quyền khai thác cảng Gwadar trong 40 năm.
Vành đai và Con đường là sáng kiến chính sách đối ngoại lớn nhất của Trung Quốc cho đến nay, nhưng nó không phải là Kế hoạch Marshall. Bắc Kinh không làm điều này vì lòng vị tha, hay vì mong muốn giúp ổn định các nước mà nó cho vay. Vậy tại sao lại chi những khoản tiền khổng lồ đó vào các nước láng giềng? Thứ nhất, Trung Quốc đang quá phụ thuộc vào duyên hải miền Đông và eo biển Malacca hẹp gần Singapore để đưa hàng hóa ra vào lãnh thổ rộng lớn của mình; ví dụ, hơn 80% lượng dầu của nước này đi qua eo Malacca. Do đó việc xây dựng các tuyến đường thương mại đi qua Pakistan và Trung Á sẽ rất có ý nghĩa. Vành đai và Con đường cũng giúp Trung Quốc đầu tư nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình và đưa nhiều doanh nghiệp nhà nước đang nhàn rỗi vào hoạt động.
Sáng kiến này cũng có một tác động phụ tích cực đối với Bắc Kinh: Một số quan chức chính phủ của Trung Quốc đã nói cụ thể rằng đây là chuyện cạnh tranh với Hoa Kỳ. Ít nhất, nó tạo đòn bẩy khiến nhiều nước nhỏ hơn cảm thấy mang ơn Trung Quốc về mặt kinh tế.
Vậy thì điều này có ý nghĩa gì đối với “trật tự quốc tế tự do” mà Hoa Kỳ đã góp phần rất lớn để tạo ra và duy trì trong bảy thập niên qua? Tác động không phải là hoàn toàn xấu.
Nếu mục đích của trật tự ấy là bảo đảm hòa bình và thịnh vượng thì có nhiều cách mà tiền vốn của Trung Quốc có thể bổ sung cho nó. Các nước giao thương nhiều hơn thì nói chung ít thù địch hơn, không chỉ với các đối tác thương mại, mà còn với thế giới nói chung. Do đó, theo cách của riêng mình, Trung Quốc đang giúp duy trì hòa bình quốc tế. Nhưng ngay cả khi có ít cuộc chiến liên quốc gia hơn dưới “Pax Sinica” [nền hòa bình Trung Quốc] đi chăng nữa thì một kỷ nguyên mà nhiều quốc gia nhỏ “nhận vốn” mang ơn Trung Quốc cũng có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ khó áp đặt ý chí của mình lên nhiều vấn đề khác – từ chống khủng bố đến áp đặt lệnh trừng phạt lên các quốc gia đối đầu với phương Tây.
Về vấn đề thịnh vượng, tác động kinh tế của Trung Quốc đối với các nước mà nó cho vay đến nay có vẻ cùng lắm là có tốt có xấu. Trong khi khoảng 20% vốn mà Trung Quốc đưa ra dưới dạng viện trợ truyền thống có giúp các nền kinh tế địa phương thì hầu hết lại đến dưới dạng các khoản vay, vốn không hữu ích như vậy. Các học giả quan sát đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi từ năm 1991 đến năm 2010 thấy rằng sự trợ giúp của Trung Quốc dường như không giúp tăng trưởng kinh tế, và hàng nhập khẩu rẻ tiền của Trung Quốc thường thay thế các công ty địa phương của Châu Phi và do đó làm giảm việc làm trong các doanh nghiệp nhỏ. Trung Quốc thường đòi hỏi các nước nhận vốn sử dụng các công ty Trung Quốc để xây dựng đường xá và cảng, và đến tận gần đây vẫn không đào tạo nhân viên địa phương. Ví dụ, ở Pakistan có 7.000 người Trung Quốc làm việc trên hành lang kinh tế, được bảo vệ bởi gần 15.000 nhân viên an ninh người Pakistan. Điều này đã thay đổi gần đây. Khi tiền lương cho người Trung Quốc tăng lên, sử dụng lao động địa phương là hợp lý. Cách đây vài tháng, một công ty Trung Quốc đã bắt đầu đào tạo hàng trăm kỹ sư Pakistan để làm việc ở một công trình năng lượng gần Karachi, và các dự án khác của Trung Quốc cũng đang sử dụng nhiều người dân địa phương hơn.
Ngoài ra, trong khi trước đây các khoản vay của Trung Quốc thường có lãi suất thấp khoảng 2,5% thì hiện nay nó đang tăng lên đến gần 5% hoặc hơn. Điều này sẽ khiến trả nợ khó hơn. Trong khi các nước nhận vốn của Trung Quốc sẽ rất vui nếu khắc phục được tình trạng thiếu điện và cải thiện đường xá thì họ có thể lại đang thế chấp tương lai của mình.
Có lẽ thách thức lớn nhất mà nỗ lực của Trung Quốc đặt ra với “trật tự quốc tế tự do” là, trái với hầu hết các khoản viện trợ và cho vay của phương Tây, các dự án Vành đai và Con đường thường khuyến khích các tiêu chuẩn quản trị, môi trường, và nhân quyền ở mức tồi tệ, mặc dù hồ sơ của Trung Quốc về vấn đề này đã phần nào cải thiện trong vài năm qua.
Trung Quốc thường là nhà đầu tư lớn nhất ở các nước mà các quốc gia khác đang tẩy chay – bởi vì họ được điều hành bởi những kẻ độc tài, không tôn trọng nhân quyền, và tham nhũng – chẳng hạn như Zimbabwe, Triều Tiên, Cộng hòa Niger, Angola, và Myanmar. Tổng thống Uganda Yoweri Museveni – không hề là người bảo vệ nhân quyền – giải thích rằng ông thích các khoản đầu tư của Trung Quốc là vì họ “không đặt quá nhiều câu hỏi,” và “đi kèm với… tiền lớn, chứ không phải tiền nhỏ.” Tất nhiên, trong khi ngày nay Mỹ và châu Âu nhấn mạnh những tiêu chuẩn cao cho các dự án viện trợ của họ thì cả các công ty lẫn các chính phủ của họ cũng có những hồ sơ tồi tệ về nhân quyền và môi trường khi họ mở mang đến Ấn Độ, châu Phi, và châu Mỹ Latinh trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Về an toàn lao động và môi trường, khi lần đầu ra nước ngoài thì các tiêu chuẩn của Trung Quốc thường rất tồi tệ. Ở một số khu vực, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn để lại những thợ mỏ chưa được trả lương, những cánh rừng bị tàn phá, và những con sông bị ô nhiễm. Nhưng Trung Quốc đang học hỏi nhanh chóng. Năm 2017, chính phủ Trung Quốc công bố các hướng dẫn mới, nghiêm ngặt hơn cho các nhà đầu tư ra nước ngoài. Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng mới của Trung Quốc, AIIB, muốn áp dụng các tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới, và nhiều công ty Trung Quốc – bao gồm gã khổng lồ trong ngành dầu khí quốc gia, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) – cũng đang cải thiện nhanh chóng.
Mời xem Video: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải trình trước Quốc Hội về thông tin quan hệ bất chính với vợ của cấp dưới?
Nếu Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy kế hoạch địa kinh tế của mình thì đó sẽ là di sản lớn nhất của họ và có tác động sâu sắc đối với thế giới – không nhất thiết là hoàn toàn tiêu cực. Khi không có 1 nghìn tỷ USD để chi cho cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển trong một trò chơi vĩ đại mới, lựa chọn tốt nhất của phương Tây có lẽ là hợp tác và định hình tham vọng khổng lồ này. Nếu sáng kiến Vành đai và Con đường thành công thì đường xá sẽ thuận lợi hơn, hậu cần sẽ nhanh hơn, và các nước xa cách các thị trường thế giới sẽ có thể giao thương nhiều hơn. Nếu nghiên cứu trích dẫn trên đây là đúng thì nó sẽ giúp giảm bớt các cuộc chiến liên quốc gia, dù nhiều nước nhỏ sẽ mang ơn Trung Quốc. Chủ tịch Tập đã nhấn mạnh trong hai chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015 và 2017, và ở Davos, rằng Trung Quốc muốn có một hệ thống quốc tế công bình hơn, nhưng không muốn làm trật tự quốc tế sụp đổ. Bằng cách khuyến khích Trung Quốc nâng cao các tiêu chuẩn lao động, nhân quyền, và môi trường trong các dự án của họ, thế giới sẽ bắt ông Tập phải giữ lời.
Bài viết này được chuyển thể từ một chương trong một ấn phẩm sắp phát hành của Nhóm Chiến lược Aspen, một chương trình chính sách của Viện Aspen ở Washington, D.C.
Anja Manuel là đồng sáng lập doanh nghiệp tư vấn chiến lược RiceHadleyGates LLC, giảng viên Chương trình Nghiên cứu Chính sách Quốc tế tại Đại học Stanford, và tác giả cuốn This Brave New World: India, China and the United States (Simon and Schuster, 2016).
Anja Manuel | The Atlantic
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
(Cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông)
ĐSK Biển Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét