Ngư dân ra khơi, có thể với họ là câu chuyện miếng cơm manh áo. Nhưng ở cấp độ quốc gia, đó là sự xác lập chủ quyền lãnh hải.
Thế nhưng, tại sao ngư dân lại đơn độc trong hành trình đòi lại công lý, đòi lại quyền tự do chính đáng của mình? Tại sao?
Nỗi oan khiên của 5 ngư dân Việt Nam tôi đã viết ở đây. Ngày 16-11, phiên toà tiếp theo sẽ diễn ra tại Indonesia để xét xử ngư dân Hứa Minh Trung (quê Kiên Giang). Phía Indonesia cáo buộc anh Trung đã khai thác cá trên vùng biển của Indonesia, trong khi thực tế đã được xác minh bởi Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, thông qua toạ độ GPS, anh Trung và 4 thuyền trưởng khác đều đánh bắt cá ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cả 5 ngư dân này đã bị bắt và giữ tại Indonesia suốt từ tháng 4-2017 đến nay. Họ đang đứng trước nguy cơ bị tước đoạt quyền tự do, bị tiêu huỷ những con tàu hàng tỉ đồng được đóng bằng mồ hôi nước mắt và bằng những khoản nợ chất chồng.
Cả 5 ngư dân đều thảm thiết kêu oan. Cả 5 người đều khẳng định và chỉ ra bằng chứng cho thấy họ đánh cá trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và điều này là không thể chối cãi. Thế nhưng, tại sao trong phiên toà xét xử họ lại vắng bóng đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia? Những người trong sứ quán ấy có mặt ở Indonesia để làm gì, nếu không phải là để bảo vệ những người mang quốc tịch Việt Nam trên đất nước Indonesia?
Một phiên toà xét xử ngư dân vào đầu tháng 11 đã diễn ra và tuyệt nhiên không thấy người nào của đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia xuất hiện. Ngày 16-11, trong phiên toà tiếp theo, nếu họ vẫn tiếp tục thờ ơ với phận người dân nước Việt, thì lại một lần nữa, nhân dân tốn cơm nuôi một lũ người vô dụng.
Bạch Hoàn
FB Bạch Hoàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét