Theo phản ánh của một số nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền ở Sài Gòn thì nhiều bị cáo rất trẻ và đều “hâm hâm, ảo ảo”, hay theo dõi livestream của một vài nhân vật “đấu tranh” ở hải ngoại và cực kỳ tin tưởng các “nhà đấu tranh” đó. Trong khi ấy, chính những người đang hoạt động trong nước khuyên can, thuyết phục thì họ lại không nghe.
Qua câu chuyện này, có thể thấy rõ một điều rằng: Khi không hiểu biết về chính trị, bạn trẻ rất dễ sa vào một trong các thái cực sau:
1. Chấp nhận sống như một con cừu để nhà nước (và các nhóm lợi ích cấu kết với nhà nước) vặt lông, đứng trước cơ quan công quyền thì run lập cập, gặp công an thì… tè ra quần. Điều này có thể hiểu được và cũng không có gì xấu xa, nhưng bạn thử nghĩ xem, sống ở trên đời mà cứ phải sợ một thế lực nào đó – mà thế lực này là những con người giống như mình chứ không phải thần thánh ma quỷ gì – thì có bõ sống không?
2. Tham gia những nhóm hội, những hoạt động nghe có vẻ rất sang, như “khai dân trí”, “đấu tranh cho tự do”… nhưng thật ra là vô bổ, không chiến lược đường lối, không chiến thuật, không tổ chức, và nhất là không đem lại lợi ích gì cho chính bạn, cả về kiến thức lẫn kỹ năng, tiền bạc lẫn vốn xã hội, tài chính lẫn danh tiếng. Bạn chịu nhiều thiệt thòi, nhưng cái thiệt lớn nhất mà những nhóm hội, những hoạt động đó gây ra cho bạn là mất thời gian: Bạn mất đi những năm tháng của tuổi trẻ quý báu trong khi chẳng tạo ra mấy giá trị cho xã hội, cũng không thu được gì cho mình.
3. Ảo tưởng sức mạnh (nặng hơn nữa thì thành tâm thần hoang tưởng): Bạn lúc nào cũng ở trong một màn sương, đầu óc quay cuồng với những thuyết âm mưu, chiến lược, kế hoạch, quyết định, ý tưởng, sáng kiến, v.v. Cùng với đó, bạn chẳng làm được việc gì mà còn bị cô lập dần khỏi những người xung quanh. Có vẻ như chính trị là một trong những lĩnh vực có nhiều người dễ mắc chứng hoang tưởng nhất.
4. Trở thành công cụ, con rối trong tay những kẻ cơ hội chính trị, để chúng giật dây bạn vào những mưu đồ mà lợi nhuận thì chúng hưởng, tổn thất thì bạn chịu, mà vụ “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” của Đào Minh Quân là một ví dụ mới nhất. Chế tạo bom xăng, bom gas, súng, đốt bãi xe và mưu tính đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất, theo kế hoạch do các ông trùm, bà trùm ở hải ngoại vạch ra sau bàn phím – các bạn định làm gì vậy?
Nếu âm mưu thành công và có người thiệt mạng trên sân bay Tân Sơn Nhất hôm đó, bạn nghĩ số phận của họ có khác gì những người Việt chết trong khu cư xá Brinks mà biệt động Sài Gòn đánh bom vào ngày 24/12/1964?
Ở một quốc gia dân chủ, công dân hoạt động chính trị là điều quá đỗi bình thường. Ở xứ độc tài như Việt Nam, muốn hoạt động chính trị, đấu tranh cho tự do, trước hết bạn cần phải hiểu biết đã, dù ít dù nhiều.
Đoan Trang
FB Phạm Đoan Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét