Những diễn biến bất ngờ nối tiếp bất ngờ tiên tục diễn ra trên sân khấu chính trị Ba Đình khiến thiên hạ “hoa mắt hoa mũi”, chẳng biết đường nào mà lần.
Sự kiện gần nhất đang gây xôn xao dư luận là cuối buổi chiều ngày 20/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đột ngột thông báo về bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố Đinh La Thăng cùng đồng phạm.
Thời gian kể từ khi cựu Bí thư Thành uỷ TP HCM bị khởi tố và bắt giam cho đến khi bản kết luận điều tra liên quan đến tội trạng của ông ta được công bố chỉ vọn vẹn 12 ngày, kể cả 4 ngày nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật. Không còn nghi ngờ gì, đây là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử tư pháp Việt Nam.
Với những vị trí mà Đinh La Thăng từng kinh qua, từ Chủ tịch Tập đoàn Sông Đà, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Bộ trưởng Giao thông – Vận tải cho đến Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP HCM, đây được cho là vụ án tham nhũng “nhạy cảm” nhất từ trước tới nay.
Điều tra án tham nhũng thường mất nhiều thời gian. Án tham nhũng liên quan đến một nhân vật cỡ bự và từng nắm giữ nhiều trọng trách như Đinh La Thăng lại càng cần thời gian điều tra và kết luận điều tra hết sức thận trọng. Vì thế dư luận không khỏi “thắc mắc”: Tại sao Đinh La Thăng bị truy tố gấp gáp đến thế?
Lại “đầu voi đuôi chuột”?
Từ tháng 7 năm 2016, nhà báo Huy Đức – nhân vật không cần che dấu sự ủng hộ dành cho TBT Nguyễn Phú Trọng – đã đăng tải nhiều bài viết trên trang Facebook cá nhân, vạch trần một loạt sai phạm khủng khiếp và mang tính hệ thống của Đinh La Thăng cùng bộ sậu. Dĩ nhiên, không nói thì người ta cũng biết ai đã cung cấp thông tin để viên cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ “đánh” Đinh La Thăng.
Vì thế, sau khi Đinh La Thăng bất ngờ bị bắt vào ngày 8/12, công chúng Việt Nam có lý do chờ đợi vụ án sẽ được mở rộng và viên cựu Bí thư Sài Gòn không phải là “khúc củi” duy nhất bị ngài TBT tống vào “lò”, bởi nếu thiếu “ai đó” đứng đằng sau nâng đỡ, che chắn cùng đám đệ tử ngoan ngoãn, tận tuỵ “tiền hô hậu ủng” thì ông ta không thể tự tung tự tác suốt một thời gian dài như thế.
Vậy nhưng, trái với kỳ vọng của dân chúng, chỉ 12 ngày sau vụ khởi tố và bắt giam, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra kết luận điều tra và đề nghị truy tố Đinh La Thăng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ PVN góp 800 tỷ VNĐ vào Ngân hàng Đại Dương năm 2008.
Đâu là nguyên do?
Việc Đinh La Thăng xộ khám được xem là thắng lợi lớn nhất của TBT Nguyễn Phú Trọng kể từ khi ông ta thay thế (cựu) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vai trò Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng, cũng như trong cuộc chiến quyền lực với các phe phái khác trong bộ máy. Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng thậm chí còn nhận định: “Đến lúc này, Nguyễn Phú Trọng đã có thể tự so sánh vị thế của mình với Tập Cận Bình.”
Sau bao công sức đã bỏ ra để điều tra nội bộ (thể hiện qua những số liệu chi tiết, cụ thể mà nhà báo Huy Đức công bố), sau những màn tung hô lên đến tận mây xanh của truyền thông nhà nước và ngay giữa lúc kỳ vọng của một bộ phận dân chúng dành cho “bậc nhân kiệt – thế thiên hành đạo” Nguyễn Phú Trọng đang dâng cao, việc cơ quan CSĐT công bố kết luận điều tra đối với Đinh La Thăng và chỉ truy tố ông ta về tội “cố ý làm trái” trong một vụ sai phạm mà hậu quả chỉ là 800 tỷ VNĐ chắc chắn đã làm hoen ố chiến thắng mang tính biểu tượng của người đứng đầu Đảng Cộng sản cũng như bộ máy phòng chống tham nhũng tại Việt Nam.
Chả nhẽ ngài TBT lại muốn vậy ư? Nếu không thì đâu là nguyên do?
Lời giải đáp dành cho “thắc mắc” nói trên đã được chúng tôi đưa ra trong bài “Đằng sau vụ La Thăng” ngày 11/12 và bài “‘Tử huyệt’ của Nguyễn Phú Trọng ở đâu?” trên VOA ngày 20/12 vừa qua.
Trong bài “Đằng sau vụ La Thăng”, tác giả đã nhận định rằng, sự kiện Đinh La Thăng bị bắt ngày 8/12 và việc một loạt cơ quan truyền thông nhà nước “cáo lỗi” vì đưa tin sai về vụ hai cựu Tổng Giám đốc PVN Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu bị khởi tố và bắt giam báo hiệu từ đó đến Hội nghị Trung ương 7 sẽ còn những diễn biến hết sức khó lường, và cán cân quyền lực giữa các phe nhóm có thể thay đổi mau lẹ chỉ trong một sớm một chiều.
Còn trong bài “‘Tử huyệt’ của Nguyễn Phú Trọng ở đâu?”, chúng tôi đã nêu lý do vì sao Nguyễn Phú Trọng lại dàn dựng cả một kế hoạch bài bản ngay từ giữa năm 2016 để quyết bắt Đinh La Thăng “cho bằng được”. Viên cựu Bí thư Sài Gòn từng một thời gian dài nắm giữ những hầu bao khủng nhất trong hệ thống (Tập đoàn Sông Đà, PVN và Bộ GTVT), và không ai nắm rõ hơn ông ta về “đường đi” của những khoản tiền tham nhũng lên tới hàng tỷ USD mà không một ai trong bộ máy hiện hành đủ sức cưỡng lại được “ma lực” của chúng.
Với mưu đồ tiếp tục khuynh loát hệ thống chính trị và trói chặt Việt Nam vào quỹ đạo Trung Quốc, cặp bài trùng Hoàng Trung Hải – Nguyễn Phú Trọng muốn dùng lời khai của Đinh La Thăng – nhân vật từng hơn 10 năm phục tùng dưới trướng Nguyễn Tấn Dũng và Hoàng Trung Hải – hòng khống chế các đối thủ của mình.
Trong hệ thống chính trị cộng sản, việc đưa một quan chức như Đinh La Thăng ra toà vốn đã cực khó, đưa một nhân vật đủ sức cạnh tranh hay đe doạ ngôi vị TBT ra trước vành móng ngựa lại càng khó gấp ngàn lần – đơn giản là điều đó có thể khiến cả hệ thống sụp đổ. Thế nên lời khai của Đinh La Thăng liên quan đến các nhân vật chóp bu chỉ có giá trị để các phe nhóm đấu đá nhau trên những vũ đài được che chắn bằng nhiều lớp màn đen. Và để những lời khai ấy có thể phục vụ cho “sự nghiệp cao cả” của ngài TBT thì thời gian điều tra vụ án phải được kéo dài ít nhất là qua Hội nghị Trung ương 7, kỳ hội nghị quyết định số phận chính trị của Nguyễn Phú Trọng.
Quá trình điều tra sai phạm của Đinh La Thăng kết thúc chỉ sau vỏn vẹn 12 ngày đã cho thấy là kế hoạch mà Nguyễn Phú Trọng cùng bộ sậu “dày công dàn dựng” đã phá sản. Và dĩ nhiên, chỉ có “gót chân Achilles” mang tên Hoàng Trung Hải mới đủ sức khiến cho nhân vật vừa được nhà quan sát chính trị Phạm Chí Dũng ví như Tập Cận Bình “made in Vietnam” phải lùi bước trước các đối thủ.
Lê Anh Hùng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét