Đinh La Thăng đối diện án 10-20 năm tù, Trịnh Xuân Thanh có thể bị tử hình - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

Đinh La Thăng đối diện án 10-20 năm tù, Trịnh Xuân Thanh có thể bị tử hình


Ông Đinh La Thăng (phải) và ông Trịnh Xuân Thanh. (Hình: Tư liệu)

HÀ NỘI, Việt Nam – Ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính Trị, cựu bí thư Thành Ủy Sài Gòn, sẽ bị xét xử ngày 8 Tháng Giêng, 2018. Ông Thăng có thể bị phạt 10 đến 20 năm tù, trong khi đó, ông Trịnh Xuân Thanh có thể bị tử hình.

Theo báo Tuổi Trẻ, sáng 27 Tháng Mười Hai, Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội ra quyết định đưa ra xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC) vào Thứ Hai, 8 Tháng Giêng, 2018.

Phiên tòa dự trù diễn ra trong các ngày từ ngày 8 đến 21 Tháng Giêng. Hội đồng xét xử gồm năm người, do Thẩm Phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ tọa.

Theo báo Thanh Niên, ông Đinh La Thăng bị Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao truy tố theo Khoản 3, Điều 165 Bộ Luật Hình Sự CSVN về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.” Theo truy tố này, người phạm tội có thể bị phạt từ 10 đến 20 năm tù giam.

Còn ông Trịnh Xuân Thanh bị truy tố theo Khoản 4, Điều 278 Bộ Luật Hình Sự CSVN quy định về tội tham ô tài sản. Theo đó, người phạm tội có thể bị mức án cao nhất là tử hình.

Tuổi Trẻ cho hay, trước đó, ngày 26 Tháng Mười Hai, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao ban hành cáo trạng vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC).

Bị can Đinh La Thăng, cựu chủ tịch Hội Đồng Thành Viên PVN; Phùng Đình Thực, cựu tổng giám đốc PVN; Nguyễn Xuân Sơn, cựu phó tổng giám đốc PVN, cùng chín bị can bị truy tố về tội cố ý làm trái.

Có tám bị can bị truy tố về tội tham ô tài sản. Riêng hai bị can Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị PVC, và Vũ Đức Thuận, cựu tổng giám đốc PVC, cùng bị truy tố về cả hai tội danh.

Tin cho hay, Tháng Mười Hai, 2007, ông Đinh La Thăng đưa ông Trịnh Xuân Thanh từ Tổng Công Ty Sông Hồng về làm tổng giám đốc, sau là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc PVC.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2009, tình trạng tài chính của PVC lâm vào khó khăn. Báo cáo tài chính năm 2010 của PVC thể hiện đến hết năm 2009 toàn bộ tài sản ngắn hạn của PVC không đủ bù đắp nợ ngắn hạn, PVC không bảo đảm khả năng thanh khoản.

Để cứu PVC, ông Thăng từng đề nghị chính phủ cho phép PVN giao nhiệm vụ cho PVC thực hiện các dự án mà PVN làm chủ đầu tư theo hình thức chỉ định thầu.

Tháng Tư, 2010, ông Thăng thay mặt PVN ký văn bản gửi chính phủ, trong đó đưa dự án nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 2 vào mục các dự án PVN sẽ triển khai thực hiện trong năm 2010 cần được chỉ định thầu và đề nghị chính phủ ủy quyền cho PVN quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu.

Báo Tuổi Trẻ cho biết, khi thực hiện dự án nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 2, ông Thăng đã chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án và “chỉ đạo các cá nhân, đơn vị cấp dưới thực hiện việc ký hợp đồng số 33 về việc thực hiện một số hạng mục tại dự án nhà máy này trái quy định.”

Sau đó, ông Thăng tiếp tục “chỉ đạo PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng $6.6 triệu và hơn 1,300 tỷ đồng (hơn $57.1 triệu) cho PVC. Sau đó, các bị can tại PVC sử dụng hơn 1,000 tỷ đồng (hơn $43.9 triệu) sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho nhà nước hơn 119 tỷ đồng (hơn $5.2 triệu). Hành vi của ông Đinh La Thăng phạm vào tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”

Đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Cơ Quan An Ninh Điều Tra xác định “ông Thanh đã chỉ đạo việc sử dụng hơn 1,000 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho nhà nước tổng số hơn 119 tỷ đồng.”

Theo báo Thanh Niên, trong thời gian làm chủ tịch PVC, ông Thanh “đã chỉ đạo thuộc cấp lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban Điều Hành Dự Án Vũng Áng-Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân.” Ông Trịnh Xuân Thanh hưởng lợi 4 tỷ đồng (hơn $175,808), còn Vũ Đức Thuận hưởng 800 triệu đồng (hơn $35,161).

Ông Thanh cũng bị đề nghị truy tố tội “Tham ô tài sản khi bán cổ phần chuyển nhượng tại công ty Cổ Phần Bất Động Sản Điện Lực Dầu Khí Việt Nam (PVP Land).” Ông Đinh Mạnh Thắng, em ông Đinh La Thăng, nằm trong số những bị can bị đề nghị truy tố đợt này.

Theo kết luận điều tra, ông Thanh đã nhận va li tiền 14 tỷ đồng (hơn $615,330) do ông Đinh Mạnh Thắng chuyển sau khi thương vụ mua bán thành công. Ông Thanh khai, sau khi nhận vali mang về nhà mở thấy có nhiều tiền nhưng không đếm.

Cáo trạng này của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao khiến nhiều người đặt câu hỏi cho việc nhanh “thần tốc” này, bởi vì ông Đinh La Thăng mới bị bắt ngày 8 Tháng Mười Hai, 2017.

Tuổi Trẻ dẫn lời Luật Sư Vũ Thị Nga, trưởng văn phòng luật sư Công Lý Việt, nhận định việc Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao ra cáo trạng chỉ trong vòng một tuần sau khi có kết luận điều tra có thể coi là “thần tốc” nhưng cũng hoàn toàn có căn cứ bởi viện này đã giám sát quá trình điều tra ngay từ khi khởi tố vụ án.

“Luật không quy định kể từ khi kết thúc điều tra trong thời gian ít nhất bao nhiêu ngày được ra cáo trạng, nên khi thấy đầy đủ cơ sở, đủ căn cứ thì Viện Kiểm Sát Nhân Dân có thể ban hành cáo trạng,” bà Nga được trích lời nói.

Trong khi đó, Luật Sư Nguyễn Văn Đài bị bắt vào ngày 16 Tháng Mười Hai, 2015, sau khi nói chuyện về hiến pháp và các quyền con người cơ bản trước một cử tọa chừng 70 người tại nhà của một cựu tù nhân chính trị ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, thì bị truy tố theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự CSVN về tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước,” sau đó bị truy tố thêm Điều 79 về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.” Đến nay, đã tròn hai năm nhưng vẫn chưa có kết luận điều tra và chưa biết bao giờ xét xử. (TS)


Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad