Ông Thăng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương và nguyên ủy viên Bộ Chính trị, hôm thứ Sáu bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và tạm giam vì những sai phạm trong quản lý kinh tế. Trước đó cùng ngày, Bộ Chính trị đã đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông với tư cách là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua hai nghị quyết cho thôi tư cách đại biểu quốc hội của ông, mở đường cho việc truy tố.
Được bổ nhiệm làm bộ trưởng giao thông ở tuổi 51, ông Thăng thuộc lứa lãnh đạo được xem là tương đối trẻ nằm trong diện quy hoạch nhân sự cho những vị trí cao hơn.
Ông nổi lên trên chính trường với những lời lẽ hùng hồn thu hút sự chú ý của giới truyền thông và người dân. Sau khi được điều về làm bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông tiếp tục chiếm lĩnh các hàng tít báo với những phát biểu hứa hẹn giải quyết những vấn đề như tham nhũng, tội phạm, giao thông và giáo dục.
Nhưng sự nghiệp chính trị của ông coi như chấm hết sau khi Ban chấp hành Trung ương Đảng hồi tháng 5 thi hành kỷ luật đối với ông và cho thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị. Diễn biến này khơi lên đồn đoán rằng việc ông bị truy tố chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng bắt tay với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước cuộc gặp của họ ở TP.HCM, ngày 13 tháng 1, 2017. |
Lần gần đây nhất mà một cựu ủy viên Bộ chính trị bị khởi tố là từ hàng chục năm trước. Vào năm 1979, ông Hoàng Văn Hoan bị tuyên án tử hình vắng mặt về tội phản quốc sau khi đào thoát qua Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định ông Thăng là quân cờ lớn nhất bị đốn ngã tính tới giờ trên bàn cờ chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đang đi những nước cờ ngày càng quyết đoán.
“Ông Trọng là người đặc biệt quan tâm đến ý thức hệ xã hội chủ nghĩa,” Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát và bình luận chính trị Việt Nam, nói. “Trong quan điểm của ông ấy muốn duy trì ý thức hệ xã hội chủ nghĩa thì phải có được niềm tin của dân chúng,” vốn đã bị xói mòn vì tình trạng tham nhũng tràn lan.
Tiến sĩ Dũng nhắc tới việc ông Trọng từng nghẹn ngào tại Hội nghị Trung ương 6 vào năm 2012 khi ông đọc bài diễn văn bế mạc. Ông đã thay mặt Bộ Chính trị nhận lỗi về hàng loạt những sai phạm xảy ra trong việc điều hành tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, gây thất thoát ngân sách nghiêm trọng.
“Điều đó để lại một ấn tượng tôi nghĩ là buồn và đau đớn lắm đối với ông Trọng,” Tiến sĩ Dũng nói về việc ông Trọng đã không thể kỷ luật được ông Dũng tại hội nghị đó. “Ông ấy không thể bỏ qua được chuyện đó và phải gỡ gạc thể diện. Một trong những chuyện gỡ gạc thể diện chính là chuyện ông Trọng đang làm hiện nay, chưa phải trực tiếp đối với ông Nguyễn Tấn Dũng nhưng mà đối với những người của ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn như ông Đinh La Thăng.”
Truyền thông trong nước cho biết ông Thăng, người từng là chủ tịch chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), đang bị điều tra vì sự dính líu trong hai vụ án kinh tế được mô tả là “nghiêm trọng.”
Ông bị cáo buộc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỉ đồng trong việc góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Ông cũng bị quy trách về việc làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II.
Giới phân tích nhận định mục tiêu chống tham nhũng của ông Trọng sắp tới có thể là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. |
Tiến sĩ Dũng nhận định việc khởi tố ông Thăng đánh dấu một cột mốc đặc biệt quan trọng trong công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng. Nó cho thấy ông Trọng đã vượt qua điều mà ông Dũng gọi là “giới hạn tâm lý” của lớp lãnh đạo đương quyền, e sợ rằng những hành động mạnh tay của họ bây giờ sẽ bị thế hệ kế nhiệm “hồi tố.”
“Và bây giờ ông ấy leo lên lưng cọp luôn,” nhà bình luận chính trị này nói. “Đó là cơ sở để cho thấy rằng ông Trọng không chỉ dừng lại ở Đinh La Thăng. Khi mà đã cho bắt Đinh La Thăng rồi thì gần như chắc chắn là mục tiêu của ông Trọng là sẽ hướng tới ông Nguyễn Tấn Dũng. Vấn đề là có làm được hay không.”
Ông Dũng lưu ý sự tương đồng giữa chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng vào năm 2017 và điểm khởi đầu chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2012.
“Tập Cận Bình lúc đó đã xác định một cái điểm hỏa và đã thanh toán cái điểm hỏa đó là Bạc Hy Lai, Bí thư Trùng khánh và cũng là ủy viên Bộ Chính trị, đưa Bạc Hy Lai ra tòa và phải nhận án chung thân,” ông nói.
“Tình hình như thế này thì chắc chắn nhẹ nhất là Đinh La Thăng sẽ phải nhận án chung thân.”
Hoàng Long
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét