Vừa hoạt động đã... “đắp chiếu”
Nhà máy Sô đa Chu Lai được xây dựng ngày 30-4-2010 trên diện tích 20ha tại Khu Công nghiệp Tam Hiệp (huyện Núi Thành, Quảng Nam) với tổng vốn đầu tư khoảng 120 triệu USD, với công suất thiết kế 200 nghìn tấn/năm. Thời gian dự kiến nhà máy đưa vào hoạt động sau 24 tháng thi công, tuy nhiên, mãi đến 5 năm sau, tháng 6-2015, nhà máy này đi vào hoạt động thử nghiệm. Nhưng lập tức, nhà máy đã bị người dân địa phương phản đối vì gây ô nhiễm môi trường.
Theo người dân nơi đây, khi nhà máy Sô đa Chu Lai đi vào hoạt động, các hồ tôm, cá của người dân bị chết trắng hồ vì ô nhiễm nguồn nước.
Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản. Đến cuối năm 2015, Tổng Cục Môi trường (Bộ TNMT) thanh tra, kết luận hệ thống xử lý thải không đảm bảo, xử phạt 730 triệu đồng.
Sau đó, nhà máy này hoạt động trở lại và tiếp tục gây ô nhiễm môi trường nên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Huỳnh Khánh Toàn ra quyết định dừng hoạt động nhà máy từ 8-2016. Khi nhà máy dừng hoạt động, hàng trăm công nhân bị mất việc và bị nợ lương từ 3 đến 8 tháng/người.
Theo ghi nhận của PV SGGP Online vào ngày 13-12, nhà máy Sô đa Chu Lai đìu hiu. Cả nhà máy chỉ có vài nhân viên bảo vệ vòng ngoài, bên trong có 2 nhân viên của Ngân hàng thay nhau trực bảo vệ nhà máy.
Một nhân viên bảo vệ cho biết, ông được một công ty bảo vệ thuê bảo vệ nhà máy theo hợp đồng với Ngân hàng Agribank. Hiện nhà máy chỉ còn 2 nhân viên bảo vệ của công ty Sô đa Chu Lai làm việc và bản thân những bảo vệ này cũng bị công ty nợ lương 8 tháng. Cả 4 cánh cổng vào nhà máy đều đóng kín.
Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho biết, khi nhà máy đi vào hoạt động thử nghiệm đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của người dân nơi đây vì gây ô nhiễm môi trường. Cá chết, tôm chết, cuộc sống người dân bị đảo lộn vì tiếng ồn và nước thải...nên chính quyền xã đề nghị UBND huyện Núi Thành và tỉnh Quảng Nam cho tạm dừng nhà máy để khắc phục. Nhưng sau đó, nhà máy này hoạt động một thời gian rồi dừng hẳn.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Anh, do nhà máy này sử dụng công nghệ cũ của Trung Quốc nên gây ô nhiễm tiếng ồn, nước thải,...
Nguy cơ 2.000 tỉ đồng thành nợ xấu
Có 5 tổ chức tín dụng cho nhà máy này vay 2.000 tỉ đồng, gồm: 4 chi nhánh của Agribank (Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Tuyên Quang) cho vay 1.600 tỉ đồng và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng VN – PVcom bank cho vay 400 tỷ đồng.
Khi nhà máy dừng hoạt động, 5 tổ chức tín dụng này cử người và thuê công ty bảo vệ đến giữ nguyên trạng nhà máy.
Trao đổi với PV SGGP, ông Hà Thạch, Giám đốc Chi nhánh Agribank Quảng Nam cho biết, sau khi nhà máy dừng hoạt động, Agribank Việt Nam thành lập tổ thu hồi nợ, thường trực tại nhà máy Sô đa Chu Lai. Đồng thời đang nỗ lực cùng chủ đầu tư tìm cách khắc phục, đưa nhà máy hoạt động trở lại. Tuy vậy, Agribank lo lắng món nợ hơn 2.000 tỷ đồng của 5 cơ quan tín dụng đang có nguy cơ thành nợ xấu, khó đòi.
Một lãnh đạo của Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chua Lai cho biết, đến thời điểm này nhà máy Sô đa Chu Lai chưa khắc phục hoàn toàn hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, ngưng hoạt động hoàn toàn. Tuy nhiên, việc không hoạt động của nhà máy là do khó khăn về tài chính, trục trặc kỹ thuật vì nhập dây chuyền thiết bị Trung Quốc chứ không phải là do không khắc phục được môi trường.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Hồng Quang cũng nhận định, nguyên nhân ngưng hoạt động không chỉ vì ô nhiễm môi trường mà là do dây chuyền sản xuất không đảm bảo, khó khăn về tài chính… Tuy nhiên tỉnh không nhận được báo cáo cụ thể nào.
Nguyên Khôi
SGGPO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét