Bản án được cho là bất công đối với Hồ Duy Hải vì nhiều lý do hết sức chính đáng. Sau khi hoãn thi hành án, Quốc hội đã tổ chức một đoàn giám sát về vụ án này và phân công bà Lê Thị Nga, lúc đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội trực tiếp giám sát, kiểm tra và báo cáo Quốc hội về vụ án này.
Bản báo cáo ra ngày 15.2.2015 của bà Nga khẳng định “Tòa án hai cấp kết tội Hồ Duy Hải là chưa đủ cơ sở vững chắc, có đầy đủ căn cứ để giám đốc thẩm…”.
Dưới đây là một vài tóm tắt kết luận báo cáo của bà Lê Thị Nga về vụ án đầy khuất tất và thiếu công bằng này.
1. Có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra vụ án:
– Cái thớt gỗ được cho là hung khí gây án được công an sai người ra chợ mua về; biến thành tang vật gây án.
– Con dao được cho là hung khí giết người được dân phòng lượm khi thu dẹp hiện trường nhưng công an không thu giữ mà đem đốt đi. Sau đó, con dao tang vật được “tưởng tượng” và vẽ lên trên giấy.
– Chiếc ghế được cho là hung khí trong biên bản nghiệm thu hiện trường và biên bản tạm giữ đồ vật của vụ án là hoàn toàn khác nhau. Ai đã tráo đổi chiếc ghế này.
– Dấu vân tay tại hiện trường vụ án thu được không trùng với dấu vân tay của Hồ Duy Hải.
– Công an lưu trữ được vết máu tại hiện trường nhưng chậm tiến hành giám định khiến không thể xác định được máu của ai.
– Không tiến hành giám định thời gian chết của các nạn nhân.
Ngoài ra, luật sư còn chỉ ra những dấu hiệu của việc ép cung, mớm cung; mâu thuẫn trong quá trình đối chất, nhận dạng; quá trình đối chất nhận dạng không có người chứng kiến; hồ sơ vụ án bị chỉnh sửa, tẩy xóa nhiều lần,…
2. Tòa kết án chỉ dựa trên lời khai đầy mâu thuẫn của bị cáo và bỏ qua những sai phạm trầm trọng của cơ quan điều tra:
– Lời khai của Hồ Duy Hải mâu thuẫn ở rất nhiều điểm ở trong nhiều phần trong hồ sơ vụ án: thời điểm (lúc thì 19h 30, lúc thì 20h, lúc thì 20h30); hành vi hiếp dâm ( lúc thì đã thực hiện, lúc thì chưa); hành vi giết người ( lúc thì bằng tay, lúc thì xô đẩy, lúc thì dùng hung khí,…); về con dao bị cho là hung khí ( lúc thì 6cm, lúc thì 3cm); về cái thớt tang vật (lúc thì 10 cm, lúc thì 5cm); …
– Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều có câu: “Cho dù rằng quá trình điều tra vụ án có nhiều thiếu sót về tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng nhưng không nghiêm trọng”. Với những chi tiết đã nêu trên và quyết định tước đoạt mạng sống của một người, liệu những sai phạm trên có nghiêm trọng không?
3. Kết luận trong bán án mâu thuẫn, không khách quan và không đúng với sự thật:
– Hồ Duy Hải có bằng chứng ngoại phạm khi thời gian được xác định để thực hiện một loạt các hành động như di chuyển, cầm đồ, trả tiền và không thể có mặt tại hiện trường vụ án đúng thời gian vụ án xảy ra.
– Tòa án và Viện kiểm sát chăm chăm kết tội Hồ Duy Hải khi đưa ra khẳng định : “không xác định được vết vân tay …”. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án có kết luận giám định dấu vân tay thu được tại hiện trường là: “phát hiện không trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”.
– Trong phiên tòa sơ thẩm Hồ Duy Hải nhiều lần phản cung, không thừa nhận hành vi giết người nhưng bản án sơ thẩm ghi “tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo đều thừa nhận chính bị cáo là thủ phạm giết chị Hồng và chị Vân”.
– Nhân chứng Đinh Vũ Thường trong vụ án nêu rõ “không thể nhìn rõ khuôn mặt của thanh niên đó”. Tuy nhiên, trong bản kết luận điều tra của công an lại ghi “nhìn thấy bị can Hải”. Công an đã làm sai lệch hoàn toàn hồ sơ vụ án này.
– Con dao và cái thớt được cho là hung khí gây án. Tuy nhiên, như đã nói trước, công an không thu giữ tang vật tại hiện trường mà đi mua ngoài chợ về để làm tang vật vụ án.
– Số tài sản bị mất không hề được xác minh, xem xét từ bên phía thiệt hại ( Bưu điện Cầu Voi) mà chỉ qua trí nhớ và lời khai của Hồ Duy Hải.
4. Bản án áp dụng không đúng điều luật:
– Ngoài tội giết người, Hồ Duy Hải còn bị kết tội Cướp tài sản theo Khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự. Nếu như trong Kết luận điều tra và Bản án, Hồ Duy Hải chiếm đoạt tài sản sau khi giết các nạn nhân, tức là không có ý định cướp tài sản trước khi thực hiện hành vi giết người. Do đó, không đủ yếu tố cấu thành tội Cướp tài sản, tức là phải có ý định chiếm đoạt tài sản trước khi thực hiện.
Với những kết luận từ báo cáo của bà Lê Thị Nga, hiện là Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội, Hồ Duy Hải không thể bị kết tội giết người với đầy đủ chứng cứ ngoại phạm dựa trên khoa học và thực tế hiện trường. Tuy vậy, với một loạt sai phạm hết sức nghiêm trọng, ngớ ngẩn và đầy chứng cứ ngụy tạo của cơ quan công an, Tòa án Việt Nam đã 4 lần một mực quyết định tước đoạt mạng sống của một con người vẫn còn rất trẻ . Đã gần 10 năm, Hồ Duy Hải sống dưới thân phận tử tù và chừng ấy thời gian, mẹ anh, cô Nguyễn Thị Loan tiếp tục đau đớn, lặn lội kêu oan cho con ngày ngày qua ngày khác, hết nơi này đến nơi khác. Dẫu những buổi trưa nắng Sài Gòn cháy rát hay những cơn mưa dầm lạnh buốt Hà Nội, người mẹ vẫn miệt mài vò võ đi kêu oan cho con trong đau khổ và tuyệt vọng. Đã 10 năm trôi qua như thế với anh và gia đình anh.
Báo cáo của bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội, trưởng đoàn giám sát vụ án Cầu Voi về việc Hồ Duy Hải bị kết án tử hình. Ảnh: FB Trịnh Anh Tuấn. |
Trịnh Anh Tuấn
FB Trịnh Anh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét