Hai đúng hai sai vụ ông Dan đùa cợt, xúc phạm tướng Giáp - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

Hai đúng hai sai vụ ông Dan đùa cợt, xúc phạm tướng Giáp


Ảnh: FB Dan Hauer/RFA
Đúng 1: Gia đình tướng Giáp bất bình phản đối.

Ai nghe đùa cợt tục tĩu về người thân của mình, đặc biệt là người quá cố, đều có quyền bất bình như vậy cả. Nhẹ thì có thể viết bài phản ứng, nặng hơn thì chửi lại, ức quá thì còn có thể kiện ra toà.

Đúng 2: Người ngoài gia đình bất bình.

Ai cũng có quyền chọn ai đó, còn sống hay đã khuất, người thân hoặc người lạ, trong nước hay ngoài nước, làm thần tượng của mình. Nghe lời không hay về thần tượng đó thì có quyền phẫn nộ. Nhẹ thì phản bác lại, nặng thì chửi luôn. Bức xúc hơn thì tự mình hoặc lập hội (Hội thần tượng tướng Giáp chẳng hạn) cùng kiện Dan ra toà, chứng minh mình chịu thiệt hại gì đó (trầm cảm chẳng hạn) sau khi nghe thấy lời lẽ của Dan.

Sai 1: Lời của Dan xúc phạm người Việt, niềm tự hào dân tộc của Việt Nam, và đi ngược lại thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá của Việt Nam.

Có nhiều hơn một cách làm người Việt. Xã hội của chúng ta, nhìn từ quá khứ thăng trầm lẫn hiện thực phong phú của nó, đủ rộng lớn cho vô số cách làm người Việt khác nhau, với vô vàn khuynh hướng nhận thức và quan điểm khác nhau về từng nhân vật, từng sự kiện cả đương thời lẫn lịch sử.

Xã hội càng hiện đại lại càng xa lạ với lối suy nghĩ, đã là người Việt thì phải thế này thế kia, phải yêu người này, ghét người kia, xem người nọ là thần tượng quốc gia; phải thích món này, thù món kia, tôn món nọ lên hàng quốc hồn quốc tuý. Đồng một lối nghĩ, chung một thần tượng, cùng một nhịp điệu vui buồn ái oán, thì chẳng những là biểu hiện của một cộng đồng đơn điệu, mà tệ hơn, còn làm xói mòn xã hội ngay ở thuộc tính cố hữu đồng thời là vẻ đẹp của nó: tính đa dạng.

Vậy nên chẳng ai cấm bạn chọn ai đó làm thần tượng của mình, nhưng vui lòng nhận ra những giới hạn. Đừng nên áp đặt điều đó với người khác. Đừng coi những ai không chung lối nghĩ với mình không xứng làm người Việt, hoặc không phải là một người Việt thực thụ. Bởi khi làm thế, vô tình bạn đã coi cách làm người Việt của mình là duy nhất. Nghĩa là, đang lẩn khuất đâu đó trong bạn một tia tư duy nguy hiểm: bạn đang coi niềm tự hào của bạn là uy nghiêm quốc gia, tiếng nói của bạn là vọng lại từ lương tri sông núi, lối sống của bạn là bản sắc dân tộc – bạn đồng nhất mình với toàn bộ dân tộc, nghĩa là, bạn bắt đầu trở thành một nhà độc tài nho nhỏ, ngay khi chưa có binh quyền – một dạng độc tài trong tư tưởng. Tia tư duy này khiến bạn xuất hiện trong một cung cách tự mãn kệch cỡm lạ thường nhờ vào khả năng ru ngủ đặc biệt của nó. Nó ru ngủ bạn bằng sự im lặng của các khái niệm trừu tượng: tất cả những “uy nghiêm quốc gia”, “lương tri sông núi”, “bản sắc văn hoá” đều không thể tự lên tiếng, nên chúng không thể cãi lại bạn dù bạn có nói bất cứ điều gì – và vì thế bạn tự huyễn hoặc rằng mình quả thực là đại diện của dân tộc này rồi, chẳng còn nghi ngờ gì nữa.

Đừng như vậy. Hãy cứ phản ứng với Dan bằng niềm tin cá nhân của mình, hoặc với nhóm chia sẻ niềm tin đấy, chứ không nên vũ trang cho niềm tin của bạn bằng thanh kiếm dân tộc, tấm khiên quốc gia, và bắt người khác ngay hàng thẳng lối xung phong sau thanh kiếm và tấm khiên này. Làm thế chỉ thể hiện bạn chưa đủ tự tin với điều cá nhân bạn cho là đúng, nên mới cần viện dẫn quốc gia-dân tộc cho niềm tin của riêng mình.

Sai 2: Dan nói thế là ăn cháo đái bát, vô ơn với những người trả tiền cho mình.

Điều này thì thậm sai. Dan dạy tiếng Anh, nghĩa là cung cấp một dịch vụ cho khách hàng, là người học. Bản chất là đây là một giao kèo dân sự, thuận mua vừa bán, tiền trao cháo múc. Người dạy và người học, ai phải chịu ơn ai là điều còn cần phải bàn cãi, song cho đến khi nào Dan chưa vi phạm giao kèo, sao có thể chất vấn cậu ấy ở phương diện này? Mà nếu cậu ấy vi phạm giao kèo thì có thể nói cậu ấy vô trách nhiệm, chứ sao lại bảo cậu ấy vô ơn? Vô ơn với ai, cụ thể là người nào? Vô ơn với tướng Giáp thì đương nhiên không rồi, với gia đình tướng Giáp thì cũng càng bất hợp lý? Hay vô ơn với toàn thể dân tộc Việt Nam thì còn vô lý hơn nữa.

Dĩ nhiên, người học luôn có quyền tẩy chay người dạy nếu thấy điều gì không phù hợp từ người dạy về lối sống, hệ giá trị, tính cách, quan điểm. Chẳng hạn, những người thần tượng tướng Giáp có thể dễ dàng tẩy chay lớp học của Dan, và kêu gọi những người chung niềm tin với mình, làm điều tương tự. Chứ bảo người ta vô ơn thì thật là kỳ quặc, mà lại còn là vô ơn với toàn bộ dân tộc Việt Nam thì chỉ có thể là sản phẩm từ lối tư duy ‘ta là dân tộc’ được nêu ở trên.

PS1: Về status của Trung Võ, cháu nội tướng Giáp: Không nên đưa chi tiết “Dan mỉa mai tuyển U23 Việt Nam” vào chuyện này. Bởi lẽ, chưa bàn đến chuyện Dan có thực sự mỉa mai tuyển U23 hay không, thì phải rõ ràng rằng, Dan, cũng như tất cả chúng ta, có quyền thích hoặc không thích một đội tuyển thể thao nào đó trên đời này, vì một lý do nào đó. Đưa chuyện này vào chẳng khác nào muốn tận dụng khéo léo tình cảm của nhiều người Việt hiện nay đối với tuyển U23 nhờ vào thành tích của đội này để thu hút sự ủng hộ cho mình ở một chuyện khác. Đâu cần và không nên làm như vậy, bởi thế là nhập nhèm, chuyện nọ xọ chuyện kia. Chỉ riêng chuyện Dan buông lời xúc phạm một người thân của mình thì đã đủ chính đáng để phản ứng, không cần thêm lý do nào.

PS2: Biểu hiện của một xã hội hậu thuộc địa – mới thoát khỏi thân phận thuộc địa, ngoài việc thường dựa vào huyền sử để chứng tỏ sự vĩ đại về nguồn gốc của tổ tiên, và/hoặc truy lùng những cá nhân thành công tầm toàn cầu để gán thành công đó cho chút dính líu gốc gác của người đó với dân tộc mình, còn là sự quan tâm quá đặc biệt đến việc người nước ngoài nghĩ gì về đất nước mình, người nước mình – sung sướng quá mức khi họ nói lời hay ý đẹp để rồi cũng uất ức quá mức lúc nghe phải lời dở ý xấu. Các nước từng là thuộc địa đều trải qua những biểu hiện này và không ít thì nhiều đều chứng kiến những hệ luỵ của nó. Việt Nam cũng sẽ mất thêm một thời gian nữa trước khi thoát khỏi tâm lý hậu thuộc địa này, để người ta có thể nhìn những sự việc như của Dan theo một cách khác – bình thản hơn [dĩ nhiên, bình thản không có nghĩa là đồng tình ủng hộ, cũng không phải là vô cảm vô tâm; bình thản đơn giản chỉ là trái lại với mọi sự hùng hổ, dù là theo sắc thái nào, chẳng hạn theo kiểu quốc gia-dân tộc như trong câu chuyện này]. Một sự bình thản như thế đến từ thái độ tự tin thực sự được hun đúc bởi vị thế bình đẳng và tinh thần tự do của cá nhân mình cũng như của cộng đồng mình. Hi vọng là thời gian đó sẽ không kéo dài.

Link bài trên Thanh Niên: Cư dân mạng phẫn nộ trước phát ngôn liên quan tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp của thầy giáo ‘Tây’.

Clip giải thích và xin lỗi của Dan: Dan muốn được giải thích và xin lỗi.




Nguyễn Anh Tuấn
FB Nguyễn Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad