Hiện tượng Đinh La Thăng?
Đinh La Thăng, một cái tên nổi lên như cồn nhờ hệ thống truyền thông một chiều của cộng sản. Với hệ thống truyền thông đó, thích tốt là tốt, thích xấu là xấu, thậm chí đang tốt cũng có thể bất ngờ trở thành xấu đến mức phải đào đất đổ đi, nếu đó là ý đảng.
Ngay từ khi làm Bộ trưởng Giao thông vận tải, Đinh La Thăng đã có những phát ngôn gây ấn tượng với nhiều người dân.
Người ta nói rằng: Đinh La Thăng vốn thích nổ, và để nổ to, anh ta có cả một hệ thống báo chí cật ruột sẵn sàng bên anh ta đi theo nịnh hót đủ kiểu. Cả những khi nửa đêm anh ta đến Lào Cai chỗ tai nạn, phóng viên bao chí kịp đi theo để chụp hình anh ta đu dây xuống khe vực. Cả khi anh ta ra Trường Sa, thậm chí cả một số Tổng biên tập báo đi cùng để về kể lại chuyện ăn chơi hò hét tại đó, kể cả chuyện rượu chè với ngôn từ ẩn dụ tục tĩu như “Giáp thân, Giáp tí”…
Những phát ngôn đánh bóng mình được báo chí đưa lên với những ngôn từ nghe đã thấy độ nịnh hót đến mức khó tin. Nào là “Tư lệnh ngành” nào là những bức hình chụp Đinh La Thăng đang xúc rác, vớt bèo… diễn trước hàng loạt ống kính.
Thậm chí, đến những nhân vật đã về hưu như Vũ Mão – một người nổi tiếng với vụ đám tang Trung tướng Trần Độ – cũng không từ bỏ cơ hội tung hô Đinh La Thăng lên tận mây xanh rằng: “Tôi nghĩ rằng, với sự nhạy cảm của lớp thanh niên, được bồi đắp bởi những tư duy mới và phong cách cộng sản như vậy, Đinh La Thăng đã trưởng thành và cống hiến”.
Ngay từ khi Đinh La Thăng đang hò hét trên chức Bộ trưởng Bộ GTVT, ngày 17/3/2012, chúng tôi đã có bài viết: “Bất thình lình toàn dân biến thành chuột bạch và con nợ”. Ở đó, chúng tôi đã chỉ rõ những “quả nổ” tanh bành của Đinh La Thăng, thực chất là để đánh bóng tên tuổi như sau:
“Có thể kể ra không hết những cái giật mình của người dân kể từ khi Đinh La Thăng lên làm bộ trưởng, ban đầu là cấm cán bộ ngành GTVT chơi golf. Chẳng biết cái lệnh cấm của Đinh La Thăng có cần thiết lắm không và hiệu lực đến đâu, chỉ thấy sau đó chẳng ai tổng kết cũng không thèm nhắc đến nữa, coi như chuyện trẻ con hò hét dọa nhau chơi.
Tiếp đến là cái yêu cầu cán bộ công nhân viên ngành của ông ta đi xe bus. Rồi cũng chính anh ta cam kết sẽ đi xe bus mỗi tuần một lần. Chính ông ta cũng cam kết sẽ đi xe bus với bà con. Nhưng sau đó phán một câu xanh rờn: “thì đến tôi còn chẳng thể đi nổi, làm sao mà bắt buộc anh em phải đi được”. Thế là hòa.
Thế rồi đến chuyện đổi giờ học. Cả thành phố nhốn nháo, học sinh đi học từ sáng đến tận tối mịt chưa được về, đói lả, nhà trường nhốn nháo, gia đình bị động, loạn lên như cào cào… Nhưng, đường tắc vẫn cứ tắc, đỡ giờ này thì phát sinh giờ khác, chưa hết chỗ này thì đã có nhiều chỗ khác tắc hơn. Rồi cũng được dăm ba hôm đâu lại vào đấy, các cháu vẫn cứ theo giờ cũ mà đi, đến giờ thì về, tắc đường vẫn cứ yên tâm mà… chờ hít bụi.
Không thể hiểu nổi, với tư cách là một Bộ trưởng, Đinh La Thăng xem cuộc sống người dân là gì dưới tay anh ta. Cũng như anh ta đã dùng quyền lực nhà nước như thế nào? Cẩu thả, tắc trách, dốt nát hay tính sĩ diện thích ra oai quyền lực đã dẫn anh ta đến hết trò này đến trò khác?”
Thế rồi, những trò như “trảm tướng tại trận”, mắng nhà thầu Trung Quốc… đã đưa Đinh La Thăng lên như một anh hùng, thậm chí với cả những người vốn không ưa chế độ tham nhũng và thối nát.
Nhưng, rồi cả khi vào Bộ Chính trị quyền lực đầy mình, thì những điều Đinh La Thăng hò hét cũng chỉ là để mua vui chốc lát mà thôi. Nhà thầu Trung Quốc vẫn cứ chậm tiến độ và đến nay thì chính phủ cũng phải đầu hàng.
Thế rồi Đinh La Thăng vào Bộ Chính trị và vào làm Bí thư Thành ủy Tp HCM. Ngay từ khi bước vào Sài Gòn, bệnh nổ của anh ta lại được dịp phát huy.
Chỉ riêng việc chiều 24/2/2017, Đinh La Thăng tuyên bố Sài Gòn có nhiều bác sĩ giỏi và sẽ có giải Noben Y học, đủ để thấy sự hoang tưởng của anh ta. Bởi chỉ đơn giản điều này: Với đội ngũ bác sĩ giỏi để sẵn sàng cho giải Noben Y học, nhưng cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền cứ ốm chút là chạy sang các nước tư bản giãy chết để chữa bệnh mà không thèm đến Sài Gòn thì đủ hiểu và căn bệnh nổ của anh chàng họ Đinh ở mức độ nào.
Những cuộc “đốt phá”!
Có thể nói không ngoa rằng: việc sử dụng Đinh La Thăng trên các cương vị quản lý tài sản của người dân đã không chỉ là một “hiện tượng đột phá” mà thực sự là những cuộc “đốt phá” tiền của, tài sản đất nước.
Ngay từ khi Đinh La Thăng trổ tài nổ trên cương vị Bộ trưởng Bộ GTVT, nhiều người đã xì xào, thậm chí thán phục Đinh La Thăng không phải ở chỗ tài trí lãnh đạo hay bệnh nổ, mà người ta thán phục anh ta ở con đường tránh tội.
Những người theo dõi thông tin và biết rõ về nhân vật họ Đinh, sau một thời gian “đánh bóng, tráng gương” bằng những chức vụ tượng trưng ở Đoàn Thanh niên Cộng sản, rồi Phó bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế và một số công việc khác anh ta đã chuyển sang đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, một mỏ vàng mà đất nước trông chờ vào đó.
Tại đó, Đinh La Thăng đã thực sự coi đống tiền của đất nước như đống rác nhà mình để thỏa sức “vén tay đốt nhà táng”. Trong bài viết cách đây một năm rưỡi, chúng tôi đã nêu rõ những hệ quả, những công trình dưới bàn tay Đinh La Thăng. Xin trích:
“Hàng trăm tỷ đồng mà ngành Dầu khí đổ vào Sân Golf Hoàng Gia, Ninh Bình, để rồi thu lại được con số âm hàng trăm tỷ. Cũng tương tự, ngành dầu khí đã đầu tư và mất trắng 800 tỷ đồng tại OceanBank thì đã sao. Cứ tưởng con số mất trắng 800 tỷ đồng đã là lớn ư? Chưa ăn thua. Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ với con số 7.000 tỷ đồng do Tập đoàn Dầu khí đầu tư để rồi… đắp chiếu. Chỉ sau hơn một năm hoạt động, nhà máy liên tục “đắp chiếu”, lỗ hơn 1.700 tỉ đồng và đứng trước nguy cơ phá sản.
Những tưởng sự thiệt hại, thất thoát, đến con số đó là khủng khiếp và dừng lại? Xin thưa là chưa. Dự án mà Ngành Dầu khí Việt Nam đầu tư ở Venezuela góp 40% vốn trong tổng mức đầu tư giai đoạn 2009-2014 là 1,825 tỷ USD, đã buộc phải dừng lại vào cuối 2014. Con số 40% Dầu khí Việt Nam góp vốn tại đây giai đoạn này là 730 triệu dola, nghĩa là 16.200 tỷ đồng tiền của người dân Việt Nam đã được “gửi hương cho gió”.
Với những cuộc đốt phá tài sản đất nước như vậy, những tưởng Đinh La Thăng sẽ phải chịu trách nhiệm với những việc làm mà ai cũng biết rằng không chỉ có “chí công, vô tư” hoặc chỉ là do năng lực. Nhưng không, anh ta lại nhảy vào Ban Chấp hành trung ương đảng cộng sản. Với cương vị này, cái ghế này là một lá bùa khá chắc chắn để rũ hết mọi tội lỗi của mình như các đồng chí khác của anh ta.
Rồi chừng như để tiếp nối những “thành tích” đốt tiền dân hơn đốt rác, anh ta được đưa sang làm Bộ trưởng Bộ GTVT, một ngành mà hàng năm ngốn số tiền khổng lồ của đất nước. Tại đó, anh ta đưa ra những lời nói, hành động mà người dân gọi là “cưa bom” lên một tầm cao mới nhờ đám báo chí bưng bô nịnh nọt, tạo nên “Hiện tượng Đinh La Thăng”.
Cũng tại đây, hàng loạt dự án BOT được hình thành và thông qua, ở những dự án này, việc lấy tiền dân theo cách “bốc xôi làng, đãi ăn mày” của Đinh La Thăng được thực hiện rầm rộ và để lại hậu quả rất lớn. Đặc biệt là những trạm BOT bằng mọi cách moi tiền người dân kiểu chặn đường trấn lột.
Tại đây, những dự án BOT đó được sử dụng như một ân huệ cá nhân để ban phát cho các “nhà đầu tư” được nhận thầu bằng cách bỏ ra ít tiền, còn lại vay ngân hàng để “đầu tư” vào BOT, việc kiểm soát kinh phí đầu tư, tính toán hiệu quả và kinh tế… là chuyện bí mật. Để rồi cuối cùng là tiền dân cứ vậy chui vào túi cá nhân.
Người dân đã một thời đồn thổi và nhắc đến một Đỗ Thị Huyền Tâm, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Minh Tâm (Minh Tâm Group) đứng trước bờ vực phá sản, chiếc còng số tám đang chờ đợi, thì anh chàng họ Nông với cương vị Tổng Bí thư đã rước lấy và nhờ cương vị “thứ phi” của TBT, Đinh La Thăng đã biếu cho tập đoàn này gói thầu BOT “Pháp vân – Cầu giẽ’. Thực chất của BOT này là rải thêm chút mặt đường, sửa sang lại và… thu tiền dân trên cơ sở đường của nhà nước đã được đầu tư từ ngân sách đã có sẵn.
Và thế là từ một con nợ khổng lồ, tập đoàn Minh Tâm lại “vững mạnh và giàu có” ngay sau đó. Để rồi khi tình hình chính trị biến động, Đinh La Thăng đã bắt đầu thất sủng, thì Đỗ Thị Huyền Tâm đã thoái sạch vốn tại tập đoàn này từ 81% xuống còn 0%. Những cuộc thoái vốn, tháo chạy này làm người ta nhớ đến hành động của Vũ Nhôm tại Đà Nẵng, trước khi tháo chạy khỏi Việt Nam, đã thoái vốn sạch khỏi các công ty mà anh ta là cổ đông chính.
Thực chất, những việc làm trên chỉ là việc “bốc xôi làng đãi ăn mày” theo cách cha ông nói là “Của người, phúc ta” để đưa Đinh La Thăng một bước ngoạn mục nhảy vào làm Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN.
Với cương vị này, hầu như anh ta đã có một “Kim lệnh bài miễn trừ” mọi tội lỗi của mình.
Bởi xưa nay, việc xử lý các đảng viên phạm tội đã và vẫn thường chỉ là việc “xử lý nội bộ”, nghĩa là dù đảng viên đó có phạm tội ở mức độ nào, thì công an cũng không được điều tra, trừ khi đã có quyết định của Đảng. Chỉ thị số 15 của Bộ Chính trị đã quy định một cách quái gở như vậy và Phó Giám đốc Công an Tp. HCM đã phải kêu trời vì thế. Huống chi là môt ủy viên trung ương, và chưa ai nghĩ đến một Ủy viên BTC lại còn bị điều tra.
Do vậy, anh ta đã vào cái thế “kê cao gối mà ngủ” để rồi còn rao giảng về đạo đức làm người, kinh nghiệm và quyền lực làm quan, và qua đó, phân phát ân huệ, bổng lộc cho đám báo chí lăng xê mình như một hiện tượng.
Nhưng, sự đời đâu có một chiều xuôi.
(Còn nữa)
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Blog RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét