Trung Quốc không phản đối hàng không mẫu hạm Mỹ vào Việt Nam - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

Trung Quốc không phản đối hàng không mẫu hạm Mỹ vào Việt Nam


Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson trên Biển Đông vào ngày 20 Tháng Giêng vừa qua. (Hình: US Navy)

BẮC KINH, Trung Quốc – Trung Quốc không phản đối chuyến thăm Việt Nam của một hàng không mẫu hạm Mỹ, dự trù đến Đà Nẵng, vào Tháng Ba, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, được hãng thông tấn Reuters dẫn lời, cho biết hôm Thứ Sáu.

“Chừng nào hoạt động trao đổi quân sự này giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực, khi đó, tất nhiên là chúng tôi không phản đối,” bà Hoa Xuân Oánh nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh.

Bà không đưa ra thêm chi tiết nào khác.

Việc lần đầu tiên có một hàng không mẫu hạm Mỹ ghé Việt Nam kể từ sau chiến tranh do ông James Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, loan báo tại Hà Nội hôm Thứ Năm, 25 Tháng Giêng.

Theo nhật báo The Washington Post, hàng không mẫu hạm này sẽ là chiếc USS Carl Vinson.

Sự kiện này sẽ được các quốc gia trong vùng lo lắng sự bành trướng của Bắc Kinh hoan nghênh, nhất là các quốc gia cùng với Việt Nam đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc như Brunei, Malaysia, Philippines, và Đài Loan.

Trung Quốc lâu nay vẫn tuyên bố chủ quyền gần 90% Biển Đông và vẫn tiếp tục xây một số cơ sở vật chất và căn cứ quân sự trên các đảo và bãi san hô chiếm được của nước khác.

Bình luận về sự kiện này, Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng cho nhật báo Người Việt biết như sau: “Có hai vấn đề trong chuyện này. Thứ nhất, mục đích chuyến thăm của ông Mattis là tăng cường quan hệ hai bên, cho thấy có sự chia sẻ an ninh trong vùng trong tương lai.”

“Thứ hai, hàng không mẫu hạm có nhiều binh sĩ nhất so với các tàu chiến khác của Mỹ. Sự kiện này cho thấy Mỹ có ý định hợp tác phòng thủ trong vùng, trong đó có với Việt Nam,” ông nói tiếp.

Ông Hùng là cựu giáo sư đại George Mason University, Arlington, Virginia, và hiện là học giả tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Washington, DC.

Bộ Trưởng James Mattis (giữa) và Đại Sứ Mỹ Daniel Kritenbrink (trái) thắp nhang trong chùa Trấn Quốc ở Hà Nội hôm 25 Tháng Giêng. (Hình: AFP/Getty Images)

Giáo Sư Carl Thayer, cựu giáo sư Học Viện Quốc Phòng Úc và là một chuyên gia về Việt Nam, cho rằng, sự kiện để cho hàng không mẫu hạm USS Vinson vào Đà Nẵng cho thấy Việt Nam ủng hộ sự có mặt của quân đội Mỹ trong vùng.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt qua email, ông cho biết: “Sự kiện hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson sắp đến Đà Nẵng là đặc biệt bởi vì đây là lần đầu tiên có một sự kiện như vậy. Thứ hai, Đà Nẵng là nơi nhìn trực tiếp ra Biển Đông, cho thấy sự xác nhận của Việt Nam trong việc ủng hộ sự hiện diện của Hải Quân Mỹ trong vùng để đối trọng với Trung Quốc. Thứ ba, sự việc USS Carl Vinson thăm Việt Nam chứng tỏ chính sách của Hà Nội tiếp tục mở rộng quan hệ quân sự với Washington.”

Về phản ứng của Trung Quốc, Giáo Sư Hùng phân tích: “Khi ông Mattis nói với ông Nguyễn Phú Trọng (tổng bí thư đảng CSVN) lời cảm ơn vì gia tăng đối tác qua việc hàng không mẫu hạm của Mỹ ghé Đà Nẵng vào Tháng Ba, nó có nghĩa là có thảo luận với nhau trước, và Việt Nam có bằng lòng.”

“Còn phản ứng của Trung Quốc khi không phản đối là vì khi chuyện đã xảy ra rồi, Bắc Kinh không làm gì được,” giáo sư nói thêm.

Ông cho biết, từ trước tới nay, các quốc gia trong vùng vẫn coi Mỹ là nước duy nhất có thể bảo đảm ổn định trong vùng, và Trung Quốc cũng thấy điều này.

Ông thêm: “Có thể Trung Quốc không phản đối để có cớ xây dựng thêm trên các đảo chiếm được ở Biển Đông.”

“Mặt khác, Trung Quốc không phản đối việc làm ổn định tình hình, có nghĩa là hiện diện thì được, nhưng tuần tra thì không. Vì thế, lâu nay Bắc Kinh vẫn phản đối việc tuần tra của Mỹ vì họ cho rằng đó là xâm phạm ‘chủ quyền’ của họ,” vị học giả của CSIS nói tiếp.

Giáo Sư Thayer cho rằng sở dĩ Bắc Kinh không phản đối việc USS Carl Vinson vào Việt Nam vì họ không muốn thay đổi quan hệ quân sự với Washington hiện nay.

“Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng có các hoạt động quân sự chung, và Bắc Kinh từng để hàng không mẫu hạm Mỹ thăm Hồng Kông,” cựu giáo sư người Úc cho biết. “Thành ra, Bắc Kinh sẽ bị coi là ‘đạo đức giả’ nếu phản đối USS Carl Vinson vào Đà Nẵng. Không những thế, việc phản đối sẽ làm gián đoạn liên hệ quân sự của Trung Quốc với Hoa Kỳ, trong đó có việc tàu chiến Trung Quốc vào thăm Mỹ, ví dụ như các căn cứ ở Hawaii.”

Về chuyện ổn định khu vực, có thể Bắc Kinh “nói vậy mà không phải vậy,” theo Giáo Sư Thayer.

Ông viết cho nhật báo Người Việt như sau: “Cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội lâu nay đều tuyên bố họ không phản đối sự hiện diện của Hải Quân Hoa Kỳ chừng nào sự hiện diện này đóng góp cho ổn định khu vực.”

“Tuy nhiên, trong chốn riêng tư, chưa chắn Bắc Kinh ủng hộ chuyện USS Carl Vinson đến Việt Nam. Trung Quốc có thể lập luận rằng Hoa Kỳ là một ‘kẻ ngoại cuộc’ ở Biển Đông, và chính vì thế, chuyện Hoa Kỳ tuần tra khu vực đã đẩy Trung Quốc vào tình thế phải có hành động tự vệ,” ông Thayer viết tiếp.

“Nói theo ngôn ngữ của Bắc Kinh, các hành động ‘tự vệ’ này là họ quân sự hóa bảy hòn đảo nhân tạo mà họ chiếm trên Biển Đông,” ông Thayer kết luận.

Theo USNI News, thuộc Viện Hải Quân Hoa Kỳ, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiến triển trong nhiều năm qua khi Trung Quốc ngày càng hung hãn hơn ở Biển Đông.

Hồi năm 2016, Thượng Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa-Arizona), chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện, giúp thực hiện một kế hoạch gia tăng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Hải Quân Việt Nam.

Vào thời điểm đó, theo USNI News, các giới chức Mỹ đề nghị một kế hoạch cho Hà Nội, mà theo đó, hai bên có các cuộc tập trận thường xuyên hơn.

Theo kế hoạch này, tàu chiến Mỹ sẽ ghé Đà Nẵng hai ngày, rồi ra tập trận hai ngày trên biển, rồi vào cảng Cam Ranh thăm ba ngày.

Cho tới nay, các hoạt động tập trận này chỉ là căn bản, và chỉ được thực hiện ngoài khơi, vẫn theo USNI News.

Hôm 19 Tháng Mười, 2017, theo Bộ Hải Quân Hoa Kỳ cho biết, Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng CSVN, và 11 giới chức quân sự Việt Nam có lên thăm hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson.

Tại đây, phái đoàn Việt Nam nói chuyện với thủy thủ, ăn trưa với chỉ huy, quan sát các phản lực cơ cất cánh và hạ cánh, khi chiếc tàu này đang huấn luyện cho binh sĩ và huấn luyện vận hành ở vùng biển miền Nam California.

“Đây là một ngày lịch sử và chúng tôi rất vinh dự khi ông đến thăm USS Carl Vinson,” Phó Đề Đốc John Fuller, tư lệnh Carrier Strike Group 1, bao gồm hàng không mẫu hạm Carl Vinson, nói với ông Vịnh. “Chúng tôi rất hài lòng được là một phần của cuộc hợp tác hàng hải này.”

Ông Vịnh đáp lời: “Tôi rất ấn tượng với sự chuyên nghiệp và mức độ làm việc của tất cả thủy thủ đoàn của Carl Vinson.”

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, thuộc lớp Nimitz, chạy bằng năng lượng nguyên tử, là tàu chỉ huy của Carrier Strike Group 1, có hơn 3,000 thủy thủ.

Khi hoạt động ở ngoại quốc, USS Carl Vinson chở theo hơn 60 máy bay và thêm 2,000 thủy thủ nữa.

Trở lại chuyến thăm Việt Nam của Bộ Trưởng James Mattis, theo thông cáo báo chí của tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam gởi ra cho biết, ông rời Hà Nội hôm Thứ Sáu đi đến Hawaii để gặp và nói chuyện với Đô Đốc Harry Harris và Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương.

“Đây là một sự hợp tác, phối hợp, và cố vấn lẫn nhau một cách bình thường,” ông Mattis nói về quan hệ Mỹ-Việt trước khi rời Việt Nam. “Và chúng tôi bắt đầu mọi thứ bằng cách để lại quá khứ sau lưng.”

Ông nhắc đến chuyện, trước khi ông đến Hà Nội vài ngày, Mỹ và Việt Nam ký thỏa thuận tẩy sạch chất dioxin ở sân bay Biên Hòa, và dự án này do Mỹ tài trợ, giống như dự án ở phi trường Đà Nẵng trước đây.

Ông nói thêm: “Quý vị biết đó, chúng tôi có một điểm chung, đó là, không ai muốn bị đô hộ, vì thế, quý vị biết đó, chúng tôi là đối tác có suy nghĩ giống nhau, và chia sẻ các giá trị giống nhau trong việc xác định các luật lệ quốc tế, và trong trường hợp này, quyền tự do hải hành trên Biển Đông.”


Đỗ Dzũng
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad