Chợ Đồng Xuân ở quận Lichtenberg – Đông Berlin. Ảnh: RBB |
Người Việt đó là Trịnh Xuân Thanh, ông đã nộp đơn xin tỵ nạn tại nước Đức và sau đó có lẽ đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc. Ở Việt Nam doanh nhân và cũng là cựu chính trị gia này bị cáo buộc tham nhũng với quy mô lớn. Và vụ việc mà đã đưa nước Đức đến cuộc khủng hoảng ngoại giao với Việt Nam, thì giờ đây đang kết thúc tại tòa án Hà Nội: Từ Thứ Hai tuần này diễn ra phiên tòa xét xử ông Thanh, người bị bắt cóc – trong trường hợp xấu nhất ông có thể bị án tử hình.
Phóng viên Nancy Fischer của đài rbb (Đài phát thanh Berlin –Brandenburg) muốn nói chuyện với những người Việt tại Berlin về vụ việc này và vì thế đã đến Trung Tâm Đồng Xuân, một khu chợ Việt Nam rộng lớn tại quận Lichtenberg. Nhưng tại đây không ai muốn bày tỏ ý kiến về chuyện này. Ngay cả Hội Người Việt tại Berlin và Brandenburg e.V. cũng không muốn bình luận về đề tài này.
Nhiều người Việt Nam sợ phát biểu công khai
Có những lý do xác đáng cho thái độ dè dặt này: Nhiều người lo sợ không được về Việt Nam thăm gia đình, nếu họ bày tỏ công khai ý kiến không đúng [với quan điểm của nhà nước].
Riêng bà Hoàng Mỹ Lâm thì không sợ phát biểu. Bà đã về hưu và hoạt động chính trị trong Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn từ nhiều năm nay. Bà tổ chức những cuộc biểu tình, công khai phê phán nhà cầm quyền Việt Nam và vì thế bà cũng cho biết: “Tôi sẽ không bao giờ có thể được đặt chân trở lại nước Việt Nam“.
Không có một cộng đồng người Việt hợp nhất
Ở Berlin, với 26 ngàn người Việt tại đây, không có một cộng đồng người Việt hợp nhất, người Việt tại Berlin rất khác biệt, bà Hoàng giải thích. Phần lớn là những người từ miền Bắc Việt Nam đến Đông Đức hợp tác lao động trong thập niên 1980 – từ một nước XHCN anh em này sang nước XHCN anh em khác – và vì vậy họ luôn luôn còn có mối liên hệ mật thiết với quê hương.
Còn có một nhóm khác đi từ miền Nam Việt Nam. Phần lớn họ đến nước Đức một thời gian ngắn sau khi chiến tranh Vịệt Nam chấm dứt, vào cuối thập niên 1970 dưới dạng thuyền nhân, tức là người tỵ nạn như bà Hoàng Mỹ Lâm.
“Vụ bắt cóc này là một sự xâm phạm Nhân quyền trắng trợn”
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh làm cho bà Hoàng ngạc nhiên. Bà không thể tưởng tượng được điều đó có thể xảy ra tại thủ đô Berlin. Bà cho biết: “Về các hành vi của mật vụ Việt Nam chúng tôi đã biết từ lâu. Những hoạt động của chúng tôi đều bị theo dõi, bị quan sát và bị báo cáo về Việt Nam. Nhưng mà cho đến nay chúng tôi không có được bằng chứng.
Bà cảm thấy bị đe dọa từ nhà cầm quyền, “vì nếu một tư tưởng nào không làm hài lòng nhà cầm quyền Việt Nam thì họ sẽ cho bắt cóc và đưa về Việt Nam trị tội. Điều đó không thể chấp nhận được! Chúng ta đang sống ở nước Đức, nơi mà Nhân Quyền được tôn trọng”.
Qua việc bắt cóc nhà cầm quyền Việt Nam đã làm mất niềm tin
Bà Hoàng cũng nhận thấy rằng, từ khi vụ bắt cóc xảy ra, ở nước Đức đã có thay đổi. Ngay trong hàng ngũ những người Việt trung thành với nhà nước cũng đánh mất phần nào niềm tin vào chế độ.
“Hiện giờ họ có khuynh hướng so sánh thể chế chính trị ở Đức và ở Việt Nam. Họ nhận thấy được sự khác biệt. Và họ nhận thấy rõ hơn sau vụ Trịnh Xuân Thanh: Vụ bắt cóc này là một sự xâm phạm Nhân Quyền – một cách trắng trợn”.
Giờ đây tại Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị đe dọa án tử hình. Tuy nhiên phần lớn người Việt tại Berlin muốn tránh né đề tài này và giữ im lặng.
Tác giả: Nancy Fischer
Dịch giả: Kim Mi
Thời Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét