Dư luận đồn đoán về một chiến dịch “giải cứu Đinh La Thăng” với số tiền gần $900,000. (Hình: Getty Images) |
Có hay không một ý đồ, một kế hoạch hoặc thách thức hơn nữa đối với quyền lực của Nguyễn Phú Trọng – một chiến dịch “giải cứu Đinh La Thăng” ở Việt Nam vào những ngày cuối năm 2017, đầu năm 2018?
Có!
Vở kịch mang tên “Đinh La Thăng” vẫn chưa hề kết thúc bởi ông Thăng còn phải đối mặt với một phiên tòa khác có thể còn nặng nề hơn – vụ “800 tỷ đồng,” và bởi trước và trong phiên tòa “Thăng – Thanh” đã thực sự có cả một chiến dịch nhằm “giải cứu Đinh La Thăng” – điều chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.
Chỉ một ngày sau phiên tòa “Thăng – Thanh” kết thúc vào ngày 21 Tháng Giêng, 2018, báo Công An Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của của Bộ Công An – đăng bài “Nhận diện chiêu trò thổi bão, kéo lệch bản chất vụ án ở Tập Đoàn Dầu khí,” trong đó có đoạn:
“Dư luận lại đang nhìn nhận vụ án với hình ảnh ông bộ trưởng, ông bí thư Thành Ủy năng động, xông xáo, nhiệt huyết mà quên đi những cáo buộc VKS luận tội. Sự nhầm lẫn này rất tai hại, khiến người ta có cách nhìn không đúng về phiên tòa. Đó là từ việc bày tỏ lòng ngưỡng mộ ông Đinh La Thăng rồi quay sang đặt nghi vấn về việc xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng, biến việc chống tham nhũng của đảng, nhà nước thành vấn đề chính trị, nội bộ. Từ chỗ lẽ ra phải lên án hành vi tham nhũng, làm trái, gây thất thoát tiền, tài sản của nhà nước của các bị cáo trong vụ án lại đẩy sang việc tung hô, xin ‘cứu xét.’
Vì trào lưu đó mà trên mạng có những người đặt câu hỏi, ông Thăng xông xáo, tốt với dân như thế sao lại bị buộc tội? Thổi bão cho trào lưu này là những trang facebook kêu gọi ủng hộ 10 triệu chữ ký để xóa tội, giảm tội cho bị cáo.”
Bài viết “chống diễn biến hòa bình” trên của báo Công An Nhân Dân đã gần như chính thức xác nhận những đồn đoán trước đó của dư luận về một kế hoạch “giải cứu Đinh La Thăng,” được tổ chức và thực hiện ít ra trên phương diện truyền thông mạng xã hội, nếu không muốn nói là có cả hơi hướng trên một số tờ báo nhà nước cùng những hành động trong hậu trường chính trị.
$880,000?
Vào thời gian diễn ra phiên tòa “Thăng – Thanh,” có thông tin trên mạng xã hội cho biết đã có một nhóm người nào đó đã và đang tung ra một số tiền lên đến $880,000, tương đương chẵn 20 tỷ đồng, để tạo chiến dịch truyền thông nhằm gỡ tội cho Đinh La Thăng. Một số dư luận cho rằng nguồn thông tin mạng xã hội này là đáng tin cậy.
Cho tới nay, chưa biết nhóm người định “giải cứu Đinh La Thăng” là ai hay thuộc một thế lực chính trị nào, nhưng hẳn nhiên nếu tồn tại nhóm người này thì rất có thể là “phe Thăng,” hoặc những người “cùng cảnh ngộ” mà nếu không tìm cách cứu Đinh La Thăng, hoặc chí ít không làm loãng và giảm hiệu lực đối với phiên tòa “Thăng – Thanh,” thì chính số phận của họ cũng có thể bị ông Trọng đóng đinh vào cột.
Trong thực tế “đời sống” báo chí nhà nước ở Việt Nam, chuyện mua bán và kéo bè kéo cánh đánh nhau giành ăn, giành lãnh địa và xung đột nội bộ đảng đã trở thành “truyền thống.” Trước đây, nhiều tờ báo đã “nhúng tràm” vì ăn bẩn và tống tiền doanh nghiệp. Những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2012 đến nay, cùng với đà xung đột nội bộ trong đảng tăng dần đến mức khốc liệt, một số tờ báo nhà nước cũng vươn đến khuynh hướng “phe cánh chính trị” – một cụm từ đặc thù được thể hiện trong các báo cáo nội bộ, và dùng mặt báo để công kích giới “chính khách.” Vào thời gian trước đại hội 12, đã từng nổi lên một số bài viết vừa đánh bóng vừa bênh vực cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và gia đình ông, khiến dư luận xã hội lại càng có cơ sở để cho rằng “anh Ba X” và gia đình luôn “mạnh vì gạo, bạo vì tiền.”
“Chỉ cần 1 triệu đô la là đóng cửa bất cứ tòa soạn nào” – gần đây một đại gia Việt Nam đã tuyên bố một câu xanh rờn như thế, trong bối cảnh một bữa nhậu.
1 triệu đô la lại tương đương hơn hai chục tỷ đồng, khá vừa vặn với số tiền được cho rằng dùng để mua truyền thông nhằm “giải cứu Đinh La Thăng.”
Ai?
Ở một góc nhìn khác, có những dấu hiệu cho thấy Tổng Bí Thư Trọng đã phải chịu một áp lực lớn đối với vụ Đinh La Thăng. Ngay sau khi Đinh La Thăng bị bắt và bị điều tra, đã có những đồn đoán về khả năng một “thái thượng hoàng” đã can thiệp vào hệ thống pháp đình nhằm “giải cứu Đinh La Thăng.” Dù tới nay vẫn còn mù mờ về tên thật của “thái thượng hoàng,” nếu thật sự có tồn tại tác động của nhân vật này vào “chuyên án Đinh La Thăng,” nhưng ai cũng hiểu là “tập quán” chính trường và hậu trường chính trị Việt Nam rất thường chịu ảnh hưởng, thậm chí ảnh hưởng mang tính quyết định của đội ngũ “thái thượng hoàng,” nhất là vào thời “ban cố vấn.”
Hẳn đó là lý do để ông Trọng phải chỉ đạo các cơ quan tư pháp gấp rút hoàn tất những thủ tục tố tụng hình sự đối với Đinh La Thăng, hoàn tất trong một thời gian kỷ lục, thần tốc đến mức khó tưởng tượng, thậm chí kết cho Thăng một cái án đến 13 năm tù giam vì tội “cố ý làm trái…” cho dù hồ sơ chứng cứ kết tội thiếu tính thuyết phục…, để đặt mọi chuyện vào “sự đã rồi,” để không còn một cấp nào hay nhân vật nào có thể can thiệp vào vụ án này, để Đinh La Thăng bắt buộc phải trở thành Bạc Hy Lai của Trung Quốc – một tiền đề cực kỳ quan trọng với đảng của ông Trọng và với cả sự tồn tại “hậu đại hội 12” của ông ta.
Hẳn là trong thời gian diễn ra phiên tòa “Thăng – Thanh,” Nguyễn Phú Trọng với tư cách là “tổng chỉ huy” chiến dịch “bắt và xử tù Đinh La Thăng,” không thể thiếu thông tin về chiến dịch “giải cứu Đinh La Thăng” do các cơ quan tình báo quân đội và an ninh công an cung cấp, về một phe phái nào đó đang nổi lên chống lại sự nghiệp được xem là “chống tham nhũng” nhưng mới chỉ đang “chống tham nhũng thời kỳ trước” hay “chống tham nhũng một bên” của ông.
Một khả năng có thể sẽ xảy đến là sau phiên tòa “Thăng – Thanh,” ông Trọng sẽ tức khí chỉ đạo các cơ quan đặc biệt cùng khối tuyên giáo đảng lùng sục nhằm tìm bằng được và có bằng chứng về thế lực nào và những nhân vật nào đã tổ chức chiến dịch “giải cứu Đinh La Thăng,” ít ra trên phương diện truyền thông, và ít ra liên đới với số tiền $880,000 được dư luận đồn đoán.
Năm cùng tháng tận. Chính trường Việt Nam vẫn tiếp tục kịch hay. Thậm chí vẫn có thể rú lên một cơn bão ngay trong những ngày Tết Nguyên Đán 2018.
Phạm Chí Dũng
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét