Cần một lộ trình và một mô hình dân chủ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

Cần một lộ trình và một mô hình dân chủ


Một cuộc biểu tình ở hải ngoại, bày tỏ tinh thần yểm trợ cho những người tranh đấu cho tự do dân chủ ở quê nhà. (ảnh Bùi Văn Phú)

Trong bài trước, tôi đã chứng minh cái gọi là « Vững bước đổi mới » của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ là đổi mới giả, là kiên trì những tín điều hủ bại. Ông Trọng định dùng 2 tập sách « Vững bước trên con đường đổi mới » làm sách gối đầu giường cho các đảng viên nhằm chỉnh đốn đảng thì chỉ làm cho đảng của ông trì trệ thêm, đổ đốn thêm, làm cho đất nước tiêu điều, lạc hậu, bế tắc thêm.

Đó là vì thực tế chứng tỏ rõ rệt là đất nước cần đổi mới thứ thiệt, đổi mới tận gốc, từ học thuyết chính trị, đường lối chính sách kinh tế, tài chính, văn hóa, quốc phòng, đối ngọai, dứt khoát từ bỏ 8 tín điều mà ông Trọng dốc sức để bảo vệ và kiên định áp đặt cho đảng và đất nước. Đó là những tín điều tệ hại: Học thuyết Mác- Lê đã phá sản, chế độ độc đảng toàn trị, 3 quyền lập pháp, hành pháp tư pháp đều dưới quyền tập trung thống nhất của đảng, chính sách đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thay mặt quản lý, phương châm lấy sở hữu quốc doanh làm chủ đạo cho nền kinh tế, và chính sách đối ngoại ngả hẳn về phía Trung Cộng với nguyên tắc 3 không: Không có quân đội và căn cứ nước ngoài, không liên minh với nước nào, không kết bạn với nước này để chống nước khác.

Đó là 8 điều ràng buộc nguy hiểm nhất, 8 gông cùm làm cho đất nước không sao phát triển, tự hủy hoại đất nước, hủy hoại uy tín của đảng, là nguồn gốc chính của mọi bất công đau khổ nhục nhã của nhân dân ta. Không ai làm hại nhân dân, đất nước, làm mất uy tín của đảng bằng chính sự lãnh đạo bất cập, cổ hủ của Tổng bí thư, của Bộ Chính trị và của TƯ đảng. Không có đế quốc hay thế lực phản động nào có thể tàn phá đất nước, làm cho đảng càng chỉnh đốn lại càng đổ đốn đến tận cùng.

Đã đến lúc đảng cộng sản phải làm một cuộc Tự phê bình nghiêm khắc, nhận ra những sai lầm chồng chất, sám hối sâu sắc, từ bỏ hết 8 tín điều tệ hại, cùng toàn dân đổi mới học thuyết, đường lối, chính sách sai lầm, cùng toàn dân tìm ra một đồng thuận mới, một lộ trình mới, một mô hình mới mang bản chất dân chủ sâu đậm chân thực, hợp thời đại văn minh, hòa nhập hẳn với thế giới dân chủ hùng mạnh rộng lớn. Hiện không có vấn đề nào quan trọng, cấp bách hơn.

Xin dẫn ra bài thơ ngắn của nhà dân chủ Thái Bá Tân nói lên vấn đề trên, để trả lời câu nói bất hủ của ông Trọng: « Mất đảng là mất tất cả!: »

Mất đảng, mất chế độ,
Nhưng các nước Đông Âu
Không hề mất tất cả
Mà văn minh, và giàu!
Còn ta, nếu mất đảng,
Chuyện gì sẽ xảy ra?
Thưa bác, xin nói thật
Là phúc cho nước nhà!

Trước đây, ông Nguyễn Trung cũng có một bài báo tâm huyết đề cập đến một lộ trình và một mô hình dân chủ, với 3 trụ cột là: Bầu cử dân chủ có vài ba đảng ganh đua; chế độ pháp quyền với 3 quyền phân lập và các tổ chức xã hội dân sự phong phú. Đề nghị này chưa thấy có sự hưởng ứng.

Lúc này tình hình đã chín muồi để đặt ra vấn đề trên, đạt một đồng thuận về lộ trình và mô hình dân chủ. Trong 2, 3 năm qua, các tổ chức xã hội công dân đã lớn mạnh cả về số lượng và kinh nghiệm, có ảnh hưởng ngày càng lớn trong quần chúng nhân dân, được thế giới dân chủ quan tâm ca ngợi và bảo vệ.

Đó là Diễn đàn Xã hội Dân sự (lãnh đạo: TS Nguyễn Quang A); Hội cựu tù nhân lương tâm (BS Nguyễn Đan Quế và LM Phan Văn Lợi); Hội Dân oan đòi quyền sống (Hồ Thị Bích Khương); Khối Tự do Dân chủ 8406 (KS Đỗ Nam Hải); Hội Giáo chức Chu Văn An (GS Phạm Minh Hoàng) ; Phong trào liên đới Dân oan VN (bà Trần Ngọc Anh); Hội nhà báo độc lập (Phạm Chí Dũng); Văn đoàn độc lập (Nguyên Ngọc); Hội bầu bí tương thân; Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng; Diễn đàn Bôxit (GS Phạm Xuân Yêm)… Mới đây lại có thêm một số xã hội dân sự nữa như: Tập họp luật sư vì Công lý, Hội những người cầm bút can đảm, Tập họp Quốc dân Việt (LM Nguyễn Văn Lý); Hội Sinh viên nhân quyền, Hội anh em dân chủ…

Riêng về các tôn giáo, Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao đài, Hòa hảo…, có đến hơn 10 tổ chức rải ra khắp cả nước. Thế mạnh của các tổ chức này là hàng ngũ có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm, tính liên đới cao, kiên cường bởi đức tin. Có những cuộc họp tập trung hàng nghìn tín đồ. Riêng ở vùng Tam tòa/ Đồng Hới – Quảng bình và vùng Kỳ Anh / Hà Tĩnh từng có cuộc tập trung 2 ngàn người, ở vùng Xã Đòai/ Nghệ An có cuộc tập trung hơn 3 ngàn người năm 2015, hàng tiểu đòan cảnh sát công an đến định ngăn chặn phá đám nhưng phải đứng nhìn rồi lẳng lặng rút lui vì bất lực, bị choáng ngợp.

Thế mạnh nữa của các tôn giáo là nơi nào các đại diện hiệp thương theo hướng Liên tôn đồng hành, đoàn kết cùng nhau xuống đường, bảo vệ lẫn nhau, thế và lực sẽ tăng lên gấp bội.

Khi mà cả khối liên Tôn đoàn kết đồng hành với các tổ chức xã hội công dân khác như Hội tù nhân lương tâm, khối 8406, Hội Dân oan… để cùng nhau mít tinh, xuống đường thì có thể nói hàng ngũ sẽ rất đông đảo, khí thế sẽ rất cao, không sức nào ngăn chặn đàn áp nổi.

Ở Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Thuận, Biên Hòa, Long An, Sóc Trang, Trà Vinh… đã có các cuộc mít tinh, xuống đường hàng nghìn, vài nghìn người, có tổ chức chu đáo, có kế hoạch tỷ mỷ, có ban chỉ đạo, ban đại diện, ban phối hợp, tổ kẻ khẩu hiệu, in truyền đơn, loa phát thanh, có tổ chức hậu cần, tổ y tế, tổ trật tự vệ sinh, tổ thông tin, âm nhạc, tổ may cờ của các tôn giáo, đạt tới có trình độ cao, thành khoa học và nghệ thuật đấu tranh không bạo lực nhưng có quy mô và khí thế cao, tự tin và tất thắng.

Theo báo chí Ấn Độ, Thánh Gandhi khi sinh thời đã kêu gọi dân Ấn xuống đường đông đảo bằng hình ảnh một đội quân qua cầu, hàng vài ngàn quân đồng hành răm rắp theo tiếng hô 1, 2, các bước chân sải cùng một nhịp, sẽ có thể làm cho cầu gãy. Đó là sức mạnh ghê gớm khi đồng lòng, đồng hành, cùng chung một ý chí và chung hành động thống nhất, cho nên khi qua cầu quân đội bình thường không được phép đi theo bước quân hành, rất nguy hiểm.

Năm Mậu Tuất sắp đến. Tôi mong rằng ngay từ đầu năm các tổ chức xã hội dân sự trong nước sẽ bắt tay nhau hiệp thương bàn luận về một lộ trình và một mô hình dân chủ cho Việt Nam và cùng chung sức đấu tranh không bạo lực nhưng quyết lệt, bền bỉ cho lộ trình ấy.

Có bạn khi tôi ngỏ ý bàn về việc này đã tỏ ra bi quan, cho rằng người Việt có nhược điểm cố hữu là không quen làm việc với nhau, hay kèn cựa, không đoàn kết được! Tôi cho rằng đó chỉ là định kiến về các thế hệ bảo thủ đi trước .

Viết đến đây, tôi bỗng đọc được một bài của nhà báo Brett Davis trên tập san Forbes, nói về thế hệ trẻ thời đại internet, có tư duy rất bén nhạy, khác hẳn những đàn anh thuộc các thế hệ trước. Các em sinh ra từ 1995 trưởng thành rất sớm, từ 15 tuổi đã biết hoài nghi chính đáng, từ đó có những tìm tòi sự thật để lý giải cho mình, không theo những giáo điều xưa cũ. Các em có máy computer, có phone cầm tay, có blog riêng, có Facebook, trao đổi thư từ cho bạn, cho thầy hàng ngày vài lần, với hàng trăm bạn trên thế giới, để không ngừng tiếp nhận thông tin mới cực nhanh cực nhạy, cực nhiều. B. Davis đặt tên cho thế hệ rất trẻ đầy tiềm năng này là thế hệ Z, mỗi người là một kho kiến thức tiêu hóa nhanh.

Cũng vào những ngày này, có tin anh thanh niên Hoàng Chí Phong, hơn 20 tuổi cùng 2 bạn trẻ cùng nhóm ở Hồng Kông được đề cử vào giải Nobel 2018. Thật là tuổi trẻ chí lớn tài cao, thế hệ vàng.

Ở Việt Nam đội bóng đá U23 gồm các chàng trai tuổi trung bình 21 đã làm nên kỳ tích dành ngôi thứ nhì của châu Á, cũng là theo quy luật tre già măng mọc, hậu sinh khả úy. Trong khi đó cụ già 73 tuổi Nguyễn Phú Trọng còn muốn ở ngôi Vua thêm 1 nhiệm kỳ nữa đến năm 2022! Cũng như đảng của ông Trọng, vừa tròn 88 tuổi, đã thuộc về quá khứ, nhưng vẫn không chịu ra đi! Không biết ông Trọng có computer riêng, phone cầm tay, có bao nhiêu bạn trên thế giới?

Bài báo nói trên của B. Davis bàn đến tuổi trẻ Việt nam, cho rằng tương lai đất Việt nằm chắc trong tay 14 triệu thanh niên hiện nay, chiếm 17% số dân. Đây là tuổi « bẻ gãy sừng trâu », thừa sức từ bỏ mọi giáo điều thủ cựu, vĩnh biệt với 8 điều kiên trì lú lẫn lẩm cẩm kể trên, sẽ thật sự đưa đất nước vào Kỷ nguyên Dân chủ Nhân quyền, hội nhập mạnh mẽ vào thế giới dân chủ văn minh.


Bùi Tín
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad