Làm sao ngăn ngừa chủ nghĩa dân túy? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2018

Làm sao ngăn ngừa chủ nghĩa dân túy?


Ông Đinh La Thăng. Ảnh: internet

Trước và sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, nhiều tờ báo Việt Nam mô tả Donald Trump là nhân vật dân túy. Đó chỉ là sự ăn theo nói leo từ báo chí tả khuynh Mỹ ủng hộ Đảng Dân chủ sử dụng từ populist (chủ nghĩa dân túy) để khoác lên mình đối thủ.

Với bản Hiến pháp tự do bền vững, truyền thống thị trường và nền văn hóa Mỹ, các nhà chính trị dân túy lên cầm quyền được ở nước này cũng khó như lên sao hỏa. Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Alan Greenspan cho rằng, trong lịch sử nước Mỹ cũng có một số sự kiện dân túy như Phong trào tự do cuối thế kỷ 19 hay phần lớn nội dung của chính sách New Deal của Tổng thống F. D. Roosevelt, nhưng tại Mỹ chưa từng có một chính phủ dân túy nào. Cũng theo ông, gần đây nhất là William Jennings Bryan, với bài diễn văn “Cây thánh giá vàng” đầy kích động tại Đại hội Đảng Dân chủ năm 1986, là tiếng nói có sức lôi cuốn nhất của chủ nghĩa dân túy kinh tế trong lịch sử Mỹ, nhưng Greenspan không tin là nước Mỹ sẽ thay đổi nhiều nếu Bryan trở thành Tổng thống. Mà Donald Trump thì không những không giống chút nào với Bryan mà còn ngược lại.

Alan Greenspan viết về chủ nghĩa dân túy như sau : “Vì thiếu các chính sách kinh tế cụ thể có ý nghĩa nên để thu hút mọi người theo mình, chủ nghĩa dân túy phải viện vào đạo lý. Theo đó, các nhà lãnh đạo dân túy phải có sức hấp dẫn và tinh thần quả cảm, thậm chí cả khả năng chuyên chế. Hầu hết các nhà lãnh đạo như thế xuất thân từ quân đội. Họ không tranh luận về tính ưu việt của chủ nghĩa dân túy so với thị trường tự do. Họ không tuyên bố theo chủ nghĩa Marx. Thông điệp kinh tế của họ là một bài hùng biện đơn giản, được gia giảm bằng các từ ngữ như “bóc lột”, “công lý” và “cải cách ruộng đất” mà không phải bằng các từ ngữ như “GDP” hoặc “năng suất”” (Alan Greenspan, Kỷ nguyên Hỗn loạn, NXB Trẻ, 2008).

Điển hình của chủ nghĩa dân túy là trường hợp Robert Mugabe ở Zimbabwe. Không nên quên Mugabe chính là người anh hùng lừng danh của châu Phi, là biểu tượng của của phong trào giải phóng dân tộc châu Phi. Ông là một trong những nhà lãnh đạo chống thực dân kiên cường nhất của thế kỷ 20. Sau khi lên cầm quyền, ông cương quyết chống sự áp đặt chính trị của phương Tây. Mugabe không phải cộng sản, nhưng được phe xã hội chủ nghĩa (lúc Liên Xô và Đông Âu chưa sụp đổ) và những người “thiên tả” ủng hộ. Greenspan viết : “Robert Mugabe, tổng thống Zimbabwe từ năm 1987, hứa hẹn và đã đem lại cho những người đi theo ông ruộng đất tịch thu của người da trắng. Nhưng những người chủ đất mới không được chuẩn bị để quản lý ruộng đất. Sản xuất lương thực suy sụp, buộc phải nhập khẩu trên quy mô lớn. Thu nhập có thể đánh thuế giảm mạnh, buộc Mugabe phải in thêm tiền để tài trợ cho chính phủ. Vào lúc cuốn sách này được viết (2007), siêu lạm phát đang gây ra các tác động xã hội nghiêm trọng ở Zimbabwe” (sđd)

Ở nhiều nước đang phát triển, nhất là Châu Phi và đặc biệt là Mỹ la tinh, nơi bị chủ nghĩa thực dân thống trị và bóc lột nặng nề, hậu quả là sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc, lòng thù hận dâng cao. Đó là mảnh đất màu mỡ của chủ nghĩa dân túy. Hugo Chavez, tổng thống Venezuela từ 1999 cũng đã theo gương Mugabe, nhưng theo Greenspan thì ông này đã gặp may, vì được giá dầu lửa tăng cao cứu thoát. Tình trạng siêu lạm phát của Brazil năm 1994, Argentina 1989, Mexico giữa thập niên 80 và Chile giữa thập niên 70 đều là hậu quả của chủ nghĩa dân túy. Tuy nhiên một số nhà dân túy ở Mỹ la tinh đã thành công, lý do là họ sớm biết cách tuân thủ quy luật của thị trường.

Tóm lại, những người dân túy là những nhà chính trị tuyên bố đứng về phía nhân dân, bảo vệ quyền lợi của người nghèo, của những người bị áp bức, chống lại các tầng lớp đặc quyền đặc lợi. Họ hứa hẹn giải quyết bất công, đem lại ruộng đất, nhà cửa, thức ăn và công lý cho người dân, nhưng giải pháp kinh tế thì mù mờ không rõ ràng. Do không tôn trọng quy luật của thị trường nên kinh tế đình đốn, nguồn lực quốc gia cạn kiệt, nguồn thu từ thuế mất dần, họ buộc phải in thêm tiền và vay nợ để thực hiện các lời hứa và để duy trì quyền lực. Bi kịch Mugabe, người kế nhiệm Hugo Chavez ở Venezuela hiện nay chính là bi kịch của những người theo chủ nghĩa dân túy.

Những người cộng sản không phải là dân túy. Cuộc cải cách chuyển từ kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường ở Việt Nam, nếu có đường hướng rõ ràng và tuân thủ các quy luật của thị trường thì cũng khó có đất cho các nhà chính trị dân túy dụng võ. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện những mầm mống ban đầu. Đó là trường hợp Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng và trường hợp Đinh La Thăng.

Những tuyên bố gây sốc của ông Nguyễn Bá Thanh và ông Đinh La Thăng cộng những hành vi và hình ảnh lấy lòng dân, lấy lòng đám đông được báo chí hậu thuẫn và tung hô xuất hiện dày đặc trên truyền thông đều mang màu sắc dân túy. Ở nước ta, tệ tham nhũng, tình trạng quan liêu trì trệ, coi thường quốc pháp, sự lộng hành của các nhóm lợi ích, sự phân hóa giàu nghèo và bất công xã hội cùng những rủi ro của kinh tế thị trường đã và đang tạo mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân túy. Sẽ có nhiều trường hợp như Nguyễn Bá Thanh và Đinh La Thăng xuất hiện. Nếu họ lên cầm quyền ở cấp quốc gia thì đất nước sẽ rối như canh hẹ.

Xác lập nhà nước pháp quyền và sớm hoàn thiện các thể chế đầy đủ cho sự vận hành của kinh tế thị trường mới có thể ngăn ngừa và loại bỏ các nhà chính trị dân túy. Khi người dân tin vào thể chế, họ mới không tin vào những tuyên bố dân túy.

Còn đối với báo chí, khi tự do hóa được mở rộng, rất có thể nhiều phương tiện thông tin đại chúng sẽ bị các nhà chính trị dân túy sử dụng làm công cụ. Nhưng nếu ngăn chặn báo chí “tuyên truyền” cho chủ nghĩa dân túy thì tôi e rằng sẽ vi phạm các nguyên tắc của tự do báo chí. Vì vậy tôi không biết áp dụng giải pháp gì đối với báo chí thì phù hợp, có lẽ cứ mặc kệ để họ tự điều tiết. Đây cũng là một trong các yếu tố rủi ro của tự do báo chí, nhưng cái lợi mà tự do báo chí mang lại cho người dân và đất nước lớn hơn nhiều so với những cái hại như “tuyên truyền” cho chủ nghĩa dân túy. Chính vì vậy mà ông Trump suốt ngày lên Twitter nói báo chí chính thống là fake news mà chẳng làm gì được họ. Điều cần nhất là phải có những nhà báo am hiểu pháp quyền và am hiểu thị trường, tin vào pháp quyền và tin vào thị trường.


Hoàng Hải Vân
FB Hoàng Hải Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad