Mỹ phản đối bản án 14 năm tù với Hoàng Đức Bình vì chống Formosa - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

Mỹ phản đối bản án 14 năm tù với Hoàng Đức Bình vì chống Formosa


Ông Hoàng Đức Bình (phải) và ông Nguyễn Nam Phong tại phiên tòa ở Nghệ An hôm 6 Tháng Hai, 2018. (Hình: AFP/Getty Images)

NGHỆ AN, Việt Nam – “Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc một tòa án của Việt Nam đã kết án và tuyên án các nhà hoạt động ôn hòa về lao động và môi trường Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong lần lượt 14 năm tù và 2 năm tù với các quy định mơ hồ của Bộ luật Hình Sự.”

Đó là tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà Heather Nauert, được Đại Sứ Quán Mỹ tại Hà Nội dẫn lời qua bản thông cáo báo chí phát đi hôm 7 Tháng Hai, 2018.

“Tất cả mọi người có quyền cơ bản như tự do biểu đạt, quyền lập hội và tụ họp ôn hòa,” bản thông cáo viết thêm.

Nhà cầm quyền CSVN đã áp đặt bản án nặng bất thường lên đầu ông Hoàng Đức Bình, một người phơi bày những hậu quả khủng khiếp của vụ Formosa xả thải độc hại ra biển.

Ông Hoàng Đức Bình, 35 tuổi, bị cáo buộc là thành viên của các tổ chức “No U Sài Gòn,” “Lao Động Việt” đi cùng một đoàn khoảng 300 người ngày 14 Tháng Hai, 2017, từ Nghệ An vào thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, để kiện công ty Formosa gây ra thảm họa môi trường biển miền Trung.

Ngồi trên xe hơi cùng với Linh Mục Nguyễn Đình Thục do tài xế Nguyễn Nam Phong cầm lái, ông Bình đã dùng điện thoại di động phát trực tiếp lên YouTube cuộc tuần hành đi kiện công ty gang thép Formosa. Công an đã chận đoàn người đi kiện rồi bắt cóc cả ông Bình và tài xế Phong lấy cớ “chống người thi hành công vụ.”

Những đoạn clip các cuộc biểu tình tuần hành hoặc đi kiện Formosa của ông Hoàng Đức Bình phổ biến trên YouTube và Facebook và một số cá nhân khác, giúp người Việt khắp nơi được thấy ngay thời sự đang diễn ra ở địa phương. Nhưng đối với nhà cầm quyền “dân chủ đến thế là cùng” như lời tấm tắc tự sướng của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, thì lại là “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”

Bởi vậy, dù chỉ đưa ra sự thật, ông Bình bị nhà cầm quyền CSVN qua bản tin tường thuật phiên tòa ngày 6 Tháng Hai của Thông Tấn Xã Việt Nam vu cho là “đưa ra những thông tin thất thiệt nhằm mục đích định hướng cho người nghe hiểu sai bản chất sự việc, nhìn nhận sai lệch về lực lượng công an, nghiêm trọng hơn là hiểu sai chế độ.”

Linh Mục Nguyễn Đình Thục cùng người dân ba xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đi kiện Formosa ở tòa án Kỳ Anh. (Hình: Facebook)

Ông Hoàng Đức Bình đưa thông tin nóng sốt đến mọi người nên đã bị áp đặt 14 năm tù về cả hai cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” và “Chống người thi hành công vụ.” Tài xế Nguyễn Nam Phong, 38 tuổi, bị áp đặt hai năm tù vì bị vu cho tội “Chống người thi hành công vụ.”

“Ông Bình tuyên bố vô tội trong khi ông Phong yêu cầu giảm án… Phiên tòa không trưng ra bằng chứng và không khách quan. Phiên tòa đã bị áp đặt,” Luật Sư Hà Huy Sơn, luật sư biện hộ cho ông Bình, nói với hãng thông tấn Reuters qua điện thoại.

Bản án áp đặt lên đầu ông Hoàng Đức Bình là một trong những bản án khắc nghiệt nhất đối với những người tham gia vận động nhân quyền, dân chủ hóa đất nước tại Việt Nam.

Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị kết án 10 năm tù ngày 30 Tháng Mười Một, 2017; blogger Trần Thị Nga bị 9 năm tù ngày 22 Tháng Mười Hai, 2017, cùng với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước.” Họ cũng là những người tham gia tích cực chống Formosa đầu độc biển miền Trung, mà trên hết, tham gia vận động nhân quyền, dân chủ hóa đất nước. Họ đều là những cái gai chọc trong mắt chế độ.

“Bản án (đối với các người đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam) càng ngày càng nặng, có lẽ vì sự can thiệp từ bên ngoài ngày một yếu ớt, cũng như nhà cầm quyền nghĩ rằng bản án có thể có tác dụng răn đe những người khác,” Luật Sư Sơn nói với Reuters.

Đầu Tháng Tư, 2016, nhà máy luyện gang thép Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, xả nhiều loại hóa chất độc hại ra biển, làm chết tất cả mọi loài sinh vật biển một dọc dài bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Thủy sản chết, môi trường nước bị đầu độc, làm hàng trăm ngàn ngư dân và các gia đình sống dựa vào ngư nghiệp miền Trung khốn đốn theo.

Hàng chục ngàn dân chúng các địa phương bị ảnh hưởng đã biểu tình chống đối, đòi bồi thường thiệt hại và đòi đuổi Formosa cút khỏi Việt Nam. Nhà cầm quyền CSVN chỉ đòi Formosa bồi thường được $500 triệu trong khi ước lượng thiệt hại lên hàng trăm tỷ đô la và hệ quả kéo dài nhiều thế hệ. Số tiền bồi thường chỉ phát nhỏ giọt cho một số dân địa phương và bị kêu ca rất nhiều.

Những ai hậu thuẫn cho các gia đình nạn nhân của Formosa đều bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước” để bắt vào tù.

Năm ngoái, gần 30 người đã bị nhà cầm quyền tống giam, xa gần đều dính tới chống đối Formosa đầu độc biển Việt Nam trong đó đã có 24 người bị kết án tù. Chỉ từ đầu năm đến ngày 6 Tháng Hai, 2018, đã có chín người bị kết án tù.

Bình luận về phiên tòa Hoàng Đức Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Heather Nauert tuyên bố:

“Bản án đối với ông Bình và ông Phong là bản án thứ sáu như vậy trong riêng tuần qua đối với những cá nhân biểu đạt quan điểm của họ một cách ôn hòa. Họ nằm trong số rất nhiều cá nhân bị tuyên án trong năm vừa qua vì thực hiện các quyền cơ bản, trong đó có Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn được biết đến là Mẹ Nấm) và Trần Thị Nga. Xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ, kết án và những bản án hà khắc đối với các nhà hoạt động ôn hòa từ đầu năm 2016 là rất đáng quan ngại.

“Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả tất cả tù nhân lương tâm ngay lập tức, và cho phép tất cả cá nhân ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm của họ và tụ họp một cách ôn hòa mà không lo sợ bị trừng phạt.

“Chúng tôi cũng hối thúc chính phủ Việt Nam đảm bảo những hành động và luật pháp của mình, trong đó có Bộ luật Hình sự, nhất quán với những điều khoản về nhân quyền trong Hiến Pháp Việt Nam và những cam kết và nghĩa vụ quốc tế của mình.”

Sự lên án CSVN vi phạm nhân quyền, vi phạm Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị từ Hoa Kỳ, Liên Âu cũng như các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đều chẳng có mấy tác dụng. (TN)


Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad