Rà soát? Có tính ‘Giáo sư’ Trọng và ‘Giáo sư’ Quang? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 13 tháng 2, 2018

Rà soát? Có tính ‘Giáo sư’ Trọng và ‘Giáo sư’ Quang?


Bảng dữ liệu cho thấy số giáo sư Việt Nam được phong năm 2017 gần gấp đôi năm 2016.

Dư luận lại dậy sóng sau khi Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 1.226 tân Giáo sư và tân Phó Giáo sư của năm 2017.

Có nhiều lý do để công chúng dè bỉu chuyện xét – đề nghị phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư của năm 2017.

Việt Nam bắt đầu xem xét – phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư từ năm 1976. Chức danh “Giáo sư”, “Phó Giáo sư” trở thành quan trọng vì chúng là học hàm do hệ thống công quyền trao tặng cho những người vừa được xem như tiên phong về học vấn, trụ cột trong lĩnh vực khoa học nào đó, vừa đã có những đóng góp đáng kể cho giáo dục – đào tạo tại Việt Nam.

Sau hàng loạt phân tích, chỉ trích về vô số bất cập trong tiến trình xem xét - phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, mới đây, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công bố đề nghị phong hàm Giáo sư và Phó Giáo sư cho 1.226 người. Trong quá khứ, chưa có Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước nào xem xét – đề nghị phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư cho từng ấy người. Bởi vậy, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước hiện nay vừa lập một kỷ lục mới về… số lượng.

Thế còn chất lượng?

Báo điện tử VTC đã phỏng vấn hàng loạt cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo để minh họa cho nhận xét chung “Có tiêu cực rất lớn trong Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước”.

Ông Vũ Hào Quang, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lưu ý, số người mới được xem xét – đề nghị phong hàm “Giáo sư”, “Phó Giáo sư” có nghiên cứu được đăng trên các tạp chí ISI/Scopus rất thấp. Ông Quang nhấn mạnh, ông có “đủ bằng chứng để chứng minh có tiêu cực” và cần phải điều tra, “chống tham nhũng” trong Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước.

Gíao sư Nguyễn Xuân Hãn, làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, chỉ khẳng định, tiểu ban xem xét – đề nghị phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư trong lĩnh vực Toán – Lý không có tiêu cực. Còn những tiểu ban khác thì ông không biết. Ông Hãn tán thành việc “làm rõ” để không ảnh hưởng tới uy tín của cả Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước lẫn những người đã được phong học hàm.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Bích San, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và Các vấn đề phát triển thì lặp lại dư luận vốn đã râm ran về chuyện “chạy phiếu”, phong hàm “giáo sư”, “Phó Giáo sư” cho những cá nhân chẳng bao giờ giảng gì hoặc dạy ai. Ông San dẫn trường hợp một Thứ trưởng vừa được đề nghị phong học hàm “Giáo sư” về kinh tế làm ví dụ.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học FPT, cũng cho rằng, học hàm phải gắn với giảng dạy. Việc xem xét – phong học hàm ở Việt Nam càng ngày càng “biến tướng”. Đặc biệt là trong đợt xét – đề nghị phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư mới nhất, trước khi đặt định – áp dụng những qui định mới về việc phong học hàm. Giống như nhiều người khác, ông Tùng đề nghị giải tán Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, giao việc phong học hàm cho các đại học.

Có một điểm đáng lưu ý là sức mạnh của dư luận đã buộc Thủ tướng Việt Nam phải hành động. Ông Nguyễn Xuân Phúc chính thức yêu cầu ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo, kiêm Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước “rà soát để bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn” của học hàm. Điểm đáng lưu ý hơn là ông Nhạ đã chỉ đạo Thường trực Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước “rà soát” trong… hai ngày (từ 9 tháng 2 đến 18 tháng 2 có chín ngày, bao gồm hai ngày cuối tuần và năm ngày nghỉ Tết, thời gian thực sự làm việc chỉ có thể là ngày 12 và 13 tháng 2).


***


Giữa cơn bão dư luận về chuyện xem xét – phong học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giáo sư của Đại học Toulouse – Pháp, lưu ý, việc thực thi yêu cầu của Thủ tướng Việt Nam không nên ngừng lại ở danh sách 1.226 tân Giáo sư và tân Phó Giáo sư của năm 2017 mà nên “rà soát” lại cả “tư cách” của những cá nhân mà hệ thống công quyền Việt Nam đã từng phong tặng học hàm “Giáo sư”, “Phó Giáo sư”.

Người đầu tiên Giáo sư Dũng đề nghị “rà soát” là ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo, kiêm Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước.

Ông Dũng cho biết, tra trên Scopus và Google Scholar thì ông Nhạ chỉ có hai bài báo và vỏn vẹn một trích dẫn. Cả hai bài đều có những yếu tố “vô cùng bất thường” (viết chung, cùng đăng 2014, trên cùng một tạp chí tên là Asian Social Science, tạp chí này đã bị loại ra khỏi danh mục Scopus sau 2015 vì thuộc loại trả tiền để cậy đăng – từ 3.000 Mỹ kim đến 4.000 Mỹ kim - nhằm thỏa mãn nhu cầu của những người không được các tạp chí uy tín chọn đăng bài). Sau khi bỏ thời gian đọc cả hai bài của “Giáo sư” Nhạ, Giáo sư Dũng cho biết thêm, cả hai bài đều sai chính tả và ngữ pháp “từ đầu đến đuôi” và tính chất thì “giống một phân tích thống kê của một ‘phân tích viên’ (analyst kiểu MBA) hơn là công trình nghiên cứu khoa học của một giáo sư”.

Tham gia góp ý song Giáo sư Dũng tin rằng sẽ chẳng thể tạo ra thay đổi nào. Ông chỉ hy vọng những vị lãnh đạo cao cấp, ít ra là Thủ tướng (người ra lệnh “rà soát”) và ông Phó Thủ tướng phụ trách khoa học - giáo dục, biết thông tin này.

Giáo sư Dũng có lý khi tin sẽ chẳng thể tạo ra thay đổi nào. Kể cả khi ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng và ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng phụ trách khoa học – giáo dục biết những thông tin mà Giáo sư Dũng cung cấp thì ông Nhạ vẫn là “Giáo sư”.

“Rà soát” - tước bỏ học hàm “Giáo sư”, “Phó Giáo sư” đối với những cá nhân không hội đủ các tiêu chuẩn mà người ta tin rằng ắt phải có như “Giáo sư” Nhạ sẽ rất phiền. Chẳng lẽ xử lý “Giáo sư” Nhạ mà lại không giải quyết “Giáo sư” Trọng và “Giáo sư” Quang?

Tiểu sử của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng CSVN mà hệ thống công quyền Việt Nam bày ra cho thấy, ông chỉ dính dáng tới giáo dục trong vòng một năm (từ 1998 đến 1999, khi làm Hiệu phó Đại học Khoa học xã hội – nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 2002, khi đang là Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Trọng được phong hàm Giáo sư, chưa rõ của ngành nào.

Tiểu sử của ông Trần Đại Quang – Chủ tịch Nhà nước Việt Nam mà hệ thống công quyền Việt Nam bày ra cho thấy, trước khi trở thành Chủ tịch Nhà nước, ông Quang chỉ làm việc tại các trụ sở của ngành công an, không dính dáng gì tới giáo dục – đào tạo. Năm 2009, khi đang là Thứ trưởng Bộ Công an, ông Quang được phong hàm “Giáo sư”, lĩnh vực “khoa học an ninh”.

“Giáo sư” Trọng và “Giáo sư” Quang còn thua “Giáo sư” Nhạ ở chỗ không có bài viết, công trình nghiên cứu nào được đăng trên các tạp chí khoa học ngoại quốc, kể cả những tạp chí như Asian Social Science mà Giáo sư Dũng đã đề cập. Các bài viết, công trình nghiên cứu của họ chỉ xuất hiện trên Tạp chí Cộng sản và báo Nhân Dân. Thế thì đã sao?


Từ khi công chúng Việt Nam nhận ra và bắt đầu dè bỉu về chất lượng của những học hàm “Giáo sư”, “Phó Giáo sư”, những học vị như Tiến sĩ,… người ta không thấy hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông Việt Nam giới thiệu ông Trọng, ông Quang một cách trang trọng là “Giáo sư, Tiến sĩ” nữa, tuy nhiên đừng quên họ vẫn là các “Giáo sư”. Thành ra “rà soát để bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn” của học hàm Giáo sư, Phó giáo sư nếu có thì cũng chỉ là từ nay trở đi mà thôi!

Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad