"Một số người bạn ngoại quốc của tôi đến Việt Nam thăm thì họ hỏi "Đâu, chỗ nào cộng sản đâu?", họ nghĩ nước này cũng khá tốt", bà Tuyết Lê (tên thật là Bạch Tuyết) nói.
"Nếu nói về cuộc sống có tiến bộ không thì người Việt Nam lúc nào cũng cởi mở, muốn hiểu biết về bên ngoài, muốn tìm cơ hội làm việc. Tôi thấy có tiến bộ."
"Khi tôi nói chuyện với người dân, cái họ lo sợ nhất là hình như đất nước đang ngừng lại một chút trong sự tiến bộ. Khi tôi hỏi họ làm thế nào để tốt hơn, dân Việt Nam đỡ khổ hơn thì họ nói phải có đa đảng. Cái đó tôi hơi ngạc nhiên."
Phỏng vấn ông bà David Brown
"Việt Nam có hy vọng thành một nước tiến bộ, giàu có như ai cũng mong muốn."
Ông Brown lại băn khoăn nhiều hơn về vấn đề tham nhũng.
Ông nói 'Việt Nam đang gặp thách thức' và 'sẽ bị hạn chế' nếu 'không giải quyết được tham nhũng.'
"Có người hy vọng Tổng Bí thư sẽ có kết quả tốt với chính sách chống tham nhũng của ông", ông Brown nhận định.
Câu chuyện đến đây chuyển qua chuyện riêng của hai người.
Khi bà Tuyết Lê Brown kể chuyện, ông David Brown thi thoảng nhắc các thông tin còn thiếu bằng tiếng Việt giọng Nam trôi chảy và ngược lại.
Ông bà David, Tuyết Lê trong đám cưới tại Việt Nam |
Vợ chồng bà thay phiên nhau kể về mối tình dài gần 50 năm của mình và trải nghiệm mới mỗi lần về Việt Nam thời gian gần đây.
Chi tiết nào người này không nhớ, quay qua hỏi thì người kia bổ sung chi tiết.
Trong suốt buổi nói chuyện, cựu nhân viên ngoại giao Mỹ luôn nhìn vợ bằng ánh mắt trìu mến.
Ở tuổi ngoài 60, bà Tuyết Lê dường như vẫn giữ được nguồn năng lượng dồi dào.
Kết hôn năm 17 tuổi rồi qua Hoa Kỳ định cư gần 50, năm nào bà Tuyết Lê Brown cũng về Việt Nam dạy học.
Để trở thành giảng viên môn Tâm bệnh như hôm nay, bà Tuyết Lê đã vượt qua nhiều định kiến của xã hội Mỹ đối với người Việt di tản để vừa nuôi con, vừa làm đủ nghề, rồi học lên cao học.
"Hai năm vừa rồi khi trở về dạy ở Đại học Nhân văn tôi được khen là nói tiếng Việt rất khá rồi, mừng quá", bà Tuyết Lê nói. Giọng bà sôi nổi, như không có bóng dáng của tuổi tác đi qua.
Còn ông Brown thì nói: "Toàn quốc hết sức vui vẻ vì bóng đá Việt Nam đã được vào chung kết (U23 châu Á). Lúc đó không có tuyết thì sẽ thắng. Ở Việt Nam mọi người đang chuẩn bị ăn Tết, không khí rất vui."
Ông Brown về hưu đã 20 năm nhưng vẫn làm việc cho một tổ chức phi chính phủ của Viện Hàn lâm Hoa Kỳ.
Ông bà còn tham gia một dự án dạy các em học sinh trung học địa phương các vấn đề môi trường.
Mỗi năm vào mùa đông, ông Brown và bà Tuyết Lê đều trở về Việt Nam gặp bạn bè và 'tìm hiểu thêm những vấn đề đang xảy ra ở Việt Nam hiện thời'.
"Chúng tôi vẫn nhớ Việt Nam", ông Brown nói.
Bà Tuyết Lê trong một lần thăm Hà Nội |
Phải 'cưa đổ' thân phụ
Cặp đôi Tuyết Lê-Brown và David Brown là hai khuôn mặt quen thuộc của cộng đồng mạng, cả ở Mỹ và Việt Nam.
Hai ông bà được biết đến với câu chuyện tình lãng mạn thời chiến tranh Việt Nam.
Đó là khi chàng thanh niên David Brown, 22 tuổi, nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, được cử đến Việt Nam năm 1965 khi chiến tranh bắt đầu leo thang.
Tại đây, ông gặp bà Tuyết Lê, người phụ nữ của đời mình, khi đó mới 17 tuổi, tại Biên Hòa.
"Hồi ấy còn nhỏ lắm, nhưng tôi đã để ý đến David vì đôi mắt xanh, dáng người cao lớn, và vì lối phát âm tiếng Việt rất chuẩn", bà nhớ lại.
Một lần sau giờ làm, chàng thanh niên David Brown đánh bạo ngỏ ý muốn chở cô Bạch Tuyết về nhà. Cô gái trẻ gật đầu bằng lòng sau vài giây suy nghĩ.
Buổi chiều cô Bạch Tuyết ngồi sau xe gắn máy chàng trai người Mỹ cao lớn đã gắn chặt cuộc đời hai người với nhau.
Nhưng ban đầu không dễ để 'cưa đổ' thân phụ cô Bạch Tuyết.
Ông bà David, Tuyết Lê-Brown trong lần ghé thăm văn phòng BBC tháng 2/2018 |
David cuối tuần nào cũng tới nhà Tuyết hầu chuyện thân phụ cô vài tiếng hồng hồ, chủ yếu nói về chính trị. Ông Brown cho biết lúc đó chỉ mong được thấy bóng Tuyết mang trà ra mời.
"Gia đình tôi rất cổ hủ", bà Tuyết Lê nhớ lại.
"Bố mẹ không cho phép có bạn trai, nhất là bạn trai ngoại quốc. Người ta nghĩ người ngoại quốc chỉ có tình dục chứ không có tình nghĩa như người Việt Nam. Nếu một cô gái Việt Nam đi với một người ngoại quốc thì sẽ nghĩ cô ấy làm ở bar hay cái gì đấy."
"Có một số người bạn ba mẹ nói nếu không có tiền thì chúng tôi cho, chứ đừng cho con trong tay người ngoại quốc. Lúc đó có một gia đinh Việt Nam khá có tiền hỏi cưới tôi cho con trai họ."
"Về sau ba tôi đưa ra ba điều kiện cho David: Phải có gia đình bên Mỹ qua hỏi cưới theo đúng phong tục Việt Nam. Thứ hai David phải theo đạo thiên chúa. Thứ ba nếu có con phải cho con theo đạo thiên chúa."
"Lúc đó không có email , David gọi điện thoại về Mỹ để xin phép. Lúc đó bố David mới mất một năm trước. Mẹ David đồng ý qua dù với người Mỹ tình trạng lúc đó ở Việt Nam rất kinh khủng."
"David cũng đồng ý đi học đạo thiên chúa."
Hôn lễ của hai người được cử hành vào tháng 6/1969, một thời gian ngắn trước khi David Brown được chuyển về lại Hoa Kỳ.
'Bí quyết hôn nhân'
|
Ngày Tết, ông thường thích có món thịt kho, dưa muối và bánh Tét.
Bà Tuyết Lê nói có những khác biệt về văn hóa trong đời sống hôn nhân. Chẳng hạn như việc bà phải gửi tiền về giúp gia đình nhưng ông Brown không hiểu điều này.
Cả hai cãi cọ nhiều vì bà Tuyết Lê xem đó là điều hiển nhiên trong văn hóa Việt Nam trong khi ông Brown thấy 'không hợp lý tý nào'.
Cuối cùng, bà Tuyết Lê chọn cách thuyết phục chồng bằng tự lập.
Bà bán hàng ở một tiệm quần áo đàn ông, rồi sau đó làm ở một tiệm bán vải. Mới vài tuần đã được khen thưởng là nhân viên tốt.
Bà còn vừa chăm con, vừa học thêm để lấy cho xong bằng cao học trong ngành y tế tâm thần.
"Tuyết khiến tôi xấu hổ và đồng ý giúp đỡ gia đình cô ấy", ông Brown thừa nhận.
"Tuyết có lẽ là người đàn bà Việt Nam tuyệt vời nhất mà tôi gặp, thông minh, tràn đầy sức sống, bướng bỉnh, không cho phép cuộc đời đánh bại mình."
Ông bà David Brown nay định cư ở thành phố Fresno, California. Ông bà có hai con gái, một người tốt nghiệp Ðại Học Harvard, người kia tốt nghiệp Brown University.
Bà Tuyết Lê-Brown hiện là một Tham Vấn Tâm Lý Lâm Sàng.
Ông David Brown hiện là chuyên gia viết những bài phân tích về chính trị cho các tờ Asia Times, Asia Sentinel, East Asia Forum.
Lúc rảnh, ông thường giúp vợ nấu ăn, làm vườn, đi chợ.
Trả lời câu hỏi về bí quyết hôn nhân, bà Tuyết Lê nói 'tình dục phải tốt', 'độc lập về tài chính' và 'phải nhường nhịn nhau'.
"Tôi thường nhường nhà tôi 60%", bà Tuyết Lê không quên nhấn mạnh.
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét