Ông Nguyễn Tấn Dũng thời còn làm thủ tướng. |
Từ khúc tang lễ đến lời tri ân
Chỉ có Sài Gòn Giải Phóng - tờ báo của đảng bộ TP.HCM - cùng vài trang báo khác đưa tin vắn về động thái mới nhất này. Tuyệt đối không thấy báo trung ương đăng mẩu tin đặc biệt này.
Có thể cho rằng đây là một trong hiếm hoi lần một lãnh đạo cấp cao đến thăm ông Nguyễn Tấn Dũng sau đại hội 12. Việc Nguyễn Tấn Dũng được thăm càng trở nên hiếm hoi hơn nữa vào năm 2017, cho dù ông Dũng có vài lần xuất hiện trong những cuộc “ghi công tập thể”, nhưng vai trò của ông ta hết sức mờ nhạt và cũng chẳng thấy quan chức cao cấp nào gần gũi với ông ta.
Chỉ trước cuộc thăm gặp trên hai tháng, người ta đã không nghe nói về sự hiện diện của những quan chức cao cấp nào, kể cả Nam Bộ, dù về hưu hay đương nhiệm, tại đám tang bà Nguyễn Thị Hường - mẹ của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào đầu tháng 12/2017. Cũng tuyệt đối chẳng có một tờ báo lề đảng nào nói tới, dù chỉ một mẩu tin vắn về đám tang này, dầu trước đó báo chí nhà nước ra rả đăng tin mẹ của một hoa hậu bị bệnh chết.
Không biết vô tình hay hữu ý, chỉ ít ngày sau đám tang mẹ Nguyễn Tấn Dũng, đảng đã cho Đinh La Thăng “xộ khám”. Thăng lại là nhân vật được xem là “thân tín của anh Ba X”, đặc biệt vào thời cả hai nhân vật này còn “người tung kẻ hứng” liên quan đến núi tiền ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Hẳn không ít quan chức trung cao đã “đánh hơi” được vụ bắt Đinh La Thăng để từ đó mất tăm mặt mũi trong đám tang mẹ Nguyễn Tấn Dũng - một biểu trưng cho thói “ăn cháo đá bát” hết sức bạc bẽo của giới quan chức mang não trạng chỉ biết “phù thịnh không phù suy”.
“Buông bỏ” hay “lâm nguy”?
Sau hàng loạt vụ bắt bớ dành cho Đinh La thăng và đại gia ngân hàng Trầm Bê - người cũng được xem là gần gũi với Nguyễn Tấn Dũng, ngày càng xôn xao dư luận cho rằng đường đi của Nguyễn Phú Trọng trước sau cũng “dẫn đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng”.
Đường đi của Nguyễn Tấn Dũng lại bị cho là đầy tì vết tham nhũng. Nguyễn Tấn Dũng là đời thủ tướng bị cho là “phá chưa từng có” trong lịch sử đảng CSVN, một thủ tướng mà nếu cánh đảng muốn “mần” và dám làm, gần như bất cứ lĩnh vực hay công trình cộm cán về tiền bạc nào cũng đều ít nhiều mang bóng dáng của cựu thủ tướng Dũng.
Chính vì lẽ trên, việc Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đến “chúc tết” cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong khung cảnh “lò” của ông Trọng đang rừng rực thiêu đốt đã khiến gợn lên một dấu hỏi lớn về một ẩn ý hay thâm ý của ông Trọng.
Hay Nguyễn Tấn Dũng đã “thoát nạn”?
Giả thiết về việc ông Nguyễn Thiện Nhân tự ý đến thăm ông Nguyễn Tấn Dũng - cứ cho là tình cảm của cấp dưới với thủ trưởng vào thời ông Nhân còn là cấp phó thủ tướng của ông Dũng - là quá khó đứng vững, bởi toàn bộ quá trình vận động từ Nam ra Bắc và lại hồi Nam của ông Nhân chỉ cho thấy ông là một nhân vật mờ nhạt về chính kiến, trong khi đặc trưng nổi bật của ông lại được người đời xem xếp vào loại “ngoan hiền dễ bảo”.
Chỉ có thể là Nguyễn Thiện Nhân “thay mặt Bộ Chính trị” đến thăm Nguyễn Tấn Dũng, nhưng không phải như một động tác thường lệ của các ủy viên bộ chính trị vào dịp tết nhất lễ lạt, mà còn được lồng hàm ý chính trị.
“Bộ Chính trị” là ai?
Khó có thể hiểu khác hơn là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đã trừng phạt Đinh La Thăng và quyết định cho Nguyễn Thiện Nhân về Sài Gòn thay thế nốt nhạc vừa bị giáng xuống này.
Nếu giả thiết ông Trọng chỉ đạo cho ông Nhân “chúc tết” ông Dũng là có cơ sở, “phương trình Nguyễn Tấn Dũng” đang dần được giải mã.
Hoặc là ông Trọng đã “buông bỏ”, quên bẵng những giọt nước mắt uất ức vì không thể kỷ luật “đồng chí X” tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10/2012. Và do đó ông Dũng, từ giờ phút được Nguyễn Thiện Nhân đến thăm, coi như chính thức trở thành “người tử tế” trong cặp mắt nhiều lòng trắng của đảng.
Hoặc Nguyễn Phú Trọng đang tính toán một nước cờ mới, nằm trong tổng thể bàn cờ “chống tham nhũng thời kỳ trước”, tức tuyệt đối chưa có gì gọi là “buông bỏ”. Cũng tức Nguyễn Tấn Dũng - vốn đã phải chịu nguy hiểm sau vụ Đinh La Thăng bị bắt - nay càng “lâm nguy”.
“Nhân văn trước tết”
Cho tới giờ, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nguyễn Phú Trọng xa rời “mục tiêu Nguyễn Tấn Dũng”. Trước tết nguyên đán 2018, một số báo nhà nước vẫn hầm hè “cái gai Nguyễn Thanh Nghị” ở Kiên Giang với vụ khách sạn Hương Biển xây trái quy hoạch và có trời mới biết còn những lý cớ nào khác sẽ được lôi ra. Nguyễn Thanh Nghị lại là con trai cả của Nguyễn Tấn Dũng.
Sau tết nguyên đán 2018, vụ Đinh La Thăng “tập 2” sẽ được xử tiếp với “800 tỷ”, mà hầu như chắc chắn sẽ thêm tội cho ông Thăng và khiến ông này phải nhận mức án tổng cộng của hai vụ xét xử lên đến ít nhất 30 năm, nếu không phải là chung thân.
Vào buổi sáng ngày 7/2/2018, có một cuộc gặp mặt “chúc tết đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ nhân dịp đón Xuân Mậu Tuất 2018 do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì”.
Trong cuộc gặp trên, khi đề cập cuộc chiến chống tham nhũng, ông Trọng nói: “Chúng ta đã làm rất quyết liệt. Áp Tết rồi, toà vẫn vừa tuyên thêm một án tù chung thân với Trịnh Xuân Thanh. Ở TP.HCM thì đại án Phạm Công Danh cũng làm tiếp. Còn vụ 800 tỷ đồng tại Oceanbank thì để sau Tết, không để không khí nặng nề dịp vui Xuân. Sự nhân văn trong cuộc đấu tranh cũng là thế”.
Hiểu theo khẩu ngữ chân phương của ông Trọng thì nếu xử Đinh La Thăng trước tết sẽ khiến “không khí nặng nề”, tức mức án phải nặng thì mới gọi là “nặng nề”.
Trong trường hợp này, Nguyễn Phú Trọng đã tỏ ra “nhân văn” với Đinh La Thăng.
Phải chăng phát ngôn trên đã manh nha một “tư tưởng” mới đang hình thành trong đầu Nguyễn Phú Trọng - “chủ nghĩa nhân văn chống tham nhũng”?
Nếu đúng là thế, Nguyễn Phú Trọng đang trở nên thâm nho và đáng sợ đến thế nào đối với các đối thủ và đối tượng của ông ta.
Bởi cái cách Nguyễn Thiện Nhân “thay mặt Bộ Chính trị” đến thăm cựu Thủ tướng Dũng cũng rất có thể chứa đựng thâm ý “nhân văn trước tết”.
“Trời đánh tránh bữa ăn” - đảng luôn là người có trước có sau. Dù số phận của ông Dũng có ra sao, khó ai trách được ông Trọng mất tình mất nghĩa.
Sau tết nguyên đán 2018… Từ Đinh La Thăng đến Nguyễn Tấn Dũng dường như chỉ là một cung đường ngắn ngủi và trơn trượt.
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét