Ủy ban Quản lý vốn nhà nước: ‘bán mình’ và nhái lại SCIC? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước: ‘bán mình’ và nhái lại SCIC?


Đồng hồ nợ công của tạp chí The Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn $94 tỉ. (Hình: Trích từ website của The Economist)

Sự hình thành vội vã của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước - một cơ chế mới được thành lập theo một nghị quyết của Chính phủ Việt Nam vào đầu năm 2018 - cho thấy đảng cầm quyền vẫn còn nguyên trong trạng thái bế tắc về “mô hình điều hành” khối doanh nghiệp nhà nước và tắc nghẽn giải pháp quản lý vốn.

“Bò trước chuồng sau”

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sẽ phải làm thay trách nhiệm của SCIC (Tổng Công Ty Đầu Tư và Kinh Doanh Vốn Nhà Nước) để quản lý 5,4 triệu tỷ đồng - tổng giá trị vốn và tài sản của 30 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế mà sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý - một con số khổng lồ và gấp đến gần 120% GDP hàng năm của kinh tế Việt Nam.

Dù được dư luận đặt cho biệt danh là “siêu ủy ban” và được báo chí nhà nước tung hô như một cơ chế mới mang tính “kiến tạo”, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước hóa ra lại được cho hình thành theo một cách chẳng giống ai: “bò trước chuồng sau”.

Bởi sau một thời gian ngắn “lên đồng”, báo chí và giới chuyên gia nhà nước bắt đầu có vẻ như bị “hố”: toàn bộ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chưa hề có, mà chỉ mới bắt đầu được xây dựng.

Trong khi đó, nhân sự lại “đi trước”. Đầu tháng Hai năm 2018, Thủ tướng Phúc bổ nhiệm cựu bí thư tỉnh ủy Cao Bằng là Nguyễn Hoàng Anh làm chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.

Vì sao chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc không thể chờ đến lúc hoàn thành quy chế hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, mà lại cấp tập cho ra đời ủy ban này đến thế?

Lại chủ nghĩa thành tích?

“Vùng cao” làm “đầu bò”?

Một chi tiết đáng mổ xẻ là tân chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước không được dư luận đánh giá cao về mặt chuyên môn, thậm chí có chuyên gia nhà nước nhận xét trình độ quản lý tài chính của ông Nguyễn Hoàng Anh là “dưới mức trung bình”. Một trong những lý do chính mà dư luận nêu ra là ông Anh chỉ quen với công tác đảng, hơn nữa lại từ “vùng cao” nên không đủ trình độ để phụ trách “siêu ủy ban” có tổng giá trị vốn và tài sản đạt đến 5,4 triệu tỷ đồng, cùng 30 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

Nhiều người cũng tự hỏi vì sao gần đây Tổng bí thư Trọng và thủ tướng Phúc lại có sở thích chọn lãnh đạo “vùng cao” làm “đầu bò” cho những cơ quan và doanh nghiệp lớn thuộc khối trung ương.

Trước khi cựu bí thư Cao Bằng Nguyễn Hoàng Anh được bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, một bí thư đảng vùng cao khác là ông Trần Sỹ Thanh - cựu bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn - đã được bổ nhiệm làm chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chức vụ trước đây thuộc về ông Đinh La Thăng và là nhân vật vừa bị ông Trọng cho “xộ khám” cùng 13 năm tù giam.

Ông Trần Sỹ Thanh cũng bị một số dư luận đánh giá là người ít hoặc chẳng có chuyên môn gì về lĩnh vực dầu khí.

Người ta cũng còn nhớ “vùng cao” là xuất xứ của cựu tổng bí thư Nông Đức Mạnh…

Có ít nhất một lý do để lý giải cho triết lý “bò trước, chuồng sau”: ông Trần Sỹ Thanh không chỉ được Chính phủ bổ nhiệm làm chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, mà còn được Ban Bí thư đảng bổ nhiệm làm Phó trưởng ban Kinh tế trung ương theo cơ chế kiêm nhiệm - một cơ chế mà “đảng nắm hết”, hoặc từ giờ trở đi “đảng không làm thay mà làm luôn”.

Cứ theo cách trên thì trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng Anh cũng có thể được Ban Bí thư cho “kiêm” một chức vụ gì đó bên đảng, mà dễ nhất là Phó trưởng ban Kinh tế trung ương.

“Quản lý vốn” như thế nào?

Trong số doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước quản lý, có nhiều cái tên “nổi tiếng” về tài sản lẫn thói độc quyền không chịu bỏ như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam…

Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đứng đầu bảng tổng sắp của các doanh nghiệp nhà nước về thành tích “chúa chổm”. Tại thời điểm cuối quý 2 năm 2017, tổng nợ phải trả tại EVN lên tới 490.635 tỷ đồng (khoảng 21,6 tỷ USD).

Nhiều tập đoàn kinh tế trước đây do bộ quản lý theo cơ chế “bộ chủ quản”. Tuy nhiên sau nhiều năm, đã phát sinh nhiều dự án mang công mắc nợ như chúa chổm với nước ngoài và các ngân hàng trong nước, nhiều dự án thua lỗ trầm trọng và cũng nhiều dự án đầu tư nhiều ngàn tỷ đồng nhưng kết quả là “trùm mền”.

Trong quá khứ, đã có ít nhất một lần một “siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước” được hình thành, nhưng đã chẳng “quản lý” được gì.

Vào năm 2005, Tổng Công Ty Đầu Tư và Kinh Doanh Vốn Nhà Nước (SCIC) được thành lập. Vào lúc thành lập, SCIC đã được giới chức quản trị và báo chí nhà nước tung hô như một cơ quan sẽ giúp cho bộ máy quản trị tinh gọn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Tuy nhiên, khoảng thời gian tồn tại hàng chục năm qua của SCIC cũng trùng với thời gian diễn ra phong trào tham nhũng ghê gớm nhất ở Việt Nam, tồn tại dưới “triều đại Nguyễn Tấn Dũng.” Cho đến những năm gần đây, rất nhiều dư luận xã hội đã cho rằng SCIC đã không làm gì khác ngoài việc lấy vốn nhà nước đi gửi ngân hàng để lấy lãi hoặc chỉ bỏ tiền vào những vụ việc mang màu sắc “trục lợi chính sách.” Trong khi đó, vốn nhà nước ở nhiều tập đoàn, tổng công ty vẫn đều đặn thất thoát: Vinashin, Vinalines trước đây và PVN gần đây.

Với kết quả quá sức hạn chế như vậy của SCIC, liệu “siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước” - đang được chính phủ và các bộ ngành cho thay thế SCIC - sẽ làm được gì, hay lại chỉ mang đến một tầng nấc trung gian mới? Hoặc còn tồi tệ hơn với chế độ “vua doanh nghiệp”?

Mặc dù những quan chức cao cấp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết mô hình của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước khác với SCIC, tức SCIC chỉ là một mô hình về quản lý và kinh doanh vốn nhà nước, còn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước quản lý tổng thể, là “định chế bao trùm”…, nhưng xem ra toàn bộ chức năng nhiệm vụ mới được sơ phác của ủy ban này lại chẳng có gì mới so với SCIC.

Có khác chăng là ý đồ lập ra Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.

Ý đồ gì?

Theo Bộ Nội vụ, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo chuyển đổi mô hình chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ phân tán sang tập trung .

Một điểm khác biệt cơ bản của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là được “nâng lên một tầm cao mới” khi trực thuộc chính phủ, trong khi SCIC trước đây chủ yếu thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính.

Như vậy, đã rõ là sau một thời gian dài thực hiện cơ chế “bộ chủ quản” nhưng đã gây ra quá nhiều hậu quả về tham nhũng và lãng phí, đảng cầm quyền đã tìm cách “ôm” những tập đoàn kinh tế lớn nhất, trở lại mô hình “kinh tế tập trung” của mấy chục năm trước đây để dễ bề quản lý.

Cơ chế “bò trước, chuồng sau” đã cho thấy ngay trước mắt, đảng muốn “ôm” nhân sự. Những vị trí “đầu bò” phải do đảng nắm.

Cơ chế “bò trước, chuồng sau” cũng khiến lộ ra một lỗ hổng lớn về quản lý: đảng đang trong quá trình chuyển thành “đảng nắm hết” và “đảng không làm thay mà làm luôn” có vẻ chỉ quan tâm chủ yếu đến nhân sự “cánh hẩu” chứ chưa cần biết Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sẽ hoạt động ra sao cùng hiệu quả như thế nào.

Một cơ sở quan trọng cho thấy mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sẽ khó có hiệu quả, hay nói cách khác là vẫn “bình mới rượu cũ”, là cho tới nay toàn bộ 12 - 13 dự án đầu tư ngàn tỷ nhưng phải “trùm mền” của Bộ Công thương vẫn hầu như được xử lý. Mà nếu không xử lý được các dự án lãng phí này, rất có khả năng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sẽ biến thành một SCIC khác, tức chỉ ngồi chơi và đem một số vốn khổng lồ gửi ngân hàng để “kiếm cơm”.

Một cơ sở quan trọng khác là cho tới nay SCIC vẫn chưa thể xử lý được nợ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, mà về thực chất đã lên tới 324 tỷ USD, chiếm tới 158% GDP Việt Nam - theo một tính toán của Tiến sĩ Vũ Quang Việt vào đầu năm 2017. Vậy thì Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sẽ làm được gì với số nợ khủng khiếp này?

May ra, ủy ban này sẽ có được tác dụng duy nhất là “bán mình”, tức bán vốn nhà nước tại những doanh nghiệp “bò sữa” để có tiền trang trải cho ngân sách quốc gia đang mau chóng cạn kiệt và có thể sụp đổ.

Trong quá khứ hai năm 2014 và 2015, SCIC đã bán đến 25 tỷ USD vốn nhà nước.

Bán, bán nữa, cho tới lúc chẳng còn gì để bán…


Phạm Chí Dũng
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad