Bộ trưởng Y tế VN bị loại khỏi danh sách giáo sư ‘đạt chuẩn’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

Bộ trưởng Y tế VN bị loại khỏi danh sách giáo sư ‘đạt chuẩn’


Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Theo nhận định của một chuyên gia giáo dục, việc gác hồ sơ giáo sư của Bộ trưởng Y tế và một số người không đủ để cứu một nền giáo dục 'bị lũng đoạn' nghiêm trọng.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người được đánh giá là “thừa tiêu chuẩn” chức danh giáo sư, đã không có tên trong danh sách 1.131 người “đạt chuẩn” được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước Việt Nam công bố ngày 6/3. Theo nhận định của một chuyên gia nhiều năm đóng góp cho giáo dục Việt Nam, việc tạm loại bà Tiến và một số người ra khỏi danh sách giáo sư không đủ để cứu một nền giáo dục “bị lũng đoạn” nghiêm trọng.

Theo danh sách công bố sau khi đợt rà soát của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, có 74 người được công nhận là giáo sư và 1.057 người là phó giáo sư. Như vậy, danh sách mới nhất đã giảm 11 giáo sư và 84 phó giáo sư so với danh sách công bố ngày 2/2.

Trong số 95 hồ sơ bị gác lại có hồ sơ của một vài quan chức như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (thuộc Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long…

Theo nhận định của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một tiến sĩ khoa học Bỉ nhiều năm làm việc tại Việt Nam, còn số 95 hồ sơ bị gác lại là “còn quá ít” và không giải quyết được vấn đề cốt lõi trong việc phong học hàm tại Việt Nam.

“Tôi thấy quá ít so với số gần 1.200 người. Vì so với năm ngoái, số người được đề cử lên giáo sư, phó giáo sư tăng vượt bậc, tăng gần 50%. Như vậy, chỉ có chưa tới 100 người không đạt thì tôi nghĩ việc rà soát chưa được tốt, kỹ càng và sâu và thời gian rà soát tôi thấy hơi ngắn. Hội đồng chức danh đã được chọn lựa cả năm nay rồi, mà chỉ bỏ ra hơn 1 tuần – 15 ngày để rà soát thì tôi thấy chưa được đầy đủ. Tôi cho rằng số người không đạt ít nhất cũng phải chiếm 1/3 trong số 1.200 người, nghĩa là ít nhất phải có khoảng 400 người [không đạt] thì tôi mới thấy là tự nhiên, còn ít hơn số đó thì tôi vẫn thấy có điều gì đó uẩn khúc”.

Nó là một cái ung thư cho nên không thể chữa ngoài da được. Không thể chỉ bác đi 75 hồ sơ mà ta nói rằng ta thay đổi được cục diện.

GS-TS. Nguyễn Đăng Hưng.
Việc rà soát học hàm “giáo sư”, “phó giáo sư” bắt đầu được thực hiện từ ngày 8/2 theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau khi dư luận nghi ngờ có “dấu hiệu bất thường” về số lượng người được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 tăng lên đột biến so với năm trước, hơn 1.200 người, tăng gần 60% so với năm 2016.

Bộ trưởng Y tế Việt Nam rơi vào danh sách cần phải xem xét lại sau khi có các đơn khiếu nại về việc công nhận chức danh giáo sư cho bà Tiến. Dư luận cho rằng nhiều quan chức Việt Nam mang danh “giáo sư” nhưng không tham gia giảng dạy, hướng dẫn hay nghiên cứu khoa học là một điều bất thường.

Tuần trước, một số thành viên trong Hội đồng chức danh giáo sư trả lời trên báo chí rằng Bộ trưởng Y tế Việt Nam được công nhận chức danh “giáo sư” vì “thừa tiêu chuẩn xét duyệt”, chứ không phải “vì bà ấy có quyền”, theo Tuổi Trẻ.

Theo hội đồng này, bà Tiến đã đào tạo 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ lấy bằng và đang đào tạo 3 nghiên cứu sinh. Bà có 2 cuốn chuyên khảo, 3 giáo trình, 3 sách tham khảo và 2 sách hướng dẫn. Bộ trưởng Y tế cũng chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở, có các bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế. Tổng số điểm của bà Tiến là 34,38 trong khi chức danh giáo sư chỉ yêu cầu 20 điểm.

Với kinh nghiệm gần 20 năm hướng dẫn nghiên cứu sinh tại Việt Nam, GS. Nguyễn Đăng Hưng cho rằng “vấn đề” trước hết nằm ngay trong bản thân Hội đồng chức danh giáo sư. Theo ông, nhiều thành viên trong hội đồng chỉ có chức danh “phó giáo sư” nhưng lại được giao trọng trách “xét duyệt” hồ sơ của các ứng viên chức danh giáo sư là một điều “ngược đời”. Ngoài ra, việc yêu cầu hội đồng này rà soát lại việc phong học hàm trước đó của mình chẳng khác nào hành động “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

“Khi Hội đồng chức danh đã việt vị rồi mà tiếp tục giao cho họ công việc rà soát thì không thỏa đáng và không hợp với tính khoa học của sự việc”, GS. Hưng nói.

Tôi cho rằng số người không đạt ít nhất cũng phải chiếm 1/3 trong số 1.200 người, nghĩa là ít nhất phải có khoảng 400 người [không đạt] thì tôi mới thấy là tự nhiên, còn ít hơn số đó thì tôi vẫn thấy có điều gì đó uẩn khúc.

GS-TS. Nguyễn Đăng Hưng.
Tiến sĩ khoa học của Bỉ cho rằng một nguyên nhân khác dẫn đến vấn nạn nở rộ chức danh “giáo sư” là do những người nắm quyền lực đã bằng mọi cách, từ mua bán cho đến dùng quyền gây ảnh hưởng, để có được học hàm nhằm xóa đi mặc cảm “có chức có quyền mà không có văn hóa hay không được đào tạo bài bản”.

Theo GS. Nguyễn Đăng Hưng, nếu không có “ý chí chính trị” và quyết tâm thực sự của những người nắm quyền quyết định thì mọi việc sẽ vẫn lại như cũ, và nền giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục “bị lũng đoạn” trong 10, 20 năm tới hay còn xa hơn. GS. Hưng nói:

“Nó là một cái ung thư cho nên không thể chữa ngoài da được. Không thể chỉ bác đi 75 hồ sơ mà ta nói rằng ta thay đổi được cục diện”.

Theo báo Tiền Phong, trong số 85 giáo sư được công nhận năm 2017, chỉ có 56 giáo sư có bài báo đăng trên tạp chí ISI và Scopus, chiếm gần 66%, và chỉ có 532 trong số 1.141, tức chưa đầy 47%, người được công nhận chức danh phó giáo sư là có bài báo đăng trên các tạp chí thế giới.


Khánh An
VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad