1. Cụ Hồ là người đặc biệt quan tâm đến giáo dục. Cụ Hồ có những câu nói nổi tiếng về giáo dục mà hàng chục triệu người Việt Nam qua nhiều thế hệ vẫn còn mãi nhớ. Đơn cử bằng hai ví dụ.
Đầu năm 1946, sau tổng tuyển cử toàn quốc, trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước VNDCCH, trả lời phỏng vấn phóng viên nước ngoài, đăng trên báo “Cứu Quốc” ngày 26-01-1946, cụ Hồ nói:
“Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.
(Tiếc rằng đó là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và cũng là duy nhất để bàu ra chủ tịch nước. Cho đến bây giờ đã qua 72 năm mà Việt Nam vẫn chưa có cuộc tổng tuyển cử toàn quốc lần thứ hai!)
Cũng là năm 1946, trong thư gửi các cháu thiếu nhi nhân ngày khai trường đầu tên của nước VNDCCH, cụ Hồ viết:
“Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”.
2. Từ sau Cụ Hồ, sự quan tâm đến giáo dục của lãnh đạo Việt Nam ngày càng kém đi. Nhưng ngược lại tính hình thức lại ngày càng tăng lên. Cứ đến ngày khai giảng năm học là phải nghe những bức thư sáo rỗng, phải đón tiếp các vị khách đến đánh ba hồi trống mà vô cùng tốn kém vất vả.
3. Giáo dục Việt Nam hiện nay đang rơi vào điểm khủng khoảng trầm trọng. Thế nhưng tại sao vẫn chưa thấy TBT Nguyễn Phú Trọng lên tiếng?
Có phải là vì ông đang chọn lựa thứ tự ưu tiên?
Là người đứng đầu trong Ban bí thư, nên quan tâm đầu tiên của TBT Nguyễn Phú Trọng là vai trò lãnh đạo của Đảng, mà chìa khóa là nhân sự. Bởi thế, mối quân tâm bậc nhất của ông là nhân sự chủ chốt.
Nhưng các nhân sự do Đảng bổ nhiệm đang tham nhũng khắp mọi nơi, làm mất lòng tin của nhân dân, buộc TBT Nguyễn Phú Trọng, cực chẳng đã, phải đẩy mạnh chống tham nhũng. Vì thế chống tham nhũng đã trở thành lá cờ của TBT Nguyễn Phú Trọng trong thời gian qua. Chống tham nhũng giúp thay đổi nhân sự và củng cố quyền lãnh đạo.
Song song với nhân sự, mối quan tâm cấp thiết đồng hành của TBT Nguyễn Phú Trọng là quân đội. Ông trực tiếp nắm giữ chức vụ Bí thư Quân ủy Trung ương.
Sau quân đội là công an. TBT Nguyễn Phú Trọng đã tham gia Đảng ủy Bộ Công An.
Ngày 28/12/2017 TBT Nguyễn Phú Trọng đã tham gia Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các tỉnh thành và đọc điễn văn chỉ đạo.
Bao giờ thì TBT Nguyễn Phú Trọng tham gia vào Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Ông có thể không tham gia Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng ông không thể bỏ qua một mặt trận vô cùng quan trọng cho sự cường thịnh của đất nước.
Hiện tại, TBT Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn chưa đề cập đến điều rất hệ trọng mà người dân đang rất lo lắng là cải cách giáo dục, đang gây ra nhiều ý kiến phản đối dữ dội trong toàn xã hội.
Một điều khác nữa đang xôn xao dư luận mà TBT Nguyễn Phú Trọng cũng chưa đề cập đến, là vị trí Bộ trưởng Bộ GD& ĐT. Rõ ràng ông Phùng Xuân Nhạ đã và đang thể hiện một sự yếu kém toàn diện, không thể đảm đương được vị trí người quyết định vận mệnh nền đại học và giáo dục phổ thông Việt Nam.
Điều thứ ba cần lưu ý, rằng tham nhũng chức quyền là loại tham nhũng nguy hiểm nhất trong tất cả các loại tham nhũng. Mà tham nhũng đến chức bộ trưởng là đại họa cho đất nước. Rõ ràng TBT Nguyễn Phú Trọng đang bỏ qua một phương diện tham nhũng đặc biệt nguy hiểm.
Giáo dục là một trong ba mặt trận hàng đầu mà Cụ Hồ phải tập trung lực lượng để chống lại – là giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm. Sự quan tâm chưa đúng mức đến giáo dục đã làm cho đất nước suy yếu, xã hội thêm băng hoại, khoa học kỹ thuật kém phát triển. Đó là sai lầm đắt giá của nhiều lãnh đạo Việt Nam sau năm 1975. Có ông cả chục năm chỉ biết nói nuôi con gì, trồng cây gì, mà không biết đọc sách gì.
Giáo dục là đại sự quốc gia, không thể né tránh. Bao giờ thì TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ lên tiếng về giáo dục?
Cái lò của TBT Nguyễn Phú Trọng có kén chọn các loại củi?
Nguyễn Ngọc Chu
FB Nguyễn Ngọc Chu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét